Bài giảng CHÁNH THỰC HÀNH.
Sinh Khởi Nền Tảng và Chư Vị Ngự Trên Nền Tảng.
Triệu Thỉnh.
Thỉnh An Ngự.
Quan Âm Pháp
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 5
Ngày 03 tháng 08 năm 2014
Hôm nay tôi đang ở ngoài trời. Tôi hy vọng trời sẽ không mưa. Nếu trời mưa thì tôi lại phải suy nghĩ xem mình phải làm gì tiếp theo [Thầy cười].
Phần II: Chánh Thực Hành (tiếp theo)
2.1 Sinh Khởi Nền Tảng và Chư Vị Ngự Trên Nền Tảng (tiếp theo)
Hôm nay chúng ta bắt đầu từ đoạn kệ sau:
Chư vị ba nơi được điểm ba chủng tự. Từ đó, hào quang phóng ra, từ tự tánh xứ tối thắng, đặc sắc là cõi tịnh độ Potala (Phổ Đà) biến hóa, cùng hai mươi bốn trú xứ, tám nghĩa trang và vân vân, chư Trí Tôn BENZA SA MA ZA.
Khi thực hành bất cứ vị bổn tôn nào, quý vị phải kết hợp với các chủng tự. Có ba chủng tự: chủng tự OM nơi đỉnh đầu, chủng tự AH nơi cổ họng, và chủng tự HUM nơi tim. Khi quán tưởng Đức Quán Thế Âm và tất cả các vị bổn tôn trong trú xứ (mạn-đà-la) của Ngài, quý vị phải quán tưởng tất cả chư vị cùng ba chủng tự này. Chánh văn ghi “đặc sắc là cõi tịnh độ Potala,” nghĩa là ở đây quý vị phải quán tưởng cõi tịnh độ Phổ Đà (Potala). Phổ Đà là tên của cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm. Đây là một tên cổ, và cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm có thể có những tên gọi khác. “Potala” là một theo tiếng Ấn Độ cổ đại.
Khi thực hành bổn tôn, có hai điều quan trọng quý vị cần biết. Thứ nhất, mỗi vị bổn tôn có một trú xứ (mandala, mạn-đà-la, hay đàng tràng). Trong trú xứ đó, quý vị cần biết có tất cả bao nhiêu bổn tôn. Trong một trú xứ có thể có bốn đến năm bổn tôn khác nhau. Khi tiến hành nhập thất thực hành một vị bổn tôn, quý vị phải tụng tất cả thần chú của những vị bổn tôn trong trú xứ [của vị bổn tôn mà mình thực hành]. Hiện tại, quý vị có thể thấy trong mạn-đà-la của Đức Quán Thế Âm có thêm bốn vị thiên mẫu. Khi nhập thất thực hành nghi quỹ này, quý vị không chỉ tụng thần chú của Đức Quán Thế Âm mà còn phải tụng thần chú của bốn vị thiên mẫu, vì các vị thiên mẫu hiện diện trong mạn-đà-la của Đức Quán Thế Âm. Mạn-đà-la chính là nơi cư ngụ của bổn tôn. Nơi cư trú (trú xứ) của các vị bổn tôn được gọi là mạn-đà-la. Quý vị cũng cần biết vị bổn tôn chính có bao nhiêu gia đình [Thầy cười]. Các vị bổn tôn khác hiện diện trong mạn-đà-la của Đức Quán Thế Âm cũng giống như một gia đình của Ngài vậy.
Điểm quan trọng thứ hai là khi quán tưởng một vị bổn tôn, trước hết quý vị phải quán tưởng vị bổn tôn đó cùng với tất cả những vị bổn tôn khác trong mạn-đà-la của ngài. Sau đó, nếu quý vị không thể duy trì quán tưởng toàn bộ các vị bổn tôn thì có thể chỉ quán tưởng vị bổn tôn chính. Đối với Quan Âm Pháp, trước hết quý vị phải quán tưởng toàn bộ mạn-đà-la, rồi sau đó có thể chỉ tập trung vào Đức Quán Thế Âm.
Chánh văn:
đặc sắc là cõi tịnh độ Potala (Phổ Đà) biến hóa, cùng hai mươi bốn trú xứ, tám nghĩa trang và vân vân, chư Trí Tôn BENZA SA MA ZA.
