13-07-2025
Lamrim 2024
Download MP3

TUẦN 46 – NGÀY 13/07/2025

CHỦ ĐỀ: SÁU LOẠI CĂN BẢN PHIỀN NÃO

(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)

Chúng ta tiếp tục ngày thứ 14, nói về khổ chung và khổ riêng của luân hồi. Các khổ riêng của luân hồi được chia thành khổ của cõi thấp và khổ của cõi cao. Từng cõi như thế có những đau khổ như thế nào? Trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay (trang 16, quyển 2) có đề cập đến đau khổ của các cõi thấp như cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh, rồi cả cõi người, cõi trời cũng có những đau khổ riêng như thế nào. Sách nói khá nhiều về khổ ở cõi súc sinh và cõi người.

Thầy nói rằng chi tiết của từng loại đau khổ không quá quan trọng. Quan trọng là ta phải hiểu vì sao ở đây phải đề cập tới đau khổ. Ta học về đau khổ là để biết nguồn gốc của đau khổ. Nguyên nhân của đau khổ là do ác nghiệp đã tạo. Tất cả mọi ác nghiệp của chúng ta đều đến phiền não. Chính phiền não kích động khiến ta gây ra ác nghiệp.

Việc nghe quá nhiều về đau khổ cũng không có ích lợi gì nhiều cho chúng ta. Cho nên phần này có thể tham khảo thêm trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Thầy sẽ giảng sang phần quan trọng ở phía sau là Ngày thứ 15.

Thầy nhắc rằng nếu không có gì bất tiện, các học viên hãy bật camera lên. Chúng ta bật camera lên để Thầy xem trong lúc nghe giảng, chúng ta có hiểu được bài hay không. Khi bật camera lên, Thầy thấy được mặt của học trò, mới biết Thầy đang giảng cho ai.

NGÀY THỨ 15

I/ Bản chất con đường đến giải thoát (trang 60, quyển 2):

Có 2 phần:

1/ Nghĩ về nguồn gốc của đau khổ - các giai đoạn buộc chúng ta vào sinh tử.

2/ Xác định bản chất con đường đưa đến giải thoát.

Ở phần 1/ Nghĩ về nguồn gốc của đau khổ - các giai đoạn buộc chúng ta vào sinh tử, có 3 tiêu đề phụ:

1a/ Vọng tưởng phát triển cách nào

1b/ Nghiệp được tích lũy cách nào

1c/ Người ta bỏ thân thọ thân cách nào

Ở phần 1a/ Vọng tưởng phát triển cách nào, có 4 mục:

- Nhận ra vọng tưởng

- Các giai đoạn trong sự phát triển vọng tưởng

- Nguyên nhân của vọng tưởng

- Những lỗi lầm của vọng tưởng

Đầu tiên, ta phải nhận diện được phiền não (vọng tưởng) là gì. Thứ hai là cần hiểu được chúng ta tạo nghiệp như thế nào. Thứ ba là người ta bỏ thân thọ thân theo cách nào; nghiệp và phiền não khiến chúng ta tái sinh ở trong luân hồi như thế nào.

Những đau khổ và khó khăn của chúng ta xuất phát từ ác nghiệp. Ác nghiệp xuất phát từ phiền não. Vì tâm có phiền não, bị phiền não kích động nên gây ra những lỗi lầm. Từ những việc lỗi lầm đó khiến ta phải chịu đau khổ. Do đó, muốn diệt trừ đau khổ, đầu tiên ta cần phải diệt trừ được phiền não, từ đó mới không tạo ra ác nghiệp, như vậy sẽ không phải chịu khổ đau.

Đầu tiên, hãy đặt câu hỏi: “Tại sao trong cõi luân hồi này lại có đau khổ?”

