16-11-2014
Quan Âm Pháp

Tuần 8 16/11/2014

PHẦN 2: CHÁNH THỰC HÀNH (tiếp theo)

Bảy phần của Chánh Thực Hành:

1. Sinh Khởi Nền Tảng và Chư Vị Ngự Trên Nền Tảng (tuần 3&4)

2. Triệu Thỉnh (tuần 5)

3. Thỉnh An Ngự (tuần 5)

4. Đảnh Lễ (tuần 8)

5. Cúng Dường (tuần 8)

6. Cúng Dường Đặc Biệt

7. Tán Thán

2.4 Đảnh Lễ

Chúng ta bắt đầu từ phần Đảnh Lễ. Ở đây quý vị cần hiểu vài điểm. Chánh Thực Hành có tổng cộng bảy phần, phần Đảnh Lễ này là phần thứ tư trong bảy phần. Trong nghi quỹ Quan Âm Pháp, phần đảnh lễ là phần rất quan trọng. Trước hết, thông thường nhiều người cho rằng chỉ cần nhắm mắt và thiền quán về Đức Phật chính là thực hành, đó là quan điểm rất sai lầm. Với mọi pháp hành, quý vị phải nắm rõ trình tự thực hành, điều này rất quan trọng. Thứ hai, một điểm quan trọng khác là không chỉ bản thân quý vị phải biết rõ từng bước thực hành, mà quý vị phải học trình tự thực hành từ một người có kiến thức và kinh nghiệm về pháp hành đó. Với mọi pháp hành, quý vị phải học và hiểu trình tự thực hành từ một người thật sự có kinh nghiệm và kiến thức. Vài ngày trước, khi tôi hướng dẫn hành thiền ở đây, có một người phụ nữ đã hỏi tôi một câu rất sắc bén. Cô ấy hỏi: “Với phương pháp thiền này thì kinh nghiệm cao nhất chúng ta có thể đạt đến là gì?” Trong phần hỏi đáp, quý vị hãy chỉ hỏi tôi những vấn đề thuộc về pháp hành này và những gì tôi đã giảng. Ở Việt Nam, một số người đọc sách và thực hành theo, khi gặp trở khó khăn thì họ hỏi tôi, hoặc trước đó họ hỏi một vị thầy khác và thực hành theo, rồi đến khi gặp khó khăn họ hỏi tôi. Tôi sẽ không giải đáp các thắc mắc đó. Khi quý vị đọc sách và thực hành theo, nếu gặp khó khăn thì hãy hỏi tác giả quyển sách chứ đừng hỏi tôi [Thầy cười]. Trong phần Chánh Thực Hành có tất cả bảy bước. Bước thứ tư là đảnh lễ. Trong các bước trước đó, chúng ta đã quán tưởng sinh khởi mạn-đà-la và thỉnh vị bổn tôn đến. Sau khi thỉnh vị bổn tôn đến, chúng ta sẽ đảnh lễ và cúng dường. Quý vị có thấy tôi không? Trước hết tôi xin phép được uống nước. Sáng nay chúng tôi có buổi lễ quán đảnh, sau buổi lễ tôi dùng trưa và gặp một số người. Sau đó tôi đi leo núi nên bây giờ tôi thấy khát nước. Tôi mới vừa trở về từ ngọn núi khoảng một giờ trước. Nếu quý vị có nước thì hãy uống nước.

Chánh văn ghi:

HRIH, từ trạng thái vô xả thủ, tựa như phong cách của Đại Lạc Hóa Thiên, trong vũ khúc với đôi tay điệu bộ khéo léo, trong sự xa lìa sai ngộ, tự liễu tri, xin đảnh lễ Chư thiên chúng của Bậc Hoại Hữu Tâm Đại Bi. NAMO PURU SHAYA HOH

