21-06-2025
Lamrim 2025
Download MP3

TUẦN 8 – NGÀY 21/06/2025

CHỦ ĐỀ: CÁCH NGHE PHÁP THỰC THỤ

(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)

Hôm nay là một ngày đặc biệt. Thầy có một tin vui là Thầy đã đạt được một thỏa thuận với trường đại học bên Mỹ ở Los Angeles. Cụ thể, Thầy sẽ dạy thiền, còn trường đại học sẽ cấp chứng chỉ. Đây là chương trình đầu tiên dạy Phật pháp trong trường đại học bên Mỹ mà được trường cấp chứng chỉ.

Hôm nay chúng ta sẽ sang phần cách nghe pháp thực thụ (trang 162, quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng Tay).

Khi nghe pháp, điều quan trọng là chúng ta phải nghe pháp với một tâm thái rất cởi mở. Có nghĩa là chúng ta phải tập trung lắng nghe vị thầy giảng và đừng mang định kiến trong tâm. Chúng ta phải nghe xem vị thầy đang nói gì và có hiểu được ý thật sự mà vị thầy đang dạy hay không. Nếu mang trong tâm các định kiến sẵn có thì chúng ta sẽ khó hiểu được ý thật sự mà vị thầy đang muốn giảng.

Sau khi nghe xong, chúng ta phải tư duy, suy nghĩ, phân tích để xem lời dạy đó có mang đến lợi lạc cho mình hay không. Tất cả lời Phật dạy được ví như các phương pháp giúp ta thoát khỏi khó khăn, đau khổ. Muốn thoát khổ, chúng ta phải áp dụng. Do đó, muốn biết lời dạy có mang đến lợi lạc như thế nào, chúng ta phải thử áp dụng. Nếu thấy có lợi thì tiếp tục áp dụng. Nếu thấy không có lợi thì có thể để qua một bên và thử các phương pháp khác.

Tóm lại, bước thứ nhất là phải tập trung nghe pháp. Bước thứ hai là phải thử áp dụng. Chỉ nghe thôi thì rất khó biết liệu phương pháp đó có mang đến kết quả lợi lạc cho mình hay không. Cách duy nhất để biết có lợi hay không là phải thử áp dụng. Cho nên, nghe và hiểu xong thì phải tự áp dụng. Nếu thấy có lợi thì tiếp tục áp dụng phương pháp đó để mang đến nhiều lợi lạc hơn. Nếu không thấy có lợi thì hãy ngưng và tìm các phương pháp khác. Phật pháp là phải luôn tư duy và phân tích để xem phương pháp đó có lợi cho mình hay không.

Khi nghe pháp, chúng ta không cần phải tin vội. Đức Phật dạy rằng chúng ta không nên thực hành pháp vì tin Phật mà hãy thực hành pháp vì thấy lời dạy đó hợp lý và thực sự mang lại lợi lạc cho mình. Chỉ mới nghe mà đã tin rồi thì khi đó, chúng ta sẽ dẹp bỏ tâm lập luận của mình, sẽ không dùng lý trí để thực hành pháp. Cho nên, đừng tin vội mà hãy dùng lý trí để xem những lời dạy đó có lợi như thế nào, nếu thấy thực sự có lợi thì hãy tin và thực hành.

Thầy kể câu chuyện, có một công ty làm phẫu thuật để cấy ghép não. Những ai có bộ não không tốt có thể đến công ty này để được cấy ghép một bộ não tốt hơn. Có một người muốn thay não đã tìm đến công ty này. Tại đây, nhân viên tư vấn đưa ra nhiều bộ não để anh ta lựa chọn. Đầu tiên, nhân viên tư vấn đưa cho anh ta xem não của nhà bác học Albert Einstein, nói rằng nếu anh ta muốn ghép não của nhà bác học này thì phải trả 10 USD. Sau đó, nhân viên tư vấn lại cho anh ta xem não của một nam diễn viên và nói rằng bộ não này đáng giá 1.000 USD. Sau đó lại đưa anh ta xem não của một chính trị gia với giá 5.000 USD. Vị khách này rất thắc mắc hỏi nhân viên tư vấn tại sao nhà bác học thông minh như vậy mà não chỉ đáng giá 10 USD, trong khi não của diễn viên lại có giá 1.000 USD, còn não của chính trị gia lên tới 5.000 USD, tại sao giá lại không hợp lý như vậy. Nhân viên tư vấn trả lời rằng nhà bác học Einstein thông minh nên dùng não nhiều, giờ não còn yếu, sắp bị hỏng, giá chỉ còn 10 USD; còn diễn viên và chính trị gia không dùng não nhiều, não bây giờ còn mới nên có giá đắt hơn.

