Khangser Rinpoche ban pháp thoại ngắn về Tứ Thánh Đế - Ngày 11/12/2011
Trước hết, tôi gửi lời chào đến tất cả quý vị!
Hôm nay, tôi sẽ nói đôi chút về lịch sử cuộc đời Đức Phật. Khi Đức Phật đắc Phật quả và trở thành một vị Phật, Ngài đã giữ im lặng trong suốt 49 ngày. Sự im lặng này được xem là một sự im lặng cao quý và linh thiêng. Có rất nhiều lý do để Ngài giữ im lặng. Một lý do là tại thời điểm đó, không một ai có thể hiểu được giáo huấn của Ngài. Tôi có cảm nghĩ một lý do khác nữa là Ngài muốn nghỉ ngơi một thời gian. Cũng giống như Ngài, tôi cũng vừa có một kỳ nghỉ kéo dài 2 tháng, và tôi đã có được ý tưởng rất hay về việc có thêm một vài người phiên dịch.
Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã thuyết Pháp lần đầu tiên tại thành Ba-la-nại (Varanasi), và đó cũng được xem là lần chuyển Pháp luân đầu tiên. Giáo pháp Ngài dạy khi ấy chính là Tứ Thánh Đế. Lúc đó, chỉ có duy nhất năm vị nghe Phật giảng Tứ Thánh Đế. Họ là những người nghe Pháp tốt nên đã chuyển tải chính xác thông điệp của Đức Phật đến tất cả mọi người. Số lượng người nghe không quan trọng, chất lượng của người nghe mới là điều quan trọng hơn. Hiện tại, tôi thấy người nghe Pháp rất đông, nhưng số người nghe tốt thì rất ít. Thế nào là một người nghe Pháp tốt? Người nghe Pháp tốt là người không những nghe Pháp mà còn thực hành những gì mình đã nghe được. Phật pháp không phải âm nhạc. Đối với âm nhạc, chúng ta chỉ cần nghe và thưởng thức mà không cần phải thực hành. Tôi cũng đang nhắc nhở quý vị rằng tôi đã giảng Pháp qua Skype được hơn 9 tháng. Trong vòng 9 tháng này, nếu quý vị đã thực hành những gì tôi dạy thì quý vị là những người nghe tốt; nếu không thì quý vị không phải là những người nghe tốt. Tôi không biết quý vị có phải là những người nghe Pháp tốt hay không; chính bản thân quý vị biết rõ điều đó. Bây giờ, tôi yêu cầu quý vị hãy trở thành người người nghe tốt. Điều quan trọng nhất là quý vị phải thực hành bất cứ giáo Pháp nào mình nghe được. Chỉ nghe và nhận quán đảnh không phải là thực hành Pháp, những việc đó rất dễ dàng. Để thực hành Phật Pháp, quý vị cần phải nỗ lực hơn nữa, bởi sự tinh tấn sẽ mang lại những kết quả tốt. Nếu muốn có kết quả tốt thì quý vị phải siêng năng. Nếu quý vị muốn đạt điểm cao trong kỳ thi của mình thì phải học hành chăm chỉ. Hai việc trên đều giống nhau. Nếu quý vị muốn đạt kết quả tốt thì phải tinh tấn hơn nữa trong việc thực hành Pháp.
Khi Đức Phật bắt đầu giảng về Tứ Thánh Đế, trước hết Ngài nói về Khổ Đế. Thứ hai, Ngài nói về Tập Đế. Chân lý thứ ba là Diệt Đế, sự chấm dứt khổ đau; và chân lý thứ tư là Đạo Đế. Bốn chân lý này là nền tảng của triết lý nhà Phật. Một khi nền tảng triết lý này không còn là chân lý nữa thì đạo Phật không còn nương tựa vào sự thật và sẽ tàn hoại. Khi nói về đạo Phật, chúng ta phải hiểu được điều này, đây chính là nền tảng của Phật giáo. Tứ Thánh Đế là giáo lý đầu tiên Đức Phật đã dạy sau khi Ngài giác ngộ. Trong lần đầu tiên, Đức Phật đã giảng về Tứ Thánh Đế. Bốn chân lý này có thể được diễn giải theo nhiều cách, từ mức độ cơ bản đến thâm sâu. Hôm nay, tôi sẽ nói về Tứ Thánh Đế ở mức độ rất đơn giản.