Thầy kể một câu chuyện: trong một lần Thầy đang giảng pháp ở Đài Loan, có một người phụ nữ câm điếc đã đặt câu hỏi cho Thầy. Cô ấy không nói chuyện được nên phải qua một người phiên dịch bằng ngôn ngữ cử chỉ để dịch lại câu hỏi cho Thầy. Người phụ nữ ấy nói rằng cô ta là người câm điếc và vừa mới sinh một đứa con. Vì câm điếc nên cuộc sống của cô ấy có rất nhiều khó khăn, sinh con ra thì khó khăn càng gấp bội. Không thể nào nghe được tiếng con khóc, cũng không thể nào chăm sóc con đúng nghĩa nên tâm cô ấy rất đau khổ. Người phụ nữ ấy hỏi Thầy rằng tại sao cô ấy phải bị sinh ra trên đời này với nhiều khiếm khuyết và khổ đau như vậy.

Chúng ta phải biết rằng mình không được lựa chọn là được sinh ra hay không được sinh ra. Chuyện có được sinh ra trên đời này hay không thì không phải là quyết định lựa chọn của chúng ta, mà chính nghiệp khiến chúng ta phải sinh ra trong luân hồi này. Một khi đã sinh ra trên đời này thì luôn có những khó khăn, đau khổ mà không cách nào tránh khỏi.

Thầy kể câu chuyện: có một người đến gặp một vị thầy nói rằng cuộc đời này rất khó khăn, đau khổ và anh ta không muốn chết vì thấy sợ hãi khi nghĩ đến cái chết. Anh ta hỏi vị thầy rằng có cách nào để không phải chết hay không. Vị thầy trả lời rằng chỉ có một cách duy nhất để không phải chết. Đó là không sinh ra thì sẽ không chết.

Chính những ác nghiệp đã tạo bây giờ lại khiến chúng ta phải chịu nhiều khó khăn, đau khổ. Nếu muốn không đau khổ nữa, ta phải xóa bỏ ác nghiệp. Ác nghiệp lại được tạo từ phiền não. Cho nên, để xóa bỏ ác nghiệp, ta phải diệt trừ được phiền não trong tâm mình. Đó là cách duy nhất nếu muốn thoát hoàn toàn khỏi tất cả mọi đau khổ.

Thầy lấy ví dụ: chúng ta đến một quán cà phê và đặt một cốc cà phê nóng. Do bất cẩn, ta lỡ làm cốc cà phê nóng đó đổ vào chân mình, khiến chân bị bỏng rát. Tuy nhiên, cái đau rát này tồi tệ đến mức nào lại hoàn toàn tùy theo cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Nếu chúng ta khó chịu vì nghĩ rằng mình đến quán cà phê để nhâm nhi một cái cốc cà phê mà do bất cẩn khiến cốc cà phê đổ vào chân thì việc càng bực tức sẽ càng khiến tâm trạng trở nên tồi tệ. Chuyện cốc cà phê lỡ đổ trên chân thì chúng ta không kiểm soát được. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được thái độ, phản ứng của mình trong các tình huống xấu như thế.

Thông thường chúng ta không biết phản ứng như thế nào để ít bị khó chịu hơn, thậm chí phản ứng theo cách khiến cho vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn, giống như chúng ta đang bị bắn một mũi tên rồi lại bị bắn thêm một mũi tên thứ 2 vào vết thương đó, làm vết thương tồi tệ hơn. Người bắn ra mũi tên thứ hai là bản thân mình, chứ không phải ai khác.

Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều dự định và kế hoạch. Nhưng đôi lúc những kế hoạch, dự định đó không xảy ra theo cách mình mong muốn và chúng ta hoàn toàn không thể nào kiểm soát được chuyện đó.

Lý do tại sao ta chịu nhiều hoàn cảnh đau khổ và không như ý? Có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do ác nghiệp. Thứ 2 là do phiền não. Theo tâm lý học, phiền não được gọi là rối loạn tinh thần. Theo sách Giải Thoát Trong Lòng Tay (trang 62, quyển 2), phiền não có 2 phần, gồm phiền não căn bản và phiền não phụ thuộc.

Có 6 loại phiền não căn bản:

Thế Thân nói trong Kho Tàng Siêu Vật Lý:

Sáu phiền não vi tế và rộng rãi

Trong hiện hữu sinh tử là:

Tham, sân, kiêu mạn,

Ngu si, tà kiến, nghi

Chúng ta hãy học thuộc lòng 6 loại phiền não căn bản này (tham, sân, kiêu mạn, ngu si, tà kiến, nghi).

