Tôn sư Khangser Rinpoche ban pháp thoại ngắn tại chùa Như Thị Thất, ngày 19/01/2014
Pháp thoại ngắn tại Như Thị Thất
Tôn Sư KHANGSER RINPOCHE
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19/01/2014
Trước tiên, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị!
Theo lịch giảng, hôm nay là pháp thoại ngắn. Tôi không biết phải nói gì. Tôi đã nói rất nhiều điều trong những buổi giảng qua Skype và trong những lần tôi đến Việt Nam trước đây. Vì vậy, tôi cũng không biết mình cần phải nói những gì. Tôi vừa nhớ đến một điều. Trước đây khá lâu, người anh em họ của tôi có hỏi tôi một câu. Anh ta là một người khá vui tính. Anh ta hỏi rằng nếu tôi không phải là một Rinpoche, không phải là một tu sĩ thì tôi muốn làm gì? Tôi đã trả lời rằng nếu tôi không phải là một tu sĩ, có lẽ tôi muốn làm diễn viên. Cũng như vậy, trong cuộc sống không phải bất cứ điều gì cũng diễn ra như chúng ta mong muốn. Do đó chúng ta phải điều phục tất cả những hoàn cảnh đó, đặc biệt là điều phục tâm mình. Đó là những gì Phật giáo đã dạy, chủ yếu là phương cách kiểm soát tâm. Quý vị nào hôm nay lần đầu tiên đến nghe tôi giảng pháp vui lòng giơ tay cho tôi biết! Khi lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi thấy người Việt Nam rất lúng túng và bối rối. Điều bối rối lớn nhất là khi Kim Cang Thừa đến Việt Nam, đã có rất nhiều sự hiểu lầm, có rất nhiều sự lúng túng. Mọi người cho rằng chỉ nhận quán đảnh và trì tụng thần chú chính là thực hành Kim Cang Thừa. Tuy nhiên, họ không hiểu cách thực hành như thế nào. Họ không hiểu cách thức áp dụng Phật pháp vào cuộc sống hàng ngày. Do đó, họ đã đặt ra những câu hỏi rất khác nhau ở thời điểm đó. Vì vậy, tôi đã nghĩ đến việc xây dựng lớp học qua mạng để giảng dạy nhiều Phật pháp hơn, và hướng dẫn việc áp dụng Phật pháp vào cuộc sống hàng ngày.
Do đó, khi nhìn lại hai đến ba năm về trước thì tiến độ thực hiện khá tốt. Trước khi đến Việt Nam, tôi nói rằng gần đây thính chúng đã đặt cho tôi những câu hỏi ngày càng sâu sắc và đã hiểu biết nhiều hơn về Phật pháp. Lần trước khi tôi xem những câu hỏi mà quý vị đặt ra, những câu hỏi ngày càng sâu sắc và đi sâu vào những tư tưởng Phật giáo. Tôi thường nói rằng tôi không phải là một vị thầy cứ nhắm mắt lại và thuyết pháp, tôi không phải là một vị thầy như vậy. Do đó, quý vị cũng không nên là một người chỉ nhắm mắt lại và nghe pháp. Chúng ta phải cố gắng hiểu. Chúng ta phải cố gắng học nhiều hơn. Như lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, quý vị chỉ nhắm mắt lại, nhận quán đảnh, trì tụng thần chú và cho rằng đó là Kim Cang Thừa. Theo hệ thống tu viện ở Nam Ấn, các vị tu sĩ phải học kinh điển trong ít nhất mười tám năm, sau đó mới có thể học Kim Cang Thừa. Tôi nghĩ bây giờ cũng có nhiều người trong quý vị đã đến các tu viện của chúng tôi ở Nam Ấn. Khi đức Phật thuyết về ba thừa thì nội dung thuyết giảng trong ba thừa đó ít nhiều cũng liên quan đến nhau. Chúng ta không thể thực hành Kim Cang Thừa mà không hề thực hành những thừa trước. Khi muốn thực hành Kim Cang Thừa, tốt hơn hết chúng ta nên hiểu về cách thực hành, đặc biệt là những giáo lý mà đức Phật đã giảng trong những thừa trước. Tôi cũng luôn nói rằng Phật pháp là những phương pháp hướng dẫn cho chúng ta biết cách đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi biết một mục sư đạo Thiên Chúa, chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều. Ông ấy đã kể cho tôi một điều rất thú vị. Khi tôi hỏi tín đồ nơi ông ở thực hành đạo Thiên Chúa như thế nào, ông ta đã nói với tôi một điều rất thú vị. Ông ta nói phần lớn những tín đồ Thiên Chúa giáo nơi ông ở đều là những tín đồ Ngày Chủ Nhật. Lúc đó tôi không hiểu và tôi hỏi ông ta tín đồ Ngày Chủ Nhật là tín đồ như thế nào. Ông ta giải thích rằng những tín đồ này chỉ trở thành tín đồ tốt vào ngày Chủ Nhật vì buổi sáng Chủ Nhật họ đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện và làm việc thiện; còn sáu ngày kia thì chẳng được như vậy mà lại phạm nhiều lỗi lầm! Do đó, quý vị đừng để mình trở thành một Phật tử chùa chiền, có được không? Bởi nếu là một Phật tử chùa chiền thì quý vị chỉ thực hành pháp và cảm thấy an lạc khi đi chùa; còn lại khi trở về nhà, tất cả sự đố kị, ghen ghét và cãi vã vẫn xảy ra như một người bình thường. Điều đó chẳng có lợi ích gì. Đừng trở thành một Phật tử chỉ biết đi chùa! Do đó, chúng ta cần hiểu rằng Phật giáo là những phương pháp thật sự hướng dẫn cho ta nhiều cách đối mặt với khó khăn và thử thách trong đời sống tinh thần. Đây cũng là nội dung quan trọng đối với sự hiểu biết Phật pháp.