Ở đây, quý vị quán tưởng Đức Quán Thế Âm và tất cả chư thiên trong mạn-đà-la. Bậc Hoại Hữu Tâm Đại Bi chính là Đức Quán Thế Âm và Chư thiên chúng là tất cả chư bổn tôn trong mạn-đà-la của Đức Quán Thế Âm. Trong chữ “vô xả thủ”, “xả” có nghĩa là buông bỏ, “thủ” có nghĩa là nắm giữ, “vô xả thủ” có nghĩa là không nắm giữ cũng không buông bỏ. Thông thường tâm ta có rất nhiều nhận thức sai lầm. “Vô xả thủ” là sự nhận thức hoàn toàn không sai lệch. Thông thường tâm ta chất chứa rất nhiều nhận thức sai lầm. Tâm thức tri nhận hoàn toàn không sai lệch chính là trạng thái của một vị Phật, hay Phật quả. Luân hồi và Phật quả chỉ khác nhau ở chỗ tâm thức có tri nhận sai lầm hay không. Khi tiến hành đảnh lễ, tay ấn của quý vị phải như thế này*. Khi tụng bài kệ này, quý vị quán tưởng mình đang đảnh lễ Đức Quán Thế Âm và toàn thể chư thiên. Như tôi đã nói, tay ấn này biểu trưng cho viên ngọc như ý. Nói chung, có hai kiểu đảnh lễ: đảnh lễ toàn thân và đảnh lễ ngắn. Khi lễ lạy ngắn, năm điểm trên cơ thể quý vị phải chạm đất, đó là hai lòng bàn tay, hai đầu gối, và trán. Chạm năm điểm này xuống đất biểu trưng cho năm uẩn của cơ thể chuyển hóa thành năm vị Phật khác nhau. Năm uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn. Năm vị Phật là Đại Nhật Như Lai (Phật Tỳ-lô-giá-na), Bảo Sanh Như Lai, A Di Đà Như Lai, Bất Không Thành Tựu Như Lai, và Bất Động Như Lai.

Tôi thường nói với mọi người tôi là một vị tăng đã già, nhưng hôm nay trong lúc leo núi tôi thấy mình vẫn chưa già mà còn khá trẻ [Thầy cười]. Khi leo lên tôi không thấy mệt, nhưng lúc leo xuống tôi hơi mệt và cảm thấy khó chịu ở bàn chân và đầu gối. Lúc leo xuống có cảm giác như tôi sắp bị trượt xuống dưới. Khi lễ lạy ngắn, quý vị phải chạm hai lòng bàn tay, hai đầu gối, và trán của mình xuống đất. Năm điểm xúc chạm này biểu trưng cho năm uẩn chuyển hóa thành năm vị Phật. Khi nói đến năm vị Phật, người ta thường nghĩ năm vị Phật này tách biệt. Thật sự thì không phải như vậy. Khi chúng ta giác ngộ, năm uẩn trong cơ thể ta sẽ chuyển hóa thành năm vị Phật. Chúng ta phải nghĩ như vậy.

Chánh văn nói,

trong vũ khúc với đôi tay điệu bộ khéo léo, trong sự xa lìa sai ngộ, tự liễu tri,

Đoạn này cũng như một vài ví dụ, không quá quan trọng, có nghĩa là chúng ta phải đảnh lễ mà không có nhận thức sai lầm nào cả. Nếu ở bước này quý vị đang ngồi tụng bài kệ thì không cần đứng dậy để đảnh lễ. Nếu đảnh lễ thì quý vị có thể tiến hành đảnh lễ toàn thân hoặc lễ lạy ngắn tùy theo sự tiện lợi của quý vị. Lần trước khi tôi giới thiệu phương pháp thiền giảm stress, tôi đã nghĩ đến việc giới thiệu cách lễ lạy toàn thân như một bài tập thể dục. Tuy nhiên, vài học trò nói rằng làm như vậy thì nặng tính tôn giáo quá [Thầy cười]. Tôi đã dự tính giới thiệu cách lễ lạy toàn thân như một bài thể dục nhưng các học trò cho rằng làm như vậy sẽ mang tính tôn giáo, vì vậy tôi đã bỏ qua. Khi giới thiệu phương pháp thiền giảm stress ở một bệnh viện, một nơi công cộng, đôi lúc chúng ta không nên đề cập đến tôn giáo mà phải nói về phương pháp thiền một cách khoa học. Bây giờ chúng ta nói đến lễ lạy toàn thân, rất tôn giáo [Thầy cười]. Có quý vị nào tình nguyện lễ lạy ngắn không? Tôi muốn xem.

