29-06-2014
Quan Âm Pháp

Bài giảng CHÁNH THỰC HÀNH.

Sinh Khởi Nền Tảng và Chư Vị Ngự Trên Nền Tảng.

Quan Âm Pháp

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 

Tuần thứ 4

Ngày 29 tháng 06 năm 2014

 

Hôm nay, trước hết chúng ta học nghi quỹ Quan Âm Pháp và sau đó sẽ tụng kinh cầu nguyện với Đức Quán Thế Âm. Phần quan trọng hôm nay là chúng ta sẽ cầu nguyện với Đức Quán Thế Âm và hồi hướng cho một học viên lớp skype của Dipkar vừa qua đời khoảng ba hoặc bốn ngày trước. Tôi nghĩ anh ấy không lớn tuổi. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho anh ấy, một học viên của Dipkar.

Khi tôi và em tôi còn nhỏ, khoảng ba đến bốn tuổi, mẹ tôi nói rằng bà ấy không thể ngủ vì chúng tôi hay khóc về đêm, và mẹ tôi phải thức giấc để chăm sóc anh em tôi. Thật sự thì mẹ tôi không thích thức giấc vào lúc nửa đêm. Tuy nhiên, trong bất cứ gia đình nào thì khi trẻ con khóc lúc nửa đêm, người mẹ phải thức giấc dù bà ấy không thích điều đó. Điều ấn tượng là lý do mẹ tôi thức giấc khi anh em tôi khóc. Không chỉ với mẹ tôi, mà tất cả những bà mẹ khác đều cố gắng thức dậy khi con mình khóc, dù họ không thích điều đó. Có ba nguyên nhân lý giải việc các bà mẹ luôn thức giấc lúc nửa đêm khi con mình khóc. Đó là tình thương, sự quan tâm, và trách nhiệm. Dù bọn trẻ có khóc vào lúc nửa đêm thì người mẹ sẽ luôn thức giấc. Dù có thể người mẹ không vui vì phải thức giấc nửa đêm nhưng sau đó thì bà luôn chăm sóc những đứa trẻ. Cũng giống như vậy, trong Dipkar chúng ta cũng cần ba điều. Chúng ta cần tình thương, sự quan tâm, và trách nhiệm từ người khác. Do đó, bây giờ một thành viên vừa qua đời vì đột quỵ, chúng ta sẽ tụng một ngàn lần Om Mani Padme Hum vì lợi lạc của anh ấy. Có thể mỗi người chúng ta tụng một ngàn lần, vài người cũng có thể tụng 500 lần, hoặc 200 lần…, nhưng ít nhất là ai cũng tụng câu chú. Mục tiêu của chúng ta là tụng 100 ngàn câu chú Om Mani Padme Hum và hồi hướng một thành viên vừa bị đột quỵ khoảng ba đến bốn ngày trước. Vì vậy, trong buổi học hôm nay, chúng ta sẽ tụng một ít, và tiếp tục vào tuần thứ tư và tuần thứ 7 [kể từ hôm nay]. Thông thường, người vừa qua đời sẽ ở cõi trung ấm trong 49 ngày. Trong khoảng thời gian đó, tuần thứ nhất, tuần thứ tư, và tuần thứ bảy [kể từ ngày chết] là những mốc thời gian quan trọng nhất. Do đó, chúng ta sẽ nhận trách nhiệm của mình. Dù anh ấy đã qua đời nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ anh có tái sinh tốt đẹp ở đời sau. Vì lợi lạc của anh ấy, chúng ta sẽ tụng 100 ngàn lần Om Mani Padme Hum và cầu nguyện cho anh được sinh vào cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm. Chúng ta sẽ cùng tụng chú và cầu nguyện, quý vị hãy ghi lại số lần mình đã tụng câu chú. Jade hãy thông báo với gia đình anh là Dipkar sẽ tụng 100 ngàn lần Om Mani Padme Hum để hồi hướng cho anh ấy.