Đặc biệt, chúng ta sẽ triệu thỉnh tất cả chư bổn tôn giác ngộ cao tột từ cõi tịnh độ Phổ Đà, nơi có hai mươi bốn vùng đất thiêng và tám nghĩa trang. Đây chính là lời triệu thỉnh. “Chư Trí Tôn” nghĩa là tất cả bổn tôn đã đạt được trí tuệ tối thắng. BENZA SA MA ZA là thần chú triệu thỉnh. Có một câu nói, đặc biệt là trong truyền thống Ấn Độ giáo (đạo Hindu): “Chư thiên kiểm soát cõi giới, thần chú kiểm soát chư thiên, và những chúng sinh tối thắng kiểm soát thần chú.” Đây là một câu nói thú vị trong đạo Hindu mà không có trong đạo Phật. Ở đây, chúng ta cần đến thần chú để triệu thỉnh chư vị. Có thể Đức Quán Thế Âm không hiểu ngôn ngữ nào khác ngoài thần chú [Thầy cười].
Chúng ta cần biết rằng thần chú được Đức Phật gia trì. Âm thanh thần chú có một năng lực đặc biệt thì nó đã được Đức Phật gia trì. Một khi chúng ta phiên dịch thần chú thì nó sẽ bị mất năng lực. Âm thanh của thần chú đã được chính Đức Phật gia trì và nó rất linh thiêng. Quý vị có thể thấy rằng mọi kinh điển của Đức Phật và của các học giả Na-lan-đà (Nalanda), từ A đến Z, đều đã được phiên dịch sang tiếng Tây Tạng, trừ các câu chú. Chúng ta không phiên dịch các câu thần chú, vì nếu phiên dịch thì chúng sẽ bị mất năng lực gia trì. Do đó, chúng ta giữ lại ngôn ngữ gốc của thần chú. Ở đây, câu chú BENZA SA MA ZA là để triệu thỉnh tất cả chúng sinh và chư thiên sở hữu trí tuệ tối thắng.
2.2 Triệu Thỉnh
Ở đoạn kệ tiếp theo, quý vị có thể thấy phần chúng ta thật sự triệu thỉnh các vị bổn tôn. Câu đầu tiên:
HRIH triệu thỉnh Hộ Chủ Vô Lượng Quang từ cung điện Cực Lạc ở phương Tây quang lâm.
Từ hướng Tây của trú xứ, chúng ta triệu thỉnh Đức Phật A Di Đà. Quý vị cần hiểu một điều. Khi bắt đầu thực hành Quan Âm Pháp, trước hết quý vị phải quán tưởng mạn-đà-la, sau đó quán tưởng tất cả bổn tôn. Khi thực hành bất cứ bổn tôn nào, để được nhận gia trì thì quý vị phải tuân thủ trình tự thực hành. Triệu Thỉnh là bước thứ hai của trình tự hành trì, triệu thỉnh các vị bổn tôn. Khi quý vị triệu thỉnh, bổn tôn có đến hay không là lựa chọn của vị ấy [Thầy cười]. Khi quý vị triệu thỉnh, Phật A Di Đà có đến hay không là lựa chọn của Ngài.
Quý vị phải nhìn vào điểm này theo hai cách. Thứ nhất, khi chúng ta triệu thỉnh Phật A Di Đà, câu hỏi ở đây là Ngài có thật sự đến hay không. Có một câu chuyện vào thời Đức Phật còn tại thế. Có một vương quốc tên là Ma-kiệt-đà (Magadha), đó là tên cổ của vương quốc. Công chúa của vương quốc Ma-kiệt-đà rất muốn diện kiến Đức Phật nhưng lại không được vua cha cho phép. Công chúa đã thỉnh nguyện với Đức Phật trong tâm, và nàng rải gạo lên không trung để thỉnh nguyện rằng Phật sẽ đến nơi ở của nàng. Ngay trong ngày hôm đó, vào giờ cơm trưa, Đức Phật đã đến thăm và xuất hiện ngay trước mặt công chúa. Một câu chuyện khác cũng vào thời Đức Phật, về vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara). Vua Tần-bà-sa-la bị chính con trai của vua giam ông vào ngục. Vua đã thỉnh nguyện Đức Phật trong lúc trải qua thời gian khốn khổ, và Đức Phật đã xuất hiện trong ngục. Do đó, khi chúng ta triệu thỉnh Đức Phật thì Ngài sẽ đến.