Khi lễ lạy, hai tay chúng ta phải thực hiện tay ấn như tôi vừa nói. Khi lễ lạy toàn thân, trước hết chúng ta đưa hai tay chạm đỉnh đầu, rồi chạm vào cổ họng, và sau đó chạm vào tim [giữa ngực]. Đối với lễ lạy ngắn, hai tay ta có thể chạm vào trán thay vì chạm đỉnh đầu. Khi lễ lạy ngắn, hai tay ta chạm trán, rồi chạm cổ họng, và chạm vào tim. Sau khi hai tay đã chạm vào ba điểm như thế, chúng ta lễ lạy xuống và chạm năm điểm của cơ thể là hai lòng bàn tay, hai đầu gối, và trán xuống đất. Khi tụng đến bài kệ này, nếu quý vị không thể lễ lạy [bằng thân] thì có thể quán tưởng quý vị và tất cả chúng sinh đang đảnh lễ Đức Quán Thế Âm và toàn thể chư bổn tôn.

trong vũ khúc với đôi tay điệu bộ khéo léo, trong sự xa lìa sai ngộ, tự liễu tri, xin đảnh lễ Chư thiên chúng của Bậc Hoại Hữu Tâm Đại Bi. NAMO PURU SHAYA HOH

Sau khi tụng hết đoạn kệ, quý vị nhắm mắt và quán tưởng mình và tất cả chúng sinh đang đảnh lễ Đức Quán Thế Âm cùng toàn thể chư bổn tôn.

Nói chung, khi có thời gian rỗi quý vị có thể lễ lạy. Lễ lạy là một bài thể dục khá tốt, vì vậy quý vị có thể lễ lạy như là tập thể dục. Nếu không có thời gian rỗi thì không sao. Tôi nghĩ đi bộ là một bài thể dục tốt hơn cả lễ lạy. Đi bộ và tập thể dục rất quan trọng. Thông thường người ta dùng nhiều phương tiện đi lại như ôtô, xe máy…, họ lạm dụng các phương tiện và không đi bộ đủ nhiều để rèn luyện cơ thể. Đó có thể là nguyên nhân khiến cho người ta mắc rất nhiều bệnh. Hơn nữa, khi ăn nhiều thịt quý vị cũng cần tập thể dục nhiều hơn vì một số thành phần trong thức ăn không thể được tiêu hóa hoàn toàn. Vì vậy, tập thể dục là điều rất quan trọng. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống đúng cách và tránh dùng các thứ có hại như rượu và thuốc lá; thực hiện ba điều này sẽ tốt hơn thực hành Phật Dược Sư [Thầy cười]. Đây là những điều rất thực tế và chúng ta không thể vượt ra ngoài thực tế. Trong Kinh Kim Cang, chương đầu tiên có kể chuyện Đức Phật đi khất thực vào buổi sáng, cho thấy Đức Phật cũng đã chọn cách thức rèn luyện tốt. Dù Phật có thể đi xe ngựa nhưng Ngài không bao giờ đi xe ngựa mà chỉ đi bộ để xin ăn. Việc đó được nói rõ trong Kinh Kim Cang.

Tôi nhận được nhiều thư điện tử từ nhiều người bệnh. Nhiều lúc, ở độ tuổi của họ thì lẽ ra họ không phải mắc các chứng bệnh như vậy. Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn, có thể là do không tập thể dục hoặc do ăn uống không đúng. Tôi thật sự cảm thấy vấn đề này quan trọng nên tôi nói ra ngoài chủ đề chính. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng. Vì thế, quý vị hãy cẩn thận trong vấn đề này, đặc biệt là phải tập thể dục, ăn uống đúng đắn, và không dùng các thứ có hại như rượu và thuốc lá. Nếu quý vị tuân thủ ba điểm này thì tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn cả thực hành Phật Dược Sư. Người ta thường nghĩ Phật Dược Sư là phương án duy nhất. Tôi không nói Phật Dược Sư không thể giúp, Ngài có thể giúp ích; tuy nhiên, trước hết quý vị phải làm những việc đúng đắn. Tôi thường nhận được thư điện tử từ nhiều nước khác nhau thỉnh cầu tôi cầu nguyện cho người bệnh. Điều đó thật đáng buồn. Tôi nhìn vào độ tuổi của họ và cảm thấy thật đáng buồn. Tôi thấy vấn đề này rất quan trọng. Nhiều người còn muốn tự sát nữa, thật đáng buồn. Vài ngày trước tôi gặp một người phụ nữ. Cô ấy nói muốn tự sát. Một mặt, đó là điều đáng buồn nhưng theo một khía cạnh khác, đó là một lối suy nghĩ rất sai lầm do không hiểu cách tư duy đúng đắn.

