30-03-2014
Quan Âm Pháp

Phần 1: Tiền hành

Kệ 1 - 2: Quy y & Phát Bồ Đề Tâm

QUAN ÂM PHÁP

Khangser Rinpoche chú giải

 

Tuần thứ 1

Ngày 30 tháng 03 năm 2014

 

Hôm nay chúng ta bắt đầu Quan Âm Pháp. Để thực hành Quan Âm Pháp thì quý vị cần nhận quán đảnh, có thể tôi sẽ truyền quán đảnh sau. Quý vị cũng cần phải hiểu rõ vài điều khi thực hành Quan Âm Pháp. Khi bắt đầu thực hành Quan Âm Pháp, trước hết, việc hiểu rõ pháp hành rất quan trọng, phải hiểu rõ từng bước thực hành của pháp tu. Thứ hai, như tôi đã nói, khi thực hành, việc giữ bí mật pháp hành của mình cũng rất quan trọng, kể cả giữ bí mật những chỉ dẫn của Đạo sư và mọi kinh nghiệm của bản thân. Đây là điều rất quan trọng mỗi khi quý vị bắt đầu thực hành bất cứ bổn tôn nào.

Tôi nghĩ tất cả quý vị đều đã có hình Đức Quán Thế Âm và tràng hạt (mala), như tôi đã nói lần trước. Quý vị có thể bày trí hình Đức Quán Thế Âm trên bàn thờ và tiến hành cúng dường trước khi thực hành Quan Âm Pháp. Quý vị có thể cúng dường bất cứ phẩm vật nào, và nên cúng dường nước cùng các viên thuốc Pháp đã được gia trì (blessed pills). Tôi sẽ cho quý vị các viên thuốc Pháp đã được gia trì, quý vị có thể bỏ chúng vào nước và cúng dường nước đó lên Đức Quán Thế Âm.

Bây giờ quý vị hãy nhìn vào nghi quỹ. Như tôi đã nói, trước khi bắt đầu thực hành Quan Âm Pháp, việc hiểu rõ từng bước thực hành là điều rất quan trọng. Quý vị cần hình của Đức Quán Thế Âm và quý vị có thể bày trí vật phẩm cúng dường phía trước hình Ngài trên bàn thờ. Như quý vị thấy, Đức Quán Thế Âm trong hình có đôi chút khác biệt, Ngài trong tư thế đứng và có bốn vị Trời xung quanh. Quý vị có thể giữ hình của Đức Quán Thế Âm và chuẩn bị các lễ vật cúng dường dâng lên Ngài. Sau đó quý vị có thể bắt đầu thực hành.

Khi thực hành Quan Âm Pháp, điều quan trọng trước hết là quý vị phải hiểu rõ ba phần chính của pháp hành: tiền hành (pháp hành chuẩn bị), chánh thực hành, và hoàn tất.

 

Phần I: Tiền Hành (Pháp Hành Chuẩn Bị)

Bây giờ chúng ta bắt đầu phần tiền hành. Pháp hành chuẩn bị bắt đầu bằng bài kệ quy y. Quý vị có thể xem trong nghi quỹ:

1. Quy Y

Na mô, ở cõi luân hồi vô tận, bản chất vốn đau khổ,

Con và tất cả chúng sanh, hành động không tự chủ,

Với tâm thành kính từ tận đáy lòng xin quy y

Bậc Thánh Thắng Đại Bi Thiên tự thể là Tam Bảo.

Na mô có nghĩa là kính lễ Đức Quán Thế Âm. Khởi đầu từ bài kệ quy y, trước hết quý vị quy y Đức Quán Thế Âm. Na mô có nghĩa là kính lễ Đức Quán Thế Âm. Sau khi kính lễ, nghi quỹ thực hành bắt đầu bằng bài kệ quy y. Trước hết, đoạn kệ nói rằng cõi luân hồi đầy dẫy khổ đau phải không? Bước đầu tiên là khởi tâm quy y. Nói chung, chỉ khi nào quý vị bắt đầu một pháp hành nào đó bằng việc khởi tâm quy y thì pháp hành đó mới trở thành thực hành Phật pháp. Nếu không quy y thì dù quý vị thực hành điều gì đi nữa, đó cũng không phải là thực hành Phật pháp. Để biến chúng thành thực hành Phật pháp thì quý vị phải khởi đầu bằng việc quy y. Đó là lý do nghi quỹ được bắt đầu bằng bài kệ quy y.  Quý vị có thể đọc đoạn kệ đầu tiên:

Na mô, ở cõi luân hồi vô tận, bản chất vốn đau khổ,

Con và tất cả chúng sanh, hành động không tự chủ,

Với tâm thành kính từ tận đáy lòng xin quy y

  Bậc Thánh Thắng Đại Bi Thiên tự thể là Tam Bảo.

