Khangser Rinpoche thuyết giảng lớp học Phật pháp căn bản cho người mới bắt đầu.
PHẬT PHÁP CĂN BẢN
CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
KHANGSER RINPOCHE thuyết giảng
Tuần thứ 5, ngày 27 tháng 09 năm 2015
Chủ đề:
NGHIỆP & Cách tịnh hóa ác nghiệp
Chủ đề của buổi học hôm nay là nghiệp. Nghiệp là một vấn đề thường gặp và rất quan trọng trong đạo Phật. Các bạn gọi “karma” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch trả lời “Nghiệp”] Nói chung, chữ “karma” có nghĩa là hành động (action), và đạo Phật rất xem trọng vấn đề này. Nếu nhìn lại khởi đầu của vũ trụ, khoa học cho rằng vũ trụ hình thành từ Vụ Nổ Lớn (Big Bang). Thuyết Vụ Nổ Lớn (Big Bang Theory) cho rằng vũ trụ khởi nguồn từ một vụ nổ lớn. Vụ nổ lớn là một nghiệp. Theo quan điểm của đạo Phật, vụ nổ lớn là một hành động, nó cũng là một nghiệp, và vũ trụ được hình thành từ đó.
Đạo Phật chia hành động thành ba nhóm: thiện nghiệp (hành động tốt), bất thiện nghiệp (ác nghiệp, hành động xấu), và vô ký nghiệp (hành động trung tính, không tốt cũng không xấu). Trong cả ba loại hành động này, mỗi hành động đều có một phản ứng cùng loại. Như tôi đã nói trước đây, mỗi hành động đều có một phản ứng ngược lại, điều này rất khoa học. Hai loại hành động mà con người rất thường tiến hành là thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp. Hầu hết chúng ta đều thực hiện hai loại hành động này. Chúng ta cũng làm những việc trung tính. Tuy nhiên, những hành động trung tính, hay vô ký nghiệp, chỉ mang đến kết quả trung tính, không tốt cũng không xấu; còn thiện nghiệp mang đến kết quả tốt và ác nghiệp gây ra hậu quả xấu.
Bây giờ chúng ta phải biết hai điều: thiện nghiệp là gì, và thế nào là bất thiện nghiệp. Ta phải phân biệt được hai loại nghiệp này. Chúng ta có mười ác hạnh, hay ác nghiệp. Tôi nghĩ chủ đề của ngày hôm nay là cách tẩy trừ hay tịnh hóa ác nghiệp. Vì vậy, trước hết ta cần hiểu thiện nghiệp và ác nghiệp là gì. Có mười ác nghiệp, và đây là những hành vi tồi tệ nhất mà ta vẫn luôn phạm phải mỗi ngày. Đặc biệt, khi đã nhận giới quy y, các bạn phải từ bỏ năm trong số mười ác hạnh này. Năm ác hạnh cần từ bỏ là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và uống rượu.
Trong mười ác nghiệp, bạn cần phân biệt ba ác nghiệp của thân thể (thân nghiệp), bốn ác nghiệp của lời nói (khẩu nghiệp), và ba ác nghiệp của tâm ý (ý nghiệp). Ba ác nghiệp của thân gồm: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Bốn ác nghiệp của lời nói gồm: nói dối, nói lời thêu dệt, nói lời thô ác, nói lời chia rẽ. Ba ác nghiệp của tâm ý gồm: tham, sân, tà kiến. Trong mười ác nghiệp này, chúng ta cần từ bỏ năm ác nghiệp chính yếu: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và uống rượu.
