Khangser Rinpoche đối thoại với doanh nhân.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 23/01/2014.
Khangser Rinpoche Đối Thoại với Doanh Nhân
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23/01/2014
Chủ đề
Phương Pháp Thư Giãn Tinh Thần và Vượt Qua Căng Thẳng
Trước tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả các bạn. “Xin chào!” [Rinpoche nói “Xin chào!” bằng tiếng Việt]
Hôm nay, buổi nói chuyện của tôi rất đơn giản và không liên quan đến bất cứ tôn giáo nào. Trong cuộc đời tôi, tôi đã đi đến nhiều nơi, và khi nói chuyện tôi không bao giờ đề cập đến tín ngưỡng. Tín ngưỡng là vấn đề riêng của mỗi cá nhân, tôi không đề cập đến vấn đề cá nhân.
Tôi sẽ bắt đầu bằng một câu chuyện nhỏ. Thời đức Phật còn tại thế có một vị tên là A-nan, và vị này là thị giả của Phật. A-nan đã sống thân cận với đức Phật trong rất nhiều năm. Sau khi đức Phật nhập diệt, nhiều đệ tử của Phật đã đạt được những chứng đắc cao tột, nhưng A-nan là người duy nhất chưa đạt được thành quả nào. A-nan rất buồn vì thầy đã có khoảng thời gian dài thân cận với Phật. A-nan đã cố gắng hành thiền. Thầy đã cố gắng hết sức nhưng đã không thể thành công. Lúc đó, thầy đã thật sự trở nên tuyệt vọng. Bởi A-nan có khao khát mãnh liệt để thành tựu ước nguyện và đã tập trung quá mức vào điều đó, nên thầy đã không ngủ được. Khi ấy, một lời dạy của đức Phật đã bất chợt xuất hiện trong tâm trí của A-nan: “Hành thiền trong lúc thư giãn, và thư giãn trong lúc hành thiền.” Trong bối cảnh của công ty này, tôi sẽ thay đổi lời dạy của đức Phật một chút. Tôi sẽ nói rằng, “Làm việc trong lúc thư giãn, và thư giãn trong lúc làm việc.”
Tôi có thể hiểu trong thế kỷ hai mươi mốt này, sinh tồn là vấn đề đầy thách thức. Tôi biết rằng các bạn đều có ước mơ cho đời mình, nhất là ở độ tuổi của các bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải thấu hiểu một điều. Tôi luôn đưa ra một thí dụ. Hãy xem xét một chiếc xe. Nếu bạn tháo rời động cơ, bánh xe,… rồi yêu cầu một người thợ máy giỏi nhất lắp ráp chúng lại, bạn nghĩ chiếc xe có thể hoạt động trở lại hay không? Có thể, cơ hội là 50—50. Bây giờ hãy xem xét con người. Nếu bạn cắt rời tim, phổi,… và yêu cầu một bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất ghép lại, người đó có thể trò chuyện trở lại hay không? Bạn nghĩ thế nào? Không! Điều này cho thấy sự khác biệt giữa con người và máy móc. Chúng ta là con người. Tôi từng gặp rất nhiều người và lúc nào họ cũng đặt cho tôi cùng một câu hỏi, “Đâu là ý nghĩa của cuộc đời này? Mục đích của cuộc sống là gì?” Tôi luôn trả lời rằng, “Sống hạnh phúc!” Do đó, chủ đề của buổi nói chuyện hôm nay là làm thế nào để thư giãn tinh thần và vượt qua căng thẳng mà chúng ta đang phải đối mặt.
