05-07-2015
Phật Pháp Căn Bản
Download MP3

Khangser Rinpoche thuyết giảng Phật pháp căn bản cho người mới bắt đầu.

PHẬT PHÁP CĂN BẢN

CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

KHANGSER RINPOCHE thuyết giảng

Tuần thứ 2, ngày 05 tháng 07 năm 2015

Chủ đề:

LÒNG TỪ BI - Lợi lạc và Cách thực hành

Phần 1: Lợi Lạc Của Lòng Từ Bi.

Hôm nay, tôi sẽ nói về chủ đề “Lợi Lạc Và Cách Thực Hành Lòng Từ Bi”.

Như các bạn đã biết, lòng từ bi là một trong những nội dung chính yếu trong Phật pháp. Đạo Phật nói rất nhiều về lòng từ bi và chúng ta cần phải biết lòng từ bi quan trọng ra sao, nói cách khác, chúng ta cần phải hiểu lòng từ bi mang đến lợi ích gì và cách thực hành lòng từ bi như thế nào.

Nói chung, khi nhìn lại đời mình, chúng ta sẽ thấy có hai nỗi buồn phiền thường xảy ra. Thứ nhất, buồn phiền do không có được những gì ta mong muốn. Vấn đề này thì tất cả mọi người đều biết rõ. Nỗi buồn thứ hai rất khôi hài, là buồn phiền sinh ra bởi việc có được những gì ta muốn! Như vậy, có hai nỗi buồn lớn trong cuộc đời chúng ta, là không có được những gì ta muốn và có được những gì ta muốn. Làm thế nào để đối phó với cái phiền não do có được những gì ta muốn? Có một câu chuyện rất nổi tiếng: Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua rất tham lam. Ông ta luôn khao khát có thật nhiều của cải châu báu. Một ngày nọ, khi nhà vua đang cầu nguyện thì có một vị thần hiện ra trước mặt vua và hỏi rằng, “Nhà ngươi mong muốn điều gì?” Vị vua tham lam liền xin thần linh ban cho ông quyền năng biến tất cả những gì ông chạm tay vào đều hóa thành vàng. Vị thần đồng ý và ban cho vua phép màu như ông ta mong ước, là biến tất cả những gì vua chạm tay vào thành vàng hết. Thế là, khi nhà vua chạm tay vào lâu đài, thành quách…thì tất cả liền biến thành vàng. Tất cả mọi vật vua chạm tay vào đều biến thành vàng! Nhà vua lúc ấy cảm thấy quá đỗi vui mừng hạnh phúc. Và rồi sau đó, khi vua ngồi vào bàn ăn thì tất cả những bánh trái mà ông chạm tay vào cũng đều biến thành vàng nốt. Vô tình, nhà vua chạm tay vào con gái của mình, ngay lập tức, nàng công chúa biến thành một bức tượng bằng vàng. Lúc ấy nhà vua mới bắt đầu cảm thấy hối hận vì đã xin thần linh ban cho ông phép màu biến mọi thứ thành vàng khi chạm tay vào. Vua khóc lóc thảm thiết và thỉnh cầu thần linh hãy lấy đi quyền năng mà thần đã ban cho ông và hãy trả lại cho ông người con gái, làm cho nàng trở lại như xưa.

Tương tự như vậy, trong cuộc sống của chúng ta, đôi khi đạt được những gì mong muốn lại dẫn đến bi kịch. Như vậy câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để chúng ta có thể giữ được cân bằng trong cuộc sống?

Khi chúng ta tự nhìn vào đời mình, thường có hai loại phiền não như thế. Vậy làm sao để có được một cuộc sống hoàn hảo? Để có được một cuộc sống hoàn hảo, trọn vẹn thì chúng ta cần phải có những quan điểm, đường lối sống hoàn hảo và đúng đắn. Tôi đã đi đến nhiều nơi và thường đặt một câu hỏi cho mọi người, “Các bạn định nghĩa thế nào là một cuộc sống hoàn hảo?” Rất nhiều người đã đưa ra định nghĩa về một cuộc sống hoàn hảo, như: mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt…[Thầy cười]. Một mặt, những điểm đó rất chính xác cho một cuộc sống hoàn hảo. Tôi rất đồng tình với những ý kiến đó. Mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt tạo nên một cuộc sống hoàn hảo, và việc chúng ta cần đến một lối sống đúng đắn để tạo nên một cuộc sống hoàn hảo thì cũng rất quan trọng. Như vậy sẽ có một câu hỏi tiếp theo là, lòng từ bi có vai trò gì trong việc mang đến hạnh phúc cho đời ta? Chẳng hạn, lòng từ bi đóng vai trò gì để giúp chúng ta khỏe mạnh hơn? Đó là một câu hỏi đáng để suy nghĩ.

Khoảng hai hoặc ba tuần trước, ở châu Âu, trong một buổi giảng, tôi có nói rằng, “Nếu các bạn hỏi mọi người làm thế nào để sống hạnh phúc thì chắc chắn các bạn sẽ thu về được rất nhiều câu trả lời. Còn nếu các bạn sử dụng Google và đánh máy vào đó câu hỏi làm thế nào để sống hạnh phúc? thì các bạn có thể tìm được hàng ngàn phương án cho câu hỏi này.” Tuy nhiên các bạn cần biết là Google chỉ cung cấp các thông tin thôi, Google không thể chia sẻ cùng các bạn những trải nghiệm, mà trong cuộc sống thì lại có rất nhiều kiến thức mà chúng ta chỉ có thể tích lũy được thông qua trải nghiệm mà thôi.