Tôi nghe nói anh qua đời vì đột quỵ ở tuổi 53. Ở một mặt, tuổi đời 53 là rất trẻ, nhưng ở mặt khác thì đã rất già. Tôi nghĩ điểm chính yếu là chúng ta có rất nhiều điều để quan tâm, và quan trọng nhất là sức khỏe. Chính vì vậy, chúng ta phải trang bị kiến thức về thức ăn mình dùng và phải có kiến thức đúng đắn về những loại thực phẩm mình nên ăn. Ngài Gandhi đã nói một điều rất hay về việc ăn uống. Gandhi là người ăn chay trường. Ngài cũng không uống sữa và ăn trứng. Một lần nọ Ngài bị bệnh rất nặng. Có người nói rằng Ngài buộc phải uống sữa để hồi phục sức khỏe, và sữa đã thật sự giúp Ngài rất nhiều. Sau đó, Ngài Gandhi thật sự muốn ngừng uống sữa, nhưng Ngài lại cần nó để duy trì sức khỏe. Lúc đó Gandhi nói nếu có ai kiến nghị với Ngài một món ăn hay thức uống khác có chất lượng dinh dưỡng giống với sữa dành cho người ăn chay thì Ngài sẽ rất hạnh phúc. Tuy nhiên, người đưa ra kiến nghị đó phải từng trải nghiệm rằng món ăn hay thức uống đó có chất lượng dinh dưỡng ngang sữa, chứ không phải đưa ra một ý tưởng từ sách vở. Đây là một điều quan trọng liên quan đến việc ăn uống mà chúng ta cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Có nhiều nguyên nhân [dẫn đến bệnh tật] như nghiệp, không tập thể dục, ăn uống kém dinh dưỡng…, chúng ta phải cẩn trọng đối với tất cả những vấn đề này. Lối sống cũng rất quan trọng. Chúng ta phải tránh xa những lối sống sai lầm như uống rượu, hút thuốc, quá nhiều căng thẳng…

Bây giờ chúng ta sẽ trở lại học tiếp nghi quỹ thực hành Quan Âm Pháp một chút, rồi sau đó tiến hành tụng chú. Tôi nghĩ quý vị đều có tràng hạt, quý vị cần đếm số lần trì tụng và cuối buổi chúng ta sẽ cộng tất cả lại. Trong nghi quỹ Quan Âm Pháp, có vài phần chúng ta chưa phiên dịch và những phần đó sẽ được phiên dịch sau.

 

Phần II: Chánh Thực Hành (tiếp theo)

2.1. Sinh Khởi Nền Tảng và Chư Vị Ngự Trên Nền Tảng (tiếp theo)

Lần trước chúng ta đã hoàn tất phần sinh khởi chư bổn tôn và mạn-đà-la phải không? Bây giờ quý vị có thể nhìn vào hình, trước hết là phần sinh khởi chư bổn tôn. Hãy đọc nghi quỹ:

Trên đỉnh đầu được điểm với Phật Chủ Vô Lượng Quang (A Di Đà). Trên bốn cánh sen ở bốn phía, ở hướng Đông là Tôn Nương Độ Mẫu thân tỏa sắc trắng, ở hướng Nam là Diệu Quang Thiên Mẫu thân tỏa sắc vàng kim, ở hướng Tây là Kuru Ku Lê Tác Minh Thiên Mẫu thân tỏa sắc đỏ, ở hướng Bắc là Tài Nguyên Thiên Mẫu thân tỏa sắc xanh lá cây. Các thân khoác xiêm y và mang đầy trang sức.

Quý vị có thể thấy ở bốn hướng là bốn vị Thiên Mẫu (Lhamo). Trước hết, quý vị quán tưởng Đức Quán Thế Âm, tiếp theo quán tưởng Tôn Nương Độ Mẫu ở hướng Đông, Diệu Quang Thiên Mẫu ở hướng Nam, Tác Minh Thiên Mẫu ở hướng Tây, và Tài Nguyên Thiên Mẫu ở hướng Bắc.