Bạn cần làm theo một vài bước rất đơn giản. Tôi nghĩ làm theo những bước đơn giản này sẽ mang đến nhiều thay đổi trong cuộc sống của bạn. Tôi biết rằng mỗi ngày bạn phải làm việc và đối mặt với nhiều áp lực. Đặc biệt, bạn phải đối mặt với áp lực công việc. Bạn có những khát vọng mà đến nay vẫn chưa đạt được. Bạn có thể nổi giận với những điều nhỏ nhặt nhất. Bây giờ tôi muốn bạn hãy trả lời thành thật. Bạn có thể giơ tay lên nếu mình đang phải đối mặt với một trong những vấn đề này không? [đại chúng giơ tay] Những vấn đề này có thể giải quyết. Chúng có thể được chữa trị 100%. Bạn chỉ cần biết một thủ thuật nhỏ. Nếu nhìn lại hàng ngàn năm về trước và nhìn vào thế kỷ hai mươi mốt này, tâm lý học đã phát triển rất nhiều. Nhiều vấn đề bạn đang gặp là một vài dạng của các vấn đề nội tâm; chúng có thể được giải quyết bằng một số phương pháp đơn giản. Điều duy nhất là bạn cần phải thông minh và khéo léo hơn một chút. Có một người điên đứng bên trong bệnh viện tâm thần và đang nhìn ra ngoài từ phía trên một bức tường. Khi đó, một người đàn ông đến từ bệnh viện đó, và lốp xe của ông ta bị hỏng. Người đàn ông đó cố thay bánh xe mới và ông ta tháo rời năm con ốc của bánh xe bị hỏng lốp. Vô tình cả năm con ốc bị rơi xuống rãnh cống. Khi đó, ông ta vô cùng hoảng loạn và nghĩ, “Mình phải làm gì đây? Làm sao để gắn bánh xe trở lại?” Người điên trong bệnh viện tâm thần trông thấy tai nạn đó và đưa ra một lời đề nghị. Anh ta nói, “Tại sao ông không lấy ba con ốc từ ba bánh xe còn lại và gắn bánh xe mới bằng ba con ốc đó?” Người đàn ông vô cùng sửng sốt khi thấy một người trong bệnh viện tâm thần lại có thể đưa ra một ý tưởng sắc bén như vậy. Khi đó ông ta nói, “Anh rất thông minh, anh rất ngôn khoan, tại sao anh lại ở trong bệnh viện tâm thần?” Người điên đáp, “Tôi ở trong bệnh viện tâm thần vì tôi điên chứ không phải vì tôi ngu.” [Rinpoche và đại chúng cười]
Tương tự, trong cuộc sống, chúng ta phải khôn ngoan một chút. Như tôi đã nói, chúng ta đang sống và chúng ta có mục đích sống. Mục đích đó là sống hạnh phúc. Chúng ta cần phải học vài phương pháp để sống hạnh phúc, và để vượt qua căng thẳng và nóng giận. Chúng ta cần phải kiểm soát tốt hai điều: căng thẳng và nóng giận. Nếu không kiểm soát tốt căng thẳng, bạn không thể làm việc tốt. Nếu không thể kiểm soát căng thẳng, bạn không thể làm việc với niềm hăng say. Có sự khác biệt lớn giữa làm việc hăng say và làm việc trong sự căng thẳng, đối với cùng một công việc. Bạn đừng nghĩ rằng những lời khuyên này tôi đã đọc từ sách vở. Tất cả những lời khuyên và kiến thức này tôi có được từ chính kinh nghiệm của bản thân. Có sự khác biệt lớn giữa kiến thức từ sách vở và kiến thức từ kinh nghiệm. Những gì tôi đang chia sẻ với bạn đến từ kinh nghiệm của chính tôi.
Tôi sẽ nói với bạn một điều rất đơn giản. Đó là kiểm soát căng thẳng và nóng giận. Trước tiên là phương pháp kiểm soát căng thẳng. Tôi sẽ nói về phương pháp kiểm soát sự căng thẳng. Bạn cần biết về những nguyên nhân hoặc lý do của sự căng thẳng bên trong mình. Lý do thứ nhất là áp lực công việc. Lý do thứ hai là khát vọng của bạn. Bạn khao khát mãnh liệt điều gì đó nhưng lại cảm thấy rằng mình không thể đạt được nó. Tôi sẽ nói với bạn một điều rất đơn giản. Nhìn chung, quan điểm của con người về hạnh phúc rất khác biệt. Người ta cho rằng càng tiêu thụ nhiều, càng mua sắm nhiều thì sẽ càng hạnh phúc. Đây là chủ-nghĩa-siêu-tiêu-dùng (hyperconsumerism): càng chi tiêu và càng mua sắm thì càng hạnh phúc. Đó là cảm nhận của con người về hạnh phúc. Điều này đúng một vài phần, nhưng bạn sẽ rất ngạc nhiên về điều tôi sắp chia sẻ. Có sự khác biệt rất lớn giữa “hạnh phúc” của tôi và “hạnh phúc” của bạn. Tôi chi tiêu rất ít. Thí dụ, bạn có thể nhìn đồng hồ của tôi. Tôi đã dùng chiếc đồng hồ này suốt tám năm nay. Bạn có thể tưởng tượng giá của nó không? Nó chỉ có giá ba đô-la. Tôi không dùng bất cứ vật nào giá cao hơn mười đô-la trên người mình. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng trạng thái tinh thần của tôi và trạng thái tinh thần của bạn khác nhau rất nhiều. Điều này cho thấy rõ “càng tiêu thụ nhiều thì càng hạnh phúc” là một lý thuyết sai lầm. Tuy nhiên, đối với chính sách của công ty, bạn phải nhồi nhét ý tưởng này vào tư tưởng của khách hàng, nếu không bạn không thể bán sản phẩm của mình [Rinpoche cười]. Dựa vào ý tưởng này, một khi bạn bắt đầu tiêu thụ nhiều hơn nữa, bạn phải làm việc nhiều hơn, phải kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này cho thấy rõ không phải “tiêu thụ càng nhiều thì càng hạnh phúc.” Tôi muốn làm rõ một điều. Kính mắt của tôi có giá hơn mười đô-la vì đây là vấn đề sức khỏe, nên tôi không đặt ra giới hạn. Đối với những thứ xa xỉ, tôi có giới hạn.