Luân hồi là nơi mà mọi chúng sinh hữu tình phải đối mặt với vô vàn thử thách khác nhau. Khi nghĩ đến Đức Quán Thế Âm, quý vị phải nghĩ Ngài là sự kết hợp của Phật, Pháp, và Tăng. Quý vị tụng đoạn kệ này ba lần và trong lúc đó tập trung phát khởi tín tâm và lòng sùng mộ đối với Đức Quán Thế Âm. Khi phát khởi tín tâm và lòng sùng mộ đối với Đức Quán Thế Âm, quý vị phải nghĩ rằng không chỉ riêng bản thân mình, mà hết thảy chúng sinh cũng đang cầu nguyện cùng quý vị, cũng đang quy y, đang phát khởi tín tâm và lòng sùng mộ đối với Đức Quán Thế Âm. Ở bước này, quý vị phải thiền quán như vậy.

Sau khi tụng đoạn kệ quy y lần thứ nhất, quý vị tạm dừng trong vài giây, thiền quán phát khởi tín tâm và lòng sùng một đối với Đức Quán Thế Âm. Sau đó, tiếp tục tụng kệ quy y và lại thiền quán. Quý vị cần thực hành [tụng đoạn kệ và thiền quán xen kẽ] như vậy. Nếu bắt đầu thực hành với tín tâm và sự tin tưởng, năng lực gia trì sẽ đến với quý vị mãnh liệt hơn. Lực gia trì quý vị nhận được từ Đức Quán Thế Âm tùy thuộc rất nhiều vào tín tâm (faith) và sự tin tưởng (trust) của quý vị. Nó phụ thuộc chủ yếu vào tín tâm và sự tin tưởng. Tín tâm và sự tin tưởng là một điểm rất quan trọng. Chính vì vậy, đây là bước đầu tiên trong mọi nghi quỹ thực hành bổn tôn. Trước khi thực hành bất cứ pháp tu nào, quý vị phải phát khởi tín tâm và sự tin tưởng. Đoạn kệ này chúng ta gọi là kệ quy y. Khi tụng đoạn này, quý vị phải quán tưởng mọi chúng sinh hữu tình cũng đang cầu nguyện với mình, và đồng thời quý vị phải phát khởi tín tâm mãnh liệt đối với Đức Quán Thế Âm. Đoạn kệ đầu tiên này là kệ quy y, gồm bốn câu. Quý vị tụng kệ này ba lần. Sau mỗi lần tụng đoạn kệ, quý vị thiền quán trong khoảng 2-3 phút. Sau đó, quý vị tiếp tụng lần tiếp theo đoạn kệ quy y gồm bốn câu.

Quý vị có thể thấy trong bài kệ quy y, câu thứ ba và câu thứ tư nói rằng Đức Quán Thế Âm là sự hợp nhất của Tam Bảo, và chúng ta phát khởi tín tâm mãnh liệt và quy y Ngài. Mỗi khi thực hành Quan Âm Pháp, bước đầu tiên quý vị phải quy y Ngài. Điều này có nghĩa là trước hết quý vị phải phát khởi tín tâm đối với Đức Quán Thế Âm. Khi thực hành Quan Âm Pháp với tín tâm mạnh mẽ đối với Đức Quán Thế Âm thì lực gia trì quý vị nhận được sẽ mãnh liệt hơn rất nhiều. Việc nhận gia trì từ Đức Quán Thế Âm chủ yếu phụ thuộc vào tín tâm và sự tin tưởng của quý vị. Khi tín tâm không đủ mạnh thì lúc thực hành, lực gia trì quý vị nhận được cũng không nhiều. Chính vì vậy, khi bắt đầu thực hành Quan Âm Pháp, bước đầu tiên chính là khởi tâm quy y. Khi khởi tâm quy y, quý vị tụng bốn câu trong bài kệ quy y, đồng thời quán tưởng mọi chúng sinh cũng đang tụng bài kệ quy y cùng với mình, mọi chúng sinh cũng đang quy y với Đức Quán Thế Âm. Quý vị tụng bài kệ ba lần, và sau mỗi lần tụng quý vị tạm dừng để thiền quán.

