03-05-2025
Lamrim 2025
Download MP3

TUẦN 1 – NGÀY 03/05/2025

CHỦ ĐỀ: GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ ĐẠO PHẬT VÀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC

(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)

I/ GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC 6 NĂM

Thầy gửi lời chào đến tất cả học viên lớp Thứ tự Thực hành Phật pháp (Lamrim) 2025. Mỗi năm Dipkar sẽ mở một lớp Lamrim mới và đây sẽ là lớp học đầu tiên trong chương trình 6 năm. Chương trình 6 năm này được phiên dịch ra 6 ngôn ngữ khác nhau, được Thầy giảng dạy không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi khác như Đài Loan, Mông Cổ, Hàn Quốc, Mỹ, Nepal… Tất cả các học trò của Thầy có mặt ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hôm nay là buổi học đầu tiên của Lamrim 2025, Thầy sẽ giới thiệu tổng quan những gì sẽ học trong chương trình 6 năm. Theo đó, trong những năm học đầu tiên, Thầy sẽ hướng dẫn cho học viên các phương pháp thực hành nhằm chuyển hóa tâm thức, để có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc hơn và nhờ đó, chúng ta sẽ có được thành công trong cuộc sống.

Học viên sau khi học xong 2 năm đầu sẽ tham gia một cuộc khảo sát. Họ được hỏi rằng sau khóa học, cuộc sống của họ đã thay đổi như thế nào, có trở nên tốt đẹp và tích cực hơn hay không. Cho đến thời điểm này, chương trình học của Thầy ở các quốc gia đều nhận được phản hồi tích cực: hơn 94-95% học viên trả lời rằng chương trình đã thay đổi cuộc sống của họ theo hướng tích cực. Do đó, Thầy khuyến khích các học viên lớp Lamrim 2025 cố gắng tham dự lớp học liên tục trong 1 năm thì mới thấy được lợi lạc từ việc học pháp. Học viên chỉ cần tham gia vào lớp học trên Zoom. Zoom là một phần rất quan trọng của lớp học này.

Cấu trúc của chương trình 6 năm như sau: Trong 2 năm đầu, Thầy sẽ hướng dẫn các phương pháp thiền định và trình tự thiền định dành cho một người mới nhập môn Phật pháp. Sau 2 năm căn bản sẽ là một năm học luyện tâm. Sau đó, học viên học tiếp 2 năm Kim Cang Thừa. Năm cuối cùng chủ yếu là tự thực hành.

II/ GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ ĐẠO PHẬT

Thông điệp cốt lõi trong đạo Phật là hướng dẫn chúng ta làm sao sống một cách tích cực và đúng đắn. Trong cuộc sống này, dù chúng ta có làm gì đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng cũng chỉ là muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn và an lạc hơn mà thôi.

Nhưng hiện giờ, đa số chúng ta sống như thế nào? Thầy đưa ra một ví dụ: khi còn nhỏ, chúng ta cảm thấy vui nếu có được chiếc xe đạp. Lớn hơn một chút thì nghĩ rằng sẽ vui khi có được chiếc xe máy. Khi trưởng thành, chúng ta lại nghĩ rằng nếu có nhà cửa thì mới vui. Điều đó nghĩa là niềm vui, hạnh phúc của chúng ta ngày càng trở nên đắt giá hơn. Khi khiến cho niềm vui của mình ngày càng đắt giá hơn thì để có được niềm vui đó, chúng ta càng gặp khó khăn nhiều hơn. Nhưng trên thực tế, niềm vui và hạnh phúc là hoàn toàn miễn phí. Đạo Phật hướng dẫn chúng ta phương pháp sống làm sao để có được niềm vui và hạnh phúc mà không hề tốn tiền mua nó.

Một điều nữa là cuộc sống luôn thay đổi. Hãy thử nghĩ lại 5 năm trước, những gì mình cho là đúng, bây giờ lại nghĩ là sai và 5 năm sau ta có thể lại nghĩ khác. Nếu cuộc sống thay đổi nhiều như thế và bản thân ta không lường trước được điều gì thì làm sao chắc chắn được những gì ta đang có bây giờ là đúng đắn, là tốt cho mình.