NĂM ÁC NGHIỆP CHÍNH CẦN TỪ BỎ (NĂM GIỚI CƯ SĨ)
Ác nghiệp thứ nhất là sát sinh. Bạn phải từ bỏ sát sinh, dù chỉ là giết những con thú rất nhỏ như côn trùng. Đôi lúc vấn đề này rất phức tạp. Nói về việc giết muỗi, muỗi là loài gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người, vậy chúng ta phải làm gì? Ta phải giết muỗi hay từ bỏ việc giết muỗi? Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này theo hai cách. Muỗi gây ra nhiều bệnh nguy hiểm và giết muỗi là cách con người phòng tránh những bệnh này. Khi đối mặt với một vấn đề, nhiều lúc chúng ta chỉ chăm chăm tìm cách giải quyết vấn đề đó. Nếu bạn chỉ tìm cách giải quyết vấn đề trước mắt mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân của nó thì đôi lúc sẽ rơi vào một cái vòng luẩn quẩn. Nói chung, chúng ta cần tìm giải pháp cho nguyên nhân của vấn đề, chứ không chỉ giải quyết bản thân vấn đề đó.
Ở một nước nọ, quốc vương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Số lượng rắn trong vương quốc tăng rất nhanh và rắn tấn công người dân. Vua không muốn số lượng rắn tăng nữa vì chúng tấn công người dân. Vua tìm cách giải quyết vấn đề và ngài thông báo: “Ai nộp một cái đầu rắn thì người đó sẽ nhận được một đồng tiền vàng.” Rất nhiều người giết rắn và mang đầu rắn đến nộp cho vua, tất cả họ đều nhận được tiền vàng. Ai nộp 10 cái đầu rắn thì được 10 đồng tiền vàng. Vài tháng sau, vua nghĩ rằng số lượng rắn hổ mang và các loài rắn khác đã giảm, tuy nhiên vua phát hiện một sự việc rất lạ. Số lượng rắn không những không giảm mà còn tăng lên. Vua vô cùng sửng sốt. Dù thần dân đã giết rất nhiều rắn nhưng số lượng rắn vẫn tăng. Vua phát hiện ra rằng khi ngài thông báo thưởng một đồng tiền vàng cho một cái đầu rắn, người ta đã bắt đầu giết rắn. Bây giờ, khi không còn rắn để giết nữa thì người ta lại chuyển sang nuôi rắn để dùng đầu rắn đổi lấy tiền vàng. Người ta mở trại nuôi rắn và số lượng rắn tăng lên. Tương tự, đôi lúc chúng ta chỉ cố tìm giải pháp cho vấn đề trước mắt nhưng không tìm cách hóa giải nguyên nhân của vấn đề.
Trước khi giết muỗi để phòng bệnh thì ta cần tìm hiểu nguyên nhân nào khiến cho muỗi sinh sôi. Muỗi mang nhiều mầm bệnh truyền nhiễm là vì ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Ô nhiễm làm cho loài muỗi sinh sôi. Hiện tại chúng ta không tìm nguyên nhân của vấn đề. Cũng vì lý do này mà Đức Phật đã dạy tập đế, tức sự thật về nguồn gốc của khổ đau. Tôi thấy khi người ta đập muỗi, 80% trong số họ chỉ đập muỗi sau khi đã bị muỗi chích. Khi phát hiện mình đã bị muỗi chích thì họ đập muỗi. Nếu con muỗi đó mang mầm bệnh thì nó đã truyền bệnh vào máu rồi. Tôi không chắc lắm về vấn đề này vì tôi không phải là bác sĩ. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu con muỗi đã truyền mầm bệnh vào máu thì giết chết nó có lợi ích gì? Lần này ở Đài Loan tôi đến giảng ở một nơi đang có dịch sốt rét lan rộng. Khi tôi đến đó, họ đề nghị tôi bôi kem chống muỗi lên da. Chúng ta có thể làm rất nhiều cách mà không cần giết muỗi. Sát sinh được xem là một ác nghiệp.