Do đó, khi tôi hỏi “Bạn định nghĩa như thế nào về một cuộc sống hoàn hảo?” thì có rất nhiều người đã trả lời tôi. Hầu hết mọi người cho rằng hễ có sức khỏe, hạnh phúc, và sung túc là có một đời sống hoàn hảo. Tôi rất đồng ý với các quan điểm đó. Nhưng câu hỏi của tôi đặt ra trong ngày hôm nay là: “Lòng từ bi có vai trò gì trong việc mang đến cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh?” Có một điều các bạn cần hiểu là mình không thể nào tự ép buộc bản thân mình phải hạnh phúc, chúng ta không thể nào làm được điều đó. Các bạn cũng không thể tự bắt buộc bản thân mình phải mạnh khỏe. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu xem lòng từ bi đóng vai trò gì để giúp chúng ta hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn? Hơn nữa, các bạn nên lưu ý chủ đề mà tôi nói đến hôm nay về lòng từ bi – tầm quan trọng và cách thực hành thật sự không liên quan đến tôn giáo. Đề tài này chủ yếu nói về một phương pháp, một lối sống mà thôi, nhằm giúp cho quý vị có được một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Tóm lại, bất cứ khi chúng ta nói về tình yêu thương và lòng từ bi, thì đề tài ấy chẳng liên quan đến bất kì tôn giáo nào cả.

Khi chúng ta nói về tình yêu thương và lòng từ bi thì ngay cả thế giới các loài thú cũng rất cần. Loài thú hoàn toàn không có tôn giáo và cũng không đòi hỏi phải có tôn giáo nhưng chúng vẫn cần đến tình yêu thương và lòng từ bi. Như vậy, chính tình yêu thương và lòng từ bi, chứ không phải là tôn giáo, rất cần cho cả các loài thú vật. Nói chung, tất cả chúng ta vốn không được sinh ra cùng với tín ngưỡng hay tôn giáo. Khi chúng ta chào đời, chúng ta nào đã biết gì về tôn giáo. Do đó, khi chúng ta được sinh ra thì chúng ta không cần đến tôn giáo nào hết mà cái chúng ta cần là tình yêu thương và sự quan tâm từ những người khác. Chúng ta cần đến tình yêu thương và lòng từ bi của người mẹ. Có một điều rất lạ nhưng có thật là khi một đứa trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ, các bạn chỉ thấy được dòng sữa mẹ thôi chứ không thể nào nhìn thấy được tình yêu thương và lòng từ bi của người mẹ đi vào đứa con nơi dòng sữa ấy. Tôi lấy một ví dụ, có hai em bé mới được sinh ra, một bé được nuôi bằng sữa mẹ, và một bé được nuôi bằng một loại sữa dinh dưỡng khác tương đương với sữa mẹ, thì các bạn hãy suy nghĩ thử xem có sự khác biệt nào trong sự phát triển của hai em bé này hay không? Chắc chắn là có sự khác biệt lớn bởi khoa học đã chứng minh được sự khác biệt giữa hai trường hợp này. Khi một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên, sự phát triển của trẻ không hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng hay thức ăn, trẻ có thể sinh tồn và phát triển được là còn nhờ vào sự quan tâm, thương yêu và chăm sóc của người mẹ. Do đó, chính nhờ vào sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ mà trẻ mới có sự phát triển tốt. Giống như vậy, khi một đứa trẻ mới được sinh ra thì nó hoàn toàn không mang theo một tôn giáo nào cả, mà nhờ vào sự quan tâm, thương yêu của người mẹ, trẻ mới sinh tồn và phát triển được. Do đó, các bạn có thể thấy được tầm quan trọng của tình yêu thương. Không chỉ có sữa mẹ mới giúp cho đứa trẻ phát triển mà còn phải có tình yêu thương và lòng từ bi của người mẹ dành cho đứa con ẩn nơi dòng sữa ấy.

Có một câu hỏi được rất nhiều người biết đến, như sau: “Nếu bạn chỉ còn có một ngày để sống thôi thì bạn sẽ làm gì?” Các bạn hãy tưởng tượng nếu mình chỉ còn có một ngày nữa thôi để sống thì các bạn sẽ làm gì? Tuy nhiên các bạn chớ hiểu lầm tôi, tôi không có ý nói là quý vị chỉ còn có một ngày để sống nữa thôi [Thầy cười], điều tôi muốn nói là giả sử chỉ còn có một ngày để sống thôi thì bạn sẽ làm gì? Tôi nghĩ rằng các bạn có rất nhiều kế hoạch trong cuộc đời! Nhưng nếu chỉ còn có một ngày để sống nữa thôi thì các bạn sẽ làm gì? Thông thường người ta sẽ đến gặp những người thân yêu của mình, có đúng không? Các bạn hãy về nhà và suy nghĩ về câu hỏi này. Theo tôi, phần lớn những người trưởng thành nghĩ rằng họ sẽ tìm về với cha mẹ, hoặc con cái...Họ sẽ cảm thấy cần phải làm như vậy bởi vì đó là những người mà họ quan tâm, yêu quí. Sau bài giảng này sẽ là phần hỏi đáp và quý vị đừng đặt ngược lại cho tôi câu hỏi mà tôi đã hỏi quý vị. Đừng có đặt cho tôi câu hỏi: “Nếu bạn chỉ còn có một ngày để sống thôi thì bạn sẽ làm gì?” [Thầy cười].