Chúng ta không có khả năng chắc chắn được những gì mình đang suy nghĩ, đang làm là đúng đắn, đó là bởi vì ta thiếu trí tuệ. Chúng ta chưa đủ thông minh để thấy được sự thật, chân lý trong cuộc sống. Một thông điệp quan trọng trong đạo Phật là đạo Phật hướng dẫn chúng ta các phương pháp để tu bồi, phát triển trí tuệ. Nhờ trí tuệ đó giúp ta xét soi đâu là chân lý, là điều đúng đắn để đi theo.

Tôn giáo thường đặt trên nền tảng là niềm tin, phải tin thì mới theo tôn giáo đó. Đạo Phật không giống như vậy. Đạo Phật đưa ra các phương pháp và công cụ. Đối với phương pháp, ta không cần phải có niềm tin vào phương pháp đó mà chỉ cần thử nghiệm xem phương pháp ấy có thực sự mang lại lợi ích cho mình hay không. Đức Phật luôn dạy rằng các đệ tử nên áp dụng những gì Ngài giảng xem có lợi lạc hay không, hãy tự trải nghiệm để tìm thấy an lạc cho chính mình.

Trong cuộc sống có bao nhiêu vấn đề khó khăn thì hãy biết rằng đều có giải pháp để khắc phục khó khăn đó. Đức Phật hướng dẫn cho chúng ta rất nhiều công cụ và phương pháp để vượt qua khó khăn và trở ngại của mình. Vấn đề là khi đối mặt với khó khăn, hoặc là chúng ta không biết phương pháp giải quyết, hoặc là biết nhưng lại không chịu thực hành áp dụng nên chúng ta vẫn gặp khó khăn mỗi ngày.

Mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, đôi lúc cảm thấy khó vượt qua. Đó là do chúng ta suy nghĩ chưa thực sự đúng đắn. Từ những suy nghĩ sai lầm đó tạo ra rất nhiều vấn đề cho chính mình. Cho nên điều đầu tiên là phải giải quyết các suy nghĩ lệch lạc đó, phải thay đổi cách suy nghĩ của mình trước, để có được niềm vui và hạnh phúc. Đó là lời đức Phật dạy.

Thầy đặt câu hỏi: Nếu trúng số 1 triệu đô thì ta có vui không? Và 10 ngày sau lỡ mất đi 1 triệu đô thì có buồn không? Trúng số 1 triệu đô thì vui, mất đi 1 triệu đô đó thì buồn, vậy thời gian vui lâu hơn hay thời gian buồn lâu hơn? Chắc chắn chúng ta sẽ buồn lâu hơn. Một câu hỏi khác là tại sao ta lại buồn lâu hơn là vui? 1 triệu đô có được và 1 triệu đô bị mất đi là khoản tiền như nhau, nếu làm phép so sánh thì niềm vui phải bằng nỗi buồn. Nhưng trên thực tế, mất tiền thì buồn nhiều hơn là có được tiền.

Hãy nhìn lại các trải nghiệm trong quá khứ, chúng ta cảm thấy mình bị tổn thương bởi nỗi buồn nhiều hơn là những lúc mình có được niềm vui. Vậy làm cách nào để niềm vui của mình lâu hơn và mình ít bị dằn vặt bởi những nỗi buồn? Những phương pháp đạo Phật hướng dẫn hoàn toàn có thể giúp chúng ta làm được điều này. Thông điệp Thầy muốn gửi đến lớp học là nếu chúng ta học lớp này trong 2 năm và biết được các phương pháp giúp bản thân vui hơn và an lạc hơn thì lỡ rơi vào tình huống trúng số rồi lại mất tiền, chắc chắn niềm vui của mình sẽ lâu hơn là nỗi buồn.

Bên cạnh những phương pháp giúp ta vui nhiều hơn buồn, đức Phật còn dạy những phương pháp giúp phát triển trí tuệ. Trong cuộc sống, chúng ta đưa ra rất nhiều quyết định nhưng đa số các quyết định đó lại không dựa trên lý trí mà dựa trên cảm xúc, chỉ để thỏa mãn cái tôi của riêng mình. Chính vì quyết định dựa vào cảm xúc nên khó có thể trở thành quyết định đúng đắn, khiến ta rất dễ mắc sai lầm, dẫn đến những khó khăn mà ta phải chịu.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của một trí tuệ đúng đắn. Dựa trên trí tuệ đúng đắn này, chúng ta sẽ có thể đưa ra quyết định sáng suốt. Cho nên đạo Phật đưa ra 3 điểm chính yếu: Trí tuệ - Thiền định - Nguyên tắc. Trí tuệ cho ta sự sáng suốt. Thiền định giúp ta kiểm soát tâm, để tâm không bị tán loạn. Nguyên tắc giữ cho ta đi đúng hướng. Thuật ngữ trong đạo Phật gọi là Giới - Định - Tuệ. Nhưng ở thời đại ngày nay, Thầy cho rằng cần 4 điều mới đủ: Trí tuệ - Thiền định – Nguyên tắc và cần cả Zoom.

