
TUẦN 2 – NGÀY 10/05/2025
CHỦ ĐỀ: GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ ĐẠO PHẬT (tiếp theo)
(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)
Hôm nay Thầy tiếp tục giảng tổng quan về đạo Phật. Khi đức Phật hướng dẫn các phương pháp tu tập trong đạo Phật, Ngài muốn giới thiệu các phương pháp tu tập này như những phương thuốc để chữa các căn bệnh trong tâm của đệ tử.
Theo lịch sử cuộc đời của Đức Phật, Ngài được sinh ra ở Nepal và giác ngộ thành Phật vào năm 35 tuổi. Sau khi giác ngộ, Ngài liên tục giảng dạy Phật pháp cho các đệ tử. Khi giảng dạy Phật pháp, Ngài luôn hướng dẫn cách tiếp cận rất thực tiễn, phù hợp với các đệ tử, chứ chưa bao giờ giảng dạy Phật pháp dưới góc nhìn mê tín, không thực tế.
Trong các thời pháp, đức Phật rất nhiều lần nói với các đệ tử rằng: “Tất cả những gì Như Lai (tức đức Phật) thuyết giảng, các ông nên phân tích và xét soi kỹ lưỡng”. Tức là đức Phật luôn khuyến khích chúng ta hãy phân tích thấu đáo lời dạy của Ngài, chứ không tuân theo một cách mê tín. Đức Phật luôn giảng dạy dựa trên thực tế, đưa ra các phương pháp tiếp cận đạo Phật rất hữu hiệu, với mong muốn tất cả các đệ tử ít nhất đạt được hiệu quả trong việc tu tập của mình.
Thầy thường nói rằng thời nay, mọi người đều mong muốn có được kết quả nhanh chóng. Thời nay, chúng ta có mì ăn liền, cà phê uống liền, thì cũng có Phật pháp tức thì. Thực hành Phật pháp ít nhất phải mang lại hiệu quả tức thì mới được xem là có kết quả hữu hiệu. Cũng giống như vậy, nếu bây giờ, có người nào đó giới thiệu Phật pháp cho chúng ta và nói rằng hãy làm điều này, điều kia thì đời sau sẽ có kết quả tốt đẹp. Nếu nói vậy, không ai sẵn sàng thực hành Phật pháp đó. Giống như chúng ta đi vào cửa hàng mua đồ, nếu chúng ta nói với ông chủ cửa hàng rằng bây giờ mình mua nhưng đời sau mới trả tiền thì chắc chắn ông ta sẽ không đồng ý.
Nếu nói rằng thực hành Phật pháp chưa thể mang lại lợi lạc cho đời này mà phải chờ đến đời sau mới thấy hiệu quả thì chắc chắn không ai chịu chờ đợi. Đức Phật hướng dẫn Phật pháp với suy nghĩ rằng Phật pháp sẽ là phương thuốc chữa bệnh cho những người đang bị bệnh. Để uống thuốc có hiệu quả, cần 2 điều kiện. Một là tìm đúng loại thuốc chữa đúng căn bệnh của mình; và hai là uống thuốc đúng cách thì thuốc mới phát huy tác dụng chữa khỏi căn bệnh.
Hôm trước Thầy có hướng dẫn lớp chúng ta rằng đạo Phật chủ yếu tập trung vào 3 điểm cốt lõi: Trí tuệ - Thiền định - Nguyên tắc. Nói về thiền định, có rất nhiều người hỏi Thầy rằng “Phương pháp thiền nào là tốt nhất?”. Thầy trả lời rằng không có phương pháp thiền nào là tốt nhất mà chúng ta càng biết nhiều phương pháp thiền thì sẽ càng tốt cho mình. Nếu hỏi một câu tương tự “Thuốc nào là thuốc tốt nhất” thì không loại thuốc nào là tốt nhất cả. Thuốc nào chữa được căn bệnh ta đang có thì đối với chúng ta, đó là thuốc tốt nhất. Tương tự, ta phải xem mình đang có vấn đề gì và phương pháp thực hành nào giúp ta thoát khỏi khó khăn đó thì đó là phương pháp tốt nhất đối với chúng ta.
Tâm thức của con người có tiềm năng rất mạnh mẽ, nhưng bình thường chúng ta chưa tận dụng được hết tiềm năng của tâm thức. Thiền định giúp ta quán chiếu bản thân và sẽ cảm nhận được rõ ràng năng lực tiềm năng lớn mạnh của bản thân, nhờ năng lực tiềm tàng đó mà ta tạo ra được giá trị tốt đẹp. Đó chính là mục đích của thiền định.