Một lần nữa, con người thường tính toán sai lầm về hạnh phúc. Thí dụ, có một người không có tài sản. Khi có 100 đô-la thì anh ta sẽ hạnh phúc. Đó là sự thật. Sau khi có 100 đô-la thì anh ta sẽ nghĩ gì? Anh ta sẽ muốn có thêm 100 đô-la nữa. Ước muốn có thêm 100 đô-la không có gì sai trái. Tuy nhiên, người ta lại tính toán sai lầm. Con người cho rằng nếu 100 đô-la mang đến hạnh phúc, thì 200 đô-la sẽ mang lại hạnh phúc gấp đôi và 300 đô-la sẽ mang đến hạnh phúc gấp ba. Đó là phép tính sai lầm. Sai lầm này trong lúc truy tìm hạnh phúc xuất phát từ việc suy nghĩ cho bản thân mình.
Để vượt qua căng thẳng, đầu tiên bạn phải thay đổi cách suy nghĩ một chút. Do đó, trong lúc làm việc và khi cần phải giải tỏa căng thẳng, bạn cần nghĩ rằng mọi việc mình đang làm đều hướng tới lợi lạc cho người khác. Cuộc đời của tôi là một thí dụ. Trong suốt hơn mười lăm năm qua, tôi đã cống hiến đời mình cho người khác và giúp đỡ người khác. Các bạn làm việc vì hạnh phúc, và những gì tôi đang làm cũng vì hạnh phúc của tôi. Khi bạn thay đổi một chút và nghĩ rằng mình làm việc vì lợi lạc của người khác, công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây không phải là một lý thuyết, tôi sẽ chứng tỏ điều này trong thực tế. Tôi sẽ làm sáng tỏ một cách thực tế và rất đơn giản. Hôm nay, trên đường về nhà, nếu tìm thấy 100 đô-la bên lề đường, bạn sẽ hạnh phúc. Có phải như vậy không? Ba ngày sau, nếu mất 100 đô-la thì bạn sẽ buồn. Có phải như vậy không? Ở đây chúng ta phải tìm ra một bí mật nhỏ. Khi có 100 đô-la, bạn sẽ vui trong bao lâu? Khi mất 100 đô-la, bạn sẽ buồn trong bao lâu? Niềm vui dài hơn hay nỗi buồn dài hơn? [đại chúng trả lời nỗi buồn dài hơn]. Đúng như vậy, nỗi buồn dài hơn. Trên phương diện lý luận, chúng phải bằng nhau. Bạn có 100 đô-la và mất 100 đô-la, lý do nào khiến nỗi buồn dài hơn? Không có lý lẽ nào chứng minh cả, nhưng điều này lại diễn ra. Có một bí mật nhỏ. Không những vậy, có gì đó sai lầm trong cuộc sống của chúng ta. Khi thành tựu được điều gì, hạnh phúc lại không thể kéo dài lâu hơn so với nỗi buồn khi chúng ta đánh mất điều đó. Khi đạt được thành quả mong muốn, bạn sẽ hạnh phúc. Khi đánh mất nó, bạn sẽ buồn hay bất hạnh. Tuy nhiên, thời gian hạnh phúc và bất hạnh lại không giống nhau, nỗi buồn dài hơn nhiều. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân sâu xa.