Như vậy, chúng ta đang tìm hiểu về tầm quan trọng và cách thực hành lòng từ bi. Về tầm quan trọng của lòng từ bi, có hai điều chúng ta cần phải ghi nhận là lòng từ bi đóng vai trò rất lớn trong việc mang đến hạnh phúc, và thứ hai là đối với những vấn đề về sức khỏe thể chất của chúng ta. Đó là hai điểm chính yếu của lòng từ bi. Vậy làm thế nào mà lòng từ bi có thể mang đến hạnh phúc cho chúng ta? Tôi sẽ nêu ra vài yếu tố như sau. Nhìn chung, khi các bạn muốn một đời sống hạnh phúc thì có một số điểm rất quan trọng sau đây: Thứ nhất, các bạn phải biết rằng khi các bạn có một đời sống hạnh phúc thì điều đó chủ yếu có nghĩa là bạn phải có rất ít cảm xúc nhiễu loạn, chẳng hạn như các tâm trạng sân hận, ích kỷ…phải rất ít. Thứ hai, các bạn cần phải có những mối quan hệ hết sức lành mạnh, như những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, với chồng/vợ, với bạn bè…Đó là những mối quan hệ rất thiết yếu và bạn thật sự cần phải có các mối quan hệ thật tốt. Thứ ba, các bạn phải có tính kỷ luật hay những nguyên tắc sống của bản thân. Kỷ luật cũng sẽ mang đến hạnh phúc cho các bạn. Ba điểm này rất quan trọng.

Tóm lại, khi chúng ta xem xét ba yếu tố tôi vừa nói thì các bạn cần giảm bớt những cảm xúc loạn động như sân hận, ích kỷ vì những tâm tính tiêu cực đó sẽ hủy hoại sự an bình nội tâm và hạnh phúc của chúng ta. Các bạn cần phải nhận biết được các cảm xúc tiêu cực đó và kiểm soát chúng. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần đến những mối quan hệ lành mạnh, trong sáng. Đó là những mối quan hệ lành mạnh với cha mẹ, với gia đình, với người hôn phối và với bè bạn bởi những mối quan hệ tốt đẹp như vậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc của các bạn. Yếu tố thứ ba là tính kỷ luật hay nguyên tắc sống của bản thân. Điều này có nghĩa là các bạn phải thiết lập được những mục tiêu rõ ràng cùng các phương thức đúng đắn để đạt được các mục tiêu đó trong cuộc đời.

Có một người đàn ông lái xe trên đường và gặp phải một vòng xoay (bùng binh). Người lái xe chỉ vào một ngã rẽ và hỏi một người đi đường rằng con đường này dẫn đến đâu. Người đi đường mới hỏi người lái xe rằng ông ta muốn đi đâu nhưng người lái xe lại đáp chính ông ta cũng không biết mình phải đi đâu. Nghe vậy, người đi đường mới bảo người lái xe rằng, “Được rồi, ông đi lối nào cũng được, như nhau cả.” Do đó, thiết lập mục tiêu và xác định hướng đi đúng đắn là những điều mà chúng ta cần phải thực hiện và theo đuổi.

Đó là ba yếu tố giúp chúng ta đạt được hạnh phúc trong đời. Và như vậy, lòng từ bi đóng vai trò rất quan trọng.

Phần 2 – Cách Thực Hành Lòng Từ Bi

Khi các bạn có được những mối quan hệ lành mạnh, như mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ, người hôn phối, bạn bè, con cái v.v…thì các bạn cần đến điều gì? Khi các bạn muốn xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp thì trước hết là các bạn cần phải có sự hy sinh, điều này rất cần thiết.

Ví dụ, có một lần, khi tôi ngồi trong một nhà hàng ở Đài Loan, tôi thấy có một đôi nam nữ ngồi trò chuyện với nhau rất say sưa và nắm tay nhau một cách thân mật. Cũng tại nơi đó, ở một góc khác, tôi thấy một đôi nam nữ ngồi với nhau nhưng lại không trò chuyện gì nhiều mà họ chỉ chú tâm vào những chiếc điện thoại di động thông minh của mình. Khi đó, tôi mới nghĩ ra rằng, trong hai đôi nam nữ đó, một cặp thì có lẽ mới quen nhau; còn cặp kia chắc đã quen nhau từ rất lâu rồi!

