12-07-2025
Lamrim 2025
Download MP3

TUẦN 11 – NGÀY 12/07/2025

CHỦ ĐỀ: NGÀY THỨ 13 (tiếp theo)

(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)

I/ CÁCH GIẢNG DẠY PHÁP

Khi giải thích một vấn đề Phật pháp với người khác, chúng ta cần phải giải thích như thế nào? Ở đây không chỉ nói riêng chuyện giảng dạy Phật pháp mà còn nói về chuyện cần phải truyền tải quan điểm Phật pháp của mình đến với người khác như thế nào. Ai cũng có quan điểm cá nhân của riêng mình. Có thể đó là những quan điểm hay và đúng đắn nhưng khi chia sẻ với người khác thì ta lại không giảng giải được để họ hiểu rõ ý mình.

Theo hướng dẫn trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay (trang 184, quyển 1), cách giảng dạy pháp gồm có 4 phần:

(1) Nghĩ về những lợi lạc của việc giảng pháp

(2) Kính pháp và bậc thầy giảng pháp

(3) Nên nghĩ và làm gì lúc giảng pháp

(4) Sự khác nhau giữa những người bạn nên dạy và những người bạn không nên dạy

Trong 4 phần này, phần thứ 3 (Nên nghĩ và làm gì lúc giảng pháp) là quan trọng nhất. Khi giảng pháp, chúng ta cần có động cơ, thái độ và nói pháp như thế nào. Học Phật pháp là học những giá trị tích cực, những điều hay. Khi ta thực sự áp dụng và trải nghiệm với bản thân mình rằng những điều này thực sự có lợi ích thì nên chia sẻ với người khác. Nếu áp dụng mà không thấy lợi lạc cho mình thì không cần chia sẻ.

Tại sao ta cần chia sẻ Phật pháp, chia sẻ những điều hay, thiết thực với người khác? Vì trong các buổi nói chuyện với người thân hay bạn bè, 90% chủ đề mà chúng ta nói đều là những điều không cần thiết như nói xấu người khác, than thở về những mất mát, những đau khổ mình đã trải qua v.v… Khi chúng ta có cơ hội nói chuyện với người khác, hãy tận dụng cơ hội để chia sẻ Phật pháp và thay vì cứ than thở về những khó khăn của bản thân, hãy phát khởi động cơ tốt đẹp muốn mang những điều hay để chia sẻ với người khác.

Trong cuộc đời của mỗi người, có 2 điều quan trọng nhất. Có rất nhiều điều xảy ra trong cuộc sống, cả tốt lẫn xấu. Ta không thể nào kiểm soát được chuyện tốt hay xấu xảy ra cho bản thân nhưng có một điều mà ta hoàn toàn có thể kiểm soát được, đó là thái độ của bản thân trước những chuyện xảy ra cho mình.

Điều quan trọng thứ nhất là đừng bao giờ bắn ra mũi tên thứ 2. Câu nói này có ý nghĩa là lần đầu tiên ta rơi vào một hoàn cảnh khó khăn nào đó thì cũng giống như bị bắn phải 1 mũi tên. Mũi tên thứ 2 bị bắn ra là khi chúng ta có những phản ứng sai lầm trước những hoàn cảnh khó khăn đó. Mũi tên thứ 2 này là do chính chúng ta tự bắn vào mình. Khi mọi chuyện diễn ra không như mong muốn, ta thường dằn vặt, so sánh bản thân với người khác rồi cảm thấy bất lực, thấy mình bất hạnh, kém may mắn… Những điều không như ý là chuyện bình thường trong cuộc sống này. Và chúng ta không thể nào kiểm soát được chúng. Khi một tình huống khó khăn xảy ra, chúng ta thường có những phản ứng sai lầm khiến cho các vấn đề của bản thân càng trở nên tồi tệ hơn. Do đó, chúng ta đừng bao giờ bắn mũi tên thứ 2 để làm mình bị tổn thương thêm một lần nữa.