Ác nghiệp thứ hai là trộm cắp. Vấn đề này rất phức tạp trong đạo Phật. Tôi nghĩ không ai dám trộm cắp những món đồ thông thường vì luật pháp ở các quốc gia không cho phép làm chuyện đó. Ví dụ như các phần mềm bẻ khóa (phần mềm lậu), theo đạo Phật thì rất khó nói việc sử dụng các phần mềm lậu trong máy tính có phạm giới trộm cắp hay không. Khi tôi mới mua máy tính, tôi không biết là trong máy tính không có các phần mềm xử lý văn bản của Microsoft. Tôi đã không biết rằng mình phải mua thêm các phần mềm đó. Sau đó, họ nói tôi mua thêm phần mềm. Các phần mềm Microsoft, nhất là Microsoft Word, có giá đến hàng trăm đô Mỹ, rất mắc tiền. Vào lúc đó ở Nam Ấn, người ta bán phần mềm bẻ khóa giống hệt như vậy. Tôi có thể mua phần mềm lậu chỉ với 5 đến 10 đô Mỹ, nhưng tôi không chắc theo đạo Phật thì đó có phải là trộm cắp hay không. Vì vậy tôi không mua các phần mềm Microsoft lậu. Tôi không chắc theo quan điểm của đạo Phật đó có phải là trộm cắp hay không, nên tôi không dùng. Tôi không mua phần mềm có bản quyền lẫn phần mềm lậu, và nhiều lúc tôi gặp vài khó khăn. Tuy nhiên, các bạn đừng nói rằng sẽ tài trợ phần mềm máy tính cho tôi, bạn không cần phải làm như thế. Tôi cũng nói như vậy trong các buổi giảng cho đại chúng ở Đài Loan. Đừng đề nghị tài trợ phần mềm máy tính cho tôi. Bạn có thể dùng vài trăm đô-la đó để giúp đỡ những người nghèo đói, việc đó quan trọng hơn. Tôi không thật chắc chắn theo quan điểm của đạo Phật thì dùng phần mềm lậu có phạm giới trộm cắp hay không. Tôi đã suy nghĩ nhiều năm rồi những vẫn không chắc. Vào thời Đức Phật không có phần mềm bẻ khóa giống bây giờ nên Đức Phật đã không dạy kỹ về vấn đề này. Nếu có thể quay trở lại thời Đức Phật thì bạn nhất định phải hỏi Ngài về chuyện này. May mắn là lần trước tôi có nhờ người phiên dịch tải một số phần mềm từ internet và chúng đều miễn phí. Họ cung cấp các phần mềm đó miễn phí trên internet. Nếu dùng phần mềm được cung cấp miễn phí thì không phạm giới trộm cắp. Chúng ta có rất nhiều chương trình miễn phí, có nhiều công ty cung cấp các sản phẩm miễn phí.
Ác nghiệp thứ ba là nói dối. Nói chung có hai loại nói dối. Một loại là nói dối vô hại. Nói dối vô hại là nói dối để làm người khác vui lòng. Ví dụ, bạn nói “Ồ trông cô đẹp quá!” Dù không hề cảm thấy người đó đẹp nhưng bạn vẫn khen họ đẹp, hoặc có khi bạn nói “Ồ trông chị trẻ quá!”, đó là nói dối vô hại. Bạn không thật sự cảm nhận như vậy nhưng vẫn cố gắng làm người khác hài lòng. Đó là một kiểu nói dối và là ác nghiệp. Điểm tệ hại nhất của hành vi nói dối là khi bạn đã nói dối thì dần dần sẽ có thói quen nói dối. Khi đã nói dối một lần thì bạn sẽ thấy dễ dàng nói dối năm lần. Khi đã nói dối năm lần thì bạn dễ dàng nói dối mười lần. Sống trong xã hội, điều quan trọng nhất là quan hệ giữa người với người. Nền tảng của quan hệ giữa con người với nhau chính là lòng tin. Nói dối sẽ hủy hoại lòng tin. Khi bạn sống trong xã hội loài người thì quan trọng nhất là quan hệ giữa con người với nhau. Chúng ta cần mối quan hệ tốt đẹp giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, và giữa bạn bè với nhau. Những mối quan hệ này đều có nền tảng là lòng tin. Lòng tin có thể dễ dàng bị hủy hoại vì một lời nói dối nhỏ. Không chỉ theo quan điểm của đạo Phật mà còn theo đặc điểm tích cách của con người, nói dối là một thói quen rất xấu.