Cho nên, để duy trì một mối quan hệ tốt đẹp thì các bạn cần phải có sự hy sinh. Có nhiều thứ để hy sinh, như hy sinh thời gian sử dụng điện thoại di động để trò chuyện với người khác như trong câu chuyện trên. Có một cậu bé thường được cha mẹ cho tiền tiêu vặt. Mỗi tuần cậu bé được cha mẹ cho 10 đô-la. Vào một ngày nọ, khi nhận được 10 đô-la thì cậu bé mới hỏi cha mình rằng, “Một ngày đi làm cha kiếm được bao nhiêu tiền?” Cha cậu bé trả lời, “Một ngày đi làm cha kiếm được 50 đô-la.” Nghe vậy, cậu bé lại hỏi cha, “Cha ơi! Cha cho con thêm 10 đô-la nữa có được không?” Người cha bấy giờ hơi bực mình, bèn bảo đứa con, “Cha đã cho con 10 đô-la rồi, tại sao bây giờ lại đòi thêm 10 đô-la nữa trong khi vừa mới biết một ngày đi làm cha chỉ kiếm được 50 đô-la?” Lúc này, cậu bé mới nói với người cha rằng, “Cha ơi! Thật ra, không phải con đòi thêm 10 đô-la mà bởi vì từ những tuần trước mỗi tuần cha cho con 10 đô-la và đến ngày hôm nay con đã tiết kiệm được 40 đô-la rồi, ngày mai là sinh nhật của con nên con muốn xin thêm cha 10 đô-la nữa cho đủ 50 đô-la để gửi lại cho cha. Con muốn cha dành cho con một ngày trọn vẹn trong sinh nhật của con!”

Do đó, những mối quan hệ tốt đẹp phần nhiều nhờ có sự hy sinh. Các bạn chỉ có thể hy sinh khi hiểu về lòng từ bi. Khi chưa hiểu về lòng từ bi thì hy sinh là việc khó làm. Khi đã hiểu về lòng từ bi thì các bạn có thể hy sinh rất nhiều. Khi đã có thể hy sinh thì những mối quan hệ các bạn có được sẽ trở nên bền vững. Tình bạn. Tình vợ chồng. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái…sẽ rất vững chắc khi các bạn có lòng từ bi và sự hy sinh, và để có thể hy sinh thì các bạn cần có lòng từ bi. Sở dĩ tôi nói như vậy vì tôi nghĩ rằng tôi đã hy sinh phần lớn cuộc sống và thời gian của mình. Tôi có thể nói như vậy vì bản thân tôi đã có trải nghiệm, tôi đã có sự hy sinh. Tôi không giống như Google là không hy sinh gì hết! [Thầy cười], Google có thể nói giống như vậy nhưng Google chẳng có hy sinh gì cả!

Do đó, trong các mối quan hệ với bạn bè, đôi lúc cũng cần phải có sự hy sinh. Khi các bạn có tâm từ bi đối với bạn bè thì các bạn sẽ dễ dàng hy sinh, nhường nhịn lẫn nhau.

Nhìn chung, khi nói về Phật pháp, về tôn giáo thì tôi có một kinh nghiệm. Lúc tôi còn nhỏ, cha tôi thường nhắc đến một câu nói của người Tây Tạng: “Người lười biếng thì lúc nào cũng cảm thấy thực hành Pháp là việc dễ làm; Còn để trở thành một hành giả thực thụ thì quý vị sẽ không có thời gian để ngủ.” [Thầy cười] Bởi vì để trở thành một người thực hành Pháp thực thụ thì các bạn phải hy sinh rất nhiều. Để trở thành tu sĩ, tôi phải tuân thủ 253 giới, có nghĩa là tôi phải hy sinh 253 điều. [Thầy cười] Và nhìn chung thì chúng ta cũng còn phải có hiểu biết về những gì mình cần phải hy sinh và những gì mình không cần phải hy sinh. Chúng ta cần phải có sự khôn ngoan.

Điều thứ hai, lòng từ bi là một trong những thực hành trọng yếu giúp các bạn giảm trừ tất cả những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và ngã mạn. Những cảm xúc tiêu cực này thật sự mang đến rất nhiều phiền phức làm hỏng mất niềm vui và hạnh phúc của chúng ta. Rất đơn giản, ví dụ khi các bạn đưa ra một quyết định nào đó trong đời mình, thường thì trong công việc hàng ngày các bạn vốn phải đưa ra rất nhiều quyết định, có đúng không? Và mỗi khi đưa ra quyết định, các bạn đều biết là mình cần phải căn cứ trên một viễn cảnh mà các bạn đã hình dung ra trước đó, tôi nói như vậy có đúng không? Nhưng hầu hết chúng ta lại không làm thế. Phần lớn tất cả chúng ta mỗi khi quyết định việc gì thường lại chỉ để thỏa mãn cảm xúc, chỉ vì cái bản ngã của mình mà chúng ta đưa ra quyết định. Các bạn hãy nghĩ xem có bao nhiêu quyết định mình đã đưa ra chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình? Ví dụ như khi các bạn cãi nhau với ai đó, các bạn thường có những quyết định rất mạnh mẽ và như vậy là do bản ngã của mình chứ không phải vì một điều gì đó rộng lớn hơn. Quyết định của bạn chỉ là để thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình.