Trong nhiều năm qua tôi cũng đã nói nhiều về vấn đề này. Khi nói đến Phật pháp và đặc biệt là Kim Cang Thừa, điều quan trọng nhất là quý vị phải cố gắng hiểu rõ. Tôi có gặp vài người theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, khi thọ giới họ cần phải đọc một bài kinh. Bài kinh này rất đơn giản, “Tôi sẽ không sát sinh, tôi sẽ không trộm cắp, v.v…” Một vị nói với tôi rằng ông ta đã đọc bài kinh này từ khi còn nhỏ và chỉ hiểu ý nghĩa của nó sau hai mươi năm, vì ông ta đọc bài kinh này bằng tiếng Pali, không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của ông. Tương tự, khi chúng ta thực hành Kim Cang Thừa, khi trì tụng thần chú, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa câu thần chú. Khi tôi ban một quán đảnh đức Phật Trí Tuệ ở Đài Loan, trước khi buổi lễ bắt đầu tôi đã đặt một câu hỏi cho thính chúng, “Đức Phật Trí Tuệ đến từ đâu?” Thính chúng có vẻ rất bất ngờ với câu hỏi của tôi. Khi đó tôi nói có lẽ quý vị sẽ trả lời là đức Phật Trí Tuệ đến từ tâm mình. Câu trả lời này có vẻ mang tính triết lý nhưng từ sâu thẳm trong tâm, quý vị sẽ không nghĩ như thế. Những rắc rối bắt đầu xảy ra khi chúng ta hiểu không đủ sâu; do đó khi gặp những câu hỏi kì lạ như vậy chúng ta sẽ ngỡ ngàng, và nó sẽ làm lung lay niềm tin của mình.
Do đó, bây giờ ngay cả giới trẻ Tây Tạng khi tiếp cận với thế giới hiện đại đã đặt ra những nghi vấn về Kim Cang Thừa của Tây Tạng; họ không biết Kim Cang Thừa đúng hay sai. Thử thách được đặt ra như vậy bởi thế hệ trẻ là những người đã được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại. Vì nền tảng hiểu biết rất quan trọng, nếu không hiểu biết sâu sắc thì khi thực hành được vài năm chúng ta sẽ đặt ra rất nhiều nghi vấn. Khi có những bài báo viết về những vấn đề nghi vấn gây băn khoăn như vậy, một số nơi thường hỏi ý kiến của tôi để có thể làm sáng tỏ những điểm nghi vấn này. Do đó, theo tôi nghĩ nếu muốn thực hành Kim Cang Thừa thì chúng ta phải hiểu biết đúng đắn. Để hiểu thì cần phải học. Để học thì cần phải dùng nhiều thời gian để đọc sách vở. Do đó, tôi đã có các lớp học qua mạng, qua Skype và mục tiêu của tôi là mang đến sự hiểu biết chính xác về Phật pháp cho đông đảo mọi người.
Vào thời nay chúng ta có thể tìm được rất nhiều sách vở viết về Phật pháp. Nếu mỗi ngày chúng ta đọc vài trang thì sẽ giúp ích rất nhiều cho bản thân. Đây là những điều mà tôi đã làm từ trước đến nay. Trong thời gian ở Việt Nam, tôi dự định sẽ ban quán đảnh Phật Trí Tuệ và quán đảnh Phật A Di Đà, và giảng Bát Nhã Tâm Kinh, vì Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh chính yếu mà đức Phật đã thuyết giảng.