Thông thường khi đi ôtô, tôi cảm thấy khó chịu khi phải cài dây an toàn. Một lần, khi tôi đi với một anh chàng cũng là tài xế, tôi hỏi, “Anh không thấy khó chịu khi cài dây an toàn hay sao?” Anh ấy nói với tôi một điều rất hay, “Cài dây an toàn là một thói quen tốt.” Rất đúng. Chúng ta thường quen với việc nói dối, nhưng đó không phải là một thói quen tốt. Khi nói dối ta sẽ mất lòng tin của rất nhiều người.
Ác nghiệp thứ tư là tà dâm.
Ác nghiệp thứ năm là uống rượu. Tôi nghe nói rượu Pháp, nhất là vang đỏ, tốt cho tim. Có thể là như vậy, đặc biệt là uống rượu trong chừng mực nào đó có thể tốt cho tim. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết có những cách làm khác tốt cho sức khỏe tim mạch. Uống rượu không phải là cách duy nhất. Có thể rượu tốt cho tim, nhưng cũng còn rất nhiều món khác tốt cho tim. Những người nghiện rượu thường lấy đó làm cớ để uống rượu. Nếu thật sự muốn làm gì đó tốt cho sức khỏe tim mạch thì bạn có rất nhiều cách chứ không chỉ là uống rượu vang đỏ. Chúng ta cần phải có sức khỏe tốt. Để có sức khỏe tốt ta cần ăn uống đúng cách. Ăn uống đúng cách tạo khác biệt rất lớn đối với sức khỏe thể chất của bản thân.
Trên đây là năm ác nghiệp. Khi ta phạm phải những ác nghiệp này thì chúng mang đến nhiều hệ quả xấu. Như tôi đã nói, mỗi hành động đều có phản ứng cùng loại. Khi làm thiện hạnh thì bạn nhận lại kết quả tốt. Khi bạn làm ác hạnh thì nó sẽ mang đến hậu quả xấu. Tôi nghĩ trong cuộc sống, sức khỏe là điều quan trọng nhất. Chúng ta cần có sức khỏe rất tốt. Một yếu tố đưa đến đời sống khỏe mạnh là ăn uống đúng cách. Bên cạnh việc uống rượu thì cũng còn rất nhiều thứ có hại cho sức khỏe. Tôi nghĩ ở Việt Nam, nhiều người ăn uống không đúng cách. Ăn quá nhiều thịt và uống quá nhiều rượu đều không tốt cho sức khỏe.
PHƯƠNG PHÁP TỊNH HÓA ÁC NGHIỆP
Bây giờ chúng ta sang phần tịnh hóa hay tẩy trừ ác nghiệp. Chúng ta đã phạm ác nghiệp nhiều lần trong đời. Không những trong đời này mà còn trong nhiều đời trước, ta đã phạm phải rất nhiều ác nghiệp. Bây giờ ta cần biết cách tịnh hóa những ác nghiệp đó. Có vài phương pháp tịnh hóa ác nghiệp.
Tôi nghĩ đến đây các bạn đã biết ác nghiệp là gì. Nếu nói dối một lần thì bạn nên biết mình đã phạm một ác nghiệp. Nếu giết một con thú thì bạn cũng nên biết mình đã phạm một ác nghiệp. Khi nhận ra mình đã phạm ác nghiệp, bạn cần làm gì? Bạn cần phải tịnh hóa chúng. Trong cuộc sống, mỗi khi thấy bản thân làm điều đó sai trái, bạn cần tiến hành tịnh hóa. Rất nhiều người khi thấy mình phạm sai lầm vẫn không hối hận, họ cố tình lờ đi, thậm chí còn hả hê với điều sai trái mình đã làm. Là những người thực hành theo đạo Phật, chúng ta không được giống như vậy. Khi thấy lỗi lầm của bản thân, chúng ta phải rút kinh nghiệm từ lỗi lầm và ta phải tịnh hóa chúng. Bây giờ chúng ta cần biết cách tịnh hóa ác nghiệp.