Tôi vừa nói ra ngoài một chút, bây giờ tôi trở lại chủ đề. Tuy nhiên, tôi cảm thấy những gì tôi vừa nói rất quan trọng. Quý vị phải rất cẩn trọng. Nhiều người nghĩ rằng Phật Dược Sư sẽ giúp giải quyết tất cả. Thật sự không phải như vậy. Quý vị cũng có thể làm rất nhiều điều. Quý vị từng thấy mỗi khi chúng ta cầu nguyện, danh sách cần cầu nguyện rất dài. Chúng ta có thể làm điều gì đó để cải thiện tình hình. Tôi nghĩ việc chăm sóc sức khỏe thể chất một cách khoa học là điều rất quan trọng và Phật Dược Sư là một phương án khác theo tôn giáo. Quý vị phải kết hợp cả hai phương cách này, như vậy thì chúng sẽ rất hữu hiệu. Có một chuyện vui. Hôm nay lúc tôi leo núi, khi leo lên họ nói rằng leo núi rất tốt cho tim. Khi leo xuống chúng tôi phải đi xuống nhanh một chút và họ nói với tôi đi xuống nhanh như vậy rất có hại cho đầu gối. Cũng là leo núi, tốt cho tim nhưng lại hại đầu gối [Thầy cười]. Họ nói rằng lúc leo xuống chúng ta dồn sức nặng vào đầu gối quá nhiều.

Bây giờ chúng ta trở lại bài giảng. Sau phần đảnh lễ là phần cúng dường.

2.5 Cúng Dường

Đây là cúng dường trong ý nghĩ lên Đức Quán Thế Âm:

HRIH Kính dâng lên mây cúng dường Phổ Hiền, năm diệu dục như là hoa, hương, đèn, nước hoa, thực phẩm, âm nhạc cùng tất cả phồn thịnh của trời và người (không thiếu một thứ nào). OM BENZA ARGHAM PADYAM PUSPE DHUSPE ALOKE GENDHE NIUDHE SHAPTA RUPA SHAPTA GENDHE RASA PARSHA MAHA SARWA PU ZA KHA HIH

Ở đây, khi cúng dường quý vị quán tưởng lễ vật cúng dường tựa như mây trên bầu trời, có nghĩa là có vô vàn lễ vật cúng dường. Quý vị có thể thấy các cúng phẩm gồm hoa, hương, đèn bơ, nước…; quý vị dâng cúng tất cả những phẩm vật này lên Đức Quán Thế Âm. Hồi trước tôi hay cúng dường đèn bơ. Có một hôm đèn bơ đốt cháy vài tờ giấy của tôi và kể từ đó tôi không cúng Phật đèn bơ nữa. Có lẽ Đức Phật phải sống trong cảnh tăm tối [Thầy cười]. Tuy nhiên, tôi nghĩ tôi đang cúng dường Đức Phật theo cách rất hiện đại. Quý vị đều biết là tôi không dùng điện thoại thông minh và các thiết bị trợ giúp cá nhân. Người ta thường cúng dường tôi iPad và máy tính, và tôi cúng dường tất cả lên Đức Phật trong phòng tôi. Tôi không bao giờ dùng đến những món đó và tôi cúng dường Đức Phật. Bây giờ tôi ngày càng hiện đại và Đức Phật cũng hiện đại, Ngài dùng iPad và máy tính. Tôi không hề dùng đến các món đồ đó, thậm chí tem niêm yết sản phẩm vẫn còn nguyên và tôi cúng dường lên Đức Phật. Bây giờ tôi nghĩ có lẽ tôi phải tách bàn thờ ra vì có quá nhiều món trên bàn thờ Phật. Tôi đang nghĩ đến việc dựng thêm một cái bàn thờ nữa để tiếp tục cúng dường lên Đức Phật [Thầy cười]. Khi tôi du hành cùng cái máy tính cũ, người ta nói sẽ cúng dường tôi một cái máy tính mới. Tôi cũng nói tương tự, nếu họ cúng dường tôi máy tính mới thì nó sẽ được đặt lên bàn thờ Phật. Tôi không dùng đến. Có người hỏi tôi: “Rinpoche, Ngài nghĩ Đức Phật có thật sự dùng những cái máy tính Ngài để trên bàn thờ không?” Tôi nghĩ Phật dùng hay không tùy vào ước muốn của Ngài. Nếu Đức Phật muốn trở nên rất hiện đại thì tôi nghĩ Ngài buộc phải dùng thôi [Thầy cười]. Tôi chỉ đùa thôi!