Kinh nghiệm của tôi khi ở Việt Nam, tôi chưa gặp người Việt Nam nào nói với tôi rằng: “Tôi không biết” khi trò chuyện về những chủ đề khác nhau. [Thầy cười] Mọi người luôn cố gắng nói ra những ý tưởng riêng của mình. Có một câu chuyện thú vị vào năm ngoái, tôi nghĩ là ở Thụy Sĩ. Khi ấy, tôi có thảo luận với một nhóm chủ đề về những cách thức quản lý và điều hành. Chúng tôi trò chuyện rất nhiều cùng nhau và có một quý ông người Thụy Sĩ ở trong nhóm đã thổ lộ với tôi rằng thật sự là ông ta không biết phải làm việc này như thế nào. Ông ấy nói rằng thật sự là ông không biết làm. Điều này quả thật làm cho tôi rất ngạc nhiên, khiến tôi cảm thấy  sửng sốt và thích thú. Do đó, đôi khi vì bản ngã mà chúng ta tỏ ra biết tất cả, biết rất nhiều. Có một câu nói rất thú vị trong tiếng Anh, là: “Người mà nghĩ mình biết tất cả thì bản thân anh ta cần phải học hỏi nhiều nhất”. [Thầy cười] Cho nên, đôi lúc những cảm xúc phiền muộn trong tâm như ngã mạn, sân giận sẽ làm chúng ta mắc phải rất nhiều sai lầm. Vì thế, để giảm bớt phiền não thì nhất thiết là chúng ta phải thực hành lòng từ bi.

Khi tôi nói về thực hành lòng từ bi thì có rất nhiều người hiểu sai điều này. Khi tôi nói về thực hành lòng từ bi thì tôi không hề nói là các bạn phải đem đồ đi cho người khác. Tôi không bảo các bạn làm vậy. Có một câu chuyện thế này, một người đàn ông nói rằng ông ta sắp sửa thực hành lòng từ bi. Một người bạn của ông ta nghe vậy liền nói với ông rằng, “Ồ, tuyệt quá, anh sắp thực hành về lòng từ bi rồi!” Người bạn đó lại nói, “Bây giờ anh thực hành lòng từ bi, nếu anh có hai con ngựa thì anh có sẵn sàng đem một con ngựa tặng cho người chưa có ngựa hay không?” Người đàn ông trả lời, “Có chứ, chắc chắn rồi vì tôi đang thực hành lòng từ bi mà.” Người bạn lại tiếp tục hỏi một câu, “Nếu bây giờ anh có hai con bò, anh có sẵn sàng đem một con bò tặng cho một người chưa có bò hay không?” Người đàn ông trả lời, “Có, chắc chắn rồi vì tôi đang thực hành lòng từ bi mà.” Và rồi người bạn lại hỏi, “Nếu bây giờ anh có hai con lừa thì anh có sẵn sàng đem một con lừa tặng cho một người chưa có lừa hay không?” Người đàn ông liền bảo, “Không, tôi không cho.” Người bạn rất ngạc nhiên vì câu trả lời này khác với hai câu vừa rồi dù cùng tình huống, nên liền thắc mắc, “Tại sao anh có thể cho đi một con ngựa cho người không có con nào khi anh có hai con ngựa, và anh cũng có thể cho đi một con bò cho người không có con nào nào khi anh có hai con bò, mà anh lại không thể cho người ta một con lừa khi anh có hai con lừa? Anh đang thực hành lòng từ bi kia mà?” Người đàn ông liền trả lời rằng, “Tình huống chẳng giống nhau tí nào. Khi tôi thực hành lòng từ bi thì chắc chắn là tôi sẽ cho bớt một con ngựa và một con bò cho người không có con nào, nếu tôi có hai con ngựa và hai con bò. Tuy nhiên, tình thế sẽ khác đi nếu đó là lừa, vì thật ra là tôi chẳng có cả ngựa lẫn bò, cơ mà tôi có hai con lừa thật.” [Thầy cười] Do đó, khi các bạn thực hành lòng từ bi thì điều này không có nghĩa là mình phải đưa ra một hành động ngay lập tức. Về mặt hành động thì các bạn chẳng cần phải làm gì cả, mà trước hết các bạn hãy dùng tâm trí của mình để thực hành lòng từ bi, rồi sau này mới đến hành động. Do đó thực hành lòng từ bi để làm giảm bớt những phiền não, và các bạn cần phải biết là nếu như chúng ta tức giận một người mà ta không ưa, hay giận kẻ thù chẳng hạn, thì chính sự giận dữ đó sẽ làm tổn thương ta trước tiên chứ chẳng phải là kẻ địch. Tất cả các bạn đều biết rõ điều này! Cơn giận không những tàn phá hạnh phúc của các bạn mà chúng còn dập tắt luôn cả niềm an vui của những thành viên trong gia đình. Các bạn biết rõ điều này nhưng chúng ta vẫn không thể nào dừng lại được! Tôi vẫn nhớ hồi tôi còn nhỏ, khi cha tôi đi làm có những việc bực bội bên ngoài thường về nhà gắt gỏng, lớn tiếng để giải tỏa tâm trạng đó và vô tình lại trút cơn tức giận đó lên mẹ tôi, [Thầy cười] tôi vẫn còn nhớ câu chuyện thời đó và tôi nghĩ rằng những gì đã xảy ra trong gia đình tôi thì cũng đã và đang diễn ra ở rất nhiều gia đình khác. Mặc dù chúng tôi tụng kinh rất nhiều và thực hiện nhiều buổi lễ theo truyền thống của một gia đình Tây Tạng nhưng việc đó cũng không mang lại nhiều tác dụng, và điểm chính yếu ở đây vẫn là cần phải thực hành tâm từ bi. Sở dĩ như vậy bởi vì đức Phật nói về tâm từ bi và Ngài không hề đặt ra một tôn giáo hay giáo thuyết nào cả. Đức Phật nói về tâm từ bi là để có thể giúp chúng ta tìm được niềm an lạc nội tâm khiến cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. Đó là một đường lối để sống hạnh phúc chứ đức Phật hoàn toàn không có chủ đích đặt ra một tôn giáo nào cả.