Điều quan trọng thứ hai là chúng ta không biết làm thế nào để có phản ứng đúng trong những hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta không biết những phương pháp như thế, nên mới gọi là vô minh. Vô minh là không sáng suốt, không nhận ra được cách xử lý tốt mọi việc. Ta cần phải thoát khỏi vô minh, cần có trí tuệ sáng suốt để biết cần phải làm gì trong các hoàn cảnh khó khăn như vậy.

Thầy đặt câu hỏi: “Chúng ta có hay tức giận không?”. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn: “Mỗi khi tức giận, chúng ta thường có phản ứng như thế nào?”. Mỗi khi tức giận, chúng ta hay la mắng, cau có, có những hành động rất tiêu cực, đúng không? Những hành động như thế có giúp ta hết tức giận không?

Lúc tức giận, tại sao ta thường hay la mắng, cáu gắt? Bởi vì lúc đó ta không biết làm gì với cơn tức giận đó. Chính vì không biết làm sao để kiểm soát cơn giận, để có được sự an lạc trở lại trong tình huống đó, nên ta phản ứng bằng cách la mắng. Học Phật pháp sẽ giúp ta biết cần phải phản ứng như thế nào trong các trường hợp như vậy.

Thầy kể câu chuyện: Có một anh nhân viên, cứ hễ bước vào văn phòng làm việc, nhìn thấy mặt sếp là anh ta rất tức giận. Vì không thể nào kiểm soát được cơn tức giận trong tâm, anh này đã tìm đến bác sĩ tâm lý để nhờ tư vấn. Bác sĩ tâm lý mới bảo anh ta không nên kìm nén cơn giận đó mà phải học cách xả cơn giận đó ra. Bác sĩ chỉ cho anh ta một cách: “Anh hãy dán ảnh của sếp trên bức tường. Mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà đi làm, hãy tháo giày ra đập lên mặt sếp trong bức ảnh 3 lần rồi hãy đi làm. Buổi chiều đi làm về, anh cũng tháo giày ra và đập lên mặt sếp trong ảnh 3 lần nữa”. Bác sĩ bảo anh ta làm như thế trong vòng 1 tháng. Anh ta cũng nghe lời hướng dẫn của bác sĩ và 1 tháng sau anh ta lại đến gặp bác sĩ. Khi bác sĩ hỏi anh ta có kiểm soát được cơn giận không, anh ta nói rằng: “Trong 1 tháng vừa qua, nhờ làm theo hướng dẫn của bác sĩ mà bây giờ khi gặp sếp trong văn phòng, tôi không còn cảm thấy tức giận nữa. Nhưng lại phát sinh ra một vấn đề khác”. Vị bác sĩ hỏi vấn đề đó là gì. Anh ta nói rằng: “Mỗi lần thấy mặt sếp thì tay tôi tự động thò xuống chiếc giày”.

Bác sĩ chỉ anh ta phải xả cơn giận đó ra nhưng cách làm này chỉ giải quyết được vấn đề hiện tại, trong khi lại gây ra một vấn đề khó khăn khác nữa. Học Phật pháp giúp ta biết cách kiểm soát cơn giận, giảm được cơn giận và cuối cùng là diệt trừ được sân giận. Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ta hay cảm thấy bị tổn thương, rồi cứ nghĩ đi nghĩ lại về những tổn thương đó, lại khiến ta càng thêm đau khổ, khó khăn. Đó là điều mà chúng ta vẫn thường hay làm. Khi có chuyện không vui hay chuyện bất hạnh xảy ra, ta hay nghĩ đi nghĩ lại về những chuyện bất hạnh đó. Chuyện không vui cứ hay xuất hiện trong tâm trí, khiến ta cảm thấy bất lực, không thể nào đẩy nó ra khỏi tâm trí. Lúc đó ta có cảm giác là dường như không có cách nào để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn đó. Thực ra có rất nhiều cách giúp ta thoát ra mà do ta không biết những cách đó. Học Phật pháp sẽ giúp chúng ta hiểu được làm sao thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực và sống an lạc hơn.

