02-04-2023
Nhập Bồ Tát Hạnh 2019
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH

TUẦN 88 – 02/04/2023

(Tóm tắt theo lời giảng của Ngài Khangser Rinpoche)

PHẨM 6: NHẪN NHỤC

BÀI KỆ 134

Trong luân hồi, xinh đẹp… nhờ nhẫn

Không bệnh tật, tiếng tốt lẫy lừng

Có đời sống lâu dài tốt đẹp

An lạc lớn của Chuyển Luân Vương

- Bài kệ nói đến các phẩm tính tốt đẹp, những lợi lạc có được nếu ta thực hành nhẫn nhục.

- “Trong luân hồi, xinh đẹp… nhờ nhẫn”: Nếu ta thực hành nhẫn nhục trong các mối quan hệ của mình thì mọi người sẽ thấy thoải mái, sẽ có mối kết giao lâu với mình. Còn nếu ta không thực hành nhẫn nhục đối với những người xung quanh thì họ sẽ không cảm thấy thoải mái trong các mối quan hệ với mình, sẽ từ từ rời xa mình.

- Ở đây đang nói đến những lợi lạc của nhẫn nhục. Đôi lúc chúng ta thực hành nhẫn nhục mà những người xung quanh không biết mình thực hành nhẫn nhục, thỉnh thoảng họ tạo ra áp lực cho mình. Trong trường hợp chúng ta không chịu được áp lực đó, thỉnh thoảng chúng ta có thể trả lời lại với họ, cho họ biết mình đang thực hành nhẫn nhục.

- “Có đời sống lâu dài tốt đẹp”: Nếu chúng ta thực hành nhẫn nhục thì sẽ có đời sống lâu dài tốt đẹp, vì nếu thực hành nhẫn nhục, không có nổi giận nhiều thì sẽ tốt cho sức khỏe của mình. Thực hành nhẫn nhục là phải kiềm chế cơn nóng giận của mình, ít nhất là nếu có tức tối, bực bội trong tâm thì cũng đừng thể hiện ra bên ngoài.

- Bài tập thực hành:

+ Bài tập 1: Đọc lại toàn bộ phẩm 6 và chọn ra bài kệ nào mà chúng ta cảm thấy chạm đến tâm mình nhất để học thuộc lòng. Sau khi học thuộc lòng, hãy liên tục gợi nhớ lại. Lúc nào cảm thấy bực tức, hay giận dỗi ai thì hãy nhớ lại bài kệ đó và cố gắng thực hành nội dung của bài kệ đó.

+ Bài tập 2: Nghĩ đến tác hại của nóng giận, ví dụ nóng giận sẽ làm mất thời gian, gây tổn hại đến sức khỏe, an lạc tinh thần của chúng ta. Hãy liệt kê những tác hại mà cơn tức giận gây ảnh hưởng cho bản thân tanhư thế nào.

+ Bài tập 3: Sau khi thực hành 2 bài tập này, hãy khởi động cơ lớn rằng từ nay về sau chúng ta sẽ cố gắng thực hành nhẫn nhục nhiều nhất có thể.

- Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, phẩm 6 là phẩm có nội dung quan trọng nhất. Chúng ta đã học xong phẩm 6 của Nhập Bồ Tát Hạnh thì ít nhất phải có được lợi lạc từ phẩm này. Chúng ta phải cố gắng thay đổi bản thân.

PHẨM 7: TINH TẤN

BÀI KỆ 1:

Nhẫn thế rồi, trau dồi tinh tấn

Tinh tấn thế mới thành giác ngộ

Như không gió không hề lay chuyển

Không tinh tấn, phước đức không thành

- Ở đây lấy một ví dụ rất hay. Nếu ta muốn đốt một ngọn nến thì phải tìm chỗ không gió mới đốt nến được. Để một ngọn nến cháy sáng liên tục được thì cần môi trường không gió. Thực hành pháp cũng vậy, chúng ta cần phải giữ cho pháp thực hành của mình liên tục, không ngừng nghỉ.