Trong thế kỷ 21 này, theo quan điểm của ngành y học hiện đại thì các nhà khoa học đã thí nghiệm và khám phá ra rằng, cách suy nghĩ, tinh thần của chúng ta có ảnh hưởng lớn đến cơ thể của chúng ta. Sức khỏe tâm lý và sức khỏe thể chất của chúng ta có mối tương quan chặt chẽ với nhau, vì trong thế kỷ 21 này, tất cả mọi người thật sự làm việc rất nhiều và chịu những áp lực rất lớn trong công việc. Các bạn làm việc với rất nhiều áp lực và các bạn cũng cần phải biết một điều là nếu các bạn thường xuyên để những áp lực này đè nặng trong tâm trí thì chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất của các bạn.

Vào đầu năm nay, nếu tôi nhớ không lầm là vào khoảng đầu tháng 3, khi đó tôi đang ở Bangalore - một thành phố phát triển ở Ấn Độ, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin. Có rất nhiều công ty công nghệ ở thành phố Bangalore. Khi tôi ở Bangalore thì có gặp một người và ông ta kể cho tôi một câu chuyện do một bác sĩ kể lại. Câu chuyện người bác sĩ đó kể là, họ đã khám sức khỏe tổng quát cho một công ty làm về công nghệ thông tin và phát hiện có một điều đáng ngạc nhiên là các nhân viên trong công ty còn rất trẻ, độ tuổi khoảng từ 25 đến 40 tuổi, nhưng hầu hết những người này đều bị mắc bệnh tim. Chỉ có hai người có kết quả kiểm tra sức khỏe là không bị bệnh tim thôi. Điều này rất đáng ngạc nhiên. Hai nhân viên không mắc bệnh tim của công ty này thì một người là tài xế của công ty, người kia là cậu phục vụ thường bưng trà nước cho các nhân viên ở công ty. Chỉ đặc biệt có hai nhân viên phục vụ này là không mắc bệnh tim! [Thầy cười] Do đó, chúng ta cần phải hiểu rằng tâm trạng của chúng ta sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thể trạng của chúng ta. Điều này đã được cả thế giới công nhận. Phần lớn mọi người hay nghĩ rằng thực phẩm mà chúng ta sử dụng mới là quan trọng nhất, với điều này thì tôi cũng chấp nhận nhưng ngoài thực phẩm ra thì còn có những điều khác nữa. Tôi có kinh nghiệm là ở các quốc gia mà tôi đến thì mọi người ở đó ai cũng nói là thực phẩm của họ tốt cho sức khỏe. Ví dụ, khi tôi ở Nam Ấn thì người Ấn Độ hay nói rằng thực phẩm ở Nam Ấn rất tốt cho sức khỏe. Ngay cả khi tôi đến những đất nước khác thì những người ở đất nước đó cũng nói thực phẩm của nước họ rất tốt cho sức khỏe, nước nào cũng nói y như vậy. Do đó, ở đây tôi đang đề cập đến vấn đề sức khỏe thể chất, và sức khỏe thể chất chịu ảnh hưởng rất lớn từ tâm trạng. Các cảm xúc tiêu cực như giận dữ…sẽ gây ra rất nhiều rắc rối cho sức khỏe. Vì vậy, chúng ta nên biết về cách thực hành lòng từ bi để gia tăng lòng từ bi và nhờ đó mà tác động tích cực đến sức khỏe của chúng ta.

Tôi quen một người làm công tác xã hội rất năng nổ. Ông ta vận động cho những nạn nhân bị bệnh HIV. Ông ta nói với tôi về những kết quả trong việc tiếp xúc với những bệnh nhân HIV ở giai đoạn cuối, và ông cho tôi biết rằng trong giai đoạn ngặt nghèo đó thì dường như người nữ mắc chứng HIV có khoảng thời gian sống lâu hơn so với những người nam mắc chứng HIV trong cùng một giai đoạn phát triển của bệnh. Trong cùng giai đoạn cuối thì người nữ có khoảng thời gian sống lâu hơn so với những người nam. Ông ta nói với tôi rằng ông không tài nào hiểu được tại sao lại xảy ra điều như vậy. Điều đó xảy ra có thể là do hệ miễn dịch của nữ giới tốt hơn hệ miễn dịch của nam giới cho nên người nữ sống được khoảng thời gian lâu hơn và chống đỡ với bệnh tật tốt hơn so với người nam. Tuy nhiên, theo như tôi cảm nhận thì còn có một nguyên nhân khác là dường như theo cơ chế sinh học thì người nữ có lòng từ bi lớn hơn so với người nam. Người nữ cảm nhận được tâm từ bi tốt hơn so với người nam. Chính vì có tâm từ bi mà nó có tác động đối với hệ miễn dịch, làm cho hệ miễn dịch hoạt động tốt và chống đỡ với bệnh tật tốt hơn. Đó là những gì mà tôi cảm nhận được.