Thứ hai, quý vị cần nhìn nhận điểm này theo cách như sau. Khi nhà bị cháy, quý vị gọi lính cứu hỏa, nếu lính cứu hỏa không đến thì lỗi thuộc về ai? Đó là lỗi của quý vị hay lỗi của lính cứu hỏa. Đó là lỗi của lính cứu hỏa. Tương tự, khi chúng ta thỉnh cầu Đức Phật, khi ta cần và gọi Ngài, nếu Đức Phật không đến thì đó là lỗi của Ngài. Đức Phật A Di Đà rất sáng suốt, Ngài sẽ không phạm lỗi đâu [Thầy cười]. Tuy nhiên, khi nhà cháy mà chúng ta lại cầu cứu hàng xóm thì có thể hàng xóm sẽ không đến. Nếu hàng xóm không đến thì đó không phải là lỗi của họ, vì hàng nhóm không có tránh nhiệm cứu hỏa. Hạnh nguyện của Đức Phật là giúp đỡ chúng sinh. Đó là điểm khác biệt. Công việc của hàng xóm không phải là dập lửa, do đó nếu quý vị gọi họ và họ không đến thì đó không phải lỗi của hàng xóm. Lính cứu hỏa có nhiệm vụ phải dập lửa, vì vậy nếu quý vị gọi mà lính cứu hỏa không đến thì đó là lỗi của họ. Chư Phật luôn quan tâm và nghĩ đến chúng sinh, mỗi khi chúng ta thỉnh cầu thì Phật sẽ đến. Tuy nhiên, khi Đức Phật đã đến, chúng ta có nhìn thấy Ngài hay không lại là một câu hỏi hoàn toàn khác.
Câu thứ hai:
Triệu thỉnh Bậc Thuần Chúng Quán Thế Âm Tự Tại từ cõi tịnh độ Potala (Phổ Đà) biến hóa quang lâm.
Chúng ta triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm từ cõi tịnh độ Phổ Đà. Trước hết chúng ta thỉnh Đức Phật A Di Đà, rồi đến Đức Quán Thế Âm, sau đó là triệu thỉnh tất cả bổn tôn trong mạn-đà-la. Trước đó, (trong phần quán tưởng sinh khởi), quý vị đã quán tưởng Đức Quán Thế Âm; tuy nhiên, trong thực tại thì những gì quý vị quán tưởng không phải là Đức Quán Thế Âm thực thụ. Chính vì vậy, ở bước này chúng ta phải triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm thực thụ. Ở bước trước đó, khi quý vị quán tưởng, xét về thực tại thì đó không phải là Đức Quán Thế Âm thực thụ. Ở bước đầu tiên quý vị quán tưởng toàn bộ mạn-đà-la của Đức Quán Thế Âm, tuy nhiên trong thực tế thì đó chưa phải là Đức Quán Thế Âm. Bây giờ, ở bước này quý vị phải triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm thật sự, đó là lý do phần Triệu Thỉnh là bước thứ hai [của Chánh Thực Hành]. Như tôi đã nói, khi quý vị triệu thỉnh thì chư vị sẽ đến. Quý vị có thể thắc mắc rằng người ở Hà Nội triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm, người ở Hồ Chí Minh cũng triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm, vậy bằng cách nào mà Ngài có thể cùng lúc đến hai nơi? [Thầy cười] Khi quý vị nhìn vào Đức Quán Thế Âm, Ngài là một vị Phật có năng lực đặc biệt. Ngài có thể thị hiện cùng lúc trước mặt tất cả chúng sinh. Đó là một phẩm tính đặc biệt của Phật.
Quý vị rõ không? Đặc biệt, quý vị phải hiểu rất rõ về Phật pháp. Khi có thể hiểu rõ ràng thì quý vị có thể thực hành rất dễ dàng. Nếu không thể hiểu rõ những chỉ dẫn thì quý vị sẽ gặp khó khăn khi hành trì. Quý vị phải hiểu thật đúng đắn về những gì mình đang làm. Nếu không hiểu đúng đắn thì mọi việc sẽ trở nên rất sai lầm.