1/ Tham chấp

Phiền não căn bản đầu tiên là tham chấp. Con người chúng ta ai cũng tham chấp vào bản ngã của mình. Đó chính là nguyên nhân gốc rễ đầu tiên.

Chắc chúng ta đã nghe nhiều người hay nói là phải biết yêu thương bản thân. Thầy nói rằng đó là một trong những câu nói sai lầm nhất. Vấn đề là chúng ta cũng không biết bản thân mình là người như thế nào, mình là ai, vậy thì yêu thương bản thân như thế nào mới đúng. Ngay cả chúng ta cũng không thật sự hiểu sâu sắc được chính mình. Hôm nay mình nghĩ đúng, hôm sau mình lại thay đổi suy nghĩ và cho rằng nó là sai. Hôm nay mình nghĩ là sai thì tương lai sẽ lại nghĩ nó là đúng. Bản thân chúng ta cũng không chắc chắn về những suy nghĩ của chính mình. Vậy làm sao mình có thể yêu thương một người trong khi không hiểu gì về người đó?

Khi chúng ta còn đặt những yêu thích, hạnh phúc của bản thân lên trên hết thì đó chính là tham chấp. Điều chúng ta nên làm là đặt niềm vui, hạnh phúc của người thân, bạn bè, những người xung quanh lên ưu tiên hàng đầu. Hiện tại, chúng ta vẫn còn đặt niềm vui, hạnh phúc của bản thân lên trên hạnh phúc của người khác. Lấy ví dụ, khi gọi điện thoại cho người khác, nói rằng mình đang bị bệnh, chúng ta đang kỳ vọng người đó quan tâm, nói lời an ủi với mình, hỏi mình có cần gì không…

Chúng ta phải học cách cảm thấy hoan hỷ, hạnh phúc khi nhìn thấy những người khác được vui vẻ, hạnh phúc và phát lòng trắc ẩn khi thấy người khác gặp khó khăn, đau khổ. Nếu làm được như vậy thì lúc nào chúng ta cũng sẽ cảm thấy an vui, hạnh phúc. Đó mới là yêu thương thực sự.

Tại sao chúng ta không thể nào phát triển được lòng yêu thương thực sự? Bởi vì chúng ta đã đặt lợi ích của người khác dưới lợi ích của mình. Khi chúng ta vẫn còn đặt yêu thích, hạnh phúc của bản thân lên trên hạnh phúc của người khác thì làm sao có thể phát triển được lòng yêu thương chân thực đối với người khác.

Thực tế, khi người thân trong gia đình gặp khó khăn, không được an vui thì làm sao chúng ta có thể vui được. Chính tâm tham chấp, tức tâm chỉ nghĩ cho bản thân, là một trở ngại rất lớn khiến chúng ta không phát triển được lòng yêu thương thực sự đối với người khác.

Điểm quan trọng thứ hai của tâm tham chấp là cần phân biệt giữa yêu thích và tham chấp. Ví dụ, ta yêu thích một chiếc xe ô tô và bám chấp vào một chiếc xe ô tô là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Khi bám chấp vào chiếc ô tô, ta nghĩ rằng nếu thiếu chiếc xe này, mình sẽ không vui. Còn với tâm yêu thích chiếc xe ô tô, ta sẽ nghĩ rằng có được chiếc ô tô thì vui nhưng nếu không có ô tô, mình vẫn còn xe đạp và chấp nhận được chuyện thiếu chiếc xe ô tô. Thích và tham chấp là 2 điều rất khác nhau.

2/ Sân giận

Phiền não căn bản thứ hai là tâm sân giận. Chắc mọi người đã từng tức giận, nên cũng hiểu rõ tức giận là gì nên Thầy không phải nói nhiều về tâm sân giận. Bài tập về nhà trong tuần này là hãy tự tìm một giải pháp gồm 3 bước để vượt qua cơn tức giận của mình.

Cách chúng ta quan sát để tìm ra giải pháp gọi là thiền quán. Ví dụ, nếu ta tức giận thì việc đầu tiên cần phải làm là gì. Ta đi tìm giải pháp cho bước đầu tiên. Chắc điều đầu tiên là chúng ta sẽ la hét hay mắng chửi người khác. Đó là cách chúng ta vẫn hay làm. Chúng ta hãy tìm giải pháp gồm 3 bước để có thể vượt qua cơn tức giận của mình.