Đức Phật luôn dạy rằng khi nghe Ngài giảng pháp, các đệ tử phải thực sự chú tâm lắng nghe. Chú tâm lắng nghe là để nghe và hiểu, tư duy xem lời dạy hợp lý ở điểm nào. Khi chú tâm lắng nghe với tâm tư duy phân tích như thế nghĩa là chúng ta dùng trí tuệ để hiểu, còn chỉ mới nghe mà đã vội đặt niềm tin thì chúng ta sẽ không dùng tư duy lập luận để tìm hiểu, phân tích lời dạy đó. Điều này rất quan trọng. Đó là lý do khi dạy pháp, Đức Phật luôn bảo rằng các đệ tử luôn phải phân tích và tư duy về lời dạy của Phật, chứ không nên vội tin ngay từ đầu.

Trước khi đi vào phần chính, sách Giải Thoát Trong Lòng Tay dạy rằng nên nghe pháp cách nào là tốt nhất. Trong thời pháp thoại, lỗi lớn nhất khi nghe pháp là gì? Không chỉ trong các thời pháp thoại mà trong tất cả các lớp học pháp, học trò thường mắc lỗi lớn nhất là không chịu tập trung. Cho nên trước khi chuẩn bị giảng dạy điều gì, Đức Phật luôn nói rằng các đệ tử hãy chú ý lắng nghe. Nghĩa là cần phải lắng nghe với sự chú tâm.

Tâm lý học hiện đại có một căn bệnh gọi là rối loạn giảm chú ý. Những người mắc bệnh này dù cố gắng thế nào cũng không tập trung được. Về phía y học hiện đại, người mắc bệnh thì phải uống thuốc để điều trị bệnh. Nhưng đạo Phật không kê thuốc mà hướng dẫn ngồi thiền, nhờ thiền định sẽ giúp chúng ta dễ tập trung hơn. Những ai mắc bệnh này có thể cho Thầy biết, Thầy sẽ hướng dẫn thực hành thiền để lấy lại khả năng tập trung.

Đáng lẽ chúng ta nên nghe nhiều hơn và nói ít lại. Đó là lý do vì sao con người có 2 lỗ tai và một cái miệng, nhưng chúng ta lại thường làm ngược lại là nói nhiều hơn và không chịu tập trung lắng nghe, như thể có một lỗ tai và 2 cái miệng, lúc nào cũng nói nhiều hơn là nghe.

Cho nên, sự tập trung là điều rất quan trọng, không chỉ trong việc học pháp mà còn trong tất cả các cuộc đối thoại, chúng ta cần phải lắng nghe người khác nói với sự tập trung thì mới hiểu được họ.

Để xây dựng được năng lực tập trung tốt, cần 2 điều kiện quan trọng. Điều kiện thứ nhất là tỉnh giác. Nghĩa là cần phải để ý rõ ràng ta có thực sự đang tập trung vào chuyện mình đang làm hay không. Trong các buổi học, khi bị phân tâm, ta phải tỉnh giác biết được rằng mình đang bị phân tâm. Cho nên tỉnh giác là rất quan trọng. Thứ hai là để có sự tập trung tốt trong giờ học, vai trò của người thầy cũng rất quan trọng. Người thầy cần có cách khéo léo để nói ý nghĩa lời Phật dạy một cách đơn giản. Thực ra khi Đức Phật giảng pháp, Ngài nói rất đơn giản, nhưng sau này người ta thêm thắt các ý nghĩa làm cho nó trở nên phức tạp.

Thầy kể một câu chuyện: có một vị thầy lúc nào giảng pháp cũng nhắm mắt lại, nói luyên thuyên suốt nhiều tiếng đồng hồ. Khi giảng xong, vị thầy mở mắt ra thì thấy các học trò đi về hết, không còn ai cả. Một ngày nọ, thầy ấy tiếp tục giảng như thế, cũng nhắm mắt, nói suốt mấy tiếng đồng hồ. Sau khi giảng xong, vị thầy này mở mắt thì thấy còn một học trò trong lớp. Vị thầy rất cảm động, nói với học trò như thế này: “Suốt 30 năm giảng dạy của thầy chưa có học trò nào ở lại tập trung nghe thầy giảng suốt mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng thầy đã tìm được một học trò thực thụ”. Anh học trò nói với vị thầy rằng: “Không phải như vậy đâu. Thực ra con đang chờ thầy ra về để đóng cửa chùa. Thầy còn ở đây thì con không đóng cửa chùa được”.