Ở chân lý thứ nhất, Đức Phật nói nhiều về khổ tâm hơn khổ thân. Là con người ai cũng có hai nỗi khổ: khổ thân và khổ tâm. Khổ tâm nghiêm trọng hơn khổ thân. Quý vị có thể thấy đạo Phật chính là kết quả từ những nỗi khổ tâm của chính Đức Phật. Khi còn ở trong hoàng cung, Ngài đã rất khổ tâm. Sau đó, Ngài đã rời cung điện và khám phá ra đạo Phật. Quý vị có thể thấy trong cuộc đời của Đức Phật, khi còn trong cung điện, Ngài đã phiền não rất nhiều. Vì vậy, Ngài đã ra đi để giải thoát khỏi nỗi phiền muộn và căng thẳng. Sau đó, Ngài đã tìm ra đạo Phật. Trong cuộc đời mỗi con người, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều áp lực và khổ đau tinh thần. Tôi thấy một điều, khi con người đau đớn về thân, rất dễ để họ bày tỏ và chấp nhận rằng mình đang có thân bệnh. Nhưng khi một người đau đớn về tinh thần, họ cảm thấy thật khó để chấp nhận rằng mình đang kẹt vào những nỗi khổ tâm đó. Thật khó khăn để nói “Tôi đang khổ tâm lắm.” Khi họ có những cơn đau trên thân thể, họ sẽ sẵn sàng đến bệnh viện và nói “Tôi đang bị đau chân...” hoặc những điều tương tự. Tuy nhiên, khi có những vấn đề trong tâm, họ cảm thấy rất xấu hổ.
Nhiều năm trước, tôi đã đến một trong những bệnh viện tâm thần lớn nhất tại Bangalore để làm một số khảo cứu về tâm với các bác sĩ tâm thần. Chúng tôi cũng đã có một cuộc thảo luận về khoa học và Phật giáo. Khi tôi đang trên đường đi đến bệnh viện tâm thần, một trong những đệ tử của tôi nói với tôi, “Nếu chúng ta đi đến bệnh viện tâm thần nhiều như vậy thì người ta sẽ nghĩ mình bị điên.” [Rinpoche cười]. Vì vậy, rất khó để người ta chấp nhận rằng họ đang có vấn đề về tinh thần và đang phiền muộn. Trước tiên, chúng ta phải chấp nhận rằng mình đang khổ tâm và phiền não; vì vậy trước hết Đức Phật đã dạy Khổ Đế. Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ nói cho quý vị biết mình có mắc phải chứng bệnh nào hay không. Tuy nhiên, nếu có vấn đề về tâm hoặc đau khổ thì chỉ có quý vị mới biết được. Quý vị không nên tỏ ra mình đang hạnh phúc dù bản thân đang đau khổ. Quý vị không nên tự lừa dối mình. Nếu quý vị đau khổ, đã có phương pháp để quý vị trở nên hạnh phúc hơn. Nếu quý vị phiền não, cũng có phương pháp để quý vị vượt qua nỗi khổ tâm. Quý vị không cần phải tỏ ra mình hạnh phúc dù trong tâm quý vị đang sầu não. Chính vì vậy, đạo Phật nhấn mạnh việc điều phục phiền não. Quý vị có thể thấy căng thẳng tinh thần và phiền não nghiêm trọng hơn những vấn đề về thân; bởi nếu con người phiền não thì họ có thể tìm đến cái chết. Khi tâm an lạc, cuộc sống của quý vị sẽ bớt căng thẳng hơn. Một khi tâm không an lạc, quý vị sẽ cảm thấy cuộc sống này như một thảm kịch. Tôi có một điều muốn nói với các Phật tử Việt Nam, nếu tâm quý vị không an, tất cả ma chướng sẽ trỗi dậy. Nếu tâm quý vị an lạc thì không còn ma chướng nào nữa. Tôi biết các vị tại Việt Nam thường nói rất nhiều về chuyện ma quỷ. Nếu tâm của quý vị hạnh phúc thì sẽ không có một loài ma quỷ nào có thể tồn tại. Nếu tâm đầy phiền não thì nơi ở của quý vị sẽ đầy ma chướng.