Kế tiếp, quý vị có thể thấy bốn vị hộ pháp. Quý vị có hình không? Hãy nhìn hình, trong hình có bốn hộ pháp. Quý vị có thể đọc nghi quỹ:

Ở bốn cổng là Tứ Bộ Đại Hùng Nghiệp Sắc Hữu, cầm đoản đao và chén cô lâu, với bộ pháp co và thẳng, thái độ cực kỳ kinh hãi, viên mãn trong y phục phẫn nộ, hiên ngang giữa biển lửa.

Ở bốn cổng là bốn hộ pháp tay cầm đoản đao (con dao ngắn) và chén cô lâu (chén sọ người). Tôi nghĩ ở Việt Nam, tôi từng thấy các tượng hộ pháp trước những ngôi chùa cũng cầm gươm, giáo trên tay. Bây giờ đã là thế kỷ 21, người ta đã chuyển sang dùng súng máy nhưng các vị hộ pháp thì vẫn dùng gươm. Họ phải nâng cấp và hiện đại hóa vũ khí, không nên cầm gươm nữa mà nên cầm súng AK-47 [Thầy cười]. Ở đây, các vị hộ pháp cầm đoản đao và chén cô lâu trên tay. Nếu nói về các loại vũ khí thì đoản đao là loại vũ khí vô hại. Họ nên cầm súng máy, vì súng lợi hại hơn rất nhiều so với đoản đao. Quý vị phải hiểu vì sao các vị hộ pháp cầm đoản đao và chén cô lâu. Đoản đao là biểu tượng của trí tuệ, dùng để chặt đứt vô minh. Do đó, các vị hộ pháp cầm đoản đao biểu trưng cho trí tuệ. Kiến thức và trí tuệ có sự khác biệt rất lớn. Quý vị có thể trau dồi kiến thức khi làm đi làm lại một việc gì đó. Khi lặp đi lặp lại một công việc nào đó thì quý vị sẽ có thêm kiến thức. Trí tuệ thì hoàn toàn khác. Trí tuệ phải đến từ nỗ lực phân tích của bản thân mình. Do đó, kiến thức không làm nên một người khôn ngoan, nhưng trí tuệ sẽ tạo nên một người khôn ngoan. Vì vậy, quý vị phải hiểu rằng tay cầm đoản đao chính là biểu tượng của trí tuệ. Trên tay còn lại, các vị hộ pháp cầm chén cô lâu. Chén cô lâu là biểu tượng của vô thường. Vô thường là một tư tưởng quan trọng trong đạo Phật. Tôi sẽ cho một ví dụ. Nếu quý vị bỗng nhiên có 1000 USD, thì vài người sẽ cố gắng hưởng thụ càng nhiều càng tốt, vài người sẽ nghĩ đến việc dùng số tiền đó để đầu tư. Dùng tiền để đầu tư là ý tưởng hay hơn. Tương tự, hãy nhìn vào cuộc sống, chúng ta có thể sống trung bình 75 năm. Vài người sống lâu hơn, và vài người chết sớm hơn, nhưng chúng ta hãy nói về tuổi thọ trung bình. Giả sử bây giờ quý vị đang ở tuổi 40 và quý vị còn sống 35 năm nữa. Một câu hỏi nảy sinh: Quý vị sẽ tận dụng khoảng thời gian đó như thế nào? Đó là câu hỏi quan trọng nhất. Khi đầu tư tiền, nếu đầu tư sai chỗ thì quý vị vẫn còn cơ hội khác. Thời gian thì không như vậy. Nếu đầu tư thời gian vào những việc sai lầm thì quý vị sẽ mãi mãi mất khoảng thời gian đó. Bây giờ nếu quý vị 40 tuổi thì quý vị vẫn còn sống 35 năm, tính theo tuổi thọ trung bình là 75 tuổi. Giờ đây quý vị phải suy nghĩ cách đầu tư thời gian không sai lầm.