Khi thực hành quy y Đức Quán Thế Âm, trước hết quý vị phải quán tưởng Đức Quán Thế Âm như trong hình. Quý vị phải quán tưởng Ngài trong không gian ba chiều, như là một người thật ngự trên không trung phía trước quý vị, đồng thời tụng kệ quy y:

Na mô, ở cõi luân hồi vô tận, bản chất vốn đau khổ,

Con và tất cả chúng sanh, hành động không tự chủ,

Với tâm thành kính từ tận đáy lòng xin quy y

  Bậc Thánh Thắng Đại Bi Thiên tự thể là Tam Bảo.

Khi quán tưởng Đức Quán Thế Âm phía trước, quý vị phải quán tưởng Ngài giống như một người thật, thậm chí có thể quán tưởng Ngài chớp mắt và cử động. Quý vị phải quán tưởng chi tiết như vậy. Khi quán tưởng như vậy thì quý vị sẽ bắt đầu cảm nhận được Đức Quán Thế Âm có thật, Ngài thật sự hiện diện trước mặt quý vị. Có một câu nói, “Khi hành giả thực chứng pháp hành Quán Thế Âm, anh ta có thể thật sự giao tiếp với Đức Quán Thế Âm như giao tiếp giữa người với người.” Tuy nhiên, quý vị phải rất cẩn thận khi có sự giao tiếp đó. Khi thấy những sự việc như thế, Đức Quán Thế Âm mà quý vị nhìn thấy là thật hay giả, quý vị phải rất cẩn thận. Trong cuộc đời tôi, tôi từng gặp nhiều người nói rằng họ thấy Đức Quán Thế Âm cùng các vị bổn tôn khác, và đã giao tiếp với các vị ấy; tuy nhiên, phần lớn những linh ảnh đó đều là giả. Có vài dấu hiệu để nhận biết.

Khi quán tưởng Đức Quán Thế Âm, quý vị phải quán tưởng Ngài trong không gian ba chiều. Thông thường, nếu một người thấy Đức Quán Thế Âm, hay các vị bổn tôn khác như Đức Văn Thù, nhưng không phải là hình ảnh ba chiều mà chỉ là hình ảnh hai chiều giống các bức hình [được in trên giấy], thì đó là dấu hiệu trước tiên cho thấy linh ảnh Quán Thế Âm mà người đó nhìn thấy không phải là linh ảnh thật. Thứ hai, quý vị phải quán tưởng Đức Quán Thế Âm với đủ màu sắc như trong hình. Tôi nghĩ có rất nhiều màu khác nhau trong hình Đức Quán Thế Âm. Nếu quý vị thấy linh ảnh của Ngài nhưng linh ảnh chỉ có hai màu trắng và đen, thì đó là một dấu hiệu cho thấy quý vị không thấy được linh ảnh thật. Nếu quý vị thấy được linh ảnh thật thì linh ảnh đó phải có đầy đủ màu sắc. Nếu có người nhìn thấy linh ảnh Đức Quán Thế Âm chỉ có hai màu trắng và đen thì đó là dấu hiệu chứng tỏ họ không thấy linh ảnh thật của Ngài. Chính vì vậy, khi quán tưởng Đức Quán Thế Âm, quý vị phải quán tưởng hình ảnh ba chiều với đầy đủ màu sắc. Tôi từng gặp người thấy linh ảnh Đức Văn Thù chỉ với hai màu trắng và đen, và họ hỏi tôi về linh ảnh đó. Rất khó để tôi nói “Anh đã không thấy được linh ảnh thật.” vì nói như vậy thì người đó sẽ rất buồn. Nhưng tôi cũng không thể nói “Anh đã thấy được linh ảnh thật.” [Thầy cười] Bây giờ nếu quý vị thấy bất cứ bổn tôn nào bằng mắt của mình, hoặc có linh ảnh với màu trắng đen thì đó không phải là linh ảnh thật. Dù quý vị thấy Đức Quán Thế Âm bằng mắt, hình ảnh ba chiều với nhiều màu sắc, thậm chí quý vị giao tiếp với đối tượng đó thì cũng không thể chắc chắn hoàn toàn là quý vị đã thấy linh ảnh thật. Quý vị cần phải kiểm tra một chút. Kiểm tra như thế nào thì tôi sẽ hướng dẫn sau.