Ở Tây Tạng, chúng tôi có một câu chuyện. Đây là chuyện thần thoại chứ không phải chuyện có thật; tuy nhiên một số người vẫn tin đây là chuyện đời thật. Câu chuyện kể về một cô gái tên là Năng-sa. Cô ấy qua đời, xuống địa ngục và cô đã chứng kiến mọi khổ đau ở địa ngục. Cô sinh trở lại cõi người và dạy người khác sống đúng đắn, nếu không thì sẽ phải xuống địa ngục. Có một chuyện vui về câu chuyện này. Có một cậu bé muốn cưới cô Năng-sa. Cậu bé nói với mẹ rằng cậu ta muốn cưới Năng-sa. Người mẹ nói rằng cậu không thể nào cưới Năng-sa được. Người mẹ nói rất nhiều lần nhưng cậu bé vẫn không nghe lời. Sau đó người mẹ đưa cậu bé đến gặp một vị lạt-ma. Người mẹ giải thích với vị lạt-ma, “Con của con còn rất nhỏ nhưng nó lại muốn cưới cô Năng-sa. Mong thầy hãy khuyên nó rằng con nít không thể cưới cô Năng-sa được.” Tôi nghĩ đến đây quý vị đều biết Năng-sa là ai. Lúc đó vị lạt-ma nói với đứa trẻ, “Con còn nhỏ lắm, con không thể cưới cô Năng-sa được đâu.” Khi vị lạt-ma nói như vậy thì người mẹ nói thêm, “Con thấy chưa, thầy cũng nói như vậy. Con không thể cưới cô Năng-sa được đâu. Vì vậy khi về nhà con hãy li dị với cô ta đi.” [Thầy cười] Rồi hai mẹ con rời khỏi chỗ của vị thầy. Vị lạt-ma hỏi đệ tử của ông, “Năng-sa là ai vậy?” [Thầy cười] Ngay cả vị lạt-ma cũng không biết rõ những gì ông ta đang nói; tương tự, nếu chúng ta không nghe rõ ràng thì sẽ phát sinh mọi sự hiểu lầm. Học Phật pháp không được giống như vậy. Vị thầy phải hiểu rất rõ về những gì vị ấy giảng, và người học cũng phải hiểu chính xác ý nghĩa của bài giảng. Điều đó rất quan trọng.
Ở đây, nghi quỹ đang nói về triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm. Ở câu thứ ba quý vị sẽ thấy:
Triệu thỉnh toàn thể thiên chúng mạn-đà-la từ cung điện Đại Bi Thuần Chúng quang lâm.
Ở đây chúng ta triệu thỉnh chư thiên từ mạn-đà-la từ cung điện Đại Bi Thuần Chúng, chư vị có lòng bi mẫn bao la dành cho tất cả chúng sinh. Trước tiên quý vị triệu thỉnh Đức Phật A Di Đà. Quý vị có thể thấy Phật A Di Đà ngự ở phía trên Đức Quán Thế Âm. Tiếp theo, quý vị triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm, và sau đó triệu thỉnh tất cả các vị thiên mẫu. Quý vị có thể nhìn hình và thấy trên cùng là Đức Phật A Di Đà, phía dưới là Đức Quán Thế Âm, và xung quanh là bốn thiên mẫu cùng bốn hộ pháp.
Trong buổi học trước, tôi nghĩ có vài câu hỏi vì sao Đức Quán Thế Âm trong tư thế đứng. Bổn tôn Quan Âm Tứ Thủ thường trong tư thế ngồi. Tôi nghĩ lần trước tôi cũng đã trả lời. Tuy nhiên, một cách đơn giản nhất, dù Đức Quán Thế Âm đứng hay ngồi, Ngài vẫn không trở thành một vị Phật khác, Ngài vẫn là Quán Thế Âm. Tư thế đứng biểu trưng cho sự cát tường. Nếu đang đứng thì Ngài có thể ban gia trì nhanh hơn và có thể đến với chúng ta sớm hơn. Vì lý do cát tường như vậy mà đôi lúc người ta vẽ Đức Quán Thế Âm trong tư thế đứng.
Tiếp theo, chánh văn ghi:
Kính xin ban ân phước cho cúng con những người tu hành.