Nếu quý vị có thức ăn hoặc đồ uống thì có thể ăn hoặc uống thứ gì đó. Tôi vừa ăn trưa trước khi buổi học, tôi vẫn còn trái cây nên bây giờ tôi ăn trái cây. Quý vị có thể ăn hoặc uống. Đạo tràng ở Hồ Chí Minh có thể mở video để tôi thấy quý vị có gì để ăn uống không.

Chén cô lâu tượng trưng cho vô thường. Thời gian rất ngắn ngủi. Nếu chúng ta mất thời gian thì ta mất nó vĩnh viễn. Do đó, khi sắp xếp thời gian, quý vị phải rất cẩn trọng. Thời giờ rất vô thường chứ không tồn tại vĩnh viễn. Giáo lý vô thường dạy chúng ta phải biết trân trọng từng giây phút của đời mình. Khi các vị hộ pháp cầm chén cô lâu, các vị ấy dạy chúng ta rằng ta sẽ không sống mãi mãi mà một ngày kia cũng sẽ qua đời. Trước khi chết, chúng ta phải tận dụng thời gian của mình thật đúng đắn.

Trong nghi quỹ, quý vị sẽ thấy tất cả các vị hộ pháp đều đứng trong vòng lửa. Quý vị phải hiểu ý nghĩa của vòng lửa. Nhìn vào hình quý vị sẽ thấy tất cả bốn vị hộ pháp đều đứng trong vòng lửa. Quý vị cần hiểu vì sao các vị hộ pháp ngự trong vòng lửa.

Tôi muốn kể một câu chuyện. Hôm qua tôi đến một nhà hàng. Có người mời tôi ăn ở một nhà hàng gần biển. Chúng tôi gọi thức ăn và họ lần lượt mang thức ăn ra. Họ mang ra thức ăn trông như hải sản, họ mới lấy ra từ một cái hộp. Tôi thấy một con tôm hùm và mắt nó vẫn còn chuyển động. Khi họ mở nắp hộp kính, tôi thấy một con tôm hùm chưa chết và nó vẫn còn đảo mắt. Lúc đó, tôi nghĩ là mình sẽ mua con tôm hùm đó và thả xuống biển, và tôi nói họ phiên dịch giúp tôi, vì họ nói tiếng Ý mà tôi lại không biết tiếng Ý. Những người ăn tôm thì phải mua, tôi hỏi họ nếu muốn thả con tôm xuống biển thì có phải mua con tôm không. Tôi nhờ họ phiên dịch lại rằng tôi muốn mua con tôm đó. Rất lạ, anh nhân viên nói là người chủ nhà hàng không ủng hộ ý định của tôi, vì ông ta không thích những người ăn chay [Thầy cười]. Cuộc sống là vậy! Tôi cũng không thật sự chắc chắn về việc ăn quá nhiều thịt có tốt cho sức khỏe hay không.

Chúng ta trở lại bài học, nói về vòng lửa. Lửa thiêu đốt mọi thứ. Một lần nữa, vòng lửa biểu trưng cho trí tuệ, và lửa thiêu cháy vô minh. Nhiều người mang rất nhiều sự vô minh trong tâm. Từ vô minh, mọi suy nghĩ tiêu cực phát sinh. Do đó, vòng lửa biểu trưng cho trí tuệ, trí tuệ thiêu đốt vô minh. Đôi lúc con người phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, và trong hầu hết tình huống, nguyên nhân chủ yếu chính là vô minh.

Tiếp theo, quý vị sẽ thấy chư Phật, chư Bồ tát, cùng dhaka và dakini…, tất cả lắp đầy không gian. Chánh văn ghi:

Giữa các khoảng trống là chư Phật, chư Bồ Tát nắm giữ trí huệ, cùng Dũng Mẫu Không Hành sở hữu thệ nguyện, phủ kín tựa áng mây, hiển hiện trong sự trình hiện trống vắng, cõi giới xa lìa các chướng.