Khi học Phật pháp, áp dụng Phật pháp và thấy được lợi lạc từ việc đó, ta nên chia sẻ với người thân của mình. Khi ta thấy một điều có lợi và chia sẻ với gia đình thì ta đừng kỳ vọng rằng người khác sẽ thấy lợi lạc ngay, điều đó khó có thể nào xảy ra. Khi chia sẻ những điều lợi lạc, ta nên kiên nhẫn. Vì những điều có lợi cho mình chưa chắc ngay lập tức có lợi cho người khác, nên ta cần chia sẻ với tâm kiên nhẫn chờ đợi những điều lợi lạc sẽ dần đần xuất hiện ở những người xung quanh mình.

Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay hướng dẫn chúng ta nên nghĩ gì và làm gì lúc chia sẻ Phật pháp với người khác. Đó là chúng ta nên chia sẻ Phật pháp với nụ cười, thái độ niềm nở và phải vận dụng các lý lẽ thực tế, dễ hiểu để thuyết phục người khác.

II/ 6 NGHI LỄ CHUẨN BỊ (NGÀY THỨ 4)

Từ ngày thứ 4 trong Giải Thoát Trong Lòng Tay (trang 202) trở đi là chúng ta bắt đầu bước vào giai đoạn thực hành Phật pháp thực sự. Trước khi thiền hay thực hành Phật pháp, ta cần phải có sự chuẩn bị. Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay ghi rõ 6 nghi lễ chuẩn bị (trang 204), tức là những việc cần chuẩn bị trước thời thiền định hoặc trước khi thực hành Phật pháp.

1/ Lau nhà sạch sẽ và bày biện các biểu tượng thân - khẩu - ý giác ngộ của Phật

Điều đầu tiên là lau nhà. Chúng ta có hay lau nhà không? Nếu không có thói quen lau nhà, ta cũng không cần lau nhà. Ở đây hướng dẫn chúng ta, việc đầu tiên cần làm là lau nhà, lau sạch chỗ mình ngồi thiền. Thứ 2 là bày biện các biểu tượng thân - khẩu - ý giác ngộ của Phật. Điều này vô cùng quan trọng. Mỗi sáng thức dậy, thông thường chúng ta sẽ làm gì? Ta nhớ tới những biểu tượng về thân - khẩu - ý giác ngộ của Phật, ở đây là nhớ đến Tam Bảo. Mỗi buổi sáng khi thức dậy, điều đầu tiên là ta cần phát khởi động cơ, tức là cần xác định với bản thân rằng trong hôm nay tôi sẽ làm một người như thế nào. Đây là một động cơ rất quan trọng.

Mỗi sáng thức dậy, khi nhìn thấy các biểu tượng cho sự giác ngộ của Đức Phật, ta sẽ phát khởi động cơ muốn giống như Phật để có thể làm lợi lạc cho tất cả mọi người. Mỗi sáng thức dậy, ta không chỉ nhìn ảnh của Đức Phật mà còn nhìn ảnh của người thân trong gia đình và những người mình yêu quý, nghĩ rằng trong ngày hôm nay tôi muốn giống như Phật để làm lợi lạc cho người thân của mình.

Có một cậu bé học không giỏi ở trong trường, sau đó bố cậu dẫn cậu ấy đi ra đường. Khi đi ra đường gặp những người vô gia cư, ăn xin, ông bố chỉ vào những người đó, nói rằng: “Con không học giỏi thì sau này sẽ giống như những người kia”. Có một cậu bé khác ở trong trường cũng học không giỏi, bố cậu ấy cũng dẫn cậu ta ra đường. Ở ngoài đường cũng có những người vô gia cư, ông bố chỉ vào những người này và nói rằng: “Nếu con học giỏi thì sau này con sẽ giúp được những người vô gia cư này làm cho họ đỡ khổ hơn”.

Chúng ta hãy xem 2 đứa trẻ này. Sau đó đi học, trong tâm chúng sẽ nghĩ như thế nào? Một đứa trẻ đi học trong tâm thái sợ hãi, sợ rằng học không giỏi thì cuộc đời sẽ không có gì cả, sẽ giống như mấy người vô gia cư. Một đứa trẻ đi học với tâm thái, động cơ vô cùng tích cực, nghĩ rằng mình học giỏi thì sau này sẽ giúp được rất nhiều người. 2 ông bố dùng hình ảnh minh họa đều là những người vô gia cư nhưng cách truyền tải khác nhau, khiến tâm lý của 2 đứa trẻ lúc phấn đấu học tập sẽ khác nhau và những gì chúng đạt được cũng sẽ rất khác nhau.

