10-07-2022
Nhập Bồ Tát Hạnh 2019
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG NHẬP BỒ TÁT HẠNH

TUẦN 80 - NGÀY 10/07/2022

CHỦ ĐỀ: PHẨM 6 – NHẪN NHỤC

(Thầy Khangser Rinpoche hướng dẫn)

- Bài kệ 108: “Vì người này cùng chung với ta/ Tạo nên thành quả của nhẫn nhục/ Nên xứng đáng được hưởng trước tiên/ Vì người này là nhân cho nhẫn”.

+ Bài kệ nói đến nhân của nhẫn và kết quả của nhẫn.

+ Nhân của nhẫn là gì? Lấy ví dụ, những người mà ta không thích, những người gây tổn hại cho ta thì những người đó là nhân cho ta thực hành nhẫn nhục.

+ Khi thực hành nhẫn nhục như thế, ta sẽ có được kết quả gì? Có 2 kết quả của nhẫn nhục: kết quả của đời này và kết quả của đời sau. Kết quả của đời này là khi thực hành nhẫn nhục, ta có được an lạc ở thân và tâm. Kết quả của đời sau là đời sau sẽ có nhiều cơ hội và phước duyên để gặp những bậc thầy đáng kính, những bậc thánh tăng, bậc hiền triết, cao hơn nữa là có thể gặp được cả đức Như Lai.

- Bài kệ 109: Nếu nói: “Chẳng nghĩ thành nhẫn nhục/ Nên địch này chẳng đáng kính cung”/ Vậy thì đáng làm nhân thành tựu/ Là thắng pháp, vì sao cung kính?

+ Có lập luận rằng khi một người gây hại cho ta, người đó đâu có nghĩ làm lợi lạc cho ta cho nên người đó không xứng đáng làm nhân để thành tựu hạnh nhẫn nhục của mình. Nếu dựa theo lý luận như vậy, khi thực hành Phật pháp, bản thân Phật pháp không có suy nghĩ làm lợi lạc cho ta (vì Phật pháp không phải là con người nên không có tâm suy nghĩ) nên Phật pháp cũng không có đáng để ta tôn kính, cũng không phải là nguyên nhân giúp ta thành tựu Phật quả. Ở đây đang dùng lý luận tương tự để đả phá lập luận kia.

+ Bài kệ này có ý nghĩa rằng người kia dù không có nghĩ làm lợi lạc cho ta nhưng ta dựa trên hoàn cảnh khó khăn đó để thực hành nhẫn nhục thì ta sẽ cũng thành tựu được kết quả tốt đẹp. Cho nên người gây hại cho ta cũng xứng đáng là đối tượng để ta tôn trọng, kính cung.

- Bài kệ 110: Nếu nói: “Địch này có nghĩ việc/ Hãm hại nên chẳng đáng kính cung”/ Thì như bác sĩ cố làm lợi/ Ta thành nhẫn nhục như thế nào?

+ Ở đây lại dùng một lập luận khác: vì kẻ địch chỉ nghĩ việc làm hại ta, chứ không hề nghĩ làm lợi cho ta nên không xứng đáng để ta kính cung. Nhưng chính vì kẻ thủ, kẻ gây hại cho ta trong tâm không hề có chút suy nghĩ nào làm lợi lạc cho ta nên mới xứng đáng trở thành đối tượng cho ta thực hành nhẫn nhục, chứ nếu họ có tâm làm lợi lạc cho ta thì ta đâu có cần phải nhẫn nhục với họ làm gì.

- BÀI TẬP TRONG TUẦN: Có 3 bài tập về thực hành nhẫn nhục.

(1) Phải luôn nhớ những lợi lạc của việc thực hành nhẫn nhục. Lợi lạc đầu tiên mà ta cần phải ghi nhớ là thực hành nhẫn nhục giúp ta có được sự an lạc thân và tâm trong đời này và sẽ có cơ duyên gặp các bậc thầy chân chính ở đời sau.

(2) Phải nhớ rằng ta cần bình tĩnh và thực hành nhẫn nhục ngay trong lúc ta nổi giận. Ta phải luyện tập sự tỉnh thức để biết lúc nào ta nổi giận thì phải lập tức thực hành nhẫn nhục ngay lúc đó. Hãy nghĩ lại những lúc mình tức giận và sau đó tự nhắc nhở bản thân là từ nay trở về sau bất cứ lúc nào ta tức giận giống như vậy, ta cần phải bình tĩnh và phải nhớ thực hành nhẫn nhục.

(3) Cần phải thực hành thiền quán. Cụ thể, ta phải quan sát, phân tích xem ta phải thực hành nhẫn nhục cho bản thân như thế nào trong những hoàn cảnh có thể xảy ra xung đột và căng thẳng. Đôi lúc cách xử lý tình huống cụ thể của ta sẽ hiệu quả cho bản thân mình, hơn là nghe người khác nói rồi làm theo. Đức Phật luôn dạy chúng ta phải thiền quán và tìm ra cách thực hành nào là hiệu quả nhất cho bản thân mình.

- Có 3 dạng học trò, tương ứng với 3 thái độ thực hành khác nhau.

(1) Dạng học trò nghe lời thầy răm rắp, thầy bảo thực hành cái gì thì sẽ thực hành theo, mà không thắc mắc gì.

(2) Dạng học trò chỉ làm theo ý thích của mình, dù thầy có bảo thực hành gì, nếu không thấy thích thì không làm.

(3) Dạng học trò luôn cố gắng suy nghĩ, tìm ra lý do tại sao họ phải thực hành những điều mà thầy bảo làm. Đây là dạng học trò cực kỳ thông minh.

Chúng ta hãy xem bản thân mình thuộc dạng loại học trò nào, từ đó quyết định sẽ thực hành như thế nào đối với 3 bài tập ở trên.