Bây giờ quý vị phải nói với Đức Quán Thế Âm mục đích quý vị triệu thỉnh Ngài. Mục đích chính là xin Ngài ban gia trì cho mọi hành giả (người tu hành). Khi thỉnh mời một ai đó thì ít nhất quý vị phải có một mục đích. Mục đích của việc triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm là để Ngài ban gia trì cho mọi hành giả. Quý vị có thể thấy điều đó trong câu thứ tư của đoạn kệ này.
Vào thời xưa, Ngài Pháp Xứng (Dharmakriti) đã thực hành pháp Thắng Lạc Luân Kim Cang (Chakrasambara). Khi Ngài Pháp Xứng thực hành thành công, Thắng Lạc Luân Kim Cang hiện lên trước mặt Ngài và hỏi, “Thầy đã thực hành pháp của tôi rất lâu rồi, bây giờ thầy muốn gì ở tôi?” Ngài Pháp Xứng trả lời, “Con muốn ngài ban gia trì để con có thể chiến thắng tất cả triết gia ngoại đạo khi tranh biện với họ.” Khi Ngài Pháp Xứng thỉnh cầu như vậy, Thắng Lạc Luân Kim Cang cười lớn “Ha Ha,” nghĩa là Thắng Lạc Luân Kim Cang đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Ngài Pháp Xứng. Bây giờ quý vị hãy nghĩ về ước nguyện của mình. Khi thực hành Quan Âm Pháp, nếu Đức Quán Thế Âm xuất hiện trước mặt quý vị thì có thể Ngài sẽ hỏi về ước nguyện của quý vị. Do đó, quý vị hãy luôn giữ một ước nguyện cho mình [Thầy cười]. Bây giờ quý vị phải suy nghĩ xem mình có bao nhiêu ước nguyện. Càng nhiều ước nguyện có nghĩa là quý vị càng chấp ngã [Thầy cười], như vậy thì quý vị không phải là một hành giả thực thụ. Nếu là một hành giả chân thật thì quý vị nên giảm thiểu chấp ngã. Chấp ngã sẽ được giảm từ từ, chứ không thể nào đột ngột thuyên giảm được.
Tiếp theo, quý vị sẽ thấy chánh văn ghi:
Thỉnh xin ban cho chúng con thành tựu bình phàm và tối thắng.
Thành tựu tối thắng chính là Phật quả. Thành tựu bình phàm là đời sống trường thọ, hạnh phúc, và an lạc nội tâm. Do đó, một mục đích khác của việc triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm là để Ngài ban gia trì cho chúng ta thành tựu Phật quả, được trường thọ và an lạc. Khi thực hành và triệu thỉnh bổn tôn, quý vị cần có mục đích của việc triệu thỉnh đó. Ở đây, mục đích chính là để Ngài ban gia trì quý vị, đó là mục đích tốt nhất. Đây là một điểm quan trọng. Mỗi khi triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm, quý vị phải có một mục đích, đó là để Ngài gia trì chúng ta. Nếu quý vị nhận được gia trì thì mọi việc sẽ diễn ra rất suôn sẻ, dù quý vị mong ước bất cứ điều gì. Ước nguyện được ban gia trì là ước nguyện tốt nhất, bao hàm hàng trăm ước nguyện khác. Vì vậy, khi Đức Quán Thế Âm thị hiện, quý vị không cần phải có quá nhiều điều ước mà chỉ cần một điều là đủ, đó là xin được ban gia trì [Thầy cười]. Khi nhận được gia trì thì mọi việc quý vị làm hay bất cứ điều gì quý vị mong muốn đều diễn ra rất trôi chảy và đúng hướng.
Nói chung, khi một hành giả bắt đầu thấy linh ảnh Đức Quán Thế Âm trước mặt, khi đó có ba loại linh ảnh khác nhau: (1) hành giả thấy linh ảnh chân thật và hoàn hảo, (2) hành giả thấy linh ảnh vì chướng ngại, và (3) hành giả thấy linh ảnh bằng mắt vì cơ thể mang bệnh hoặc do sự mất cân bằng giữa các yếu tố trong cơ thể (mất cân bằng giữa các đại). Quý vị cần phân biệt giữa ba loại linh ảnh này. Sau này tôi sẽ nói về cách phân biệt. Tôi gặp nhiều người nói rằng họ đã thấy Đức Phật và các bổn tôn, nhưng trong nhiều trường hợp, họ đã không thấy linh ảnh thật. Phân biệt giữa linh ảnh thật và linh ảnh giả của chư Phật và các vị bổn tôn là điều rất quan trọng. Quý vị cần phân biệt chính xác. Khi thấy linh ảnh thì quý vị cảm thấy rất đặc biệt, tuy nhiên đó có thể là linh ảnh giả. Đây là một điểm quan trọng. Rất nhiều người nói rằng họ có thể thấy chư Phật, vị Phật này đến vị Phật khác; tuy nhiên khi diễn tả chi tiết hơn thì có vẻ như đó không phải là linh ảnh thật.