Quý vị có thấy từ snang tsong (སྣང་སྟོང) trong tiếng Tây Tạng không? Từ snang nghĩa là “những gì chúng ta có thể tri nhận” (snang means what we can perceive), tsong là trống vắng (tsong means empty). [Trong nghi quỹ ghi “hiển hiện trong sự trình hiện trống vắng,”] nghĩa là những gì chúng ta tri nhận được là do chúng hiển hiện ra, nhưng trong thực tại, bản chất của chúng đều trống vắng. Chúng ta có thể tri nhận vì chúng hiển hiện ra, nhưng trong thực tại, bản chất của chúng đều trống vắng.

Khi quán tưởng, trước hết quý vị quán tưởng Đức Quán Thế Âm, tiếp theo là bốn vị thiên mẫu, và sau đó là bốn vị hộ pháp. Sau khi đã quán tưởng chư vị, quý vị có thể chỉ tập trung vào phần trung tâm Đức Quán Thế Âm. Hiện tại khi quý vị quán tưởng, hình ảnh sẽ chưa được rõ nét, do đó quý vị có thể chỉ tập trung vào Đức Quán Thế Âm.

Chánh văn ghi:

Chư vị ba nơi được điểm ba chủng tự. Từ đó, hào quang phóng ra, từ tự tánh xứ tối thắng, đặc sắc là cõi tịnh độ Potala (Phổ Đà) biến hóa, cùng hai mươi bốn trú xứ, tám nghĩa trang và vân vân, chư Trí Tôn BENZA SA MA ZA.

Quý vị quán tưởng có ba chủng tự OM, AH, HUM tại đỉnh đầu, cổ họng, và tim của Đức Quán Thế Âm, chư thiên mẫu và chư hộ pháp. Tiếp theo, quý vị quán tưởng ba chủng tự OM, AH, HUM tại đỉnh đầu, cổ họng, và tim của Đức Quán Thế Âm tỏa hào quang mãnh liệt. Hào quang từ ba chủng tự OM, AH, HUM trên thân Đức Quán Thế Âm tỏa khắp mọi nơi, triệu thỉnh tất cả chư Phật, chư Bồ Tát từ khắp nơi, đặc biệt là từ cõi tịnh độ Phổ Đà (Potala) – cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm. Đức Quán Thế Âm là một vị bổn tôn rất đặc biệt. Nếu có bất cứ ai cầu nguyện với Ngài thì mọi ước nguyện của người đó đều được viên mãn, vì Đức Quán Thế Âm có lòng bi mẫn lớn lao dành cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Cho dù chỉ có một con thú đang đau khổ thì Đức Quán Thế Âm cũng không thể chịu nổi cảnh tượng đó. Do đó, bất cứ ai cầu nguyện với Ngài thì sẽ đều nhận được hồi âm từ Ngài. Tuy nhiên, câu trả lời chúng ta nhận được từ Ngài sẽ khác nhau. Hồi tôi còn nhỏ, khoảng sáu bảy tuổi, tôi hay mua vé số và luôn cầu nguyện với Đức Phật cho tôi trúng số, nhưng tôi chưa bao giờ trúng số cả. Lúc đó tôi nghĩ Đức Phật đã không hồi đáp lời cầu nguyện của tôi. Tuy nhiên, bây giờ tôi lại nghĩ Đức Phật đã trả lời tôi rồi. Vì không trúng số nên tôi đã không nghiện mua vé số. Nếu lúc đó tôi trúng số được một khoản tiền nhỏ thì có lẽ tôi đã nghiện mua vé số. Vì vậy, tôi nghĩ Đức Phật đã có hồi âm cho lời cầu nguyện của tôi. Với nhiều lời cầu nguyện, hồi âm từ Đức Phật có thể giống nhau hoặc khác nhau. Bây giờ thì tôi cảm thấy Ngài đã trả lời lời thỉnh cầu của tôi.