Khi tức giận, ta thường hay nói lớn, la hét. Đây là phản ứng sinh học rất tự nhiên của con người. Bởi vì tính khí lúc đó đang rất nóng nảy, chúng ta nói lớn tiếng để xả cơn tức giận ra nhằm giảm bớt sự khó chịu trong tâm.

Khi Thầy còn trẻ, bố của Thầy thường khuyên Thầy như thế này: “Rinpoche, khi ngọn lửa tức giận đang đốt cháy tâm mình thì tốt nhất đừng để khói của ngọn lửa sân giận đó thoát ra từ miệng mình”. Thầy cũng chiêm nghiệm và nghe theo lời của bố, nên mỗi lần trong lòng phát sinh cơn tức giận, Thầy cố gắng cười, dù việc này không dễ dàng gì. Thầy nói rằng chúng ta có thể thử xem cách đó có hiệu quả không.

Thầy nhắc lại bài tập trong tuần là chúng ta hãy tự tìm một giải pháp gồm 3 bước để có thể vượt qua cơn tức giận của bản thân. Nếu áp dụng giải pháp đó mà thấy có hiệu quả thì hãy tiếp tục áp dụng. Trong những lần sau, Thầy sẽ gợi ý những phương pháp do bản thân Thầy đúc kết.

3/ Kiêu mạn

Phiền não căn bản thứ ba là kiêu mạn. Kiêu mạn nghĩa là có cái tôi rất lớn. Đôi lúc chúng ta tức giận là do những hoàn cảnh khó chịu làm tổn thương đến cái tôi của mình. Cái tôi này có thể xuất hiện trong tâm trí của chúng ta theo rất nhiều cách khác nhau. Ai cũng có cái tôi và cái tôi đó phát triển theo nhiều cách khác nhau.

Thầy kể câu chuyện: có một vị thầy lúc giảng pháp lúc nào cũng nói rằng cuộc sống rất hoàn hảo, tốt đẹp. Một người đàn ông đứng lên và nói rằng: “Thầy nói điều gì cũng tốt đẹp, hoàn hảo cả. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Thầy hãy nhìn xem tôi bị gù lưng, lúc nào bước đi cũng phải cúi mặt xuống, làm việc gì cũng khó khăn, ngay cả nằm ngủ cũng cảm thấy đau lưng. Đối với tôi, cuộc sống đâu có được hoàn hảo như những người khác”. Lúc đó, vị thầy nói như thế này: “Trong cuộc đời của tôi, tôi thấy rất nhiều người gù lưng, nhưng anh là người gù lưng đẹp trai nhất mà tôi từng thấy”. Người gù lưng này mới nói với vị thầy rằng: “Thầy nói như vậy là đúng rồi đó”.

Rõ ràng, bản ngã của người đàn ông này bắt đầu trỗi dậy. Anh ta luôn nghĩ rằng cuộc đời rất cực khổ, khó khăn, nhưng chỉ một câu nói của vị thầy mà bản ngã của anh ta lại trỗi dậy rất nhanh chóng. Điều đó cho thấy chúng ta vẫn còn bám chấp vào cái tôi rất nhiều, cho nên kiêu mạn và giận dữ mới phát sinh rất nhanh ở trong tâm. Thực tế, nhiều gia đình, vợ chồng cãi vã rồi chia tay cũng vì bản ngã, vì cái tôi.

Thầy kể một câu chuyện khác: trong một trại giam có 3 tù nhân đang bàn chuyện ai là người vào tù sớm nhất. Người tù nhân thứ nhất nói rằng: “Khi tôi đến đây, thế giới bên ngoài còn không có ô tô, xe máy. Lúc đó, người ta phải dùng xe ngựa, xe thồ”. Người tù nhân thứ hai kể rằng: “Khi tôi đến đây, cả xe ngựa, xe thồ còn không có. Lúc đó phải cưỡi ngựa, cưỡi trâu, cưỡi bò”. Lúc này, người tù nhân thứ ba mới lên tiếng: “Xe thồ, xe ngựa là gì? Con trâu, con bò, con ngựa là gì? Tôi chưa bao giờ thấy những thứ đó trong cuộc đời của tôi”. Người thứ ba này cố tỏ vẻ mình là người vào tù sớm nhất nên giả bộ hỏi những câu ngớ ngẩn như vậy. Dù trong hoàn cảnh như thế nào, tâm kiêu mạn cũng có thể trỗi dậy. Cho nên, thậm chí đã vào trong tù rồi, 3 người tù nhân này vẫn cố gắng chứng tỏ mình hơn người khác.

