08-01-2023
Nhập Bồ Tát Hạnh 2019
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH

TUẦN 86 - NGÀY 09/01/2023

PHẨM 6: NHẪN NHỤC

BÀI KỆ 125

Để làm hài lòng cho các đấng Như Lai

Nay quyết khắc phục, làm nô bộc thế gian

Chúng sinh có đá hay giẫm đạp trên đầu

Chết chẳng đáp trả làm hài lòng Thế Tôn.

- “Làm nô bộc thế gian” nghĩa là phụng sự, làm nô bộc, hầu hạ cho tất cả mọi chúng sinh. Mục đích của việc đó là làm cho đức Phật vui lòng, bởi vì đức Phật với tâm từ bi luôn muốn tất cả chúng sinh được hết khổ, được an vui nên việc phụng sự chúng sinh, làm chúng sinh an vui là cách cúng dường tốt nhất lên đức Phật.

- Sẽ rất khó áp dụng thiền quán làm nô bộc cho từng người trong tất cả mọi chúng sinh. Do đó, cách dễ hơn là đặc biệt nghĩ đến những người có duyên nghiệp với mình trong đời này vì họ có những mối liên hệ và việc làm khiến ta có tình cảm sâu sắc. Nhờ đó, sẽ dễ dàng hơn cho mình khi thiền quán về họ. Cụ thể, hãy nghĩ trước mặt là bạn bè hoặc người thân của mình, sau đó cúi đầu, chắp tay lại và nghĩ rằng: “Từ nay tôi sẽ phụng sự, làm kẻ hầu người hạ cho người ấy”. Sau đó, nghĩ rằng “tất cả mọi công đức tôi có được nhờ làm kẻ hầu người hạ như thế, tôi xin dâng cúng dường lên cho tất cả các đức Như Lai”. Sau khi cúng dường thiện hạnh đó lên các đức Như Lai, ta hãy nghĩ các đức Phật sẽ vô cùng hoan hỷ. Bởi vì Đức Phật với tâm đại từ, đại bi của Ngài luôn muốn chúng sinh hết khổ, được an vui. Cho nên, nếu ta có thể làm chúng sinh được an vui, chắc chắn sẽ làm đức Phật hoan hỷ.

BÀI KỆ 126

Các đấng đại bi xem tất cả chúng sinh

Cũng như là mình, chuyện ấy chẳng nghi ngờ

Người thấy rõ được bản chất của chúng sinh

Cũng bản chất Phật, vì sao không cung kính

- Bài kệ có ý nghĩa là đức Phật, với lòng từ bi, luôn xem tất cả chúng sinh cũng giống như bản thân Ngài. Đức Phật yêu thương tất cả mọi chúng sinh giống như các đứa con của Ngài. Điều này không có gì phải nghi ngờ. Do đó, nếu ta có thể làm chúng sinh được an vui thì chắc chắn đức Phật sẽ vui. Điều này cũng không có gì phải nghi ngờ.

BÀI KỆ 127

Đây là cách làm Phật hoan hỷ

Cũng là cách thành tựu lợi mình

Cách ấy làm thế gian hết khổ

Thế nên ta luôn phải làm theo.

- “Đây là cách làm Phật hoan hỷ”: Chữ “Đây” ý nói việc phụng sự chúng sinh, làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. “Cũng là cách thành tựu lợi mình” giúp mình được tự lợi. “Cách ấy làm thế gian hết khổ” là lợi tha. Cho nên bằng cách làm chúng sinh hoan hỷ sẽ giúp ta thành tựu cả 2 lợi lạc là tự lợi và lợi tha nên ta phải luôn làm theo.

- Bài kệ này có ý nghĩa là việc làm lợi lạc cho người khác chắc chắn khiến Phật hoan hỷ và chuyện đó cũng giúp thành tựu tất cả mọi lợi lạc của bản thân mình. Cách tốt nhất để khiến Phật hoan hỷ là làm lợi lạc và phụng sự cho tất cả mọi chúng sinh. Vì thế, chúng ta hãy học thuộc lòng bài kệ này để thực hành cho bản thân.

- Có 3 cấp độ phụng sự chúng sinh:

+ Mức độ 1 là không hãm hại chúng sinh khác. Mức độ này rất dễ thực hiện. Nói đến chuyện tổn hại chúng sinh khác cũng có 3 mức độ là tổn hại qua thân thể, qua lời nói và qua ý nghĩ. Chuyện tổn hại khiến người ta bị tổn thất nhiều hơn là tổn hại qua thân thể và tổn hại qua lời nói nên hãy hạn chế tất cả mọi cách làm tổn hại người khác.

+ Mức độ 2 là cầu nguyện cho tất cả mọi người được an lành, hạnh phúc. Mức độ này rất khó thực hiện. Ví dụ, ta thích tán gẫu về chuyện xấu của người khác hoặc có một đồng nghiệp trong công ty được tăng lương, ngoài miệng ta vẫn nói lời chúc mừng nhưng trong tâm, ta không vui thích hoặc cảm thấy ganh tỵ với chuyện tốt của người đồng nghiệp đó. Rõ ràng, ta đâu có muốn chuyện tốt xảy ra cho người khác, đâu có muốn người khác được an vui, hạnh phúc. Ta cần phải cẩn thận với những suy nghĩ như vậy, vì chúng trái ngược lại với nguyện vọng làm lợi lạc cho chúng sinh.

+ Mức độ 3 là hy sinh. Đây là mức độ khó nhất. Hy sinh ở đây là hy sinh những gì yêu quý nhất, có giá trị nhất đối với mình vì lợi lạc của chúng sinh khác. Ví dụ, thời gian đối với mình rất quý, nhưng mình vẫn bỏ ra chút thời gian để làm lợi lạc cho người khác. Đây là hy sinh thời gian vì lợi lạc của chúng sinh khác. Hoặc trong túi chỉ có 10 đô la, nhưng ta sẵn sàng bỏ ra 5 đô la để giúp người khác. Đây là hy sinh tiền bạc để làm lợi cho người khác. Trong khi đó, có những người rất rãnh rỗi và họ dùng thời gian rãnh rỗi đó để đi làm từ thiện nhưng thực ra chuyện đi từ thiện giống như một sở thích, để giết thời gian, tạo niềm vui cho bản thân mà thôi. Như vậy, họ đang muốn lợi cho mình, đâu phải dùng thời gian quý báu của mình để làm lợi lạc cho người khác. Cho nên trường hợp đó không gọi là hy sinh thời gian. Hy sinh những gì quý giá nhất ở mức độ này thì chỉ có những bậc Bồ Tát mới có thể thực hành được. Đối với người bình thường, chưa thực hành thâm sâu như Bồ Tát thì mức độ 3 rất khó thực hành. Tuy nhiên, hãy biết rằng và tin chắc rằng mỗi lần chúng ta thực hành cái gì khó, đòi hỏi sự hy sinh gian khổ nhiều thì kết quả và những gì đền đáp lại chắc chắn rất lớn.

BÀI TẬP TRONG TUẦN: Hãy viết xuống giấy tên của 3 người để áp dụng phần thiền này. Đầu tiên là nghĩ đến gia đình. Hai là nghĩ đến những người xa lạ. Ba là nghĩ đến những người mà mình ghét. Nếu cảm thấy rất khó chịu khi nghĩ rằng phải hầu hạ cho người nào đó, thì ta nên vui vì phần thiền đang đánh trực tiếp vào tâm chấp ngã của mình.