Khi tìm hiểu về Phật pháp, chúng ta phải trải qua những điều đức Phật đã thuyết giảng. Đức Phật đã thuyết rất nhiều giáo lý, nhưng quan trọng nhất chính là Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh chứa đựng rất nhiều giáo lý về tánh không. Nếu không có tri kiến về tánh không thì chúng ta không thể nào thâm nhập Kim Cang Thừa, vì khi muốn thâm nhập Kim Cang Thừa, chúng ta phải có tâm giác ngộ và tri kiến về tánh không. Nếu không có sự hiểu biết về hai điều trên, ngay cả khi quý vị nhận quán đảnh mà không hiểu rõ chúng, quý vị không thể thâm nhập Kim Cang Thừa. Chỉ với sự hiểu biết về hai điều cơ bản này chúng ta mới có thể thâm nhập Kim Cang Thừa. Tôi nhận thấy mọi người thường cảm nhận rằng tánh không rất khó hiểu. Lý do họ cảm thấy khó là họ không cố gắng để hiểu nó. Tôi nhớ khi tôi còn là một đứa trẻ bảy hoặc tám tuổi, tôi đã nghe rất nhiều về tánh không. Khi đó tôi đã hỏi một vị tu sĩ tánh không là gì. Khi ấy vị tu sĩ nói với tôi rằng tánh không giống như bầu trời. Câu trả lời này có chính xác hay không, đó là một điều hoàn toàn khác. Một dịp khác tôi lại hỏi một vị tu sĩ khá lớn tuổi, lúc đó vị tu sĩ cho tôi một câu trả lời hoàn toàn khác. Khi đó tôi cũng khoảng bảy hoặc tám tuổi. Sau đó một thời gian tôi bắt đầu học triết học Phật giáo. Tôi đã trải qua hơn hai mươi năm học Phật pháp. Tôi cũng có khoảng mười lăm năm thuyết giảng Phật pháp và những thực hành trong Phật pháp. Từ đó hiểu biết của tôi về tánh không thay đổi khá nhiều.
Do đó chúng ta cần hiểu một điều là để hiểu tánh không cần phải có thời gian. Điều này cũng rất quan trọng. Tuy nhiên tôi không nói thời gian cần thiết giống nhau cho tất cả mọi người. Nếu suy niệm về tánh không trong năm phút thì chúng ta sẽ hiểu được nhiều hơn, nếu suy niệm về tánh không trong mười phút thì chúng sẽ hiểu được nhiều hơn nữa. Do đó, Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh chính yếu trong đó đức Phật đã thuyết về tánh không. Bát Nhã Tâm Kinh được xem là bài kinh linh thiêng mà đức Phật đã tuyên thuyết. Tôi sẽ giảng Bát Nhã Tâm Kinh trong bốn buổi. Phần còn lại của lịch trình như thế nào thì tôi cũng không biết [Rinpoche cười]. Phần còn lại của lịch trình ra sao quý vị có thể tìm gặp các bạn Tình nguyện viên hoặc nói chuyện với chị Ngọc.
Lần đến Việt Nam này tôi chia chương trình thành hai phần. Đối với những ai đã học với tôi từ thời gian cách đây vài năm, tôi sẽ cố gắng giảng pháp thực hành sâu sắc hơn. Đối với những ai lần đầu tiên nghe tôi thuyết giảng, chúng ta hãy cố gắng hiểu được nền tảng căn bản của Phật pháp trước.
Chúng ta hãy xem một phương trình căn bản 2+2=4 và 4+4=8. Đây là những công thức toán học rất đơn giản. Tuy nhiên, đôi lúc người ta lại phớt lờ những việc đơn giản như thế. Khi không hiểu những công thức tính toán đơn giản như vậy, chúng ta sẽ không thể hiểu được những lý thuyết khoa học hiện đại và phức tạp hơn. Do đó, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam đa số Phật tử không hiểu những bước tính toán căn bản như vậy mà lại cố tìm đến những bước tính toán phức tạp hơn. Vì vậy, trong hệ thống tu viện, các vị tu sĩ học Kim Cang Thừa ở giai đoạn cuối của quá trình tu học. Phần lớn thời gian trước đó các tu sĩ phải học kinh điển.
Những ai đã học với tôi trong những lớp giảng từ vài năm nay hãy cố gắng đào sâu phần thực hành; đối với những người mới, chúng ta hãy cố gắng hiểu phần căn bản trước. Bát Nhã Tâm Kinh chủ yếu nói về tánh không, chúng ta không thể chỉ hiểu lý thuyết mà còn cần phải đào sâu thực hành. Do đó, lần này tôi dự định thuyết giảng kết hợp lý thuyết và thực hành. Điều này sẽ giúp quý vị đạt được những trạng thái tinh thần, có được sự thấu hiểu nội tâm ở nhiều mức độ khác nhau. Khi nói đến giải thoát và giác ngộ chúng ta đang nói đến sự thay đổi trạng thái tâm mình. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa đức Phật và chúng ta. Trạng thái tâm của Phật so với một người thường có khác biệt rất lớn. Đạt đến trạng thái tâm của đức Phật chính là Phật quả. Chúng ta đừng nghĩ đức Phật có năng lực siêu nhiên như siêu nhân hay là người dơi, không phải như vậy. Khi đức Phật giác ngộ, Ngài đã thuyết Bát Nhã Tâm Kinh. Lúc đó Ngài chia sẻ những kinh nghiệm chứng ngộ của Ngài. Khi Ngài chứng đắc tánh không, Ngài đã chia sẻ những kinh nghiệm đó. Khi chúng ta đọc Bát Nhã Tâm Kinh, “vô sắc, vô thanh” chính là những kinh nghiệm chứng ngộ của đức Phật. Do đó, để chứng ngộ chúng ta cần phải đi qua những kinh nghiệm thực hành. Đó là kế hoạch thuyết giảng trong những ngày sắp tới của tôi.