Có người nói với tôi dùng điện thoại thông minh sẽ tiện hơn vì trong đó có các chương trình như Line, WhatsApp và sử dụng chúng có thể tiết kiệm chi phí gọi điện đường dài. Hiện tại tôi đang dùng điện thoại không có kết nối Internet, mỗi khi tôi gọi điện đường dài thì cước điện thoại đắt hơn. Ở Đài Loan, vài người hỏi “Rinpoche, sao Ngài không dùng điện thoại thông minh?” Tôi nói với họ vì tôi không thông minh. Phải là người thông minh thì mới dùng được điện thoại thông minh, tôi không thông minh nên tôi không dùng. Nếu các công ty làm ra điện thoại siêu thông minh thì có lẽ lúc đó tôi sẽ dùng [Thầy cười]. Lần trước tôi có nói chuyện trong một bệnh viện. Tôi hỏi có bao nhiêu người ở đây có thể sống trong ba ngày mà không có điện thoại thông minh và tôi nói họ giơ tay. Zero! Không ai giơ tay cả, họ cảm thấy điều đó rất khó khăn.

Nếu quý vị rất thích các món đồ như máy tính…, quý vị có thể quán tưởng và cúng dường lên Đức Phật. Ở đây kinh văn nói đến hoa, hương, đèn bơ, nước…, và quý vị cũng có thể quán tưởng mọi thứ mình thích như đồng hồ, điện thoại, iPad… và cúng dường lên Đức Phật. Cúng dường là pháp thực hành để tích tập công đức, quý vị có thể quán tưởng và cúng dường. Quý vị có thể thấy:

cùng tất cả phồn thịnh của trời và người (không thiếu một thứ nào)

Ở đây chúng ta quán tưởng mọi lễ vật, mọi thứ tốt nhất và quý nhất của tất cả cõi Trời và Người. Chúng ta quán tưởng các lễ vật đó và dâng cúng lên bổn tôn và chư thiên.

Tiếp theo là câu chú cúng dường:

OM BENZA ARGHAM PADYAM PUSPE DHUSPE ALOKE GENDHE NIUDHE SHAPTA RUPA SHAPTA GENDHE RASA PARSHA MAHA SARWA PU ZA KHA HIH

Ở bước này, tay phải quý vị cầm chày kim cang, tay trái cầm chuông và thực hiện các ấn cúng dường*. Khi cầm chày kim cang và chuông, trước hết quý vị cầm chày kim cang lên, và sau đó mới cầm chuông lên. Chày kim cang biểu trưng cho tâm giác ngộ, chuông biểu trưng cho tánh không. Vì vậy, mỗi khi cầm chày kim cang và chuông, quý vị phải cầm chày kim cang lên tay trước, rồi mới cầm chuông lên, không được cầm hai món lên cùng một lúc. Tay phải cầm chày thẳng đứng và cao hơn tay trái cầm chuông, nhưng đừng giữ chày kim cang quá cao mà nên cầm chày ở khoảng ngang vùng tim [giữa ngực]. Với những pháp hành thế này, đôi lúc chúng tôi cũng phạm lỗi và trong tu viện người ta sẽ nói “Thầy anh dạy anh không đúng rồi!”. Nếu quý vị nhấc chày kim cang và chuông lên cùng một lúc thì có lẽ sẽ có người nói “Thầy anh dạy anh không đúng rồi!” [Thầy cười]

[ARGHAM cúng dường Nước uống

PADYAM cúng dường Nước rửa

PUSPE cúng dường Hoa

DHUSPE cúng dường Hương

ALOKE cúng dường Đèn

GENDHE cúng dường Nước hoa (dầu thơm)

NIUDHE cúng dường Thực phẩm

SHAPTA cúng dường Âm nhạc]