Tôi nghĩ hôm nay là một ngày rất đặc biệt. Hôm nay là Tết Trung Thu phải không? Các bạn đã mừng rất nhiều dịp Tết Trung Thu, nhưng hôm nay rất đặc biệt. Hôm nay bạn đang học thêm những điều mới mẻ vào đêm Trung Thu. Tôi nghe kể một điều rất buồn cười là hầu hết vào các dịp Trung Thu, người ta không thể thấy mặt trăng vì đó là thời điểm cuối mùa mưa [Thầy cười]. Nhân dịp Trung Thu, tôi gửi lời chúc tốt lành đến các bạn. Tôi nghe nói Tết Trung Thu bắt nguồn từ triều Minh ở Trung Hoa. Trước triều Minh là triều Nguyên, và trước đó là triều đại của Đế quốc Mông Cổ. Tết Trung Thu bắt đầu từ triều đại nhà Minh. Phật giáo Tây Tạng phát triển rất hưng thịnh vào thời nhà Nguyên vì lúc đó thống trị hầu hết lãnh thổ Trung Hoa là một vị vua người Mông Cổ.
Bây giờ chúng ta nói về cách tịnh hóa ác nghiệp mỗi khi bạn phạm lỗi hoặc làm điều sai trái. Khi đã phạm ác nghiệp, trước hết bạn cần sinh lòng hối hận về việc mình đã làm. Hối hận là bước đầu tiên bạn cần. Tôi sẽ hướng dẫn phương cách tịnh hóa ác nghiệp rất ngắn gọn. Để tịnh hóa ác nghiệp có cách ngắn và cách dài. Hôm nay tôi hướng dẫn các ngắn gọn và dễ thực hành.
Sau khi đã sinh lòng hối cải, bạn phải sám hối những ác nghiệp mà mình đã phạm phải, dù vô tình hay cố ý. Đôi lúc chúng ta cố tình phạm ác nghiệp, nhưng phần lớn ta phạm ác nghiệp mà không biết mình đang phạm ác nghiệp. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy “vô minh là khổ đau.” Có những lúc chúng ta không biết là bản thân đang phạm phải rất nhiều ác nghiệp. Phật đã dạy vô minh là cội nguồn của mọi khổ đau. Tuy nhiên, trong tiếng Anh người ta lại nói vô minh là hỷ lạc, khi bạn không biết gì cả thì sẽ hạnh phúc và sung sướng.
Vài ngày trước, lúc tôi đang đi bộ trên một con đường ở Đài Bắc thì thấy một người phụ nữ lớn tuổi đang bán vé số. Lúc đó, bà ấy đang ngủ gật và do đó không thể bán vé số. Tôi cảm thấy thương bà ấy và nói với học trò tôi hãy mua vé số của bà. Học trò tôi mất khoảng hai đến bốn đô Mỹ cho một tờ vé số. Khi về nhà, học trò tôi dò số và họ trúng thưởng 25 đô Mỹ. Họ dò số ngay sau khi mua và phát hiện trúng thưởng 25 đô. Khi mua tờ vé số giúp bà ấy chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Sau đó, tôi nghiệm ra rằng người phụ nữ đó cầm trên tay xấp vé số có chứa một giải thưởng 25 đô nhưng bà ấy vẫn không hề hay biết. Trong tay bà có thể còn có những tờ vé số may mắn khác, có thể có giải thưởng lên đến hàng trăm ngàn đô Mỹ. Tuy nhiên, bà ấy không thể nắm bắt thời cơ chỉ vì vô minh. Lúc đó, đột nhiên tôi nhớ đến lời Phật dạy: “Vô minh là khổ đau.” Bà ấy bán vé số và có thể trong số đó có những tờ vé số sẽ giúp bà đổi đời với giải thưởng lên đến hàng trăm ngàn đô Mỹ, nhưng bà ấy vẫn không thể biết được. Khi học trò tôi trúng số, đột nhiên tôi nhớ đến lời Phật dạy: Vô minh là khổ đau. Lần trước họ kể tôi nghe một chuyện rất buồn cười. Trong một đợt xổ số, giải độc đắc trị giá đến 10 triệu đô Mỹ. Họ nói rằng có người trúng giải độc đắc nhưng vài năm sau vẫn lại trở thành người nghèo. Đó thật sự là cách mà nghiệp vận hành; dù họ trúng số độc đắc nhưng vẫn lại trở thành người nghèo. Họ kể chuyện đó diễn ra khá thường. Ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói, “Chỉ có Đức Phật thấu triệt toàn bộ về nghiệp. Những kẻ khác không thể hiểu được cách nghiệp vận hành.”