Thầy nói rằng trong tu viện, một số thầy lớn đôi khi hay ra oai với những thầy nhỏ tuổi để chứng tỏ mình giỏi hơn. Trên thực tế, càng già, càng chết sớm mà thôi. Nhưng người ta lại không có nhìn thấy thực tế đó. Bản ngã khiến chúng ta lúc nào cũng muốn mình hơn người khác trong khi khó khăn trước mặt thì không chịu thấy.

Chúng ta cần phải quan sát tâm mình trong lúc nói chuyện với người khác để xem liệu cái tôi có đang trỗi dậy hay không và câu chuyện đang nói với người khác có phải dựa trên cái tôi đó không, mình có phải chỉ đang tâng bốc, nói chuyện sáo rỗng chỉ để muốn hơn người khác hay không. Chúng ta cần phải quan sát để hạn chế bản ngã trong những trường hợp như vậy.

Bản ngã và tự tin rất khác nhau. Khi nghĩ rằng tôi có thể làm được chuyện đó, đó chính là tự tin. Còn nếu nghĩ rằng chỉ có tôi mới làm được chuyện đó, đó chính là bản ngã.

Thầy đã hướng dẫn xong 3 loại phiền não. Thứ nhất là tham chấp. Thứ hai là giận dữ, sân hận. Thứ ba là kiêu mạn, bản ngã. Phần quan trọng trong buổi học hôm nay là bài tập mà Thầy vừa hướng dẫn: tìm một giải pháp gồm 3 bước để có thể vượt qua cơn tức giận. Đi tìm một phương pháp như thế là một cách thiền quán. Khi cơn tức giận trỗi dậy, nó liên quan tới cái tôi rất nhiều. Khi rơi vào những hoàn cảnh mà mình không thích, không chấp nhận được, lúc đó sẽ phát sinh cơn tức giận. Làm sao để vượt qua cơn tức giận đó là phần bài tập cần phải thực hành trong tuần này.

Nhiều người rất hay nhầm lẫn và không phân biệt được tự tin với bản ngã. Tự tin là nghĩ rằng ta có thể làm được một việc gì dó, trong khi bản ngã là nghĩ rằng chỉ có mình mới làm được việc đó, hoặc mình có thể làm điều đó tốt hơn tất cả mọi người. Trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay có hướng dẫn một cách có thể đối trị được bản ngã. Đó là ta phải quan sát để tìm ra những khiếm khuyết, những lỗi lầm của bản ngã. Khi bản ngã trỗi dậy, sẽ tạo ra những hậu quả tai hại như thế nào. Hãy suy nghĩ về những khiếm khuyết, lỗi lầm đó để giảm bớt bản ngã.

Nếu ta đặt cái tôi của mình lên trên hết thì sẽ làm phá hỏng tất cả các mối quan hệ với mọi người, ngay cả người thân trong gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, tự tin là một thái độ rất quan trọng. Chúng ta cần sự tự tin rằng mình có thể làm được việc này, việc kia…

Thầy đặt câu hỏi cho học viên: hãy suy nghĩ xem giữa 3 loại phiền não là tham, sân giận, kiêu mạn, chúng ta đang bị phiền não nào nhiều nhất, hay cả 3 phiền não đều ngang nhau, hoặc không bị phiền não nào trong 3 loại này. Nếu học viên nào nói rằng bản thân không có phiền não nào trong 3 loại phiền não này thì Thầy sẽ nói một câu như thế này: nếu bạn nghĩ là bản thân không bị phiền não nào trong 3 loại này, bạn hãy tự chụp một bức ảnh của mình, sau đó in ra và mang bức ảnh đó đến một ngôi chùa gần nhà, rồi thưa chư Tăng Ni trong chùa đó đặt ảnh của mình kế ngay tượng Phật để mọi người đến đảnh lễ, cúng dường (Rinpoche cười).