Vì hôm nay không có một chủ đề cố định để thuyết giảng nên thật khó cho tôi. Không có chủ đề nên tôi không biết phải nói gì. Phần trên là kế hoạch trong những ngày tới và chiều nay chúng ta sẽ có một buổi lễ Cúng dường Đạo sư. Trong buổi lễ chiều nay chúng ta sẽ cúng dường chư Phật và cúng thực phẩm cho các tinh linh. Thông thường, cuối năm chúng ta hay có những buổi lễ như vậy, do đó tôi nghĩ tôi sẽ làm một buổi lễ như vậy ngay hôm nay. Tôi sẽ ở Việt Nam khoảng vài tuần và chúng ta sẽ có thời gian để giảng dạy và tu học. Tuy nhiên đối với những người đã từng học với tôi trước đây, chúng ta hãy cố gắng đào sâu trên phương diện thực hành. Đối với những người mới, chúng ta cố gắng hiểu nền tảng căn bản của Phật giáo. Như vậy là đủ rồi phải không, vì tôi không biết nói gì hơn.
[Đại chúng yêu cầu phần hỏi đáp]
Bây giờ sẽ là phần hỏi đáp. Nếu quý vị có thắc mắc thì đặt câu hỏi hoặc vui lòng ghi ra giấy. Đối với Phật pháp thì hỏi đáp là một phần rất quan trọng, rất tốt. Nếu chúng ta có nghi vấn nào trong tâm mình thì cứ đặt câu hỏi, đừng để có nghi vấn trong tâm.
HỎI – ĐÁP
Hỏi: Khi tụng thần chú (mantra) thì có lợi ích gì? Cơ chế nào, cách tụng thần chú nào tốt nhất để mang lại lợi ích?
Rinpoche: Tụng thần chú mang lại nhiều lợi lạc và có nhiều mức độ lợi lạc. Trì tụng thần chú kết hợp tư duy và thiền định đúng cách sẽ mang đến cho ta rất nhiều lợi lạc. Thần chú mang lại lợi lạc cho chúng ta vì âm thanh của thần chú đã được gia trì. Có một cuộc thí nghiệm trên một cánh đồng trồng rau quả. Dọc theo cánh đồng người ta đặt máy phát ra âm thanh thần chú. Kết quả người ta thấy rằng rau quả trên cánh đồng đó sinh sôi tốt hơn. Thần chú tác động và đem lại lợi lạc cho chúng ta vì âm thanh đó được gia trì, nhưng sự gia trì và tác động đến từ việc tư duy và thiền định của chúng ta lại mãnh liệt hơn, nó có tác động mãnh liệt hơn âm thanh trì tụng ngoài miệng. Tôi không trì tụng thần chú nhiều [Rinpoche cười]. Tôi tư duy và quán tưởng nhiều hơn, vì đó là cách tác động và mang lại lợi lạc cho chúng ta nhiều hơn việc trì tụng thần chú. Chỉ cần năm phút mỗi ngày đã mang đến rất nhiều lợi lạc. Việc trì tụng thần chú cũng rất tốt và mang đến lợi lạc, nhưng thực hành thiền định sẽ mang đến lợi lạc cho chúng ta nhiều hơn. Thần chú mang đến lợi lạc vì những âm thanh đó mang năng lực gia trì.
Quý vị nào đặt câu hỏi trực tiếp vui lòng giơ tay lên. Nếu không có câu hỏi trực tiếp thì sẽ đến câu hỏi ghi giấy.
Hỏi: Ý nghĩa của hai câu thần chú của đức Văn Thù và đức Quán Thế Âm là gì?
