22-06-2025
Lamrim 2024
Download MP3

TUẦN 45 – NGÀY 22/06/2025

CHỦ ĐỀ: BÁNH XE LUÂN HỒI

(Geshe Lharampa Thabkhe Lodroe hướng dẫn)

Thầy và học viên cùng phát khởi động cơ thanh tịnh trước buổi học pháp. Bắt đầu tụng kệ Quy y Tam Bảo và Phát tâm bồ đề (3 lần). Chúng ta đang thực hành pháp Đại thừa, không chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, mà còn nghĩ đến lợi lạc cho tất cả mọi chúng sanh. Với động cơ bắt đầu đúng đắn và kết thúc hồi hướng thì việc học pháp mới trọn vẹn, thành tựu viên mãn.

Thầy giới thiệu tóm lược 4 học phần của sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Trong 4 học phần, Phạm vi nhỏ, Phạm vi trung bình, Phạm vi lớn là rất quan trọng.

Phạm vi nhỏ nói đến mong muốn có được an lạc ở đời này và đời sau, muốn thoát khổ ở 3 cõi thấp, tái sanh lên 3 cõi lành (cõi người, cõi phi thiên và cõi thiên), nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ chịu khổ ở cõi luân hồi. Do đó, cần hiểu về Quy y Tam Bảo và cách tịnh hóa ác nghiệp.

Phạm vi trung bình cũng nói về những nỗi khổ trong 6 cõi và tâm mong cầu thoát khổ đau trong 6 cõi luân hồi. Do đó, Phạm vi trung bình đề cập chủ yếu đến tâm mong muốn thoát khổ trong cõi luân hồi nên thực hành Tứ Thánh đế và 12 chi phần nhân duyên để loại trừ hết tất cả các nguyên nhân dẫn đến khổ đau trong luân hồi. Đối với Phạm vi trung bình, mong muốn thoát khổ và được giải thoát chỉ là mong muốn cho bản thân mà thôi.

Phạm vi lớn mong muốn giải thoát không chỉ là cho bản thân mà còn cho tất cả những người khác và nỗ lực giúp người khác thoát khổ nên mong muốn đạt được Phật quả, thực hành thiền quán tâm từ bi và Tánh Không để giúp tất cả mọi chúng sanh đều thoát khổ và đạt được giải thoát.

Thầy sẽ hướng dẫn ý nghĩa hình vẽ Bánh Xe Luân Hồi mô tả về Tứ Diệu Đế (Tứ Thánh Đế), 12 chi phần nhân duyên có liên quan đến Phạm vi trung bình.

Tứ Thánh Đế là Bốn Sự Thật Cao Quý.

1) Sự thật về khổ (Khổ Đế): là những gì ta cần phải biết về khổ.

2) Sự thật về nguồn gốc của khổ (Tập Đế): là nguyên nhân của khổ, là những gì ta cần phải loại bỏ.

3) Sự thật về việc chấm dứt khổ (Diệt Đế): là những gì ta phải chứng đắc.

4) Sự thật về phương pháp chấm dứt khổ (Đạo Đế): là những gì ta phải tu tập, phải thiền, phải thực hành.

Sự thật về khổ (sự thật đầu tiên) là những đau khổ mà hiện giờ ta phải gánh chịu. Nguồn gốc của khổ (sự thật thứ hai) là những nghiệp đã làm và những phiền não (chủ yếu là tham, sân, si) đã thúc đẩy ta tạo ra những nghiệp đó. Đây là hai nguyên nhân chính yếu gây ra khổ trong luân hồi. Chính vì biết những đau khổ mà ta đang chịu là do nghiệp và phiền não nên bây giờ ta phải áp dụng phương pháp để thoát khỏi tất cả các phiền não đó. Thực hành phương pháp thoát khổ (sự thật thứ tư) sẽ cho kết quả là thoát được khổ. Khi thoát được khổ, ta sẽ có được an lạc. Ở trạng thái an lạc đó, ta sẽ không còn bị bất kỳ phiền não hay đau khổ của luân hồi quấy nhiễu nữa. Lúc đó ta đã đạt được giải thoát, tức Niết bàn (sự thật thứ ba).