Ở đây, chúng ta đang nói đến mục đích của việc triệu thỉnh là để nhận gia trì. Thành tựu tối thắng là năng lực gia trì để đạt giác ngộ hoặc đắc Phật quả. Thành tựu bình phàm là năng lực gia trì để có đời sống trường thọ, an lạc nội tâm, và hạnh phúc. Tiếp theo là câu chú, và giống như câu chú trước đó, đây là câu chú triệu thỉnh:
OM LÔ KI SHORA GU RU DHE WA DA KI NI SARWA SA MAYA ZA ZA
Ở đây, chủng tự OM là sự kết hợp của ba âm A, U, M, đó là biểu tượng cho thân, khẩu, ý giác ngộ của Đức Phật. Chúng ta nhận gia trì thông qua thân, khẩu, ý của Phật, do đó ở đây ba âm A, U, M tạo nên chủng tự OM. LÔ KI SHORA chính là Quán Thế Âm, đây là một tên gọi khác của Đức Quán Thế Âm. GU RU là đạo sư. DHE WA là chư thiên. DA KI NI là nữ hộ pháp. SARWA mang ý nghĩa “tất cả.” SA MAYA ZA ZA là câu chú triệu thỉnh. Ở đây, toàn bộ câu chú này mang ý nghĩa “triệu thỉnh Đức Quán Thế Âm và tất cả chư đạo sư, chư thiên, cùng chư nữ hộ pháp.”
Quý vị có thể thấy trong nghi quỹ thực hành có phần Triệu Thỉnh. Triệu thỉnh có nghĩa là quý vị thỉnh mời tất cả, như được vẽ trong hình, Đức Quán Thế Âm cùng chư bổn tôn trong mạn-đà-la. Quý vị cần nghĩ rằng sau khi đã triệu thỉnh, nơi ở của quý vị trở thành trú xứ của Đức Quán Thế Âm. Theo quan điểm của mật pháp, quý vị cần nghĩ rằng cơ thể của quý vị trở thành trú xứ của tất cả chư bổn tôn. Đây được gọi là thực hành bảo hộ tốt nhất. Chính vì vậy, Ngài Milarepa đã hát trong một bài ca, “Thân thể ta là trú xứ của tất cả bổn tôn, vậy thì ta còn cần gì hình ảnh một mạn-đà-la bên ngoài? Chính thân thể ta đã là mạn-đà-la của tất cả bổn tôn.” Sau khi tụng kệ triệu thỉnh, quý vị phải nghĩ rằng toàn thể chư Phật và chư Bồ Tát đã được thỉnh mời đến nơi ở của mình, và quý vị nghĩ rằng nơi ở của mình giờ đây trở thành trú xứ của chư Phật và chư Bồ Tát. Khi nơi ở của quý vị trở thành trú xứ của chư Phật và chư Bồ Tát thì nó trở thành một nơi rất linh thiêng. Bấy giờ quý vị tụng câu chú:
OM LÔ KI SHORA GU RU DHE WA DA KI NI SARWA SA MAYA ZA ZA
Đây là câu chú triệu thỉnh tất cả bổn tôn. Triệu thỉnh là bước thứ hai trong Chánh Thực Hành. Bước thứ nhất là Sinh Khởi, bước thứ hai là Triệu Thỉnh. Đến đây quý vị đã học hai bước. Khi thực hành, quý vị cần làm theo những bước này thật nghiêm chỉnh. Mọi pháp hành bổn tôn đều có trình tự mà quý vị phải thực hành theo rất đúng đắn. Tôi nghĩ tôi đã nói điều này vào buổi học trước.
Nếu quý vị có nước thì hãy uống nước.
2.3 Thỉnh An Ngự
Bây giờ chúng ta sang bước thứ ba là thỉnh an ngự.