Nếu lúc giảng pháp, lớp chúng ta thấy khó hiểu quá thì đó là lỗi của Thầy, vì Thầy đã không khéo léo chuyển tải những thông điệp đơn giản của Đức Phật để học trò dễ dàng hiểu được. Khi Đức Phật giảng, Ngài giảng rất đơn giản. Cho nên người giảng pháp cần phải giảng theo lối giản dị như Đức Phật đã giảng. Vị thầy nào giảng phức tạp, khiến học trò cảm thấy khó hiểu thì vị thầy đó chưa thực sự khéo léo vận dụng cách giảng dạy dễ dàng như Đức Phật đã từng làm mà đang giảng dạy theo một cách hoàn toàn khác.

Tất cả lời Phật dạy hay tất cả thông điệp, ý nghĩa nào trong Phật pháp, nói tóm lại, đều là các phương pháp, các công cụ để chúng ta diệt trừ phiền não trong tâm, để sống an lạc hơn, cải thiện bản thân trở nên tốt hơn. Chúng ta cần phải áp dụng các phương pháp, công cụ đó thì mới có kết quả lợi lạc. Không cần phải tin vào phương pháp mà phải áp dụng để mang đến lợi lạc thì đó mới là cách thực hành Phật pháp.

Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay hướng dẫn 3 lỗi chủ yếu chúng ta hay mắc phải khi nghe pháp.

Từ bỏ 3 lỗi khiến bạn không thành một bình chứa xứng đáng (trang 162, quyển 1):

Lỗi thứ nhất là một bình chứa bị rò rỉ. Chữ “bình chứa” có nghĩa là bản thân mình giống như bình chứa, để chứa những lời dạy, thông điệp tốt đẹp của Đức Phật. Một bình bị rò rỉ giống như có lỗ thủng, khi bỏ thức ăn vào bình thì bị rò rỉ ra ngoài, không có giữ được. Nghe pháp như một cái bình bị rò rỉ nghĩa là nghe mà không chịu tập trung, nghe pháp xong là quên ngay và khi đã quên rồi thì không bao giờ có thể áp dụng lời dạy để mang đến lợi lạc. Do đó, hãy cố gắng từ bỏ lỗi bình chứa bị rò rỉ.

Để tránh lỗi này, sau mỗi buổi học, hãy dành ra 10 phút để nhớ lại có những điểm cốt yếu nào cần ghi nhớ từ lời giảng của Thầy. Điều này sẽ giúp chúng ta tăng được khả năng ghi nhớ của mình. Hiện nay, nhiều người có trí nhớ ngày càng kém. Đó là lý do họ mắc các chứng bệnh liên quan đến trí nhớ như bệnh Alzheimer, bệnh sa sút trí tuệ…

Lớp chúng ta có hiểu phần này không? Thầy rất vui khi lớp rất thông minh, hiểu rất nhanh. Khi học trò quá thông minh, Thầy cũng hơi lo, vì rất nhanh chóng học trò sẽ vượt qua mặt Thầy (Rinpoche cười).

Thầy nhắc lại một phương pháp để xây dựng khả năng ghi nhớ là sau buổi học, hãy thiền 10 phút để tập trung nhớ lại những điểm chính yếu trong buổi giảng. Trí nhớ của chúng ta kém là do cứ hay suy nghĩ về tương lai như lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra cho công việc, lương bổng hay con cái của mình. Và chúng ta lại suy nghĩ nhiều hơn mức cần thiết, về những điều mà chưa chắc sẽ xảy ra. Vì lo âu suy nghĩ nhiều như thế nên chúng ta khó có thể tập trung vào hiện tại, khiến trí nhớ ngày càng kém. Đó lý do ngày nay nhiều người mắc các bệnh Alzheimer, bệnh sa sút trí tuệ… Cho nên, hãy tập trung vào hiện tại. Bài tập thực hành là dành ra 10 phút để tóm tắt những điều cốt yếu trong buổi giảng để tăng khả năng ghi nhớ của mình.