- Trong ví dụ này, ngọn gió chính là chướng ngại đối với ngọn đèn, vì có có gió thì đèn sẽ tắt. Cũng giống như vậy, khi chúng ta thực hành tinh tấn thì chướng ngại lớn nhất chính là lười biếng. Tinh tấn là cách đối trị với lười biếng.

- Nếu ta thực hành tinh tấn đúng cách thì sự tinh tấn đó sẽ giữ chúng ta đi đúng trên con đường giác ngộ. Tinh tấn đúng sẽ giúp chúng ta đạt được giác ngộ.

BÀI KỆ 2:

Tinh tấn là hào hứng với thiện

Nói về đối nghịch của điều này:

Lười biếng bám giữ các việc xấu,

Trì hoãn và tự xem thường mình.

- Bài kệ 2 định nghĩa tinh tấn là gì: “Tinh tấn là hào hứng với thiện”.

- Có vài điểm quan trọng chúng ta cần thực hành để có thể tinh tấn. Điều đầu tiên là động cơ thực hành. Động cơ thực hành đúng đắn ở đây là chúng ta phải luôn nghĩ làm lợi lạc cho chúng sinh. Cho dù thực hành điều gì, ví dụ khi đọc kinh, đọc chú thì ta phải nghĩ là tiếng đọc kinh, đọc chú của mình sẽ làm lợi lạc cho các chúng sinh ở môi trường xung quanh.

- Tinh tấn là cách đối trị với lười biếng. Có 3 loại lười biếng:

(1) Lười biếng thứ nhất là trì hoãn, nghĩa là chúng ta cứ hẹn lần hẹn lữa công việc của mình chờ ngày mai mới làm. Nhưng hãy nhớ một điều rằng, ngày mai hoặc vài ngày sau, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh, đôi lúc chúng ta không còn kịp làm công việc đó nữa vì tình hình đã thay đổi. Có lúc buổi sáng khỏe mạnh nhưng buổi chiều lại bị bệnh rất nặng, mọi thứ ngay cả trong một ngày cũng thay đổi rồi, huống chi nói đến ngày mai hay vài ngày nữa. Cho nên có việc gì cần phải làm, đặc biệt là chuyện thực hành pháp, nếu phải làm hôm nay thì hãy cố gắng thực hiện. Vì trong tương lai mọi việc diễn biến thế nào thì chúng ta hoàn toàn không thể nói trước được.

(2) Loại lười biếng thứ 2 là ta có thói quen bám giữ các việc làm không cần thiết. Những việc làm không cần thiết đó là gì thì phụ thuộc vào cuộc sống của mỗi người. Chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống của mình và xem mỗi một ngày mình làm những việc nào không cần thiết mà cứ làm đi làm lại hoài.

(3) Loại lười biếng thứ 3 là loại lười biếng tự xem thường mình. Có thể hiểu đơn giản là tự ti, tức nghĩ rằng mình không làm được chuyện đó đâu, mình không có khả năng làm được việc đó, mình không có khả năng đạt được thành công đó. Nghĩ như vậy là tự xem thường mình. Nghĩ như thế khiến chúng ta không dấn thân làm được việc gì cả. Ta cần phải từ bỏ loại lười biếng này.

+ Ví dụ, ta nghĩ rằng mình không tu thành Phật được đâu. Trong khi đó, tất cả mọi người đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật được. Nếu ta thực hành pháp thì chắc chắn sẽ thành Phật được. Trong cuộc sống, có những lúc khó khăn, có những lúc thuận lời, điều đó rất bình thường. Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Nếu lúc nào ta thấy được cơ hội tốt thì bên cạnh cơ hội tốt cũng đi kèm với khó khăn. Lúc nào ta thấy có khó khăn thì đi kèm với khó khăn cũng có cơ hội tốt. Nếu vượt qua được khó khăn, ta hoàn toàn có thể đạt được thành công.

+ Loại lười biếng thứ 3 là loại tồi tệ nhất, nghĩa là luôn tự coi thường bản thân, nghĩ mình không có khả năng làm tất cả các việc.