Tâm tính con người rất phức tạp và cách chúng ta suy nghĩ về thế giới xung quanh cũng phức tạp không kém. Thầy kể một câu chuyện: Có một anh nọ đến gặp một vị thầy để xin học thiền. Vị Thầy nói rằng anh ta có thể thiền bất kỳ điều gì nhưng trong lúc thiền không được nghĩ đến một điều, đó là không được nghĩ đến con khỉ. Anh ta nghĩ thiền như những gì Thầy giải thích là khá đơn giản. Thế là anh ta cũng về nhà thiền theo hướng dẫn của thầy. Chắc là quý học viên cũng biết anh ta nghĩ đến điều gì khi thiền đúng không? Khi nhắm mắt thiền, lúc nào anh ta cũng nghĩ đến con khỉ. Dù Thầy đã nói rõ rằng anh ta không được nghĩ đến con khỉ nhưng anh ta chỉ nghĩ đến con khỉ mà thôi. Tâm thức chúng ta phức tạp như thế.
Thầy đặt câu hỏi: Nếu chúng ta đi trên đường, chợt có một người lạ tiến đến và nói rằng người ấy rất quý mến mình, khi đó ta có tin người ấy hay không. Có thể là tin 50-50, hoặc là hoàn toàn không tin một chút nào cả. Ở trường hợp ngược lại, nếu ta đang đi trên đường, có một người lạ tiến đến và nói rằng người ấy ghét mình thì ta có tin không. Đa số sẽ tin. Tại sao có người nói họ quý mến mình thì mình cảm thấy khó tin, trong nói ghét mình thì mình dễ tin hơn? Vấn đề không phải do người đó tốt hay xấu mà do tâm thức của chúng ta có khuynh hướng nghĩ đến điều tiêu cực nhiều hơn.
Quý học viên hãy dành ra 10 phút để xem tâm mình thường hay có suy nghĩ thế nào. Đa số sẽ thấy rằng những điều tiêu cực phát sinh nhiều hơn những điều tích cực. Cho nên, thứ nhất, tâm thức của chúng ta suy nghĩ rất phức tạp. Thứ 2 là không chỉ phức tạp mà tâm thức có xu hướng nghĩ đến điều tiêu cực nhiều hơn điều tích cực. Thứ 3 là tâm thức của chúng ta rất tò mò.
Lấy ví dụ về tâm chúng ta tò mò như thế nào. Thầy minh họa bằng câu chuyện là cuộc đời của con người có 3 thứ không làm được: Một là người ta sẽ không tự đếm được trên đầu mình có bao nhiêu sợi tóc. Hai là người ta không thể nào rửa mặt trong khi đang mở mắt. Ba là trong lúc đầu lưỡi chạm lên hàm trên thì người ta không có hít thở được. 3 điều này, mỗi một người đều không làm được. Nãy giờ quý học viên có thử làm điều thứ 3 không? Hai điều đầu tiên thì ta chưa có thử được nhưng ta có thể thử ngay điều thứ 3, nên ta thử liền. Tâm thức của mình tò mò như thế.
Đó là 3 đặc điểm của tâm thức khiến ta dễ có suy nghĩ tiêu cực. Thực hành thiền định giúp ta có suy nghĩ đúng đắn hơn, có được tĩnh tại trong nội tâm, giảm bớt được điều tiêu cực và có thêm nhiều điều tích cực. Một khi mang nhiều điều tích cực vào trong tâm mình và giảm bớt điều tiêu cực thì ta sẽ có nhiều an lạc nội tâm hơn.
Như vậy, thực hành thiền có 2 lợi ích: giúp tâm tĩnh tại và an lạc hơn và thiền định cũng giúp ta chuyển hóa tâm thức để suy nghĩ những điều tích cực nhiều hơn điều tiêu cực.
Bài tập về nhà là trong suốt một tuần, hãy thiền ít nhất từ 5-10 phút. Đầu tiên hãy tắt điện thoại di động, tìm một chỗ ngồi yên tĩnh một mình và nhắm mắt lại. Trong 10 phút đó, hãy cứ để các suy nghĩ tự nhiên nảy sinh trong tâm và sau 10 phút, nhớ lại xem trong tâm đã có những suy nghĩ nào nảy sinh và tìm một mẩu giấy viết xuống tất cả các suy nghĩ đó. Mục đích là nhằm kiểm tra xem tâm thức của mình đang ở trạng thái như thế nào. Nếu trong 10 phút, 60-70% các suy nghĩ tự nhiên nảy sinh trong tâm đều là những suy nghĩ tiêu cực, thì lúc đó ta đang có một số trở ngại trong tâm thức. Những suy nghĩ được viết xuống giấy không cần đưa người khác xem, cũng không cần cho Thầy biết mà chỉ giữ cho mình, để ta tự khảo sát bản thân, làm tư liệu để quán chiếu thực hành.