Rinpoche: Thần chú của ngài Quán Thế Âm là Om Mani Padme Hum. Tôi thấy Phật tử Việt Nam thường trì tụng thần chú Om Mani Padme Hum mỗi khi có vị lạt-ma quang lâm thuyết giảng. Tôi nghĩ đây là truyền thống của Việt Nam. Ở Tây Tạng không ai làm như vậy [Rinpoche cười]. Bây giờ là ý nghĩa của câu thần chú Om Mani Padme Hum. Đầu tiên chúng ta phải hiểu chủng tự Om. Om có nghĩa là gì? Bản thân chủng tự Om là sự kết hợp của ba âm, đó là A, U, MA. Kết hợp ba âm này lại với nhau sẽ được Om. Ba âm này biểu trưng cho thân, khẩu, ý của Phật. Sau Om là Mani. Mani là châu báu. Châu báu tượng trưng cho trí tuệ. Padme là hoa sen, hoa sen tượng trưng cho từ bi, đồng thời đó cũng chính là danh hiệu của đức Quán Thế Âm [Liên Hoa]. Một ý nghĩa của thần chú này là “Ồ đức Quán Thế Âm! Hãy ban gia trì cho con!” Câu này cũng có ý nghĩa là “Ồ ngài Liên Hoa! Hãy ban gia trì cho con!” Bởi đức Quán Thế Âm có một hạnh nguyện “Bất cứ ai khi gặp khó khăn, nếu nhớ đến tên của ta thì ta sẽ hộ trì cho người đó.” Câu thần chú Om Mani Padme Hum cũng có sáu âm, sáu âm này đại diện cho sáu cõi. Chúng ta biết sáu cõi là gì không? Tôi không nhớ rõ sáu cõi này là gì, có lẽ nhờ bạn Ngọc nhắc lại cho chúng ta. [Ngọc nhắc: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời và atula; sau đó Phong nhắc lại. Rinpoche hỏi đại chúng Phong nói đúng không, mọi người nói“đúng”] Rất tốt, nếu chúng ta đã học và có hiểu biết, khi người khác nói gì mình sẽ biết họ nói đúng hay sai! Sáu âm trong câu thần chú này biểu trưng cho sáu cõi. Khi sinh ra trong luân hồi, chúng ta sinh vào sáu cõi này. Câu thần chú này cũng có nghĩa là “Bất cứ nơi nào con sinh ra trong cõi luân hồi này, con xin nguyện đức Quán Thế Âm hãy hộ trì cho con!” Câu thần chú này cũng có nghĩa là phương tiện để chúng ta thoát khỏi luân hồi. Phương tiện đó là gì? Đó chính là Mani và Padme, nghĩa là trí tuệ và từ bi. Chỉ có sự kết hợp giữa trí tuệ và từ bi mới tạo thành phương tiện thoát khỏi luân hồi. Nhưng tôi nghĩ ý nghĩa chính của câu thần chú này là “Ồ, ngài Liên Hoa! Xin hãy ban gia trì cho con!” vì đức Quán Thế Âm có một thệ nguyện “Bất cứ ai khi gặp khó khăn, nếu nhớ đến tên của ta thì ta sẽ hộ trì cho người đó.”
Thần chú của ngài Văn Thù là Om Ah Ra Pa Sa Na Dhi, tôi sẽ giảng ý nghĩa khi ban quán đảnh đức Phật Văn Thù. Có lẽ tôi sẽ nghiên cứu thêm về ý nghĩa và sẽ giải đáp sau! [Rinpoche cười]
Hỏi: Kính thưa Rinpoche, xin Ngài giảng rõ hơn ý nghĩa của từ thần chú (mantra).
[Trước khi trả lời, Rinpoche hỏi người phiên dịch từ “mantra” trong tiếng Việt nghĩa là gì, từng từ một]
Rinpoche: Từ mantra có nguồn gốc từ tiếng Phạn (Sankrit). Chữ “man” nghĩa là tâm; chữ “tra” có nghĩa là bảo hộ. Mantra có nghĩa là bảo hộ tâm. Điều quan trọng là chúng ta phải bảo hộ tâm của chính mình. Nếu chúng ta không bảo hộ tâm mình thì sẽ có rất nhiều khó khăn xảy ra. Ý nghĩa chính yếu của mantra là bảo hộ tâm mình.
Rinpoche hỏi người đặt câu hỏi,“Anh gặp tôi đây là lần đầu tiên hay lần thứ mấy?”Người hỏi trả lời là đã nhiều lần. Rinpoche hỏi, “Anh có học lớp Skype không?”Người hỏi trả lời “không.” Rinpoche nói, “Bởi anh không học lớp Skype nên tôi sẽ giải thích dài hơn về Phật pháp và việc luyện tâm trong Phật giáo.”
Nói đến mantra có nghĩa là bảo hộ tâm. Bảo hộ tâm có nghĩa là khi trì tụng thần chú, chúng ta phải thực hành thiền định. Thiền định xong rồi tụng thần chú. Sau đó chúng ta lại tiếp tục thiền định và trì tụng thần chú. Cứ làm liên tục như vậy. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể bảo hộ tâm mình. Khi thực hành trì tụng thần chú, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa thần chú và phương cách thực hành đúng đắn. Khi trì tụng câu thần chú Om Mani Padme Hum, chúng ta phải biết khi trì tụng cần tư duy như thế nào. Khi hiểu rõ chúng ta mới tư duy đúng cách. Nhiều người thực hành bằng cảm xúc nhiều hơn là lý trí, nhưng để đem lại lợi lạc thì chúng ta phải thực hành dựa trên nền tảng là hiểu biết; như vậy mới có ích cho bản thân. Khi thực hành bằng cảm xúc, cảm xúc có thể đến rất mãnh liệt nhưng cũng có lúc rất mờ nhạt. Tuy nhiên khi thực hành dựa trên sự hiểu biết thì sẽ rất ổn định. Cảm xúc của chúng ta rất bất ổn. Do đó trì tụng thần chú là phương tiện bảo hộ tâm mình. Đó cũng chính là phương tiện luyện tâm.
Hỏi: Thưa Ngài, tôi học Phật giáo thấy rất mênh mông, xin Ngài chỉ cho bước đầu tiên. Thế nào là tụng chú, luyện bồ-đề tâm, kinh hành, lễ lạy, sám hối? Cám ơn Ngài!