Cho nên, đối với một người thực hành Phật pháp, trước khi bước vào thời thiền thực hành, cần phải thiết lập một động cơ đúng đắn. Mỗi buổi sáng ta có thể nhìn ảnh/tượng Phật và nghĩ rằng mình muốn thành Phật để giúp đỡ những người xung quanh. Sau đó, ta nhìn vào ảnh của người thân, những người mình yêu quý và nghĩ rằng muốn làm lợi lạc cho những người này.

Trong phòng ngủ của Thầy trong tu viện, trên một vách tường Thầy có dán các tờ giấy ghi tên của những người đã qua đời, được gửi lên bởi những người nhờ Thầy cầu nguyện, hoặc trên thế giới có những tai nạn rơi máy bay hoặc những vụ tai nạn thương tâm khiến nhiều người qua đời, Thầy cũng dán số hiệu số máy bay lên tường. Mỗi khi nhìn thấy, Thầy cũng cầu nguyện với mong muốn làm lợi lạc cho những người đó.

Điều quan trọng là nhìn ảnh Phật để phát khởi động cơ đúng đắn. Nếu có thời gian, ta lau nhà, lau phòng thờ, hoặc chỗ ngồi thiền cho sạch sẽ. Nếu không có thời gian lau nhà thì lau ô tô, xe máy cũng được. Động tác bên ngoài là quét nhà, lau dọn sạch sẽ nhà cửa nhưng thực ra thông qua hành động ngoài thân là lau nhà, ta nghĩ rằng trong tâm mình cũng có những bụi bẩn như thế và cũng mong muốn rửa sạch các bụi bẩn trong tâm, mong muốn tâm mình cũng trở nên trong sáng, không còn bụi bẩn giống như lúc mình lau nhà.

Có 2 suy nghĩ quan trọng khi bắt đầu một ngày mới. Suy nghĩ thứ nhất là nhìn ảnh Phật, một bậc đã giác ngộ, để phát động cơ rằng mình muốn giống như Phật để làm lợi lạc cho người thân, bạn bè, những người yêu quý, những người xung quanh. Suy nghĩ thứ hai là khi lau nhà cửa, bàn làm việc… cho hết bụi bẩn, hãy nghĩ rằng điều mà ta đang thực sự muốn lau sạch, muốn dẹp bỏ là những phiền não như sân giận, lo âu… trong tâm mình.

Ta cần phát khởi 2 suy nghĩ tích cực đó khi bắt đầu một ngày mới. Nếu phát khởi được những động cơ mạnh mẽ, trong sáng như thế, ta sẽ trở thành người cực kỳ mạnh mẽ trong gia đình. Nếu ta chỉ nghĩ cho bản thân mình thôi thì sẽ không có nghị lực, bản lĩnh mạnh mẽ như thế. Cho nên, mỗi sáng thức dậy, ta nên nghĩ đến chuyện mong muốn làm lợi lạc cho người thân, những người xung quanh. Đó là điều đầu tiên nên nghĩ khi bắt đầu một ngày, chứ đừng bắt đầu một ngày bằng việc suy nghĩ nên ăn món gì cho ngon.

Thầy nói rằng Thầy có biết một nhà hoạt động xã hội. Khi người khác hỏi nhà hoạt động xã hội này có vấn đề khó khăn nào trong cuộc sống hay không thì ông ta trả lời rằng: “Tôi không có vấn đề khó khăn nào trong cuộc sống cả. Nhưng không có vấn đề gì cho tôi giải quyết thì đó mới chính là vấn đề của tôi”.