Nguyên nhân, hoặc bí mật, rất đơn giản. Đó là một bí mật được phơi bày nhưng chúng ta lại không biết. Để mở ra bí mật này, tôi sẽ bắt đầu bằng một câu chuyện. Một người đàn ông nhờ tôi cầu nguyện cho cuộc hôn nhân của anh ta. Anh ta sẽ kết hôn vào tuần sau. Tôi hỏi anh ta, “Tại sao anh muốn cưới bạn mình?” Anh ta đáp rằng nếu cưới người bạn đó thì anh sẽ hạnh phúc. Tôi nói với anh ta, “Điều đó rất sai lầm. Anh không nên suy nghĩ như vậy khi cưới cô ấy. Anh nên cưới cô ấy với suy nghĩ sẽ làm cô ấy hạnh phúc hơn.” Do đó, đôi khi chúng ta tập trung quá mức vào bản thân mình. Nếu tập trung quá nhiều vào bản thân, khi đánh mất những gì gần gũi với mình, chúng ta sẽ đau khổ hơn; và khi đạt được thành tựu nào đó, hạnh phúc sẽ ngắn ngủi hơn. Khi quá tập trung vào bản thân, bạn sẽ không thấy những gì mình đã đạt được và đang sở hữu; bạn chỉ thấy những gì mình đã đánh mất và hiện không có. Đó là vấn đề về cách nhìn nhận, vấn đề không nằm ở thực tại. Vấn đề chính là cách nhìn nhận của bạn. Khi không biết cách nhìn nhận hoàn cảnh một cách đúng đắn, căng thẳng sẽ trỗi dậy trong tâm bạn. Chính vì vậy, khi bạn làm việc, đừng chỉ tập trung vào bản thân, đừng chỉ tập trung vào sự thăng tiến của mình, đừng chỉ tập trung vào việc kiếm tiền nhiều hơn. Đừng chỉ tập trung vào những điều này. Bạn cũng cần phải nghĩ rằng bất kể việc gì mình làm đều có thể đóng góp và mang lại lợi lạc cho người khác. Bạn cũng phải nhìn theo hướng đó. Bạn sẽ rất ngạc nhiên. Khi tôi du hành đến vùng Bắc Ấn, trong nhóm có vài đứa trẻ. Tôi đã hỏi chúng, “Nếu đức Phật hiện ra trước mặt các con và hỏi ước mơ của các con, các con sẽ thỉnh cầu Ngài điều gì?” Chúng trả lời tôi, “Con sẽ xin Phật sức mạnh để con rèn luyện tâm mình và giúp đỡ mọi người tốt hơn.” Về mặt lý thuyết, tôi nghĩ điều đó rất tốt. Tuy nhiên, các bạn có thể nghĩ rằng nó chỉ tốt trên phương diện lý thuyết, chứ thực tế không thể nào xảy ra. Thực tế điều này có xảy ra hay không? Hãy nhìn tôi! Tôi đã trải qua điều này hết năm này sang năm khác. Khi bạn tập trung làm lợi lạc cho người khác, nếu phải đối mặt với khó khăn trong công việc, bạn sẽ cảm thấy hăng say hơn khi làm việc.