Ở bước này, khi bắt đầu bằng bài kệ quy y, trước hết quý vị quán tưởng Đức Quán Thế Âm trong không gian ba chiều với đầy đủ màu sắc, thậm chí quý vị có thể quán tưởng Ngài chớp mắt và cử động. Với hình ảnh quán tưởng đó, quý vị bắt đầu quy y. Quý vị phải nghĩ rằng hết thảy chúng sinh hữu tình đang tụng bài kệ quy y với mình. Quý vị tụng kệ quy y ba lần. Sau mỗi lần tụng, quý vị dành vài phút thiền quán phát khởi tín tâm mãnh liệt đối với Đức Quán Thế Âm. Khi tụng kệ quy y, câu chữ không quá quan trọng. Sau mỗi lần tụng, quý vị dành vài phút để thiền quán, nhắm mắt và quán tưởng Đức Quán Thế Âm, và phát khởi tín tâm và lòng sùng mộ mãnh liệt đối với Ngài. Quý vị có thể thấy trong câu thứ ba của bài kệ quy y, “Với tâm thành kính từ tận đáy lòng xin quy y”, quý vị không chỉ đọc tụng câu chữ mà còn phải cố gắng khởi tâm giống như vậy.

Ở Tây Tạng có một câu nói, “Khi có tín tâm mãnh liệt thì bạn thậm chí có thể nhận gia trì từ một cái răng chó.” Trong Kinh Thánh cũng có một câu nổi tiếng, “Đức tin có thể dời núi.” Mỗi khi bắt đầu thực hành, quý vị phải phát khởi tín tâm rất mãnh liệt đối với Đức Quán Thế Âm. Quý vị có thể thấy phần này trong pháp tu chuẩn bị của Quan Âm Pháp. Trong pháp tu chuẩn bị, quý vị phải phát khởi tín tâm và quy y.

Bước thứ hai là phát tâm bồ đề. Điều này được nói rõ trong đoạn kệ thứ hai:

2. Phát Bồ Đề Tâm

Hô, tất cả cha mẹ sáu nẻo trở thành đối tượng của đại bi,

Hành vi sai ngộ, không tri nhận được chân tướng

Vì mục đích an vị vào Bồ Đề đạo với tâm đại bi vô lượng

Phát Bồ Đề tâm: Nguyện và Hạnh thắng nghĩa.

Khi bắt đầu thực hành Quan Âm Pháp, quý vị phải phát tâm bồ đề mãnh liệt. Quý vị phải nghĩ rằng mình thực hành Quan Âm Pháp để làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh hữu tình. Khi quý vị khởi tâm suy nghĩ mạnh mẽ về việc làm lợi lạc cho chúng sinh, việc hành trì của quý vị sẽ hiệu quả và mạnh mẽ hơn.

Trong lúc nghe giảng Pháp, nếu quý vị bị mỏi chân thì có thể đứng lên, thư giãn rồi ngồi xuống.

Bước thứ hai của pháp tu chuẩn bị là phát tâm bồ đề. Phát tâm bồ đề có nghĩa là nghĩ đến việc làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Hiện tại, quý vị có thể nghĩ làm lợi lạc cho chúng sinh nghĩa là làm lợi lạc cho con người. Theo quan điểm của đạo Phật thì không phải như vậy. Quý vị phải nghĩ đến việc làm lợi lạc cho loài người, loài thú, và loài phi nhân. Tâm bồ đề là nghĩ đến việc làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, hoặc nghĩ đến việc giải thoát tất cả chúng sinh khỏi luân hồi, giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau. Bước thứ hai chính là phát tâm bồ đề.

Trong bài kệ phát tâm bồ đề, quý vị có thể thấy:

Hô, tất cả cha mẹ sáu nẻo trở thành đối tượng của đại bi,

Hành vi sai ngộ, không tri nhận được chân tướng

Khi tụng đến đoạn này, trước hết quý vị phải khởi tâm từ bi. Thứ hai, quý vị phải nghĩ rằng mình sẽ giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau. Quý vị phải tập trung vào hai điểm này. Khi khởi tâm từ bi, quý vị hãy nghĩ đến khổ đau của chúng sinh. Khi nghĩ đến khổ đau của chúng sinh thì quý vị sẽ khởi tâm từ bi đối với họ dễ dàng hơn. Sau khi khởi tâm từ bi, quý vị hãy nghĩ rằng mình sẽ giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau. Quý vị phải phát khởi động cơ như vậy. Động cơ đó chính là tâm bồ đề.