Chân lý thứ nhất là Khổ Đế, chúng ta có thể vượt qua nỗi khổ đó. Khổ tâm nghiêm trọng hơn khổ thân nên đạo Phật nhấn mạnh hơn vào việc đối trị phiền não, nhằm giúp con người sống hạnh phúc hơn. Điều này rất quan trọng. Tôi thường nói về đạo Phật rất ngắn gọn: đạo Phật dạy chúng ta sống mạnh mẽ và hạnh phúc; điều đó rất quan trọng. Nếu có thể sống mạnh mẽ và hạnh phúc thì cuộc sống của quý vị là một ân phước. Nếu quý vị nghe Pháp nhưng vẫn không thể sống hạnh phúc và mạnh mẽ thì Phật pháp chẳng có hiệu quả gì đối với quý vị. Quý vị có quyền được hạnh phúc và mạnh mẽ. Đó là quyền của chính quý vị. Phật giáo là những giáo huấn dạy cho chúng ta cách sống hạnh phúc và mạnh mẽ. Khi mua một chiếc máy tính hiệu Apple, quý vị sẽ nhận được một quyển sách hướng dẫn cách sử dụng. Tuy nhiên, khi chào đời thì chúng ta không hề có một quyển sách nào đi kèm để hướng dẫn bản thân cách sống hạnh phúc. Cha mẹ cũng không trao cho chúng ta bất cứ quyển sách nào như vậy khi sinh ta ra đời. Đạo Phật là một tên gọi khác của khoa-học-về-cuộc-đời, là cách sống hạnh phúc. Tôi thường nói điều này rất nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau. Nếu quý vị đến trường đại học, có rất nhiều ngành học khác nhau như tâm lý học, xã hội học, sinh học..., nhưng quý vị sẽ không thể nào tìm thấy môn khoa-học-về-cuộc-đời. Đạo Phật chính là khoa-học-về-cuộc-đời. Đừng nghĩ rằng Phật giáo chỉ đơn thuần là nhận quán đảnh. Nếu nhận hàng ngàn quán đảnh nhưng vẫn không biết cách sống hạnh phúc thì quý vị vẫn phiền não. Một khi quý vị biết cách sống hạnh phúc, dù chưa hề nhận bất cứ quán đảnh nào, quý vị vẫn hạnh phúc. Khi quý vị nhìn vào cuộc đời của Đức Phật, rất khó để tìm ra việc Đức Phật đã ban quán đảnh. Một điều quý vị có thể thấy khá rõ, khi các vị vua gặp phiền não, họ tìm đến Đức Phật để xin lời khuyên từ Ngài. Tôi nghĩ quý vị đã nghe câu chuyện kể về một người mẹ bị mất đứa con trai của mình vào thời Đức Phật còn tại thế. Người mẹ ấy tên là Kisa Gautami. Khi đau khổ, bà ta đã đến chỗ Đức Phật. Bà ấy khẩn cầu Phật hãy mang con của bà trở lại từ cõi chết, hãy làm nó sống lại. Đức Phật nói bà có thể làm được chuyện đó, làm cho con bà sống lại. Ngài nói, “Ta có thể làm được, nhưng bà phải mang cho ta tro từ nhà nào chưa hề có người chết, ta sẽ làm cho con bà sống lại.” Bà ta đi khắp làng để tìm tro từ nhà chưa từng có người chết. Bà tìm kiếm suốt ngày, nhưng đã không thể tìm được dù chỉ một nhà nói rằng ở đó chưa từng có người chết. Bà ta trở lại gặp Phật và thưa rằng bà không thể tìm ra nhà nào chưa từng có ai chết. Phật dạy, “Đúng như vậy! Tất cả mọi người đều phải chết chứ chẳng phải riêng gì con bà. Tất cả mọi người đều có cùng nỗi khổ đó.” Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng tất cả mọi người, kể cả các vị vua đều đến tìm Đức Phật khi họ đau khổ, để xin Ngài lời khuyên. Đức Phật không bao giờ khuyên họ tiến hành các nghi lễ (puja), Ngài chưa bao giờ nói như vậy. Ngài chỉ đưa ra những lời khuyên về đường lối tư duy. Ở Việt Nam, trong một buổi nói chuyện với đại chúng, một người đã hỏi tôi câu chú để sống hạnh phúc. Không hề có một câu chú nào như vậy cả. Họ hỏi tôi rất nhiều câu chú, nhưng tôi đâu phải là cuốn từ điển về các câu chú! [Rinpoche cười]. Điều duy nhất tôi dạy quý vị là cách tư duy. Nếu biết suy nghĩ đúng đắn thì quý vị sẽ có thể kiểm soát cuộc đời mình một cách đúng đắn.