Điều thứ hai, con người thường phạm phải một sai lầm. Tôi thường nói đó là sự so sánh sai. Như tôi đã nói, chúng ta luôn nhìn vào những gì mình đã đánh mất và những gì mình không có. Thí dụ, nếu chúng ta kiếm được 100 đô-la/tháng thì ta sẽ nhìn vào những người kiếm được 200 đô-la/tháng. Ở đây xuất hiện một câu hỏi đơn giản. So sánh như vậy có giúp chúng ta tăng lương không? Tất cả những gì nó mang đến là nỗi khổ trong tâm bạn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn làm như vậy. Điều bạn cần làm là phép so sánh đúng đắn. Tôi đang đeo đồng hồ giá ba đô-la; tôi luôn nhìn những người không có đồng hồ đeo tay và tôi cảm thấy hạnh phúc khi đeo chiếc đồng hồ ba đô-la này. Ở Ấn Độ, hàng triệu người không có đồng hồ đeo tay. Bây giờ, nếu bạn nhìn tôi, chắc chắn bạn sẽ rất vui với bất cứ loại đồng hồ nào bạn đang đeo. Đây là một trong vài kỹ thuật. Từ trước đến nay, bạn luôn so sánh sai lầm. Điều đó trở thành thói quen của tâm bạn. Bạn cần thay đổi một chút để so sánh đúng đắn. So sánh đúng nghĩa là nhìn vào những gì mình sở hữu nhưng người khác không có, như vậy bạn sẽ hạnh phúc. Khi tiếp xúc với nhiều người khác nhau, đâu là bài học tôi nhận được? Khổ đau và trục trặc tinh thần của nhiều người xuất phát từ việc nhìn nhận hoàn cảnh một cách sai lầm. Do đó, để vượt qua sự căng thẳng, có hai điểm quan trọng: nghĩ đến lợi lạc của người khác và so sánh đúng đắn.
Điều thứ ba là một phương pháp khác để giải tỏa căng thẳng. Khi căng thẳng, bạn cảm thấy mọi thứ trong tâm mình đều bị bế tắc. Rất nhiều suy nghĩ sẽ xuất hiện trong tâm bạn. Để ngăn chặn và vượt qua những tư tưởng đó, để xả bỏ chúng, bạn chỉ cần nhắm mắt lại, thở một hơi thở dài và tập trung vào hơi thở của mình trong vài phút. Một lần nữa, đây là một nguyên lý rất đơn giản. Có một câu chuyện. Một người mẹ bị mất đứa con trai. Người mẹ nghĩ rằng bà không thể sống thiếu con mình. Bà nghĩ mình cần phải tự tử. Mọi người nói với bà, “Tại sao bà phải tìm đến cái chết? Bà không cần phải làm như vậy.” Người mẹ nói, “Tôi không thể sống thiếu con tôi dù chỉ trong một ngày, vì vậy tôi phải chết.” Có một người khuyên bà đến gặp một vị thầy, nhưng bà từ chối. Tuy nhiên, vị thầy bất ngờ đến thăm bà. Người mẹ nói rằng hiện tại bà ta không sẵn sàng đón nhận bất cứ lời giảng nào và đã quyết định tìm đến cái chết. Một điều kỳ lạ đã xảy ra. Vị thầy nói rằng ông đến đó không phải để giảng thuyết; ông chỉ đến để mang con trai của bà trở về từ cõi chết. Người mẹ rất kinh ngạc và sửng sốt. Bà hỏi vị thầy, “Điều đó có khả thi không?” Vị thầy đáp, “Rất khả thi. Nếu bà có thể đưa ra lời giải cho câu hỏi của tôi, tôi sẽ mang con trai bà trở về từ cõi chết. Câu hỏi rất đơn giản.” Vị thầy hỏi, “Thông thường, khi muốn tạo ra tiếng vỗ tay thì bà phải cần hai tay. Vậy làm cách nào để tạo ra tiếng vỗ tay chỉ với một bàn tay?” Vị thầy nói với người mẹ, “Nếu bà có thể trả lời câu hỏi của tôi, tôi sẽ mang con trai bà trở về.” Sau đó, vị thầy rời khỏi nơi ấy. Người mẹ bắt đầu suy nghĩ ngày qua ngày, tuần qua tuần,… Nhiều ngày trôi qua, nhiều tuần trôi qua, và nhiều tháng cũng đã trôi qua,… Ba năm sau, người mẹ đến nơi vị thầy và nói, “Tôi nghĩ thầy không thể nào mang con trai tôi trở về vì tôi không thể nào tìm ra lời giải cho câu hỏi của thầy.” Vị thầy đáp, “Bà đã có câu trả lời cho mình. Lúc đầu khi tôi đến thăm, bà đã nói rằng không thể sống thiếu con trai dù chỉ trong một ngày. Đến nay bà đã sống mà không có con mình trong suốt ba năm.” Tương tự, khi bạn căng thẳng, thông thường bạn chỉ tập trung vào những thứ khiến mình căng thẳng. Điểm đơn giản là khi bạn căng thẳng, chỉ cần nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở. Một điều rõ ràng là khi bạn áp dụng phương pháp này, giá cổ phiếu không hề tăng; nó chỉ mang đến an lạc nội tâm. Bạn phải nhớ điều này [Rinpoche cười]. Một doanh nhân Singapore nói rằng anh ta muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán, và muốn tôi dự đoán loại cổ phiếu nào sẽ tăng giá. Tôi nghĩ chỉ có đức Phật mới dự đoán nổi, không phải tôi [Rinpoche cười]. Tôi không phải là Phật. Do đó, vấn đề chỉ là kiểm soát bản thân và giải tỏa căng thẳng.