Bây giờ, với bất cứ ác nghiệp nào bản thân đã phạm phải, dù vô tình hay cố ý, bạn cần sám hối. Để sám hối, trước hết bạn phải sinh lòng hối cải và tự hứa với bản thân là mình sẽ không tái phạm, và bạn cố gắng hết sức không tái phạm ác nghiệp đó nữa. Tiếp theo, bạn cần trì tụng thần chú Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) để tịnh hóa ác nghiệp: OM BENZA SATTVA HUNG. Bạn có thể tụng ba lần hoặc nhiều hơn tùy theo ước muốn. Khi trì tụng thần chú, bạn quán tưởng Đức Kim Cang Tát Đỏa. Nếu không quen thuộc với việc quán tưởng Đức Kim Cang Tát Đỏa thì bạn có thể quán tưởng Đức Phật Thích Ca, và bạn cũng có thể tụng chú của Phật Thích Ca: OM MUNI MUNI MAHA MUNI YE SOHA. Nếu không quen thuộc với việc quán tưởng Phật Thích Ca thì bạn có thể tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Nếu không quen tụng Bát Nhã Tâm Kinh thì ít nhất bạn có thể cầu nguyện với Đức Phật Thích Ca tịnh hóa mọi ác nghiệp của mình. Đây là cách tịnh hóa ác nghiệp.
Bây giờ tôi sẽ dành thời gian cho phần hỏi đáp. Nếu có câu hỏi bạn hãy ghi xuống. Tôi cũng sẽ truyền khẩu chú Kim Cang Tát Đỏa, cả chú ngắn và chú dài. Có hai bài chú Kim Cang Tát Đỏa. Bây giờ tôi truyền khẩu, các bạn hãy đọc theo tôi. [Rinpoche truyền khẩu bài chú] Nếu bạn không quen tụng bài chú dài thì chỉ cần tụng câu chú ngắn: OM BENZA SATTVA HUNG.
Hỏi – Đáp
Hỏi: Chúng con làm kinh doanh, do yêu cầu của đối tác kinh doanh không ghi chứng từ theo đúng con số mà phải ghi thấp hơn. Nếu con không thực hiện như yêu cầu thì họ không ký hợp đồng, nếu viết thấp hơn thì mức thuế giảm xuống. Như vậy con có phạm giới không ạ?