Mỗi một thế ấn có nhiều cách thực hiện. Trong Mật điển, các thế ấn có nhiều cách thực hiện tùy theo các hệ thống khác nhau. Nếu thấy ai đó thực hiện thế ấn theo cách khác thì quý vị cũng đừng hỏi tôi. Quý vị có thể chọn cách mình muốn. Khi thực hiện ấn shấp ta, quý vị rung chuông ngay tại tim mình. Vào buổi học tiếp theo tôi sẽ hướng dẫn thực hiện các thế ấn một lần nữa. Hiện tại quý vị không cần vội vã thực hiện các thế ấn này. Nếu vội vã thì quý vị sẽ làm sai. Khi quý vị làm sai có thể quý vị sẽ đổ thừa tại tôi dạy như vậy [Thầy cười]. Đừng hấp tấp! Lần tới tôi sẽ hướng dẫn một lần nữa. Đối với ba thế ấn còn lại [là RÚP PA, RASA, PAR SHA], tôi sẽ hướng dẫn sau. Hôm nay chúng ta đã học tám thế ấn cúng dường.

Có lẽ tôi dành vài phút cho phần hỏi đáp.

HỎI ĐÁP

Hỏi: Khi quán tưởng ba chủng tự OM AH HUM thì nên quán tưởng màu của các chủng tự như thế nào?

Rinpoche: Điều này tùy thuộc vào việc chúng ta đang thực hành pháp nào. Thông thường chúng ta phải quán tưởng ánh sáng cùng với màu sắc.

Hỏi: Khi cúng dường thì bắt ấn mấy lần và tụng bao nhiêu lần ạ?

Rinpoche: Quý vị thực hiện tay ấn một lần và tụng câu chú cúng dường một lần.

Hỏi: Khi con thực hành thiền 10 lần, mỗi lần 3 phút, đến lần thứ 7 thứ 8 thì con cảm thấy bị đau ở đầu và đầu con cảm thấy nặng giống như bị tiêm thuốc. Con phải làm gì để khắc phục tình trạng đó? Khi con thực hành trong khoảng 10 phút thì con cảm thấy cơ thể bị nghiêng về phía bên trái chứ không thẳng nữa.

Rinpoche: Về câu hỏi thứ hai, khi hành thiền cảm thấy cơ thể nghiêng sang bên trái, không sao hết. Thật sự thì cơ thể không di chuyển nhưng quý vị có cảm giác như thế rất mạnh. Có lúc người ta cũng cảm thấy đầu họ di chuyển chứ không còn thẳng nữa. Khi cảm thấy cơ thể mình không còn thẳng nữa có nghĩa là quý vị đã thiền khá sâu. Khi đi khá sâu vào thiền thì quý vị sẽ bắt đầu cảm thấy thân người không còn thẳng nữa, đầu cũng không còn thẳng. Quý vị có thể cảm nhận như vậy. Về phần thứ nhất, nếu thực hành thiền chỉ mà quý vị có cảm giác như bị tiêm thuốc vào đầu thì hãy giảm thời lượng hành thiền xuống.

Hỏi: Khi bị mất chánh niệm con cố tập trung vào hơi thở nhưng vẫn không tập trung trở lại được. Xin thầy chỉ dẫn cho con cách khác để con có thể tập trung trở về chánh niệm được tốt hơn.

Rinpoche: Hãy đếm hơi thở. Thở vào đếm 1, thở ra đếm 2… và đếm như vậy đến 10. Nếu quý vị vẫn còn mất tập trung thì hãy đếm đến 20 hoặc 30.

Hỏi: Xin ngài giải đáp về tứ bộ mật pháp.

Rinpoche: Nói về tứ bộ mật pháp là điều không dễ dàng lắm vì cần nhiều thời gian để giảng giải. Có nhiều loại thực hành trong Kim Cang thừa. Một cách phân loại đó là phân thành bốn bộ mà chúng ta hay gọi là bốn bộ mật pháp. Tất cả mật pháp Đức Phật truyền dạy có thể được chia làm bốn loại. Bây giờ quý vị sẽ nghĩ loại nào tốt nhất. Không có loại nào tốt nhất cả. Nếu quý vị biết cách thực hành đúng thì thực hành mật pháp nào cũng được, nếu không biết cách thực hành thì dù có thực hành loại nào đi nữa cũng đều không có kết quả. Có lẽ tôi sẽ giảng giải sau và sẽ đi vào chi tiết hơn.

Hỏi: Con chưa nhận quán đảnh Kim Cang Tát Đỏa thì khi tụng chú trăm âm con sẽ quán tưởng như thế nào?