Nếu có trí tuệ rồi mà tâm cứ mãi lăn tăn thì khó có thể đưa ra quyết định sáng suốt. Do đó, chúng ta cần thiền định để giúp kiểm soát tâm. Vậy phương pháp thiền nào là tốt nhất trong tất cả các loại thiền? Chúng ta nên biết rằng không có phương pháp thiền nào là tốt nhất, bởi vì không có thuốc nào là thuốc tốt nhất, mà chỉ có thuốc tốt mà thôi. Tùy theo căn bệnh mà dùng thuốc phù hợp để trị hết căn bệnh đó, chứ không có thuốc nào chữa tất cả các loại bệnh. Nói cách khác, để kiểm soát được tâm, chúng ta cần phải biết tất cả các loại thiền. Vì tâm có rất nhiều vấn đề, gặp phải vấn đề nào thì dùng phương pháp phù hợp để giải quyết vấn đề đó, nên cần phải hiểu tất cả các kỹ thuật thiền thì việc áp dụng mới cho ra hiệu quả tốt nhất.

Khi đức Phật giác ngộ ở tuổi 35 và đến năm 80 tuổi Ngài vẫn liên tục giảng pháp. Và Ngài đã giảng dạy rất nhiều phương pháp thiền cho học trò. Tại sao đức Phật lại không hướng dẫn một phương pháp thiền cho đơn giản? Đó là bởi vì các học trò có tâm tính khác nhau, mỗi người có những vấn đề khác nhau. Để giải quyết vấn đề riêng đó, cần một phương pháp rất đặc trưng, nên đức Phật giảng dạy rất nhiều phương pháp thiền để phù hợp cho từng đệ tử khác nhau.

Để đi tìm phương pháp thiền nào thực sự phù hợp với mình, chỉ có cách là học hết tất cả các phương pháp thiền và bản thân chúng ta phải thực sự áp dụng để xem từng loại có hiệu quả như thế nào đối với mình. Loại nào có hiệu quả nhất thì ta tiếp tục áp dụng để có được lợi lạc từ phương pháp thiền đó. Đó là cách học thiền tốt nhất.

Nhà bác học Einstein nói rằng: Cứ làm y hệt một công việc và hy vọng rằng làm như vậy sẽ cho ra các kết quả khác nhau, người nào vẫn mang suy nghĩ đó là người ngu. Nếu ta chỉ biết một phương pháp thiền và lặp đi lặp lại chỉ một phương pháp thiền đó và mong muốn chỉ một phương pháp thiền đó cho ta nhiều kết quả khác nhau và giải quyết được vô số vấn đề của bản thân, nếu vẫn còn mang suy nghĩ này, đó thực sự là một việc ngu ngốc.

Trong 2 năm đầu của khóa học, chúng ta sẽ được hướng dẫn các phương pháp thiền căn bản. Khóa học này được gọi là Lamrim. “Lam” là con đường, “Rim” là thứ tự, trình tự các phương pháp thiền cần phải áp dụng như thế nào.

Điểm quan trọng thứ ba là nguyên tắc. Thuật ngữ gọi là giới luật, hiểu đơn giản là những điều đúng đắn ràng buộc chúng ta để không phạm phải sai lầm bởi các thói quen xấu. Vậy chúng ta có những thói quen xấu nào? Lười biếng, trì hoãn những công việc cần làm, hoặc xem ti vi hay sử dụng mạng internet nhiều hơn mức cần thiết cho một ngày… là những thói quen xấu ta hay mắc phải. Lấy ví dụ về trì hoãn. Ta nghĩ rằng mình đang thảnh thơi, đang an hưởng tất cả những thứ tốt đẹp xung quanh và để những việc khó khăn mệt nhọc cho tương lai hãy làm. Ta nghĩ mình đang vui như thế nhưng thực sự việc trì hoãn âm thầm giết thời gian của mình, khiến ta không làm được những chuyện tốt đẹp hơn. Đó là thứ chất độc ngọt ngào trong cuộc sống mà chúng ta không biết là chất độc. Cứ lặp đi lặp lại các thói quen xấu như vậy, ta sẽ bị nghiện. Một khi đã bị nghiện rồi, những thói quen xấu đó sẽ phá hủy những điều tốt đẹp mình cần xây dựng trong cuộc sống. Để giải quyết các thói quen xấu đó, đức Phật dạy về nguyên tắc, giới luật. Ta cần ràng buộc bản thân vào các định hướng đúng đắn để không bị phạm lỗi lầm bởi các thói quen xấu.