Rinpoche: Câu hỏi rất hay! Điều này tùy thuộc rất nhiều vào mục đích và động cơ của bạn. Nói chung, có hai động cơ làm kinh doanh. Mục đích của việc kinh doanh là để tạo ra lợi nhuận. Thậm chí Đức Phật cũng đã cho phép các tu sĩ kinh doanh nếu tu sĩ mắc nợ. Do đó, việc kinh doanh có thể được tiến hành phù hợp với Phật pháp. Điều đó tùy thuộc vào động cơ của bạn: kinh doanh vì lợi ích cá nhân, hay kinh doanh để làm lợi lạc và tạo công ăn việc làm cho người khác. Nếu bạn kinh doanh để tạo lợi lạc và công ăn việc làm cho người khác thì việc kinh doanh trở thành thực hành Phật pháp. Việc kinh doanh sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người khác; nếu bạn nghĩ theo hướng đó thì kinh doanh trở thành thực hành Phật pháp. Khi làm việc và phải ghi khống số liệu, mục đích của việc làm đó không nên là cố ý lừa dối người khác. Nếu mục đích là để qua mặt người khác thì hành vi đó chính là nói dối. Mục đích của bạn nên là để thu được lợi nhuận và tạo ra lợi lạc cho người khác, tạo công ăn việc làm cho họ. Nếu làm việc với động lực như vậy thì sẽ có rất nhiều khác biệt. Điều này phụ thuộc vào động cơ của bạn, chứ không tùy thuộc vào cách làm. Nếu bạn thay đổi mục đích trở nên tích cực hơn thì việc làm của bạn cũng trở thành tích cực hơn. Nếu ý định của bạn là lừa dối người khác thì hành vi đó chính là nói dối.
Hỏi: Xin ngài giải thích thêm về sát sinh. Ở Việt Nam có dịch cúm gà và có rất nhiều gia cầm bị tiêu hủy. Đây là việc sát sinh rất lớn nhưng phải làm, vì nếu không làm thì bệnh dịch lây lan. Vậy chúng con phải làm thế nào? Tương tự, hàng năm phải phun thuốc diệt muỗi để phòng dịch sốt rét. Có cách nào để chúng con vẫn phòng được dịch bệnh mà không phải sát sinh hay không?
Rinpoche: Đây là một vấn đề phức tạp. Có cách nào để giải quyết mà không sát sinh hay không, đó là việc của các nhà khoa học chứ không phải việc của tôi. Đức Phật đã kể về chuyện tiền thân của Ngài. Trong một đời quá khứ, tiền thân của Đức Phật là một người thủy thủ. Lúc đó, trên tàu của người thủy thủ còn có 500 người khác. Trên tàu có một người xấu âm mưu giết hết 500 người để cướp tài sản của họ. Khi người thủy thủ phát hiện ra âm mưu đó, ông ấy đã giết người xấu kia để cứu 500 người còn lại. Người thủy thủ đó là tiền thân của Đức Phật. Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, Ngài Tịch Thiên đã nói, “Nếu bạn cắt một ngón tay để cứu chín ngón tay còn lại, đó là hành động khôn ngoan. Nếu bạn cắt chín ngón tay để cứu một ngón tay, đó là hành động ngu xuẩn.” Nhiều lúc, để cứu hàng trăm và hàng ngàn người, bạn phải giết vài trăm con gà. Thiện nghiệp nhờ cứu người thì mạnh hơn ác nghiệp do giết gà. Vẫn có ác nghiệp do giết gà, nhưng thiện nghiệp nhờ cứu người to lớn hơn. Giữa việc cứu mạng người và giữ mạng cho loài thú, nếu bạn so sánh thì thiện nghiệp cứu người to lớn hơn rất nhiều. Khi bạn buộc phải giết thú để cứu mạng người thì trong hành động đó có cả ác nghiệp lẫn thiện nghiệp, và thiện nghiệp mãnh liệt hơn. Tôi nghĩ chúng ta cần tìm một giải pháp tối ưu mà không phải giết động vật. Nếu không có một giải pháp tối ưu như thế thì đôi lúc chúng ta sẽ cảm thấy vô vọng. Câu chuyện tiền thân Đức Phật kể rằng để cứu 500 mạng người, người thủy thủ đã giết chết một người. Khi giết một người, người thủy thủ đã phạm một ác nghiệp, nhưng hành vi cứu 500 người là một thiện nghiệp rất mãnh liệt.
Hỏi: Để diệt muỗi có thể dùng một loại cá chuyên ăn lăng quăng, như vậy có được không ạ?