Rinpoche: Bước đầu tiên rất đơn giản. Nếu đói thì chúng ta phải làm gì? [Đại chúng im lặng. Rinpoche cười và hỏi lại] Khi đói thì bước đầu tiên chúng ta phải làm gì? [Đại chúng đáp“ăn”] Chỉ cần câu trả lời đơn giản là ăn. Khi đói thì việc đầu tiên là mình phải ăn, nhưng đó không phải là một câu trả lời thực tế. Câu trả lời thực tế là bằng cách nào mình tìm được thức ăn. Đó mới là thực tế. Mình phải nghĩ làm cách nào để có được thức ăn. Do đó, khi thực hành Phật pháp thì việc đầu tiên là mình phải hiểu. Đức Phật giảng dạy ba điều. Thứ nhất là lắng nghe, thứ hai là hiểu và thứ ba là thực hành; đó chính là văn, tư, tu. Ở Việt Nam tôi thấy đa số mọi người nhảy vào thực hành trước. Thực hành nhưng chúng ta không hiểu rõ. Chỉ nhận quán đảnh và tụng thần chú và chúng ta nghĩ đó là thực hành. Văn, tư, tu nghĩa là lắng nghe, hiểu và hành trì. Đây là điều rất quan trọng. Do đó bước khởi đầu của mình phải là lắng nghe, và phải hiểu. Phật giáo có rất nhiều pháp hành khác nhau. Khi xem xét thuốc dinh dưỡng, chúng ta thấy có rất nhiều loại vitamin. Mình cần loại vitamin nào? A, B, C, D hay Z? Chúng ta cần tất cả các loại vitamin đó để có sức khỏe. Tôi nói có đúng không? Đối với việc thực hành chúng ta cần phải hiểu tất cả những pháp thực hành và chúng ta cần phải huân tập rất nhiều pháp thực hành để có thể điều phục được tâm mình, vì tâm ta có rất nhiều chứng bệnh khác nhau. Đó chính là ngã mạn, sân giận, ganh tị, đố kị…; rất nhiều bệnh khác nhau! Do đó, chúng ta cần nhiều loại vitamin và cần nhiều loại thuốc, và chúng ta cũng cần nhiều pháp thực hành. Để thực hành thì phải hiểu biết. Để hiểu thì trước hết phải học. Nếu không học thì làm sao hiểu được? Nếu không hiểu thì chúng ta thực hành cái gì? Nếu thực hành Phật pháp mà không có sự hiểu biết thì chúng ta không thể nào tiến hành được. Nếu không lắng nghe thì không thể nào hiểu được. Do đó chúng ta cần phải lắng nghe, hiểu biết rồi sau đó mới thực hành. Bước đầu tiên chính là hiểu. Để hiểu thì chúng ta phải nghe và học. Đó chính là những bước đầu tiên chúng ta phải tiến hành.
Hỏi: Những cuốn sách về Kim Cang Thừa được dịch ở Việt Nam hay nói về bản tánh của tâm, tâm chân như. Vậy đó là gì?
Rinpoche: Bản tánh của tâm là tánh không. Bản tánh chân thật của tâm là tánh không. Vì còn nhiều câu trả lời nên tôi sẽ đưa ra câu trả lời ngắn.
Hỏi: Thưa Rinpoche, khi tụng chú thì thỉnh thoảng con cảm thấy nóng và cảm thấy nơi tim nóng nhiều. Đôi lúc ngồi thiền con thấy cây quy y thoáng qua trước mặt. Nguyên nhân là gì?
Rinpoche: Câu hỏi này tôi sẽ bàn sau. Tôi nghĩ chỉ những người học lớp Skype mới đặt những câu hỏi này [Rinpoche cười].
Hỏi: Kính thưa Ngài, khi trì chú con vừa quán tưởng vị Phật trên đầu con, như vậy có đúng không? Xin Ngài chỉ rõ cho con!
Rinpoche: Tôi sẽ nói với quý vị một điều. Chúng ta đến KFC, khi chúng ta trả tiền, người ta đưa hóa đơn cho mình. Nếu chúng ta đem hóa đơn đó đến McDonald thì cửa hàng McDonald có chấp nhận hóa đơn đó không? Nếu mình đem hóa đơn đó đến Lotteria thì họ có chấp nhận không? Tôi nghĩ những cửa hàng khác sẽ không chấp nhận hóa đơn này. Có rất nhiều thần chú của các vị Phật. Khi trì tụng, chúng ta phải biết câu thần chú đó là của vị Phật nào. Nếu mình niệm chú của đức Văn Thù nhưng lại quán tưởng đức Phật Thích Ca thì không phù hợp. Nếu trì tụng thần chú và quán tưởng ruộng phước thì cũng phù hợp, vì trên ruộng phước đã có tất cả những vị Phật. Nếu quán tưởng như vậy thì không sao.
Hỏi: Là Phật tử Kim Cang Thừa, con chỉ trì tụng thần chú mà không đi sâu vào vô thượng du già, vì lý do sức khỏe, bệnh tật nên không thực hành Ngondro. Như vậy có đúng không?