Làm thế nào để điều phục phiền não? Đức Phật đã giảng về chân lý thứ hai, nguyên nhân của khổ. Những nguyên nhân này rất đơn giản. Ngài đã dạy rằng mọi tư tưởng khổ đau đều xuất phát từ ba loại ác niệm. Thứ nhất là sân giận. Thứ hai là vô minh. Thứ ba là bám chấp. Ba loại ác niệm này làm nảy sinh mọi khổ đau. Đối với sân giận, tôi nghĩ tôi đã nói rất nhiều khi còn ở Việt Nam. Nếu quý vị đã tham dự các buổi giảng của tôi ở Việt Nam nhưng vẫn không giảm thiểu được sân giận thì quý vị đã không thực hành đúng đắn. Nếu có thể giảm thiểu được sân giận của mình khoảng 1 hoặc 2%, thì quý vị đã rất thành công và đã thực hành rất tốt. Bất cứ khi nào nổi giận, quý vị sẽ cảm thấy đau khổ. Tôi nghĩ quý vị còn nhớ câu chuyện tôi đã có thể giảm thiểu cơn giận của mình bằng cách thực hành Pháp. Quý vị nhớ không? Lấy đó làm ví dụ, câu chuyện đó cho thấy quý vị có thể thành công trong việc giảm thiểu sân giận của chính mình. Giảm thiểu ác niệm chính là pháp hành Phật giáo thực thụ, và đó cũng là thực hành quan trọng nhất. Khi tôi ban quán đảnh, tôi không quan tâm nhiều đến việc quý vị có thực hành mật pháp hay không; tuy nhiên, nếu quý vị không cố gắng điều phục cơn giận thì quý vị sẽ đau khổ. Chính quý vị là người đau khổ chứ không phải tôi. Cho dù quý vị có là Phật tử hay không, nếu không kiểm soát được sân giận thì quý vị sẽ đau khổ. Tôi nghĩ tôi đã nhiều lần nói với quý vị rằng tôn giáo là vấn đề cá nhân của mỗi người. Quý vị có thể theo bất cứ tôn giáo nào mình muốn, nhưng điều quan trọng hơn hết là quý vị có hạnh phúc hay không. Đạo Phật chỉ ra rất nhiều phương pháp để kiểm soát và giảm thiểu sân giận. Quý vị nên nghĩ rằng mục đích chính của thực hành Phật pháp là để điều phục ba loại ác niệm. Đó là cốt tủy của đạo Phật. Những điều này không chỉ dành cho Phật tử, mà cho tất cả mọi người. Tôi thường nói một điều. Trước tiên, chúng ta phải trở thành một người hạnh phúc. Nếu mỗi người trong số quý vị trở thành người hạnh phúc thì chúng ta sẽ có gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc, đất nước hạnh phúc và thế giới hạnh phúc. Một khi có thể điều phục được mọi ác niệm này, quý vị sẽ trở thành một người thật sự hạnh phúc.
Có lẽ tôi dừng tại đây vì pin máy tính đã gần hết.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 24/11/2014.