Thầy hướng dẫn có 2 cách thiền để gia tăng khả năng ghi nhớ. Bài tập thứ nhất là tập đếm ngược 5 phút mỗi ngày. Hãy nhắm mắt lại, đếm ngược từ 100 xuống 50, hoặc đếm ngược từ 500 trở xuống, tập trung vào việc đếm từng số cho thật chính xác. Lưu ý là đếm trong tâm, chứ không phải viết xuống giấy.

Bài tập thiền thứ hai là vào buổi chiều tối, hãy ngồi thiền 5 phút, cố gắng nhớ lại xem từ sáng giờ chúng ta đã làm việc gì theo mốc thời gian như ăn gì, gặp ai, nói câu chuyện gì, cố nhớ lại những điều đã xảy ra. Sáng hôm sau, chúng ta cũng cố gắng ghi nhớ những gì đã xảy ra, đã làm trong ngày hôm qua. Hãy áp dụng bài tập này trong 2-3 tuần, Thầy tin chắc các bài tập này sẽ giúp cải thiện khả năng ghi nhớ của mình.

Chúng ta hay muốn mua điện thoại có bộ nhớ nhiều hơn để lưu trữ nhiều thứ hơn, vậy tại sao chúng ta không muốn có được trí nhớ tốt hơn để ghi nhớ nhiều điều bổ ích hơn? Thầy hướng dẫn một phương pháp tăng khả năng ghi nhớ hoàn toàn không tốn tiền thì tại sao chúng ta không thử áp dụng? Lớp chúng ta hãy thực hành bài tập đếm ngược từ 100 hoặc từ 500 trở xuống trong 5 phút mỗi ngày như Thầy đã hướng dẫn. Và sau mỗi buổi học, chúng ta hãy cố gắng nhớ lại các điểm chính yếu mà Thầy đã giảng.

Lỗi thứ hai là một bình chứa hôi hám. Nghĩa là bình đang chứa chất dơ, khi bỏ các thứ sạch sẽ vào bình chứa hôi hám thì sẽ bị các chất dơ làm bẩn theo. Cũng giống như vậy, khi nghe pháp, chúng ta không nên mang sẵn các định kiến sai lệch trong tâm, đừng nghe thầy giảng với suy nghĩ tìm lỗi trong lời thầy. Chúng ta phải nghe pháp với tâm thế rất cởi mở. Đầu tiên là nghe thầy giảng và cố gắng hiểu xem thầy đang đưa ra các thông điệp như thế nào, sau đó mới hãy phân tích.

Có nhiều người nghe pháp mà không tập trung vào ý nghĩa lời dạy của thầy mà trong tâm đã có sẵn định kiến, cứ nghe hiểu theo cách riêng của mình. Chúng ta nên nghe thầy giảng trước, tìm cách hiểu ý nghĩa lời giảng của thầy rồi sau đó mới hãy phân tích.

Tại sao ta nghe pháp hay nghe điều gì đó mà thường hay hiểu lầm ý của người khác? Đó là vì chúng ta đã chứa sẵn định kiến trong tâm nên không thể tiếp thu được ý kiến của người khác.

Thầy đặt câu hỏi: “Ai là người hiểu lầm mình nhiều nhất?” Người hiểu lầm mình nhiều nhất chính là bản thân mình. Nhiều khi chúng ta cũng không biết bản thân đang nghĩ thế nào, đang muốn gì mà cứ đổ thừa cho người khác không hiểu ý mình. Thực ra tất cả sự hiểu lầm đó đều do chúng ta không hiểu bản thân mình ngay từ đầu.

Những gì một năm trước chúng ta nghĩ là đúng, bây giờ lại nghĩ là sai. Những gì 2 năm trước nghĩ là sai, bây giờ lại nghĩ là đúng. Bây giờ những gì mình nghĩ là đúng thì thời gian sau, chúng ta lại nghĩ là sai. Chúng ta cứ thay đổi suy nghĩ liên tục như thế thì làm sao có thể tin tưởng vào suy nghĩ của mình trong hiện tại. Chúng ta không có sự tự tin bền vững rằng hiểu biết của mình là đúng đắn là bởi vì chúng ta thiếu trí tuệ. Thực hành Phật pháp giúp ta phát triển được trí tuệ, để có được hiểu biết đúng đắn.