Có lẽ tôi ngừng ở đây. Tôi nghĩ tôi đã nói khoảng bốn mươi lăm phút. Tôi sẽ dành mười đến mười lăm phút cho phần hỏi đáp.
Hỏi: Khi gặp những vấn đề khó khăn hay căng thẳng trong cuộc sống, công việc thì chúng ta nhắm mắt lại, hít thở thật sâu, và tập trung vào hơi thở. Có phải ý thầy là ngồi thiền không?
Rinpoche: Về điểm này, tôi đã nói ba bước. Khi căng thẳng như vậy, hãy thay đổi đối tượng tập trung của mình và tập trung vào hơi thở. Bất kể bạn đang làm việc gì, hãy nghĩ rằng trên phương diện nào đó bạn đang mang lại lợi lạc cho người khác. Điểm thứ ba là giảm thiểu so sánh sai lầm, đừng nhìn vào những gì bạn không có và người khác có. Ba điểm thực hành này sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Đây có phải là hành thiền hay không, điều này không quan trọng. Bạn có thể gọi đây là hành thiền. Bạn cần biết rằng căng thẳng rất có hại cho sức khỏe. Hiện tại ở độ tuổi của các bạn, có thể bạn không chú ý, nhưng khi ngày càng lớn tuổi thì nó sẽ ảnh hưởng nhiều thứ. Đặc biệt khi nhìn ra thế giới, căng thẳng và tuyệt vọng xảy ra ở độ tuổi rất trẻ. Tôi sẽ nói với bạn một điều, nhưng bạn không cần đáp lại. Tôi sẽ hỏi vài câu hỏi. Bạn không cần phải trả lời. Có bao giờ bạn cảm thấy tuyệt vọng? Có bao giờ bạn cảm thấy mình không thể làm được những gì mình khao khát? Có bao giờ bạn cảm thấy để sinh tồn thật quá khó khăn? Có bao giờ bạn cảm thấy lối sống của mình hoàn toàn vô dụng? Nếu có một trong bốn tư tưởng này, bạn nên thận trọng. Đó chính là những dấu hiệu bắt đầu của sự tuyệt vọng. Tôi không dọa các bạn. Rất nhiều người đang tuyệt vọng. Bằng một vài thay đổi trong cách suy nghĩ, bạn có thể vượt qua căng thẳng và nỗi tuyệt vọng. Dùng thuốc chữa tuyệt vọng mang đến rất nhiều tác dụng phụ. Đây là lĩnh vực của tôi. Chúng tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cận tâm lý học, về cơ chế vận hành của tâm. Đây là lĩnh vực của tôi nên tôi biết khá rõ. Do đó, có một câu nói, “Phật giáo không phải là tôn giáo. Phật giáo là khoa học về tâm.” Đạo Phật đề cập rất nhiều về cách suy nghĩ của con người. Có nhiều phương pháp bạn có thể áp dụng mà không cần phải theo bất cứ tôn giáo nào. Tôi đã hỏi bốn câu. Khi bạn gặp một trong bốn vấn đề này, hãy cẩn trọng. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn bắt đầu tuyệt vọng. Tuy nhiên, bạn không cần phải sợ hãi nỗi tuyệt vọng; nó có thể được chữa lành.
Hỏi: Thưa thầy, trong môi trường làm việc, mỗi người có một tiêu chí làm việc, công ty dựa vào đó để tăng lương hay giảm lương hoặc đuổi việc. Nếu không so sánh và phấn đấu lên những tiêu chí khác cao hơn, con bị đuổi việc thì sao? Chúng con còn vợ con ở nhà nữa [đại chúng cười]. Chúng con phải cân bằng giữa hoài bão, công việc và gia đình như thế nào?