Trong cuộc sống có rất nhiều người tự tạo vấn đề cho mình để rồi phải đi giải quyết và ai cũng có vấn đề này vấn đề kia, đó là chuyện thường tình. Nhưng vấn đề đó lớn hay nhỏ, khó khăn, phức tạp hay đơn giản là tùy thuộc vào tinh thần của người đó. Nếu chúng ta có tinh thần mạnh mẽ và bản lĩnh thực sự thì mọi việc khó khăn cũng sẽ trở nên đơn giản, nhỏ nhặt đối với mình. Nếu tâm lý yếu thì mỗi một việc nhỏ nhặt thôi cũng khiến cho mình gặp khó khăn, trở ngại rất nhiều. Để vượt qua hết mọi khó khăn, cần có bản lĩnh, sức mạnh tinh thần. Vậy làm sao để có được bản lĩnh trong cuộc sống?

Có một vị thầy đến một ngôi trường tiểu học để dạy về bản lĩnh, sức mạnh tinh thần trong cuộc sống. Vì ông ta nói quá nhiều, nên học trò của ông ta là 30 đứa trẻ không hiểu gì cả. Những đứa trẻ mới nói vị thầy rằng: “Thầy có ví dụ minh họa nào cho tụi con dễ hiểu hơn không?”. Vị thầy đưa ra một ví dụ: “Hãy tưởng tượng có 30 đứa trẻ giống như tụi con đi lên núi làm cật lực cả ngày. Khi về đến nhà, 29 đứa trẻ quá mệt mỏi, leo lên giường ngủ ngay. Một đứa trẻ còn lại đi vào trong góc phòng, bắt đầu mở kinh sách và cầu nguyện với Đức Phật, sau đó mới đi ngủ. Đó chính là bản lĩnh, là sức mạnh tinh thần”.

Vài ngày hôm sau, vị thầy lại đến trường dạy cho các đứa trẻ một lần nữa. Lúc này vị thầy mới hỏi lại bài cũ: “Tụi con đã biết bản lĩnh là như thế nào chưa?”. Một đứa trẻ nói rằng: “Con đã biết bản lĩnh là như thế nào. Nhưng con tìm được một bản lĩnh khác còn tốt hơn bản lĩnh thầy nói hôm trước”. Vị thầy mới hỏi lại: “Bản lĩnh đó là gì mà tốt hơn cả bản lĩnh thầy nói?”. Đứa trẻ nói rằng: “Con lấy ví dụ như thế này. Có 30 vị thầy giống như thầy lên núi làm việc cật lực cả ngày. Buổi tối đi về, dù rất mệt mỏi nhưng 29 thầy vẫn cố gắng làm cho xong phần tụng kinh cầu nguyện với Đức Phật. Chỉ có một vị thầy leo lên giường ngủ ngay mà không có đọc kinh. Đó mới là bản lĩnh tốt hơn cả bản lĩnh thầy nói hôm trước”.

Quay lại ví dụ về 30 đứa trẻ. 29 đứa trẻ đi ngủ, đứa trẻ còn lại cố gắng tụng kinh xong mới đi ngủ. Đứa trẻ này tụng kinh trong tâm thái sợ rằng nếu trong một ngày mà bỏ lỡ thời kinh thì sẽ có chuyện xấu xảy ra cho mình. Đứa trẻ không đọc kinh với tâm hoan hỷ mà vì sợ hãi mới đọc kinh. Khi chúng ta làm một việc với tâm sợ hãi thì đó không phải là bản lĩnh. Cho nên Thầy vẫn thường hay hướng dẫn học trò rằng nếu hôm nào đang tụng kinh mà cảm thấy mệt mỏi, muốn đi ngủ thì cứ đóng sách kinh lại và đi ngủ. Thầy dạy như vậy cho tất cả học trò. Vì nếu ta đang mệt thì sẽ không tập trung được vào chuyện tụng kinh và cho dù có cố gắng thế nào đi chăng nữa thì thời gian tụng kinh đó chỉ là gắng gượng mà thôi. Khi ta không có tâm hoan hỷ đối với việc tụng kinh thì sẽ không có ích lợi gì nhiều. Nếu tâm thực sự hoan hỷ, mong muốn mang lại lợi lạc cho người khác thì sẽ giúp mình có sức mạnh tinh thần và bản lĩnh thực sự. Khi có động cơ mạnh mẽ làm lợi lạc cho người khác thì dù có dấn thân làm bất kỳ việc gì đi chăng nữa và dù việc đó có khó như thế nào đi chăng nữa, ta vẫn rất hoan hỷ và tiếp tục công việc của mình.