Tóm lại, trong đạo Phật, có 3 điều chính yếu cần thực hành: Trí tuệ - Thiền định - Nguyên tắc, gọi là Giới - Định - Tuệ. Chi tiết từng phần như thế nào, các phương pháp và kỹ thuật phù hợp sẽ được hướng dẫn trong 2 năm đầu của chương trình học. Tuy nhiên, để học Thiền định - Trí tuệ - Nguyên tắc, cần một thứ rất quan trọng là Zoom. Trong lớp học, nhiệm vụ của học viên là có Zoom và tham dự vào lớp học. Nhiệm vụ của Thầy là hướng dẫn tất cả các phương pháp cần thiết trong đạo Phật, kể cả các phương pháp thiền để giúp thay đổi cuộc sống của học viên trở nên tốt hơn.

Nếu học viên cảm thấy lớp học mang lại lợi lạc cho bản thân thì có thể giới thiệu cho người thân, bạn bè cùng tham gia lớp học. Lớp học hoàn toàn miễn phí. Xuyên suốt chương trình học, mỗi tuần, Thầy sẽ lên lớp dạy khoảng một tiếng và cuối buổi giảng Thầy sẽ cho bài tập về nhà. Học viên có thể dành thời gian trong tuần để thực hành các bài tập thiền của Thầy. Tuần này, bài tập về nhà là khi có thời gian rãnh, học viên nghe lại bài giảng hôm nay của Thầy.

Chúng ta đã học Phật pháp do đức Phật giảng dạy thì cần hiểu 2 điều thế này. Thứ nhất, đức Phật đã có mặt hơn 2.000 năm trước ở Nepal. Thầy cũng được sinh ra ở Nepal, cùng quê hương với đức Phật. Thứ hai, lúc đức Phật 29 tuổi, Ngài đã từ bỏ cung điện để đi tìm con đường giác ngộ. Đến 35 tuổi, Ngài đã đạt được giác ngộ. Trong suốt gần 50 năm giảng dạy, từ 35 tuổi đến 80 tuổi, đức Phật đã dành thời gian giảng dạy tất cả các phương pháp thực hành thiền định cho các đệ tử và trong tất cả các buổi giảng, đức Phật đều nhấn mạnh 3 điểm cốt lõi trong thực hành đạo Phật: Giới - Định - Tuệ.

Khi giảng như vậy, Đức Phật có động cơ gì? Động cơ của Ngài là mong muốn tất cả mọi chúng sinh thoát khỏi mọi khổ đau. Trong thời gian tu tập để tìm đến giác ngộ, đức Phật nhận thấy rằng tất cả mọi khổ đau và mọi khó khăn đều xuất phát từ tâm mình, do tâm mình đang suy nghĩ chưa thực sự đúng đắn. Cho nên đức Phật chủ yếu hướng dẫn các phương pháp đúng đắn cho đệ tử để họ có thể kiểm soát và điều phục tâm thức của chính mình. Khi điều phục được tâm mình, ta hoàn toàn có thể điều phục được tất cả thế giới bên ngoài.

Nhà bác học Isaac Newton nói rằng: “Tôi có thể tính toán trọng lượng của trái đất, nhưng tôi hoàn toàn không thể tính toán được sự điên rồ của loài người”. Do đó, từ những lời dạy chân chính của đức Phật, chúng ta sẽ hiểu được rằng tâm con người phức tạp như thế nào và biết được tâm có những loại phiền não nào cũng như có những phương pháp thiền định nào giúp chúng ta vượt qua những khó khăn và đau khổ. Những phương pháp vượt qua khó khăn và đau khổ như thế, chúng ta có thể học được trong đạo Phật.