Hai sự thật đầu liên quan đến cơ chế trong luân hồi, tức là vì nguyên nhân của khổ nên ta mới bị đau khổ. Hai sự thật sau nói đến cơ chế của giải thoát, nghĩa là nếu thực hành phương pháp giải thoát thì ta sẽ được giải thoát. Cơ chế trong luân hồi là từ nghiệp và phiền não sẽ sinh ra những đau khổ trong luân hồi. Nếu muốn thoát hết khổ, cần phải phá bỏ nguồn gốc của khổ. Vậy làm sao để loại bỏ nghiệp xấu và phiền não? Phương pháp mà Đức Phật đã dạy là thực hành Bát Chánh đạo và Giới - Định - Tuệ… sẽ giúp loại bỏ được những nghiệp xấu và tất cả các phiền não. Khi mất hết tất cả các nguyên nhân tạo ra khổ thì sẽ không thể nào sinh ra kết quả đau khổ. Lúc đó ta đạt được giải thoát.

* GIẢI THÍCH HÌNH VẼ BÁNH XE LUÂN HỒI VỀ TỨ THÁNH ĐẾ

Giới thiệu tóm lược nguồn gốc HÌNH VẼ BÁNH XE LUÂN HỒI


Vua Tần-Bà-Sa-La thỉnh ý Đức Phật Thích Ca nên tặng món quà giá trị nào thể hiện lòng biết ơn Vua U-Tra-Ya-Na, vì vua Tần-Bà-Sa-La đã nhận món quà giá trị từ vua U-Tra-Ya-Na. Đức Phật đã giảng dạy hướng dẫn vua Tần-Bà-Sa-La về nội dung ý nghĩa Tứ Thánh đế và 12 chi phần nhân duyên trong hình vẽ Bánh Xe Luân Hồi. Vua Tần-Bà-Sa-La đã vẽ và ghi chú nội dung ý nghĩa Bánh Xe Luân Hồi, tặng món quà này đến vua U-Tra-Ya-Na. Từ đó, Đức vua U-Tra-Ya-Na đã thực hành pháp chứng quả A-La-Hán.

+ Ở tâm điểm của bánh xe có 3 con vật là con heo, con rắn và con chim, tượng trưng cho 3 loại phiền não chủ yếu là tham, sân, si. Con heo tượng trưng cho si. Rắn tượng trưng cho sân. Chim tượng trưng cho tham. Con heo đang ngậm đuôi hai con vật kia nghĩa là vì si mê, vì không hiểu biết nên mới tham và sân. Ba điều này là tam độc trong tâm của chúng ta. Đau khổ có 2 nguồn gốc là nghiệp và phiền não. Từ phiền não này sinh ra tất cả mọi đau khổ trong luân hồi. Đó là sự thật thứ hai (Tập Đế).

+ Tiếp đến là vành ngoài một bậc ở bên trái, nửa vành bên trái có màu trắng tượng trưng cho thiện nghiệp; nửa vành bên phải có màu đen tượng trưng cho ác nghiệp. Vì tham, sân, si mà ta tạo ra ác nghiệp (nửa vành đen bên phải). Có những lúc ta tạo ra thiện nghiệp (nửa vành trắng bên trái). Nhờ thiện nghiệp giúp sinh lên 3 cõi lành: trời, người (chịu nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết), phi thiên. Còn làm ác nghiệp thì sinh vào 3 cõi ác: địa ngục (chịu khổ nóng, lạnh), ngạ quỷ (chịu khổ đói khát), súc sanh (chịu khổ ăn thịt lẫn nhau). 6 cõi luân hồi tượng trưng cho đau khổ của luân hồi. Đó là sự thật đầu tiên (Khổ Đế).

+ Vành ngoài nữa có 12 ô nhỏ, tượng trưng cho 12 chi phần nhân duyên là Vô minh (ông lão mặc áo đỏ khom lưng chống gậy) - Hành (thanh niên ngồi làm bình gốm) - Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu - Sinh - Lão tử.

+ Hình vẽ Bánh Xe Luân Hồi có nói đến các pháp thực hành của phạm vi nhỏ. Nghĩa là quy y và nương tựa Tam Bảo, sau đó thực hành tịnh hóa ác nghiệp và làm thiện nghiệp để được sinh lên 3 cõi lành. Nếu làm ác thì sẽ phải sinh vào 3 cõi ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chúng sinh ở cõi địa ngục chịu khổ nóng lạnh, súc sanh chịu nỗi khổ ngu si, cõi ngạ quỷ chịu khổ đói khát. Ở các cõi ác này, đau khổ nhiều như thế nên cơ hội có được một chút nhàn rỗi để thực hành pháp dường như không có. Cho nên để tránh được những đau khổ đó, ta phải thực hành tịnh hóa ác nghiệp và làm thiện nghiệp để được sinh lên cõi lành. Nhưng cho dù thoát khỏi 3 cõi ác và sinh lên cõi trời, người, hay phi thiên thì ta vẫn nằm trong luân hồi, vẫn chịu sự trói buộc của sinh tử.