Trong tuần này, chúng ta hãy nhìn vào ảnh Phật và cũng nhìn vào ảnh của người thân trong gia đình. Mỗi sáng nhìn ảnh Phật, ta phát động cơ muốn thành Phật để có thể mang lại lợi lạc cho người thân của mình. Và bất cứ lúc nào trong ngày, có lau dọn nhà cửa… thì hãy nghĩ rằng ta đang quét sạch mọi bụi bẩn trong tâm, muốn loại trừ tất cả mọi phiền não, giúp tâm ta trở nên trong sáng. Nếu bình thường chúng ta không hay quét nhà thì không cần cố quét nhà, có thể lau bàn cũng được.

Lau nhà sạch sẽ và bày biện các biểu tượng thân - khẩu - ý giác ngộ của Phật là phần thực hành đầu tiên trong 6 việc cần phải làm trước thời thiền. Nếu ta có ảnh Phật, hãy hướng đến nơi đó để phát khởi động cơ. Phật dạy rằng ai cũng có thể thành Phật. Thành Phật có nghĩa là làm sao lau sạch tâm mình, để tâm không còn phiền não, trở nên hoàn toàn trong sáng và thanh tịnh thì lúc đó ta thành Phật.

Đạo tràng có biết Đức Phật Thích Ca sinh ở đâu không? Đức Phật Thích Ca sinh ở Nepal. Và Thầy cũng sinh ở Nepal. Chúng ta hãy nhớ như vậy. Đức Phật sinh vào tháng 5, Thầy cũng sinh vào tháng 5. Chỉ khác là Đức Phật sinh cách đây hơn 2.500 năm trước, còn Thầy sinh vào năm 1975. Chỉ mỗi năm sinh là khác nhau, chứ nơi sinh và tháng sinh là giống (Rinpoche cười).

Phần đầu tiên là lau nhà sạch sẽ và bày biện các biểu tượng thân - khẩu - ý giác ngộ của Đức Phật. Khi bắt đầu một ngày, chúng ta khởi động cơ trong sáng thì những việc làm sau đó của mình sẽ trở nên tốt. Cho nên, đầu tiên hãy khởi động cơ xác định bản thân mình là ai. Nếu ta tự hỏi bản thân “Tôi là ai?” và tự quan sát cách mình đang suy nghĩ, cách mình đang nhìn nhận vấn đề thì sẽ xác định được con người mình như thế nào. Muốn hiểu được người khác, hãy quan sát cách suy nghĩ của họ thì sẽ biết họ là người như thế nào.

Chúng ta là người vui vẻ, hay là người có tính khí thất thường, hay nóng nảy? Cách chúng ta suy nghĩ sẽ quyết định tính cách của mình. Thực hành Phật pháp là để chuyển hóa tâm tính trở nên tốt hơn. Muốn vậy, điều đầu tiên ta cần chuyển hóa là động cơ ban đầu. Khi có được động cơ tích cực ban đầu thì những bước phía sau sẽ giúp mình có được sự chuyển hóa tốt đẹp hơn.

Nếu có tranh ảnh Phật, chúng ta hãy đặt trong nhà để có thể luôn nhìn thấy và khởi động cơ tốt đẹp. Nhưng có một điều như thế này về ảnh Phật. Ảnh Phật mà chúng ta đang thờ là ảnh cũ rồi. Dạo này Phật chưa có cập nhật ảnh đại diện mới trên mạng. Chúng ta muốn bản thân mình giống Phật, không phải là làm sao mặt của mình giống mặt của Phật trong ảnh mà là làm sao để tinh thần của mình cũng mạnh mẽ giống như Đức Phật, cũng có được năng lực tích cực giống Đức Phật, tâm cũng cực kỳ an lạc và không phiền não giống như Phật. Đó mới là điều ta mong muốn có.