Ở Đài Loan, vào dịp năm mới, họ thường tặng quà cho nhau và họ tặng tôi vé số. Tôi nghĩ phần thưởng vào khoảng 50 ngàn USD hoặc tương đương. Họ tăng tôi tờ vé số, nếu trúng số tôi sẽ được 50 ngàn USD. Rồi họ hỏi tôi nếu trúng số thì tôi sẽ làm gì với số tiền đó. Lúc đó tôi không cười, tôi tỏ ra rất nghiêm túc và nói với anh ta, “Nếu trúng số 50 ngàn USD, tôi sẽ bỏ chạy cùng số tiền đó và không giảng dạy gì nữa.” [Thầy cười] Nghe tôi nói họ rất sợ hãi. Bây giờ thì gia đình tặng tôi vé số rất vui vì tôi đã không trúng số [Thầy cười].

Khi chúng ta cầu nguyện với Đức Quán Thế Âm thì Ngài sẽ trả lời chúng ta. Đặc biệt, chúng ta đang cầu nguyện với các vị thiên mẫu, những vị bổn tôn này có năng lực rất mạnh mẽ, các vị ấy sẽ hồi đáp chúng ta. Tuy nhiên, chư vị sẽ hồi đáp theo cách có lợi cho chúng ta, chứ các vị ấy không ban cho chúng ta bất cứ thứ gì ta muốn. Đó là một sự khác biệt lớn. Đối với loài hươu cao cổ, khi hươu mẹ sinh con, thông thường con hươu mẹ sẽ đá thật mạnh vào con hươu con đến khi nào con hươu con biết chạy. Người mẹ luôn làm những điều có lợi cho con mình chứ không làm những gì những đứa trẻ thích. Tôi nghĩ con hươu con cũng không thích bị mẹ mình đá mạnh như vậy. Khi chúng ta thọ năm giới cư sĩ, chúng ta thọ trì năm giới vì điều đó tốt cho bản thân, chứ chúng ta không nhất thiết phải làm tất cả những gì mình thích.

Bây giờ chúng ta sẽ cầu nguyện. Quý vị hãy tụng bài cầu nguyện từ đầu, đặc biệt là cầu nguyện cho một thành viên Dipkar vừa qua đời khoảng ba bốn ngày trước, đồng thời cầu nguyện cho những người bệnh và những người vừa qua đời. Hãy cầu nguyện vì lợi lạc của họ. Quý vị hãy quán tưởng Đức Quán Thế Âm, và từ Đức Quán Thế Âm tỏa chiếu hào quang đến những người đó, giúp họ tịnh hóa tất cả ác nghiệp và tăng trưởng công đức để có thể tái sinh vào cõi tịnh độ của Đức Quán Thế Âm. Quý vị hãy cầu nguyện cho mọi ác nghiệp của anh ấy được tịnh hóa, và nguyện cho anh có thể tái sinh vào cõi người và có cơ hội làm những điều thiện lành. Quý vị hãy tụng bằng tiếng Việt, và tụng từ đầu. Khi đến phần trì tụng Om Mani Padme Hum, quý vị hãy tụng Om Mani Padme Hum Hrih vài lần, rồi chuyển sang tụng Om Mani Padme Hum. Tất cả quý vị hãy dùng tràng hạt để đếm số lần trì tụng câu chú. Jade hãy lấy giấy ghi lại số lần mà đạo tràng đã trì tụng. Bây giờ hãy đọc nghi quỹ và cùng nhau cầu nguyện. Tôi sẽ tụng tiếng Tây Tạng, quý vị hãy tụng bằng tiếng Việt.

[Đạo tràng tụng kinh cầu nguyện]

Cảm ơn quý vị! Hẹn gặp lại tất cả!

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @17/08/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.