+ Ngoài cùng có một con quỷ răng nanh ngậm nguyên bánh xe luân hồi, tượng trưng cho thần chết. Nghĩa là nếu vẫn ở trong luân hồi thì dù sinh lên cõi nào đi chăng nữa, có hưởng an lạc, hạnh phúc như thế nào đi chăng nữa thì ta vẫn ở trong miệng của thần chết, lúc nào cũng chịu trói buộc của sinh tử luân hồi. Đó là sự thật đầu tiên trong Tứ Thánh Đế.

+ Để thoát ra khỏi luân hồi, Đức Phật đã hướng dẫn 2 sự thật phía sau, nghĩa là cần thực hành Bát Chánh đạo và Giới - Định - Tuệ mới có được giải thoát. Trong hình vẽ Bánh Xe Luân Hồi, ta thấy có một vị tu sĩ đứng trên đám mây ở góc trên bên phải, đang chỉ tay về phía mặt trăng. Vị này đứng ở ngoài bánh xe luân hồi, nghĩa là đứng ngoài thần chết, tức vị đó đã thoát khỏi sinh tử luân hồi. Vị tu sĩ chỉ tay về phía mặt trăng, nghĩa là chỉ cho ta con đường đi đến Niết bàn, tức là ta có thể làm theo hướng dẫn của vị đã thoát khỏi luân hồi sinh tử để có được giải thoát. Vị tu sĩ đang chỉ tay tượng trưng cho sự thật thứ tư - con đường, phương pháp chấm dứt khổ (Đạo Đế).

+ Mặt trăng và mặt trời vì nằm phía ngoài thần chết bánh xe luân hồi tượng trưng cho giải thoát, Niết bàn hay sự chấm dứt khổ. Đó là sự thật thứ ba (Diệt Đế).

Phạm vi trung bình nói về những nỗi khổ trong 6 cõi và tâm mong cầu thoát khổ đau trong 6 cõi luân hồi. Ta không thể ngay lập tức đạt được mong cầu thoát khổ đau trong luân hồi, nhưng cần phải dần dần suy nghĩ về điều đó để sinh khởi tâm mong cầu thoát khổ đau trong luân hồi.

Trong Lamrim đề cập đến những đau khổ ở 3 cõi ác còn có đau khổ cõi người, phi thiên, thiên (xem Giải Thoát Trong Lòng Tay, quyển 2, trang 30).

Thầy nói về lịch sử của Đức Phật: Đức Phật Thích Ca là thái tử con vua, sống trong cung điện nguy nga, sung túc đầy đủ. Một ngày khi đi dạo ngoài cổng thành, thái tử thấy một người già yếu, một người bệnh tật, một xác chết và một tu sĩ. Thái tử nhận ra một điều là con người được sinh ra rồi già đi, rồi sẽ bị bệnh và cuối cùng sẽ chết cho dù là ai đi chăng nữa. Từ đó, Ngài phát khởi tâm mong muốn thoát khỏi đau khổ trong luân hồi. Muốn thoát khỏi đau khổ cần phải đạt được giải thoát và muốn đạt được giải thoát thì cần phải tìm ra phương pháp thực hành đạo giải thoát. Để tìm ra phương pháp thực hành đạo giải thoát thì cần phải rời khỏi cung điện.

Thời đại xã hội ngày nay, việc giảng dạy giáo lý Phật giáo chủ yếu về phương pháp giúp chữa lành những đau khổ trên thân và tâm bằng cách thực hành thiền về tứ niệm xứ, tâm bi. Một số người nói rằng giáo lý Phật giáo toàn đề cập đến khổ đau các cõi nên cảm thấy sợ hãi, phát sinh suy nghĩ tiêu cực. Thật ra lối suy nghĩ như vậy chưa đúng. Ta cần phải hiểu biết về những loại đau khổ ở các cõi cũng như cần hiểu rõ bản chất của khổ đau để từ đó tìm ra phương pháp thoát khổ.

Chúng ta sống trong cõi luân hồi này thì đương nhiên sẽ gặp những đau khổ, không may mắn, không như ý, chướng ngại v.v… Tuy nhiên, hãy nghĩ rằng những điều đó đều là vô thường và việc áp dụng các phương pháp chuyển hóa những khổ đau đó mới là điều quan trọng.