Bây giờ tôi sẽ nói về lợi ích của lòng từ bi theo nghiên cứu khoa học của trường đại học Emory bên Hoa Kỳ. Họ đã có một cuộc thí nghiệm về những tác động của việc thực hành lòng từ bi và họ yêu cầu những người tham gia thực hành lòng từ bi ngồi thiền về tâm từ bi liên tục mỗi ngày từ 10 đến 15 phút trong vòng một tháng. Sau một tháng đó, họ sử dụng máy MRI, là máy có thể đo được điện não, để xem xét việc thực hành tâm từ bi và đưa ra kết luận là thực hành này có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất.

Hôm nay có thể có rất nhiều người mới đến học nên tôi đưa ra một vài bước rất căn bản để các bạn có thể thực hành. Các bạn có thể về nhà thực hành trong vòng một tháng. Nếu các bạn thực hành mà thấy có lợi thì hãy tiếp tục thực hành phương pháp này. Nếu sau khi thực hành mà các bạn thấy không có gì xảy ra cả thì các bạn có thể dừng lại. Đối với những bước đơn giản này thì mỗi ngày các bạn chỉ cần thực hành từ 10 đến 15 phút thôi, không cần thực hành với thời gian quá dài. Dù chỉ cần 10 đến 15 phút thôi nhưng chắc cũng có người nghĩ rằng, “Ồ, 10 đến 15 phút cũng là quá dài rồi, không thể nào tìm ra được thời gian rỗi từ 10 đến 15 phút trong một ngày!” Vậy thì hãy giảm bớt 10 phút sử dụng internet hay 10 phút xem tivi đi thôi! [Thầy cười]. Nói về thời gian, đôi lúc tôi cũng thấy mình không có thời gian, đôi lúc tôi lại thấy mình có rất nhiều thời gian. Khi các bạn nói mình có nhiều thời gian hay không có nhiều thời gian thì không phải là nói đến quỹ thời gian của các bạn nhiều hay ít, mà nó liên quan đến việc quản lý thời gian như thế nào để có được thời gian làm những việc các bạn mong muốn. Nếu các bạn quản lý tốt thời gian thì các bạn sẽ luôn có thời gian; nếu các bạn không quản lý được thời gian của mình thì các bạn sẽ chẳng bao giờ có đủ thời gian. [Thầy cười]

Bước đầu thực hành lòng từ bi, tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn vài bước chính yếu để các bạn thực hành trong một tháng và mỗi ngày các bạn cần dành ra khoảng từ 10 đến 15 phút. Buổi sáng, 5 phút; buổi tối, 5 phút; ở chỗ làm, 5 phút. Cứ như vậy,  dành ra 15 phút mỗi ngày và các bạn hãy thực hành liên tục như vậy trong vòng một tháng để xem thử phương pháp này có hiệu quả hay không. Nếu sau một tháng mà các bạn cảm thấy phương pháp này có tác động tích cực, chẳng hạn các bạn thấy bản thân thư giãn hơn, điềm tĩnh hơn, cảm thấy nội tâm an lạc thì các bạn hãy cứ tiếp tục thực hành phương pháp này; còn nếu các bạn cảm thấy không có sự khác biệt gì nhiều thì hãy ngừng lại. Nhưng có một điều chúng ta cần biết rằng, thử làm thì tốt hơn nhiều so với việc không làm gì cả. Những điểm thực hành chính yếu trong phương pháp tôi nói ra ở đây là dành cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về Phật pháp, là những người mới. Ở các đạo tràng nếu chúng ta có thức gì để uống thì các bạn cứ uống nhé. Nếu chúng ta có nước hoặc trà thì chúng ta cứ dùng.

Bước căn bản đầu tiên là các bạn hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến những người chúng ta yêu thương, ví dụ như gia đình, cha mẹ, con cái, bạn bè, v.v…và mình cầu chúc cho họ có một cuộc sống hạnh phúc, không có khổ đau, và mình cũng cầu chúc cho mọi khổ đau của họ tiêu tan đi hết. Các bạn hãy làm như vậy. Đây là bước đầu tiên – ước nguyện cho mọi người có được hạnh phúc. Khi các bạn làm như vậy thì hãy nghĩ rằng bản thân mình có được bao nhiêu hạnh phúc cũng đều đem cho họ. Các bạn hãy nghĩ rằng tất cả những khổ đau của họ giống như một dạng ánh sáng màu đen thấm vào trong người các bạn; còn tất cả những an lạc, hạnh phúc bên trong người các bạn có hình dạng là ánh sáng màu trắng thì đều thấm vào người của họ. Các bạn hãy nghĩ như vậy. Do đó, các bạn hãy nhắm mắt lại và nghĩ về những người mình yêu thương như cha mẹ, gia đình, anh chị em…các bạn hãy nghĩ rằng mình sẽ nhận lấy tất cả những đau khổ của họ trong dạng ánh sáng màu đen – là khi các bạn hít vào, đau khổ của họ sẽ có dạng ánh sáng màu đen đi vào và thấm vào bên trong người của các bạn; Còn khi các bạn thở ra thì thở ra tất cả những hạnh phúc, an lạc nội tâm của các bạn dưới dạng ánh sáng màu trắng và ánh sáng trắng này sẽ đi ra ngoài, thấm vào bên trong người của những người thân khi các bạn nghĩ về họ. Các bạn hãy thực hành như vậy.