Khởi tâm từ bi đối với những người thân thuộc với quý vị thì rất dễ; tuy nhiên, khởi tâm từ bi với những người làm quý vị nổi giận hay những người quý vị ghét bỏ thì khá khó. Đây là điểm quan trọng nhất. Trong bước thực hành này, quý vị cố gắng khởi tâm từ bi với những người mình ghét. Nếu đã có thể khởi tâm từ bi với những người mình ghét thì sẽ rất dễ phát tâm bồ đề. Nếu không thể khởi tâm từ bi với những người mình ghét thì mỗi khi quý vị nghĩ đến việc làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, thật sự quý vị không nghĩ đến tất cả chúng sinh mà chỉ nghĩ đến một số ít người [mình không ghét] mà thôi. Khi thực hành khởi tâm từ bi, quý vị phải chú tâm vào hai điểm này. Trong câu thứ nhất và câu thứ hai của bài kệ, quý vị tiến hành phát tâm từ bi. Quý vị phải cố gắng nghĩ đến việc làm lợi lạc cho người khác. Đặc biệt, quý vị phải cố gắng phát tâm từ bi đối với những người mình ghét, và sau đó nghĩ đến việc làm lợi lạc cho họ. Quý vị chỉ tư duy như vậy trong tâm, chứ không cần hành động gì cả. Nếu quý vị phát khởi tâm từ bi mãnh liệt dành cho tất cả chúng sinh thì bất cứ pháp tu nào quý vị đang tiến hành cũng đều thật sự trở thành pháp tu Đại thừa, hay pháp hành Bồ tát đạo.

Câu thứ nhất và câu thứ hai của bài kệ:

Hô, tất cả cha mẹ sáu nẻo trở thành đối tượng của đại bi,

Hành vi sai ngộ, không tri nhận được chân tướng

Sau khi tụng hai câu này, quý vị tĩnh lặng một chút và cố gắng khởi tâm từ bi dành cho tất cả chúng sinh. Khi đã khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh, quý vị cố gắng khởi tâm từ bi đối với những người quý vị không ưa.

Quý vị hãy nhìn lại bản thân để xem mình ghét bỏ bao nhiêu người. Hãy liệt kê năm người quý vị ghét, và cố gắng khởi tâm từ bi đối với họ. Khi cố gắng khởi tâm từ bi, quý vị cũng đồng thời cố gắng tha thứ cho họ từ trong tâm. Nếu quý vị không thể tìm được năm người thì có thể tìm hai người thôi, và cố gắng khởi tâm từ bi dành cho họ. Tha thứ ở đây có nghĩa là tha thứ trong tâm, quý vị không cần phải hành động gì cả. Quý vị không cần nói điều gì cả, không cần phải làm bất cứ điều gì. Chỉ cần quán tưởng trong tâm những người quý vị ghét bỏ, và cố gắng tha thứ cho họ. Khi đã có thể tha thứ cho họ thì quý vị sẽ không còn cảm thấy khó chịu khi nghĩ đến họ. Nếu không thể tha thứ thì chỉ cần nghĩ đến những người mình ghét, quý vị sẽ cảm thấy rất khó chịu và không vui.

Quý vị phải phát tâm từ bi qua hai câu đầu của bài kệ thứ hai. Khi khởi tâm từ bi đối với những người xa lạ, việc khởi tâm từ bi dành cho những người đang đau khổ thì không khó, khởi tâm từ bi dành cho những người mình ghét mới là điều khó hơn. Để làm được điều đó thì quý vị phải tha thứ cho họ, đó là bước đầu tiên. Quý vị tha thứ cho họ trong tâm, chứ không cần hành động gì cả. Không cần nói với họ là quý vị đã tha thứ, mà chỉ cần tha thứ trong tâm. Trong lúc thực hành, mọi thứ sẽ được thay đổi từ bên trong, thay đổi từ trong nội tâm.

Hôm nay, khi tụng đoạn này, quý vị hãy chọn vài người mình ghét và cố gắng khởi tâm bi mẫn đối với họ, và cố tha thứ cho họ. Đây là bài tập về nhà cho quý vị. Nếu quý vị cảm thấy mình không ghét ai hết thì cũng rất dễ để tìm ra người mình ghét. Tôi sẽ chỉ quý vị một cách rất dễ để tìm ra người mình ghét [Thầy cười]. Nói chung, nếu nhìn lại bản thân, người lúc nào cũng không đồng ý với quý vị chính là người quý vị ghét [Thầy cười]. Có một câu nói, “Người nào xuất hiện đầu tiên trong tâm bạn vào buổi sáng khi thức dậy và vào buổi tối khi đi ngủ, người đó hoặc là suối nguồn của hạnh phúc, hoặc là cội nguồn của nỗi đau trong bạn.” [Thầy cười] Quý vị hãy nhìn lại tâm mình xem ai xuất hiện vào lúc sáng sớm và vào buổi tối.