- Để đối trị 3 loại lười biếng này, ta cần có tinh tấn. Làm sao để biết ta có tinh tấn? Có tinh tấn nghĩa là ta cảm thấy hoan hỷ với pháp hành của mình. Lúc thực hành pháp, ta cần có động lực là làm lợi lạc cho người khác. Nhờ động lực đó thì ta mới có hoan hỉ, hào hứng với việc thực hành pháp. Giống như việc làm thiện, nếu ta hào hứng với việc làm thiện, nghĩa là lúc đó ta có tinh tấn.

- Khi ta thực hành bố thí cho con thú nào như con chó, con mèo thì ngoài việc cho ăn, ta hãy đọc kinh và cầu nguyện cho con thú đó. Ta hãy cầu nguyện cho con thú đó đời này có chết đi thì đời sau chúng sẽ được sinh lên cõi tịnh độ, hoặc ít nhất có phước lành, sinh về các cõi lành. Khi ở trong trung ấm, con thú đó sẽ biết được rằng người đó lúc cho nó ăn thì đã có cầu nguyện cho nó được về cõi lành. Cho nên động cơ thực hành pháp là rất quan trọng, đó là hãy nghĩ đến lợi lạc cho nhiều người khác. Khi phát động cơ lớn mang lợi lạc cho người khác và làm chuyện đó thì nhờ động cơ lớn sẽ giúp mình có được niềm vui và hào hứng đối với chuyện thực hành pháp.

BÀI KỆ 3:

Thích nếm vị sung sướng rảnh rang

Lại thích thú vùi vào giấc ngủ,

Thế nên chẳng chán khổ luân hồi

Lại càng sinh ra thêm lười biếng.

- “Thích nếm vị sung sướng rảnh rang/ Lại thích thú vùi vào giấc ngủ”: 2 câu này có ý nói rằng ngủ nhiều được xem là lười biếng. Thầy cho rằng có thể Ngài Tịch Thiên không ngủ nhiều được nên Ngài Tịch Thiên nói rằng ai ngủ nhiều là lười biếng. Thầy không đồng ý với điểm này. Trong kinh điển đức Phật chưa bao giờ nói rằng nếu ngủ nhiều thì sẽ không thành Phật. Thời đức Phật còn tại thế, chưa có ghi nhận trường hợp nào do ngủ nhiều quá mà không thành Phật cả. Từ lúc đó đến bây giờ cũng hơn 2.500 năm, cũng chưa có ghi nhận trường hợp nào do ngủ nhiều mà không thành Phật. Theo Thầy, ngủ ngon không có ảnh hưởng đến việc thực hành và ngủ ngon có thể là một cách trị liệu tốt nhất. Nếu không ngủ ngon thì qua ngày hôm sau, chúng ta sẽ rất mệt mỏi, cũng không lợi ích cho việc thực hành. Cho nên chúng ta có thể tạm lơ đi câu nói này của Ngài Tịch Thiên.

- Nếu có đọc tiểu sử của Ngài Tịch Thiên thì lúc Ngài Tịch Thiên còn là vị tu sĩ trong học viện Nalanda, Ngài Tịch Thiên có một biệt danh là một ông thầy chỉ biết ăn, ngủ và đi vệ sinh thôi, người ta không thấy ngài Tịch Thiên thấy làm công việc gì với mọi người cả. Lúc đó tu viện muốn đuổi ngài Tịch Thiên nên mới nói Ngài lên pháp tòa giảng dạy. Vì người ta nghĩ rằng một ông thầy chỉ biết ăn, ngủ, đi vệ sinh thì chắc không biết gì để giảng. Lúc đó Ngài Tịch Thiên đã chấp nhận lời thách thức đó và sau đó, khi lên pháp tòa, Ngài đã giảng nội dung của Nhập Bồ Tát Hạnh này. Sau khi Ngài Tịch Thiên giảng xong Nhập Bồ Tát Hạnh thì lúc đó Ngài cũng đã rời khỏi Nalanda.