Rinpoche: Đối với Kim Cang Thừa, Ngondro không quan trọng. Những thực hành Ngondro và những thực hành ở giai đoạn thành tựu cần phải được tiến hành song song với nhau. Khi học Ngondro chúng ta được dạy phải lễ lạy mấy trăm ngàn lạy; con số đó cũng không quan trọng. Quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng. Khi lễ lạy, dù chỉ lạy một lần thì chúng ta cũng phải làm có chất lượng, số lượng không quan trọng. Khi nói đến Ngondro người ta nhấn mạnh số lượng chứ không phải chất lượng. Trong tiếng Anh có một câu nói “chất lượng quan trọng hơn số lượng.” Ngondro chú trọng hơn về số lượng nhưng điều đó không quan trọng. Nếu chúng ta chuyên tâm lễ lạy thì hãy lễ lạy có chất lượng. Nếu chúng ta lễ lạy theo số lượng thì điều đó không đúng. Khi nói mình phải lễ lạy 100 lạy thì chỉ nói đến số lượng thôi, không nói đến chất lượng. Do đó khi thực hành Kim Cang Thường thì chúng ta phải chú ý đến chất lượng, dù lễ lạy một lạy hay trì tụng chỉ một tiếng thần chú thì chúng ta cũng nên làm có chất lượng. Nếu cần làm mười hay mười lăm lần thì chúng ta cũng đừng chú ý đến số lượng. Dù chỉ làm một lần cũng phải tập trung vào chất lượng. Tôi có nghe một điều, có một người phụ nữ muốn thực hành lễ lạy và cô này quyết định sẽ thực hiện vài ngàn lạy. Khi đó có một người hỏi cô ta tại sao cô lại thực hành như vậy, có ý nghĩa gì. Cô ta nói rằng chỉ nhìn vào cây quy y và lễ lạy thôi. Cô ta chỉ tập trung vào số lượng và thực hành lễ lạy như vậy thôi, không có suy nghĩ gì ở trong đầu. Cô ta chỉ tập trung vào số lượng, không chú trọng đến chất lượng. Điều quan trọng là chúng ta phải làm có chất lượng. Nếu chỉ làm một lần, hãy làm với chất lượng! Nếu chúng ta làm 100 lần mà không có chất lượng thì chẳng có lợi ích gì, chỉ tốn thời gian nếu chỉ nhìn vào cây quy y và lạy như vậy. Những pháp hành đó khi thực hành chúng ta phải chú ý đến chất lượng chứ đừng chú ý đến số lượng. Khi chúng ta tập trung vào chất lượng đó mới là thực hành chân thật.
Hỏi: Thưa Thầy, Thầy có thể chỉ dạy cho chúng con sự khác nhau căn bản giữa Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cang Thừa không?
Rinpoche: Đối với Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cang Thừa, tôi sẽ nói về những điểm giống nhau và khác nhau. Tổ Tsongkhapa có nói, “Một hành giả nên thực hành cả ba thừa cùng nhau.” Cả ba thừa thực hành này không thể tách rời nhau. Nếu chúng ta tuân thủ giới luật của tỳ kheo, tăng và ni, đó chính là thực hành theo Tiểu Thừa. Nói đến tánh không hay giác ngộ, đó là Đại Thừa. Nói đến những thực hành về bổn tôn là nói đến Kim Cang Thừa. Nếu chúng ta muốn trở thành một hành giả chân thật thì phải kết hợp cả ba lối thực hành này với nhau, không thể nào tách rời. Năm giới cư sĩ xuất phát từ truyền thống Tiểu Thừa. Khi nói về tâm giác ngộ và tánh không, phải căn cứ trên Đại Thừa; và những thực hành bổn tôn thuộc về Kim Cang Thừa. Cả ba pháp hành này phải được kết hợp với nhau. Khi không kết hợp ba pháp hành này thì chúng ta không thể thực hành được pháp nào cả. Nếu không kết hợp cả ba thì ngay cả một trong ba chúng ta cũng không thể thực hành được.
Bây giờ tôi nói đến sự khác biệt. Điểm khác biệt đầu tiên là tên gọi khác nhau. Đó là điểm khác biệt chung nhất. Giáo lý Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cang Thừa có quan điểm khác nhau. Ví dụ, nói đến Phật A Di Đà thì chỉ có trong Đại Thừa và Kim Cang Thừa. Khi nói đến Tiểu Thừa người ta chỉ công nhận đức Phật Thích Ca mà không có những vị Phật khác. Đó là một trong những điểm khác nhau. Khi xem xét hai đối tượng, hai thực thể khác nhau thì chắc chắn chúng sẽ có những điểm khác biệt. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu một điều: có những điểm khác biệt như vậy thì mới mang lại vẻ đẹp. Chúng ta hãy nhìn vào một khu vườn có rất nhiều loại hoa, nếu tất cả loài hoa đó đều có chung một màu thì sẽ rất nhàm chán, nếu khu vườn đó có rất nhiều hoa và sắc màu sặc sỡ thì khu vườn sẽ đẹp hơn. Khi đức Phật thuyết giảng nhiều thừa như vậy, mỗi thừa sẽ có những phương pháp thực hành riêng biệt của thừa đó. Tuy nhiên, là một hành giả chúng ta cần phải kết hợp tất cả những thừa đó với nhau, kết hợp tất cả những pháp thực hành đó với nhau; khi đó chúng ta mới là một hành giả chân thật, thực hành đúng chánh pháp của Phật. Nói đến mười bất thiện nghiệp thì mười bất thiện nghiệp này xuất phát từ giáo lý Tiểu Thừa. Đó là những giáo lý rất quan trọng và chúng ta không thể thực hành Kim Cang Thừa nếu không thực hành mười thiện nghiệp. Những thừa này có những điểm tương đồng và những điểm khác biệt, khi thực hành chúng ta cần phải kết hợp các pháp thực hành của cả ba thừa này với nhau. Nếu chưa biết về Tiểu Thừa và Đại Thừa thì không thể thực hành Kim Cang Thừa được.