Bài tập này khá quan trọng. Sau khi học lamrim khoảng 6 tháng và thực hành chuyển hóa tâm thức, chúng ta lại áp dụng một lần nữa để kiểm tra xem tâm thức của mình lúc đó như thế nào. Nếu tâm thức ít suy nghĩ tiêu cực hơn và suy nghĩ tích cực nhiều hơn nghĩa là chúng ta thực hành Lamrim có hiệu quả. Trong 10 phút, đừng có tác động gì đến tâm thức của mình, tâm muốn suy nghĩ gì cứ để nó suy nghĩ. Thói quen thường suy nghĩ tích cực hay tiêu cực sẽ thể hiện hoàn toàn trong 10 phút này.
Lợi lạc của việc thực hành thiền là giúp ta tĩnh tại, an lạc và giúp ta chuyển hóa được tâm thức để có xu hướng nghĩ đến điều tích cực nhiều hơn điều tiêu cực. Trong khóa học Lamrim, chúng ta sẽ lần lượt tiếp cận các phương pháp thực hành một cách có trình tự cũng như mỗi phương pháp thiền cần tiến hành như thế nào.
Nói về trí tuệ, ta tự quán chiếu xem sẽ thấy rằng tất cả các khó khăn xảy ra trong cuộc sống của mình là do ta thiếu sáng suốt, thiếu trí tuệ. Sự thiếu sáng suốt đó trong đạo Phật gọi là vô minh. Vô minh là bóng tối, khiến ta phải chịu khổ. Vậy bóng tối là gì? Hiểu đơn giản, chỗ nào thiếu vắng ánh sáng thì chỗ đó sẽ bị tối. Cho nên tâm ai bị thiếu trí tuệ thì sẽ bị vô minh. Đạo Phật khuyên chúng ta hãy nhìn nhận tất cả mọi việc xung quanh với góc nhìn vô cùng thực tế. Đôi lúc ta không nhìn nhận thực tế mà nhìn nhận theo niềm tin, ta tin nó thế này, nghĩ nó như thế đó. Thỉnh thoảng điều mình nghĩ không hề đúng với thực tế nhưng vẫn cứ tin, đó là vô minh.
Hôm trước Thầy từng đưa ví dụ: 5 năm trước những gì ta nghĩ là đúng, bây giờ ta nghĩ là sai. Nhưng trong tương lai, khi xem lại, ta có thể thay đổi quan điểm, thấy nó là đúng. Chúng ta hay thay đổi suy nghĩ và quan điểm như thế thì làm sao tự tin nói rằng ta đúng ở vấn đề này, vấn đề kia. Tại sao ta không có khả năng phân định chắc chắn đâu là đúng, đâu là sai? Đó là do ta thiếu sáng suốt, thiếu trí tuệ hiểu đúng thực tế. Cho nên đạo Phật hướng chúng ta phát triển trí tuệ để thấy rõ được chân lý, thực tế.
Có một con chim đại bàng mẹ đẻ trứng ra và thả trứng đó vào tổ của một con gà. Khi con gà ấp trứng thì cũng nghĩ trứng con chim đại bàng cũng là con của nó nên ấp luôn trứng con chim đại bàng. Sau đó, trứng đại bàng nở ra một con chim đại bàng. Lúc còn nhỏ, con chim đại bàng con cũng chơi cùng với những con gà con. Một ngày nọ, khi thấy các con chim đại bàng lớn đang bay trên bầu trời, chim đại bàng con nói với các con gà con rằng “Chúng ta có thể bay được như vậy không?”. Các con gà con nói rằng “Không có bay được vậy đâu”. Con chim đại bàng con nếu tin nó là con gà thì cả đời nó sẽ không cố gắng tập bay và sẽ không bao giờ bay được như con chim đại bàng, đến lúc chết thì nó cũng chết như một con gà. Sinh ra là con đại bàng nhưng bây giờ chết như một con gà. Điều tương tự đang xảy ra với tất cả chúng ta. Đức Phật nói rằng năng lực tâm thức của mỗi một chúng sinh rất to lớn. Nhưng trong một môi trường, ta nhìn thấy mình y hệt như những người khác. Và những người khác cũng nói rằng năng lực của mình rất nhỏ bé và ta cũng tin như thế thì đến suốt cả cuộc đời sẽ không bao giờ khai phá hết năng lực to lớn của tâm thức. Khi ta có một kế hoạch lớn và người xung quanh nói với mình rằng “ồ, bạn không làm được đâu”, thì ta lại nhụt chí và cũng không làm điều mình mong muốn. Đến cuối cùng ta cũng y hệt như con gà thôi. Khi có trí tuệ sáng suốt, thấy rõ đúng thực tế thì mới làm được những điều đúng với năng lực của mình. Những điều đó xảy ra khi ta có được trí tuệ đúng đắn.