Khi các bạn nghĩ rằng mình nhận lấy hết tất cả những khổ đau của người thân và cho đi tất cả những hạnh phúc của bản thân mình thì lúc đó các bạn chớ có sợ hãi, bởi vì việc các bạn nghĩ như vậy sẽ không phải là hiện thực, nghĩa là mọi khổ đau của họ không có thâm nhập vào trong người của các bạn đâu. Do đó các bạn đừng sợ hãi mà hãy cứ tiến hành như vậy để thực hành về tâm từ bi. Ví dụ, nếu các bạn nhìn thấy một ông vua giàu sang và hạnh phúc, các bạn nhắm mắt lại và nghĩ rằng hít vào hết tất cả những hạnh phúc của ông vua đó về phía mình thì liệu các bạn có đạt được những hạnh phúc đó hay không? Chắc chắn là không. Cũng giống như vậy, khi các bạn nghĩ về một người nào đó, nghĩ là sẽ nhận lấy tất cả những đau khổ của người đó về phía mình thì không có nghĩa là các bạn thật sự nhận được hết những đau khổ của họ.

Có hai câu kệ: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những chúng sinh cha mẹ trong sáu nẻo được hạnh phúc; và cầu nguyện cho tất cả những chúng sinh cha mẹ trong sáu nẻo đều được giải thoát khỏi đau khổ.” Các bạn hãy nghĩ về hai câu kệ đó. Ở trên đường đi, khi các bạn gặp bất cứ người nào đau khổ hay con thú nào đau khổ hay bất cứ cảnh khổ nào thì khi đó các bạn hãy cầu nguyện cho chúng sinh đó, cho người đó, cho con thú đó thoát khỏi những đau khổ và cầu nguyện cho chúng sinh đó được hạnh phúc, được an lạc. Khi các bạn về đến nhà hoặc đến văn phòng của mình, bất cứ khi nào các bạn có thời gian rãnh rỗi thì hãy nghĩ như vậy, các bạn nên cầu nguyện cho tất cả những kẻ khác đều có được hạnh phúc, hãy cầu nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khỏi mọi đau khổ.

Mục đích rốt ráo việc thực hành tâm từ bi không phải là để hiểu người khác cảm nhận như thế nào, mà là để mình có thể cảm nhận những gì người khác đang cảm nhận. Đó là những điểm quan trọng để các bạn thực hiện tâm từ bi và các bạn hãy cố gắng thực hành trong vòng một tháng, mỗi ngày dành ra từ 10 đến 15 phút để thực hành. Các bạn hãy thực hành những phương pháp này và việc chúng ta thử làm sẽ không gây mất mát gì cả. Các bạn hãy thử thực hành và việc này tốt hơn là chẳng làm gì cả. Các bạn hãy thực hành như vậy rồi xem kết quả như thế nào. Chỉ cần chúng ta thực hành 10-15 phút hàng ngày trong vòng một tháng. Nếu các bạn thành công thì điều này rất tốt. Nếu các bạn không thành công, điều này cũng rất tốt. Nếu các bạn thực hành và thấy có công hiệu thì điều này rất tốt vì nó có tác động tích cực đến các bạn. Nếu các bạn thực hành 10-15 phút hàng ngày mà chẳng thấy có công hiệu gì thì cũng rất tốt bởi vì các bạn sẽ biết rằng phương pháp này không giúp gì được cho các bạn. Nó vô ích! [Thầy cười] Nhà bác học Thomas Edison, người phát minh ra bóng đèn điện, có nói rằng “Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra được một ngàn cách làm không hiệu quả.” Ông đã thử nghiệm rất nhiều lần và không hề nghĩ là ông thất bại trong tất cả những lần đó. Khi ông có những cuộc thí nghiệm không thành công, ông đã nói rằng ông không hề thất bại mà ông đã tìm ra được một ngàn cách không có hiệu quả. Tương tự, khi các bạn thực hành 10-15 phút hàng ngày trong vòng 1 tháng mà không thấy có hiệu quả thì điều đó không có nghĩa là các bạn thất bại mà các bạn chỉ biết thêm một điều là phương pháp đó không có công hiệu mà thôi. [Thầy cười] Do đó nếu các bạn thấy việc thực hành có tác dụng thì điều đó thật sự rất tốt, còn nếu thấy không thành công thì điều đó cũng tốt, vì các bạn sẽ biết rằng phương pháp này không có hiệu quả đối với mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tỷ lệ thành công của phương pháp này sẽ rất là cao!

Cảm ơn tất cả các bạn. Bây giờ chúng ta sang phần vấn đáp. Tuy nhiên, quý vị phải nhớ là có một câu hỏi không được đặt ra cho tôi, tôi đã nói trước rồi. [Thầy cười]

* * *

Quý vị vui lòng xem phần Vấn đáp trong file pdf:

https://vn.dipkar.com/download/bai-giang/phat-phap-can-ban/PPCanBan02-2015-07-05.pdf

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ hai @ 05/08/2015.

Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,

Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,

Nguyện cho Mật nhũ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,

Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.