Về việc tìm đồ cúng dường và bày biện sao cho đẹp mắt, ở đây hướng dẫn cúng dường Phật là cúng dường như thế nào? Cúng dường cho Phật nghĩa là dâng tặng Phật một món gì đó. Giả sử ta cúng dường món ăn thì thử nghĩ Phật thích món ăn gì nhất? Ta thích món gì thì đó là món mà Đức Phật thích. Phần hướng dẫn cúng dường này, Thầy sẽ nói rõ hơn ở buổi học sau.

Quay trở lại phần 6 nghi lễ chuẩn bị trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Ở đây hướng dẫn rằng trước khi bắt đầu một pháp hành, ta phải chuẩn bị thân và tâm như thế nào. Ta chuẩn bị tốt thì mới làm việc tốt được. Nhiều người nghĩ rằng cứ nhảy vào tụng kinh, đọc chú mới là thực hành Phật pháp.

Giả sử hết đời này, ta được sinh lên cõi tịnh độ của Phật A Di Đà. Lần đầu tiên thấy chúng ta, Phật A Di Đà sẽ hỏi mình câu nào. Phật sẽ hỏi câu đầu tiên là tâm chúng ta có an lạc không. Điều đầu tiên mà Phật quan tâm là chúng ta sống có an lạc không, chứ Phật không quan tâm mình đã tụng niệm được bao nhiêu câu chú của Ngài. Đức Phật Ai Di Đà không phải là kế toán. Nếu là kế toán thì có lẽ Ngài quan tâm đến con số nhiều hơn.

Thử tưởng tượng bản thân là người sống xa nhà. Lâu ngày trở về nhà, người mẹ sẽ hỏi “Con sống có tốt không?”, chứ không quan tâm đến chi tiết khác trong cuộc sống của con mình. Đức Phật yêu thương chúng sinh. Ngài chỉ quan tâm chúng sinh sống có an lạc không, chứ không quan tâm chúng ta đã tụng bao nhiêu câu chú.

Người Việt Nam hay tụng câu Nam mô A Di Đà Phật. Gặp nhau, chào nhau thì nói Nam Mô A Di Đà Phật. Cảm ơn, hay xin lỗi… cũng nói Nam Mô A Di Đà Phật. Thầy nhận thấy câu này hữu hiệu trong mọi tình huống.

Bước đầu tiên là phải phát khởi động cơ tích cực trước khi thực hành Phật pháp hay trước khi làm bất cứ việc gì. Trong tuần này hãy thực hành như những gì Thầy vừa hướng dẫn. Khi Thầy hướng dẫn một phương pháp nào đó, học trò hay hỏi Thầy rằng trong 1 ngày, phải thực hành phương pháp đó trong bao lâu. Thầy trả lời rằng: “Không cần phải thực hành nhiều, chỉ một phút thôi cũng được. Nhưng mỗi buổi sáng thức dậy, ta dành 1 phút thiết lập động cơ thanh tịnh. Trong ngày, nếu có thời gian rãnh rỗi lại làm 1 phút. Hãy lặp đi lặp lại phương pháp thực hành đó”.

Trong cuộc đời của mình có những giây phút quan trọng. Một phút suy nghĩ đúng đắn hoàn toàn có thể thay đổi cả cuộc đời của mình sau này. Tuy nhiên, một phút suy nghĩ tiêu cực, không sáng suốt cũng có thể kết thúc cuộc đời của mình. Những người bị trầm cảm, những người tự tử thực ra không hề có ý định tự tử. Nhưng trong một phút suy nghĩ không đúng đắn, trí tuệ bị lu mờ, họ đã đưa ra quyết định sai lầm. Một phút suy nghĩ đúng đắn hoàn toàn có thể thay đổi cả cuộc đời của mình sau này nên trong một ngày, hãy lặp đi lặp lại một phút đó rất nhiều lần.

Thầy sẽ dừng lớp học ở đây. Thầy nói rằng Thầy có thể lên lớp trễ nhưng lúc nào cũng kết thúc lớp đúng giờ. Thầy cảm ơn và hẹn gặp lại đạo tràng.