Quý vị đã triệu thỉnh bổn tôn, bây giờ quý vị cần mời chư vị an ngự tại nơi mình ở, nói với các vị ấy không cần phải đi vội [Thầy cười]. Đức Quán Thế Âm có thể đến nhưng Ngài sẽ nói, “Ồ ta rất bận.” [Thầy cười] Đoạn kệ này là để thỉnh cầu Đức Quán Thế Âm an ngự mãi mãi [Thầy cười]. Trong một bài ca, Milarepa đã nói, “Toàn thể chư Phật và chư đạo sư ngự trên đỉnh đầu tôi. Nếu bạn nhìn bằng ánh mắt đầy thành kính thì từ đó năng lực gia trì sẽ tuôn chảy như mưa cả ngày và đêm.” Bước thứ ba trong Chánh Thực Hành là cầu nguyện Đức Quán Thế Âm và tất cả bổn tôn hãy an ngự. Quý vị có thể thấy:
HRIH, triệu thỉnh chư thiên mạn-đà-la của Bậc Đại Bi Vô Sở Trụ Tự Thoát Khổ, đối với việc đến, đi và ở tuy vô sở trụ, nhưng để thanh tịnh hóa nhị nguyên nhiễm ô bất chợt, nên kiên trụ trong bản chất thệ trí vô nhị.
Trước hết, “vô sở trụ” nói đến tánh không. Mỗi khi quý vị quán tưởng bổn tôn, việc kết hợp quán tưởng bổn tôn với tánh không là điều rất quan trọng. Các pháp thực hành quán tưởng bổn tôn cũng có trong đạo Ấn Độ giáo, một truyền thống ngoài Phật giáo. Khác biệt chính yếu giữa mật pháp của Phật giáo và mật pháp của Ấn Độ giáo đó là tư tưởng tánh không và bồ đề tâm.
Ở đây, “vô sở trụ” nói về tánh không. “Tự thoát khổ” nghĩa là tự giải thoát cho bản thân mình. Bằng cách thực hành tánh không, quý vị có thể tự giải thoát chính mình. Khi quán sát Đức Quán Thế Âm và hết thảy chư Phật, các ngài đã tự giải thoát bản thân thông qua thực hành tánh không. Ở đây, “vô sở trụ” có nghĩa là tánh không. Trong đạo Phật, đặc biệt là triết học Phật giáo, người ta dùng rất nhiều thuật ngữ khác nhau. Khi họ càng dùng nhiều thuật ngữ khác nhau thì người ta càng bối rối [Thầy cười]. Con người thích những thuật ngữ mới. Khi có cái gì mới ra đời thì nó trở thành tin tức sốt dẻo. Các triết gia luôn đưa tin tức như vậy [Thầy cười]. Rất đơn giản, nếu có một con chó cắn chân người thì đó không phải là tin tức gì mới, nhưng nếu có một người cắn chân con chó thì đó lại là tin tức sốt dẻo [Thầy cười]. Các triết gia luôn tạo ra những thứ mới mẻ vì họ là những người đưa tin. Ở đây, “vô sở trụ” có nghĩa là tánh không. Các triết gia tạo ra rất nhiều thuật ngữ mới.
“Mạn-đà-la của Bậc Đại Bi” có nghĩa là mạn-đà-la của lòng bi mẫn. Ở đây chúng ta triệu thỉnh chư thiên từ mạn-đà-la của bậc đại bi vô sở trụ tự thoát khổ. “Đối với việc đến, đi và ở tuy vô sở trụ” có nghĩa là dù có đến, đi và ở; tuy nhiên trong thực tại, hành động đến, đi và ở không hiện hữu. Điểm này nói về tánh không. Tôi muốn hỏi quý vị một câu: Quý vị có thấy ở chỗ tôi trời nắng không? [Đạo tràng trả lời là thấy trời nắng.] Thật ra thì ở chỗ tôi trời đang mưa. Những gì quý vị thấy khác hoàn toàn so với thực tại. Ở đây, nghi quỹ nói về tánh không. Không có gì hiện hữu nhưng chúng ta thấy chúng hiện hữu. Những gì chúng ta thấy và nghe, rất nhiều điều trong số đó đều là tri nhận sai lầm. Chúng ta không thể nói rằng những gì ta nhìn thấy đều hiện hữu. Do đó, ở đây kinh văn nói đến quan điểm tánh không.