Rinpoche: Đây là một câu hỏi rất hay. Thăng tiến rất quan trọng. Tăng lương để có lương cao cũng rất quan trọng. Tôi thường nói một điều. Nếu bạn nghĩ rằng thăng tiến là tất cả, điều đó là sai lầm. Nếu bạn nghĩ thăng tiến chẳng là gì cả, suy nghĩ này cũng không đúng. Thăng tiến là một mặt, và còn những mặt khác nữa. Bạn phải cân bằng. Đôi khi các bạn nghĩ quá nhiều về thăng tiến và cho rằng nó là tất cả; đó là suy nghĩ sai. Tôi thường nói rằng tiền không phải là tất cả, nhưng tiền cũng không phải không là gì cả. Do đó, thăng tiến quan trọng nhưng bạn đừng chỉ tập trung vào thăng tiến. Khi bạn phấn đấu để được thăng tiến, đừng kỳ vọng quá nhiều. Hãy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình và đừng kỳ vọng quá cao. Tôi nghe nói khi các bạn đầu tư vào thị trường, đôi khi các bạn kỳ vọng quá cao vào lợi nhuận. Do đó, khi các bạn không có lợi nhuận thì rất đau khổ. Cân bằng có nghĩa là bạn làm việc đúng đắn để được thăng tiến, nhưng đừng nghĩ rằng chỉ có thăng tiến có thể mang lại hạnh phúc. Đó là toan tính sai lầm. Điểm thứ hai, tôi thấy có một điều sai trái ở những người đang đi làm. Khi làm việc cật lực, đôi khi bạn bỏ quên một điều: chia sẻ thời gian cùng gia đình. Bạn dùng thời gian với máy tính nhiều hơn hay với gia đình nhiều hơn? Ở thời hiện đại này, tôi nghĩ trẻ con dành nhiều thời gian hơn với đồ chơi, và thanh thiếu niên dành nhiều thời gian hơn với điện thoại thông minh. Tôi không bao giờ phản đối việc dùng điện thoại thông minh, nhưng tôi không dùng. Ở nhà tôi, tôi khuyên cha mẹ mình không dùng ti-vi. Trong vài năm, cha mẹ tôi không xem ti-vi. Khi không có ti-vi thì gia đình tôi trò chuyện cùng nhau. Rồi một hôm, anh tôi mua một chiếc ti-vi. Tôi hỏi, “Tại sao anh lại mua ti-vi?” Anh tôi nói rằng ông ấy muốn xem Cúp Bóng Đá Thế Giới [Rinpoche cười]. Thời gian dành cho gia đình rất quan trọng. Khi bạn tập trung quá mức vào công việc, khi bạn nghĩ rằng công việc là tất cả, thăng tiến là tất cả, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ trong cuộc sống. Trong thế kỷ hai mươi mốt này, quan hệ giữa người và người đang trở nên tồi tệ hơn. Chỉ có quan hệ giữa người và máy móc mà không có quan hệ giữa người và người.
Hỏi: Ở nhà mẹ con thường đi chùa, gần như đi chùa mỗi ngày. Con có hỏi mẹ con một câu hỏi, nhưng con vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của mẹ con. Tại sao người ta phải theo tín ngưỡng đạo Phật và đạo Phật giúp được gì cho cuộc sống và công việc của chúng con?