Rinpoche: [cười lớn] Có lẽ chỉ được 70% thôi chứ không thể ổn thỏa 100%. Điều này tùy thuộc vào động cơ của bạn. Động cơ nuôi cá của bạn không nên là để giết lăng quăng. Động cơ của bạn chỉ nên là nuôi cá vì sở thích, như vậy thì không sao cả. Có những người nuôi chim, và những con chim họ nuôi ăn sâu bọ. Chúng ta không thể nói đó là sát sinh. Phần trăm ổn thỏa của việc làm này tùy thuộc vào động cơ. Nếu động cơ nuôi cá của bạn chỉ là để diệt lăng quăng thì việc này chỉ ổn thỏa 30% thôi. Nếu bạn nuôi cá vì sở thích chứ không vì mục đích diệt lăng quăng, khi đó thậm chí nếu con cá ăn lăng quăng thì cũng không sao cả.
Hỏi: Nói dối để người ta bớt đau khổ có phải là ác nghiệp không?
Rinpoche: Phải, đó là hành vi lừa dối và là một ác nghiệp. Làm như vậy là nói dối vì thực tế không tốt như lời nói. Khi họ phát hiện ra sự thật thì họ càng đau khổ hơn nữa.
Hỏi: Khi xưa người nhà con phạm giới sát sinh và ăn thịt chó. Có lúc ở nhà tự làm và có khi người khác nhờ làm thịt chó. Xin ngài giải thích cho con nghiệp sát sinh đó sinh ra những quả báo gì ạ? Người nhà con phải sám hối như thế nào để tịnh hóa nghiệp sát sinh đó?
Rinpoche: Nói chung, giết chó hoặc bất cứ hành vi sát sinh nào khác sẽ làm giảm tuổi thọ. Nếu sát sinh thì không những trong đời này mà trong nhiều đời tương lai, thọ mạng của chúng ta sẽ rất ngắn ngủi. Cách sám hối tốt nhất là tụng chú Kim Cang Tát Đỏa, hoặc bất cứ câu chú của một vị Phật nào đó. Trong lúc tụng chú, bạn hãy nguyện cho tất cả những con chó đã bị gia đình bạn giết đều được vãng sinh tịnh độ. Hãy tụng chú với động cơ đó, và chỉ nghĩ đến lợi lạc cho những con chó mà gia đình bạn đã giết. Với động cơ đó, bạn tụng chú ba lần, mười lần, hay hai mươi mốt lần… Hôm nay là Tết Trung Thu, điều tốt nhất bạn có thể làm là phát nguyện không giết chó bất cứ lần nào nữa trong tương lai. Người khác làm gì bạn không cần bận tâm. Hiện tại hãy phát nguyện không bao giờ giết chó nữa, đó là một trong những cách tịnh hóa lỗi lầm tốt nhất.
Hỏi: Con có người chị đang hấp hối. Hiện giờ con phải làm gì để lợi lạc cho chị nhất?
Rinpoche: Vào thời điểm này, hãy tụng chú của Phật A Di Đà và cầu nguyện cho chị của bạn được vãng sinh tịnh độ. Bạn cũng có thể phát nguyện thay đổi bản thân để hồi hướng cho chị mình. Bạn có thể phát nguyện ăn chay và không uống rượu trong ba tháng hoặc trong một năm. Việc làm đó cũng có ích cho chị của bạn. Nếu hiện tại bạn không ăn chay thì có thể phát nguyện chỉ trong ba hoặc sáu tháng thôi. Bạn có thể phát nguyện ăn chay và không uống rượu vì lợi lạc của chị mình. Bạn cũng cần chú ý đến sức khỏe của mình. Nếu hiện tại bạn rất khỏe mạnh thì thời gian phát nguyện có thể dài hơn. Nếu sức khỏe không cho phép thì có thể chỉ phát nguyện trong ba hoặc sáu tháng. Bạn có thể thử thực hành trong một tháng, rồi duy trì trong ba tháng tiếp theo.
Hôm nay chúng ta dừng ở đây. Cảm ơn các bạn rất nhiều!
Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính @01/10/2015.
Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,
Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,
Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,
Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.