Rinpoche: Không sao cả. Chỉ cần quán tưởng có hào quang tỏa ra từ Đức Kim Cang Tát Đỏa. Không sao hết! Nếu chưa nhận quán đảnh thì quý vị không thể quán tưởng bản thân chuyển hóa thành ngài Kim Cang Tát Đỏa, phần còn lại quý vị có thể thực hành theo, không sao hết.

Hỏi: Hiện nay bàn thờ Phật của con có thờ đủ năm món diệu dục, nhưng con chưa biết bắt ấn. Hàng ngày con vẫn thay nước, hoa… thì liệu Đức Phật có chứng nhận cho những món cúng dường của con không ạ?

Rinpoche: [cười] Không sao hết. Thậm chí nếu quý vị không thực hiện tay ấn thì Đức Phật cũng nhận được cúng phẩm. Điều quan trọng nhất là việc cúng dường phải xuất phát từ trong tim quý vị. Khi quý vị thật sự cúng dường bằng cả tấm lòng thì đó chính là cúng dường tốt nhất, dù quý vị không thực hiện tay ấn. Nếu quý vị tận tâm với Đức Phật thì Ngài sẽ hết lòng với quý vị. Nếu quý vị cư xử chỉ 50% với Đức Phật thì Ngài cũng sẽ cư xử 50% với quý vị. Khi cúng dường điều quan trọng nhất là việc cúng dường phải xuất phát từ trong tim. Nếu quý vị cố tỏ ra thông minh với Đức Phật thì Ngài cũng sẽ như vậy đối với quý vị. Trong mối quan hệ giữa con người với nhau điều này cũng rất quan trọng. Nếu quý vị tin tưởng ai đó, hãy tin tưởng 100%. Đừng cố hành xử theo kiểu ngoại giao. Nếu quý vị đối xử với mọi người theo kiểu ngoại giao thì người khác cũng tự nhiên đối xử với quý vị hệt như vậy. Nếu quý vị đã không tin tưởng thì hãy hoàn toàn không tin tưởng. Trong quan hệ với người khác đừng có mưu mẹo và cũng đừng làm như vậy đối với Đức Phật.

Nhiều năm trước trong tu viện, tôi đã thử nghiệm với các chú tiểu nhỏ để xem các chú tiểu tin tưởng tôi ra sao. Tôi hỉ mũi vào một tờ giấy và nhờ các chú tiểu vứt tờ giấy đó. Hồi đó các chú tiểu khoảng 8 tuổi. Lúc đó tôi giả vờ đọc sách nhưng vẫn theo dõi xem các chú tiểu phản ứng ra sao. Có một chú tiểu đến và không ngần ngại cầm lấy tờ giấy chứa chất bẩn mang đi bỏ. Một chú khác đến nhưng chú ta không cầm tờ giấy vì cảm thấy tờ giấy rất dơ; chú chỉ cầm phần rìa của tờ giấy và mang tờ giấy đi bỏ [Thầy cười]. Tôi đã thật sự ngạc nhiên khi có một chú tiểu đến và không ngần ngại cầm tờ giấy khi tôi nhờ các chú vứt tờ giấy. Chú tiểu đó hiện tại vẫn còn ở tu viện. Chú tiểu sợ dơ đã rời tu viện.

Trong pháp thực hành cúng dường trong tâm ý, tín tâm của quý vị đối với Đức Phật rất quan trọng. Trong quan hệ giữa con người với nhau, tặng quà chỉ là bước đầu, muốn giữ gìn mối quan hệ thì quý vị cần lòng tin. Lòng tin chỉ đến khi quý vị nói thật với nhau. Điều này rất quan trọng để giữ gìn các mối quan hệ. Trong thế giới ở thế kỷ XXI này, mọi người đều trở nên rất khôn ngoan và nếu trong các mối quan hệ quý vị cố tỏ ra khôn ngoan thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi cúng dường với tín tâm hoàn toàn vào Đức Phật là điều rất quan trọng. Lòng thành kính và tín tâm hoàn toàn vào Đức Phật là điều quan trọng nhất. Các thế ấn không mấy quan trọng. Khi tin tưởng Đức Phật thì quý vị hãy làm theo những gì Ngài dạy. Nếu quý vị nói mình tin tưởng Đức Phật nhưng lại không làm theo những gì Ngài dạy thì lòng tin đó của quý vị trở nên rất vô dụng. Nếu quý vị nói mình rất tin tưởng một người nhưng khi người đó khuyên bảo quý vị lại không làm bất cứ điều gì họ nói thì lòng tin của quý vị rất vô ích. Vì thế, khi cúng dường, điều quan trọng nhất là tín tâm của quý vị đối với Đức Phật.