Thầy nói rằng nếu chúng ta chỉ có tham chấp thì đưa ngón tay cái lên, có sân giận thì đưa ngón trỏ lên, có kiêu mạn thì đưa ngón giữa lên, còn nếu có cả 3 loại phiền não này thì đưa cả 3 ngón lên. Tuần này hãy tìm ra giải pháp để vượt qua tâm sân giận. Trong 3 loại phiền não này, dễ loại trừ nhất đó là tâm sân giận. Nếu chúng ta thật sự mình nghiêm túc, muốn thay đổi bản thân và thực hành đúng, liên tục thì chỉ trong vòng một tháng, chúng ta sẽ thấy được sự tiến bộ. Giận dữ là phiền não dễ bị loại bỏ nhất. Kiêu mạn là tâm dễ loại bỏ thứ hai. Sau đó, hãy nghĩ đến chuyện loại bỏ tâm tham chấp.

Thầy có một chiếc đồng hồ cũ, đã đeo rất lâu, khoảng 25-27 năm rồi. Lúc Thầy mua chiếc đồng hồ đó, giá chỉ có 3 USD. Một lần nọ có học trò cúng dường Thầy một cây bút vì người học trò này biết Thầy đang viết một quyển sách về Tánh Không nên cúng dường cây bút để Thầy viết sách. Cây bút mà người học trò này cúng dường có giá trị đến 1.000 USD. Nhưng qua ngày hôm sau, có người khác đến gặp Thầy, Thầy đã đem tặng cây bút đắt tiền đó cho người này. Có một anh học trò khác khi nghe được câu chuyện đó đã nói với Thầy rằng: “Con muốn cúng dường Thầy một cái đồng hồ khác tốt hơn, rồi Thầy cho con chiếc đồng hồ 3 USD này”. Thầy trả lời là không. Thầy được người khác cúng dường một cây viết trị giá 1.000 USD, qua hôm sau, Thầy tặng ngay cho người khác mà không hề có một chút bám chấp nào. Tuy nhiên, chiếc đồng hồ cũ chỉ có giá 3 USD, đeo hơn 20 năm thì Thầy lại bám chấp, không muốn cho ai cả.

Dạo này Thầy hay uống Coca-Cola nên nhiều khi Thầy suy nghĩ lại, hình như mình đã bám chấp vào vị Coca-Cola mất rồi. Thỉnh thoảng Thầy cũng nghĩ tại sao không thử uống món khác để xem đổi vị như thế nào, nhưng những lúc muốn đổi thì Thầy lại cảm thấy hơi khó chịu, vì không giống thứ mình mong muốn. Thầy nói rằng Thầy đi từ nước này sang nước khác và ẩm thực ở mỗi nước là khác nhau. Ở nước nào, Thầy cũng cảm thấy thức ăn đều ngon cả, vì thức ăn ngon ở mỗi nước có đặc trưng khác nhau. Thế nhưng, khi nhắc tới đồ uống, ngay lập tức trong tâm nghĩ đến Coca-Cola. Thầy nói rằng hình như Thầy đã bám chấp vào vị Coca-Cola mất rồi.

Trong 3 loại phiền não căn bản là tham, sân giận, kiêu mạn, chúng ta hãy cố gắng đối trị với tâm sân giận trước, vì tâm sân giận dễ đối trị hơn. Nếu nghiêm túc trong pháp hành của mình, chúng ta hoàn toàn có thể đối trị với tâm sân giận và sẽ thấy sự tiến bộ trong vòng một tháng. Rồi sau đó, hãy nghĩ đến chuyện đối trị với tâm kiêu mạn. Tiếp đến là đối trị với tâm tham chấp. Lúc nào chúng ta đã loại trừ hết được tâm tham chấp thì lúc đó có thể đặt ảnh của mình kế bên tượng Phật để mọi người cúng dường. Lúc đó chúng ta có thể ngang nhiên nói với Phật rằng: “Chào Phật, Phật có khỏe không?” (Rinpoche cười).