Rinpoche: Như tôi đã nói, tôn giáo không quan trọng, Phật giáo cũng chẳng quan trọng. Tất cả những điều này đều không quan trọng. Bạn phải suy xét đâu là điều quan trọng đối với mình. Điều quan trọng nhất đối với tất cả mọi người là hạnh phúc. Ai cũng muốn hạnh phúc. Để hạnh phúc thì các bạn nghĩ điều quan trọng nhất là gì? Bởi hạnh phúc xuất phát từ nội tâm chứ không phải từ ngoại cảnh; do đó, luyện tâm rất quan trọng. Tôi sẽ cho một thí dụ. Một người mẹ có ba đứa con. Ba đứa trẻ muốn ăn cam và xin mẹ chúng những quả cam. Người mẹ cho con mình mỗi đứa một quả chanh. Đứa trẻ thứ nhất hét lên, "Con muốn ăn cam, tại sao mẹ lại đưa chanh cho con?" Đứa trẻ thứ hai cố gắng ăn quả chanh vừa đắng lại vừa chua. Nó cố gắng tận hưởng quả chanh nhưng đã thất bại. Đứa trẻ thứ ba dùng quả chanh của nó để pha nước chanh bằng cách thêm nước và đường. Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Đôi khi chúng ta mong ước những quả cam nhưng lại không thể nào có được chúng, mà chỉ có được những quả chanh. Việc chọn lựa giữa trách mắng cuộc đời, cố gắng ăn chanh, hay pha nước chanh để thưởng thức là điều nằm trong tầm tay của chúng ta. Đạo Phật chỉ bày cho chúng ta nhiều phương pháp để pha nước chanh từ quả chanh mà ta hiện có. Đến chùa không là gì cả, đó không phải là đạo Phật. Cầu nguyện trước Phật cũng chẳng phải là đạo Phật. Điều duy nhất đó chính là những lời dạy của đức Phật nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là điểm trọng yếu nhất của đạo Phật. Ý nghĩa thật sự của đạo Phật là chỉ dạy phương pháp luyện tâm, giảm thiểu nóng giận, và vượt qua căng thẳng. Đây là tất cả mục đích của đạo Phật. Nhiều người hiểu sai về đạo Phật. Đến chùa, thắp hương,… đều không phải là đạo Phật. Chúng không mang lại điều gì cả. Nhiều lời dạy trong đạo Phật mang đến nhiều điều cho cuộc sống. Tôi đã hỏi một câu hỏi ở một trường cao đẳng. Tôi yêu cầu sinh viên hãy giơ tay lên nếu các em có thể sống thiếu điện thoại thông minh trong suốt một tuần. Tất cả đều ngạc nhiên và sửng sốt. Hạnh phúc của các bạn phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại thông minh, mạng internet, và những thứ bên ngoài; nhưng hạnh phúc của tôi không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Hạnh phúc xuất phát từ nội tâm, đó là lời Phật dạy. Đó là một trong những tư tưởng chính của đạo Phật, và đạo Phật cố gắng chỉ dẫn chúng ta tiếp cận hoàn cảnh khó khăn một cách đúng đắn.
Hỏi: Qua những lời thầy dạy, con có một câu hỏi. Trong cuộc sống và công việc, tất cả chúng con thường gặp những việc bất như ý. Theo phương pháp của thầy dạy, chúng ta nên nhắm mắt lại và hít thở. Con cảm nhận đó là một phương pháp giống như “lấy đá đè cỏ,” mình tránh nó đi. Phương pháp thứ hai là không nhìn bằng ánh mắt so sánh. Con cảm thấy đó là phương pháp hiệu quả nhất thời, hiệu quả chỉ mang tính tạm thời thôi. Đạo Phật có những phương pháp nào cụ thể hơn để giải quyết dứt điểm tâm phiền não và phiền muộn trong tâm do những tham muốn mình đặt ra mà không có được, rồi mình lại triền miên trong nỗi buồn phiền đó? Có phương pháp cụ thể hơn để giải quyết dứt điểm tâm phiền muộn đó hay không?
Rinpoche: Đầu tiên, tôi ước mình có thể nói tiếng Việt. Thứ hai, khi chúng ta có thể hoàn toàn tận diệt căng thẳng, tất cả cảm xúc tiêu cực và mọi phiền não, đó chính là trạng thái của một vị Phật. Đối với đạo Phật, tất cả mọi người đều có tiềm năng thành Phật. Trong trường hợp các bạn thành Phật trước tôi thì xin đừng quên tôi! Khi các bạn chấm dứt vĩnh viễn tất cả mọi cảm xúc tiêu cực, đó là Phật quả. Từ kinh nghiệm của tôi, tôi đã thực hành nhiều và đến nay những cảm xúc tiêu cực như giận dữ,… đã thuyên giảm được sáu mươi phần trăm. Cảm xúc tiêu cực càng được giảm thiểu thì bạn sẽ càng hạnh phúc. Bạn chỉ có thể hiểu được điều này khi bạn kinh nghiệm qua. Khi bạn chưa nếm vị ngọt thì bạn không biết vị ngọt như thế nào. Bạn chỉ có thể biết khi đã nếm. Bạn chỉ có thể hiểu kinh nghiệm này khi bạn thành công trong việc giảm thiểu cảm xúc tiêu cực.
Ok! Cảm ơn các bạn rất nhiều. “A Di Đà Phật.” [Rinpoche nói “A Di Đà Phật” bằng tiếng Việt]
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 08/02/2014.