“Đối với việc đến, đi và ở tuy vô sở trụ” có nghĩa là trong thực tại, hành động đến, đi và ở không hiện hữu. Khi nói rằng trong thực tại chúng không hiện hữu, điều đó có nghĩa là chúng không tự hữu [tự hữu: tự bản thân hiện hữu mà không phụ thuộc vào bất cứ đối tượng nào khác]. Ví dụ đơn giản nhất là khi chúng ta nhìn lại bản thân. Khi quý vị nghĩ đến cái “tôi,” nếu truy tìm đến tận cùng để xem cái “tôi” hiện diện ở đâu thì quý vị sẽ không tìm được gì cả. Chúng ta đặt tên cho mình, rồi từ đó ta cảm thấy có một cái “tôi” rất chắc thật. Đó chỉ là danh xưng hay tên gọi. Nói chung, tư tưởng tánh không có nghĩa là những gì chúng ta cảm nhận được và nghe được thật sự chỉ là những gì chúng ta tin. Chúng ta nói rằng những gì mình thấy đều tự hữu, nhưng trong thực tại thì mọi thứ đều không tự hữu. Chúng hiện hữu phụ thuộc, nghĩa là chúng hiện hữu dựa trên sự phụ thuộc vào những đối tượng khác (duyên khởi).
Như tôi đã nói, khi quán tưởng chư Phật, quý vị phải nghĩ rằng mọi thứ đều là tánh không, quý vị phải giữ tâm mình thật trống vắng. Tiếp theo, quý vị quán tưởng chư Phật và chư Bồ Tát sinh khởi từ tánh không. Đó là điểm khởi đầu mà tôi đã nói trong buổi học trước.
Bây giờ quý vị có thể thấy:
nhưng để thanh tịnh hóa nhị nguyên nhiễm ô bất chợt, nên kiên trụ trong bản chất thệ trí vô nhị.
Đến, đi và ở không tự hữu, nghĩa là tự bản thân chúng không tồn tại, nhưng trên nền tảng duyên khởi, quý vị thỉnh an ngự để tẩy trừ tất cả nhiễm ô trong tâm. Chúng ta phải hiểu việc kết hợp giữa tánh không và thực hành bổn tôn. Ở đây, có thể quý vị chưa hiểu thật rõ. Phần nói về tánh không sẽ đến sau trong bài giảng Giải Thoát Trong Lòng Tay, quý vị sẽ hiểu rõ hơn khi học đến phần đó.
Tiếp theo là câu chú thỉnh chư Phật an ngự vững chắc tại nơi mà quý vị đã triệu thỉnh chư vị đến. Câu chú này là để thỉnh cầu chư vị an ngự vững chắc và lâu dài:
BENZA SA MAYA TI SHA HÔ
Ở đây, “thệ trí” là kết hợp của hai từ “thệ nguyện” và “trí tuệ.” Thệ nguyện cũng như giới luật và rất quan trọng đối với mọi thực hành mật pháp. Một khi quý vị không thể giữ thệ nguyện, khi đã phá vỡ một thệ nguyện nào đó thì dù có hành trì chăm chỉ bao lâu đi nữa, quý vị cũng không thể thành tựu bất cứ điều gì. Thệ nguyện như sự liên kết. Nếu một cái máy tính mất liên kết với nguồn điện thì nó sẽ ngừng hoạt động. Thệ nguyện giống như sự liên kết giữa quý vị và đạo sư, giữa quý vị và bổn tôn. Mọi sự liên kết đều từ thệ nguyện, khi mất sự liên kết thì quý vị đánh mất mọi thứ. Khi Tổ Atisha lần đầu đến Tây Tạng, Ngài khám phá một sự việc rất buồn cười. Tổ đã nói một cách mỉa mai: “Người Tây Tạng các ông không cần giữ thệ nguyện mà vẫn biết cách thực hành bổn tôn.” Khi Tổ Atishi truyền trao giáo pháp thực hành, nhất là mật pháp, Ngài giữ mật pháp rất bí mật. Với các đề tài hiển giáo thì Ngài đã dạy giáo pháp lamrim.
Hôm nay tôi dừng ở đây. Trời đã bắt đầu mưa và nước rơi trúng đầu tôi. Tôi phải di chuyển vào trong.
Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @22/08/2015.
Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,
Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,
Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,
Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.