Hỏi: Con bị chảy nước mắt khi thực hành thiền. Xin ngài hướng dẫn con nguyên nhân và cách hóa giải.

Rinpoche: Chảy nước mắt có phải là khóc không? Vậy thì tốt! Có một câu nói “Khóc thật lòng tốt hơn cười giả dối.” Lần trước tôi có nói chuyện ở một trường đại học. Họ cho tôi xem những bức ảnh trong đó tất cả sinh viên đều cười. Lúc đó họ giới thiệu trường đại học với tôi. Ở ngôi trường đó tôi đã nói về chủ đề “Tìm Thấy Niềm Vui và Trí Tuệ” Khi họ cho tôi xem những bức ảnh trong đó mọi sinh viên đều cười, tôi biết 90% đó là những nụ cười giả dối, bởi vì ở Đài Loan, mỗi khi chụp hình người chụp hình thường yêu cầu mọi người cười lên trước khi chụp [Thầy cười]. Vì vậy tôi biết hình ảnh sinh viên tươi cười và nhảy nhót là diễn kịch thôi. Khi quý vị rơi nước mắt trong lúc hành thiền, đó là nước mắt chân thật và nó ngàn lần tốt hơn những nụ cười giả dối. Nếu rơi nước mắt với tín tâm, lòng thành và tâm bi mẫn thì không sao hết. Không có gì sai trái cả. Thời xưa có một vị đạo sư dòng Kadampa lúc nào cũng khóc trong lúc tu tập vì ông ấy luôn nghĩ về nỗi khổ của chúng sinh. Lúc nào ông ấy cũng khóc. Người ta nói rằng trong suốt cuộc đời ông ấy chỉ cười đúng hai lần, còn lại lúc nào ông cũng khóc. Vì vậy không sao cả.

Hỏi: Khi đọc Bát Nhã Tâm Kinh con có tập quán ngũ uẩn, sắc thọ tưởng hành thức, con thấy hành uẩn của con là một chuỗi hình ảnh hiện lên liên miên không dứt. Xin thầy dạy con cách chấm dứt và cách đối trị thọ uẩn và hành uẩn.

Rinpoche: Tôi nghĩ quý vị không cần phải thực hành về năm uẩn trong lúc đọc Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh chủ yếu nói về tánh không, vì vậy quý vị phải thực hành tánh không. Cách thực hành tánh không sẽ đến ở phần sau của quyển Giải Thoát Trong Lòng Tay. Nó không đơn giản như những gì quý vị đang hiểu.

Hỏi: Xin ngài chỉ cho cách cúng dường khói hương!

Rinpoche: Không có cách thức đặc biệt nào để cúng dường hương. Quý vị cúng dường hương theo cách nào cũng được cả. Quý vị có thể cúng dường theo bất cứ cách nào mình thích.

Hỏi: Con có thể kết hợp phần gia trì torma chướng ngại và phần thiền quán tưởng Mã Đầu Minh Vương không ạ?

Rinpoche: Phần gia trì torma chướng ngại cũng là phần quán tưởng Mã Đầu Minh Vương nên kết hợp thực hành vẫn được. Mã Đầu Minh Vương chính là hiện thân phẫn nộ của Đức Quán Thế Âm.

Hỏi: Khi thực hành Quan Âm Pháp thì khi nào có thể quán tưởng Đức Quán Thế Âm hòa nhập vào mình ạ?

Rinpoche: Hãy chờ, phần đó sẽ đến sau trong nghi quỹ. Tới thời điểm này quý vị không cần quán hòa tan Đức Quán Thế Âm vào cơ thể mình. Hãy cứ thực hành [những gì đã học]. Tuy nhiên với Ruộng Phước thì như tôi đã nói trước đây, quý vị có thể quán hòa tan Ruộng Phước.

Hôm nay tôi dừng ở đây.

Ghi chú: * Quý vị vui lòng liên hệ các học viên lớp Skype để được hướng dẫn các thế ấn, cách cầm chày kim cang và chuông trong lúc thực hành nghi quỹ