Thầy nhớ rằng có một lần hãng giày Nike dùng khẩu hiệu quảng cáo “không gì là không thể”. Nếu bây giờ mình mua giày của Nike, đâu có nghĩa là mang giày Nike vào thì ta sẽ làm được tất cả mọi điều. Nhưng nếu ta có trí tuệ đúng đắn thì mọi thứ đều có thể.
Đức Phật dạy rằng trong cuộc sống, ta thường tin và nghĩ những điều chưa đúng đắn, từ đó sẽ tự tạo những vấn đề khó khăn cho bản thân mình, khiến ta gặp nhiều khổ đau và trở ngại. Để loại trừ các khó khăn đó, cần có trí tuệ, hiểu biết rõ bản chất của chân lý, sự thật. Khi có suy nghĩ đúng đắn, ta sẽ không tự tạo ra các vấn đề khó khăn cho mình nữa. Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay có hướng dẫn cách thực hành để phát triển được trí tuệ đúng đắn.
Điểm thứ 3 là nguyên tắc, kỷ luật. Nguyên tắc, kỷ luật là điều quan trọng không thể thiếu. Khi ta không giữ được kỷ luật của bản thân thì không thể đi đến thành công to lớn. Thầy đưa ra một ví dụ: Khi tham gia giao thông, ta cần phải tuân thủ đúng luật lệ giao thông. Luật lệ giao thông thực ra là các nguyên tắc giúp ta đi theo đúng phân luồng giao thông để giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Hãy tưởng tượng xem ta đi xe trên dường, mà không tuân thủ nguyên tắc nào thì lúc đó rất dễ gây ra tai nạn. Học viên chúng ta thỉnh thoảng cũng lười biếng, trì hoãn, ví dụ công việc ngày hôm nay thì nói để ngày mai hãy làm. Tại sao ta lại hay lười biếng, trì hoãn? Đó là vì ta không có thói quen giữ kỷ luật của bản thân.
Thêm một bài tập về nhà nữa trong tuần này là ta hãy tự nhìn nhận bản thân bằng cách tự viết xuống giấy 3 thói quen xấu nhất của mình một cách trung thực. Các học viên đừng nói với Thầy rằng mình không có thói quen xấu nào. Nếu ta không tìm được bất kỳ thói quen xấu nào của bản thân, có thể có 2 nguyên nhân. Một là ta đã thành Phật rồi nên không có thói quen xấu. Nếu ai nghĩ mình không có thói quen xấu thì có thể hỏi gia đình, bạn bè xem mình có bao nhiêu thói quen xấu. Hai là cái tôi của chúng ta quá lớn nên nghĩ tất cả những gì của mình đều đúng, nên khó thấy thói quen xấu của mình. Đó là thói quen suy nghĩ của người bình thường. Ở đây chúng ta là một người thực hành pháp, tức đang muốn thay đổi bản thân, muốn chuyển hóa tâm thức, thì ta cần nhìn nhận thực tế mình đang có những điểm chưa tốt nào. Giống như khi đánh trận, ta cần biết điểm yếu của bản thân và của kẻ thù thì mới chiến thắng được trận chiến.
Thầy nhắc lại chúng ta tự tìm xem bản thân có 3 thói quen xấu nào tệ nhất và viết xuống giấy. Khi thấy mình có thói quen xấu thì tự hỏi bản thân vì sao ta có thói quen xấu đó liên tục mà không có cách nào loại trừ. Một trong những nguyên nhân là ta không có tuân thủ nguyên tắc, không rèn mình vào khuôn khổ kỷ luật. Do đó, điều đầu tiên đức Phật thường hay nói là chúng ta cần giữ đúng nguyên tắc, trong thuật ngữ đạo Phật gọi đó là Giới luật.