Người phiên dịch hỏi lại: “Có thể thực hành Kim Cang Thừa mà không biết về Tiểu Thừa và Đại Thừa không?” Rinpoche: “Có thể! Có thể thực hành được như vậy nếu ở Việt Nam![Rinpoche cười lớn]
Nói chung, chúng ta không thể thực hành như vậy. Tuy nhiên ở Việt Nam thì có lẽ có khả năng [Rinpoche cười]. Ai không rõ thì nên đọc quyển Lamrim––Giải thoát trong lòng tay––trong đó chỉ ra từng giai đoạn và phương pháp thực hành. Trong đó, nói đến nhân quả và vô thường thì những giáo lý này xuất phát từ Tiểu Thừa. Nói đến ruộng phước và cây quy y thì những thực hành này xuất phát từ Kim Cang Thừa. Phần cuối là tánh không và tâm bồ-đề, tâm giác ngộ; đó chính là giáo lý Đại Thừa. Khi nói đến sáu ba-la-mật, trong đó có trì giới thì thật sự phần này cũng xuất phát từ Tiểu Thừa. Tuy nhiên khi nói đến ba-la-mật thứ sáu––bát-nhã ba-la-mật hay trí tuệ, điểm này xuất phát từ Đại Thừa. Do đó, nói chung khi thực hành Kim Cang Thừa, chúng ta phải kết hợp thực hành cả ba thừa––Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cang Thừa––với nhau, nếu không kết hợp được thì chúng ta sẽ không thể thực hành Kim Cang Thừa. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được những quan điểm khác nhau dựa trên ba thừa này. Vì vậy, tổ Tsongkhapa đã nói khi thực hành cần phải kết hợp cả ba thừa này với nhau.
Sau đây là câu hỏi cuối cùng vì hôm nay là buổi nói chuyện ngắn.
Hỏi: Khi trì chú con nên mở mắt hay nhắm mắt? Khi nhắm mắt con quán dễ hơn và thấy tâm thanh tịnh, nhưng nhắm mắt trước bàn thờ Phật thì có phạm giới luật không?
Rinpoche: Nhắm mắt trước bàn thờ Phật không phạm giới, không có gì sai phạm khi làm như vậy. Câu hỏi này làm tôi nhớ đến một điều. Thời gian rồi khi hành hương ở vùng Bắc Ấn, tôi có đi cùng với vài đứa trẻ. Tôi có gọi một đứa trẻ là Shrimpizza (bé Pizza Tôm) nên có một đứa khác hỏi tôi, “Đứng trước đức Phật mà lại gọi tên những món hải sản thì có phạm giới không?”[Rinpoche và đại chúng cười] Do đó nhắm hay mở mắt trước bàn Phật đều không hề phạm giới. Chủ yếu là do hành động, chính những hành động của bản thân khiến chúng ta phạm giới hay không. Những hành động đó đúng hay sai xuất phát từ động cơ. Với động cơ tốt thì hành động của chúng ta không phải là ác nghiệp, nhưng với động cơ bất thiện thì đó chính là ác nghiệp. Do đó, chúng ta có thể nhắm mắt hay mở mắt tùy vào bản thân. Bởi đối với thiền và trì tụng thần chú, chúng ta không thể tập trung làm hai việc đó cùng một lúc; do đó, chúng ta nên hành thiền, tư duy, quán tưởng trước rồi sau đó trì tụng thần chú, rồi sau đó lại tiếp tục thiền định. Nếu chúng ta bắt đầu ngay với việc đó thì càng ngày nó sẽ trở nên dễ hơn đối với mình. Hiện tại khi trì tụng thần chú, trong tâm chúng ta có thể nghĩ đến rất nhiều việc. Thậm chí khi trì tụng thần chú trong tâm ta nghĩ rất nhiều điều không tốt. Nguyên nhân do chúng ta thực hành sai. Chúng ta không thể, không có khả năng thiền định trong lúc trì tụng thần chú; do đó hãy thiền định trước rồi trì tụng thần chú sau, và sau đó tiếp tục thiền định rồi lại trì tụng thần chú, cứ liên tục như vậy.
Cảm ơn tất cả quý vị. Hôm nay chỉ là buổi pháp thoại ngắn thôi. Chiều nay chúng ta sẽ có một buổi lễ. Cảm ơn tất cả quý vị!
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 15/02/2014.