Bây giờ quý vị xem tiếp câu thứ ba và thứ tư của kệ thứ hai:

Vì mục đích an vị vào Bồ Đề đạo với tâm đại bi vô lượng

Phát Bồ Đề tâm: Nguyện và Hạnh thắng nghĩa.

Khi tụng đến hai câu này, quý vị cần nghĩ “Tôi sẽ làm lợi lạc và giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình.” Trong đoạn kệ thứ hai, sau khi hoàn tất hai câu đầu, quý vị cố gắng khởi tâm từ bi với tất cả chúng sinh và cố gắng khởi tâm từ bi dành cho những người mình ghét. Trong lúc thực hành câu thứ ba và câu thứ tư, quý vị nghĩ rằng mình sẽ giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau. Đó là những gì quý vị cần thiền quán.

Khi nghĩ về việc làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, quý vị cũng phải đồng thời nghĩ đến việc làm lợi lạc cho những người quý vị không ưa. Bước thứ nhất không khó, nghĩ đến việc làm lợi lạc cho những người mình ghét. Hãy thực hành trong tâm, quý vị không cần hành động gì cả. Về hành động, quý vị có thể tiến hành sau, không phải vào lúc này. Trước hết quý vị phải thực hành trong tâm, phải thay đổi suy nghĩ. Thực hành Pháp là thay đổi đường lối tư duy. Chúng ta đang tư duy rất sai lầm. Thực hành Phật pháp trước hết là để cố gắng thay đổi cách suy nghĩ của bản thân. Đó là mục đích trước nhất của Phật pháp. Khi đã bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ thì quý vị sẽ thay đổi. Nếu không thay đổi cách suy nghĩ thì quý vị không thể thay đổi. Quý vị có thay đổi bản thân được hay không, điều đó phụ thuộc vào việc quý vị có thay đổi đường lối tư duy của mình hay chưa. Khi nhìn vào những người mình ghét, những gì quý vị nhìn thấy đều từ quan điểm của quý vị. Nếu nhìn những người đó theo quan điểm của người khác thì quý vị sẽ không cảm thấy như vậy nữa.

Ở bước này, quan trọng nhất là phát tâm từ bi. Sau khi phát tâm từ bi, quý vị phải nghĩ rằng mình sẽ làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh tùy theo khả năng của bản thân. Có rất nhiều cách làm lợi lạc. Cách làm lợi lạc tốt nhất là làm lợi cho người khác mà không mong cầu được đền đáp. Đôi khi, quý vị làm lợi cho người khác nhưng lại mong được đền đáp, đó là làm lợi lạc theo kiểu kinh doanh. Khi làm lợi cho người khác, đừng mong cầu điều gì cả. Đó là cách làm lợi lạc tốt nhất. Qua bốn câu trong bài kệ thứ hai này, khi khởi tâm bồ đề, quý vị hãy nghĩ về việc làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, quý vị cần nhiều sức mạnh và cần nhiều năng lực hơn. Để có được năng lực làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, quý vị cần thực hành Quan Âm Pháp. Quý vị làm bất cứ điều gì cũng vì một lý do nào đó. Tại sao quý vị thực hành Quan Âm Pháp? Quý vị thực hành Quan Âm Pháp để có thêm sức mạnh và khả năng làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Để đạt được mục đích đó, quý vị thực hành Quan Âm Pháp. Nhiều người thực hành Quan Âm Pháp chỉ vì thấy người khác cũng đang thực hành, đó không phải là lý do đúng đắn. Nhiều người thực hành Quan Âm Pháp để có được năng lực và sức mạnh cho riêng mình, đó cũng không phải là cách làm đúng. Quý vị phải nghĩ đến việc làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, và để làm được điều đó, quý vị thực hành Quan Âm Pháp. Đó chính là động cơ thanh tịnh khi thực hành Quan Âm Pháp.

Hôm nay tôi dừng ở đây.

 

Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @31/07/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.