Tóm lại, tuần này, chúng ta có 2 bài tập. Bài tập 1 là tìm xem ta có 3 thói quen nào tồi tệ nhất và viết xuống giấy. Bài tập 2 là mỗi ngày thiền ít nhất từ 5-10 phút. Trong 5-10 phút đó, hãy nhắm mắt lại, để cho những suy nghĩ tự phát sinh trong tâm và sau 10 phút viết xuống giấy tất cả những suy nghĩ đó để xem tâm đang trong trạng thái như thế nào. Nếu tâm nghĩ nhiều đến những chuyện trong tương lai thì có thể ta đang lo âu. Nếu nghĩ nhiều về quá khứ thì có thể ta đang buồn khổ, cảm thấy dằn dặt vì những điều tệ hại đã xảy ra trong quá khứ.
Thầy kể một câu chuyện. Trong một buổi giảng pháp ở Đài Loan, Thầy cũng nói với mọi người hãy tìm 3 điều xấu nhất của bản thân. Sau buổi giảng, có một người đến nghe pháp đã nói với Thầy rằng cô ấy tìm mãi vẫn không thấy bản thân có gì xấu cả. Cô ấy hỏi Thầy là có thể gọi chồng để hỏi không thì Thầy nói rằng “Cô cứ gọi chồng hỏi thoải mái”. Thế là cô ấy đi ra ngoài và gọi điện thoại cho chồng. Sau khi nói chuyện với chồng một lúc lâu, cô ấy đi vào và nói với Thầy rằng Thầy bảo chỉ liệt kê 3 điều xấu thôi, mà chồng cô ấy liệt kê tới hơn 10 điều xấu. Cô ấy nói rằng không thể nào đồng ý với chồng vì cô ấy thấy mình không thể nào xấu đến vậy.
Tương tự, nếu ta thấy bản thân không có gì xấu cả thì hãy hỏi gia đình. Nhiều khi nghe gia đình nói lên những điểm chưa phải của mình, nhưng trong thâm tâm ta không chấp nhận đó là điểm xấu của bản thân. Thực ra, ta không cần phải chấp nhận, ít nhất điều ta có thể làm là hãy phân tích tìm hiểu xem thực ra ta có thói quen xấu như thế hay không. Nếu ta có thể tự thấy được điểm xấu của mình, đó là một điều rất tốt. Một khi đã tự thấy được điểm xấu của mình thì đó mới chính là điểm khởi đầu để có cả một quá trình chuyển hóa và thay đổi bản thân ở phía sau. Có câu nói nổi tiếng: hàng vạn dặm của hành trình bắt đầu bằng bước đi nhỏ nhất ban đầu. Nghĩa là một hành trình có dài cả ngàn dặm thì cũng bắt đầu bằng bước đi nhỏ đầu tiên. Cho nên nhận biết rõ điểm xấu của mình là bước đi đầu tiên trong hành trình thay đổi và chuyển hóa bản thân ở tương lai.
Nếu ta không tìm thấy lỗi sai ở mình thì lý do thứ nhất là ta đã thành Phật rồi. Lý do thứ 2 là ta chưa hiểu rõ bản thân, nên chưa thấy được lỗi sai của mình ở đâu cả. Thỉnh thoảng do cái tôi nên ta nghĩ là mình đúng, lúc đó tìm mãi vẫn không thấy điểm xấu hay thói quen tệ hại của mình.
Tóm lại, về tổng quan đạo Phật, Đạo Phật hướng đến 3 điểm chính yếu: Trí tuệ - Thiền định - Nguyên tắc. Tâm thức của chúng ta có tiềm năng rất lớn và việc học thiền định sẽ giúp ta có thể khơi dậy và khai mở tất cả những năng lực to lớn của tâm thức. Chúng ta hay nghĩ đến sự gia trì của đức Phật, nhưng thực ra gia trì của đức Phật không phải đến từ chuyện ta tụng kinh, cầu nguyện với đức Phật mà đến từ việc biết cách thực hành thiền định. Nếu biết cách thiền định đúng, ta sẽ phát triển được tiềm năng của tâm thức. Điều đó không chỉ giúp tâm mình an lạc mà còn nhận được sự gia trì, năng lượng tích cực từ đức Phật. Ngay cả cơ thể này của chúng ta cũng có được lợi lạc.
Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay sẽ hướng dẫn chúng ta từng bước thực hành Trí tuệ - Thiền định - Nguyên tắc như thế nào.