08-06-2025
Lamrim 2024
Download MP3

TUẦN 43 – NGÀY 08/06/2025

CHỦ ĐỀ: CẦU NGUYỆN VÀ THỰC HÀNH THIỀN TRONG THÁNG PHẬT ĐẢN

(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)

Thầy nói rằng tuần này vẫn đang nằm trong tháng linh thiêng của năm tính theo lịch Tây Tạng. Thứ Tư tuần sau (11/06/2025) là ngày kỷ niệm Phật Đản sanh, Phật Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Cho nên, từ hôm nay cho đến thứ Tư tuần sau, sẽ rất tốt nếu chúng ta tập trung thiền về những nội dung Lamrim đã học được, hoặc có thể trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Kim Cương để tích lũy công đức. Theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, ngày Phật Đản sinh đã qua rồi. Nhưng tính theo lịch Tây Tạng, ngày kỷ niệm chính thức rơi vào thứ Tư tuần sau.

Thầy hỏi rằng trong tương lai nếu giác ngộ thành Phật thì chúng ta muốn thành Phật vào tháng nào? Thầy hay nói đùa với các học trò bên Mỹ rằng nếu Thầy có thành Phật thì Thầy sẽ thành Phật ở trong ô tô chứ không phải dưới cây bồ đề và phải là chiếc ô tô màu trắng mới được. Đó là lời nói nửa đùa nửa thật.

Từ tháng 1 đến tháng 12, chúng ta thích tháng nào thì hãy chọn tháng đó để thành Phật. Việc này là để cho chúng ta có một cảm nhận rằng chuyện thành Phật là điều rất hiển nhiên, nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể đạt được trong tầm tay, chứ không phải là chuyện xa vời. Nếu chúng ta nghĩ nó là chuyện xa vời thì khó có thể đạt được. Nếu chúng ta khiến nó trở thành một điều gì đó rất thực tế, gần gũi với mình thì chắc chắn sẽ đạt được trong tầm tay. Cho nên, để có thể hiện thực hóa được chuyện đó, chúng ta hãy chọn tháng nào mình muốn thành Phật.

Thầy hỏi chúng ta đã chọn xong chưa? Nếu trong 2 phút đầu vẫn không có chọn được mình thích thành Phật trong tháng nào thì chúng ta sẽ chần chừ đến cả tháng sau và sau đó nhiều khi cũng chưa chọn được luôn. Chúng ta chọn tháng mà mình thích thì không cần nói lý do tại sao chọn tháng đó.

Thầy rất nghiêm túc khi yêu cầu chúng ta chọn thành Phật vào tháng nào theo ý thích của mình. Chúng ta phải chọn một cách nghiêm túc, chứ không phải theo lời Thầy rồi chọn chơi cho vui. Chúng ta nghiêm túc rằng chúng ta muốn thành Phật. Khi chúng ta nghiêm túc với chuyện này thì chúng ta cũng sẽ nghiêm túc đối với việc cần phải làm gì để thành Phật. Nếu chúng ta đối đãi với thái độ không nghiêm túc thì chuyện thành Phật cũng sẽ trở thành chuyện không nghiêm túc, không thực tế đối với mình. Chúng ta chọn tháng để thành Phật, nhưng khi chọn ngày nào trong tháng đó thì đừng có chọn ngày Chủ nhật, vì Chủ Nhật là ngày chúng ta phải lên lớp học.

Từ hôm nay cho đến thứ Tư tuần sau, chúng ta có thể đọc sách Giải Thoát Trong Lòng Tay những nội dung mình đã học và nội dung nào có ý nghĩa thì chúng ta dừng lại một chút để thiền về nội dung đó. Nếu đọc một lúc mà cảm thấy mệt mỏi, chúng ta hãy tụng Bát Nhã Tâm Kinh hoặc Kinh Kim Cương. Sang ngày thứ Năm cũng là một ngày quan trọng. Vì chúng ta đã vất vả đọc kinh và thiền trong suốt mấy ngày này nên thứ Năm sẽ là ngày thư giãn. Chúng ta sẽ không làm gì cả trong ngày này.

Thầy nói rằng từ đầu năm đến bây giờ, cứ khoảng 4-5 ngày Thầy phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác, cũng khá bận rộn mà chưa có ngày nào được nghỉ cả. Thầy vừa hoàn tất chương trình giảng dạy ở tu viện thuộc miền Nam Ấn Độ, bây giờ đang di chuyển ra sân bay để về lại tu viện Gyuto ở miền Bắc Ấn Độ. Từ tu viện ra sân bay mất khoảng 5-6 tiếng, bây giờ Thầy đang ngồi trong ô tô. Vì lịch trình di chuyển của Thầy dày đặc, thường xuyên di chuyển trên ô tô nếu có thành Phật thì chắc Thầy sẽ thành Phật trong ô tô. Đây là câu nói nửa đùa nửa thật.

Vào thời gian linh thiêng này, dù chúng ta thiền quán hay hành trì thì cơ hội thành công sẽ rất cao vì nhận được sự gia trì rất lớn từ chư Phật. Cơ hội để chúng ta nhìn thấy rõ được thực sự vấn đề cũng cao hơn nên trong khoảng thời gian này, chúng ta hãy đọc sách Giải Thoát Trong Lòng Tay về các nội dung đã được học. Chúng ta hãy tập thiền quán về các nội dung quan trọng và đừng lo lắng mình thiền đúng hay sai. Điều đó không quan trọng, mà quan trọng là chúng ta có dấn thân để bắt đầu thực hành thiền.

Có lẽ phần lớn chúng ta đều biết rằng trước khi Đức Phật đạt được giác ngộ, Ngài đã có 6 năm thực hành khổ hạnh. Trong 6 năm khổ hạnh đó, Đức Phật đã thực hành những gì? Thật ra 6 năm đó là 6 năm Đức Phật mắc sai lầm, với mục tiêu là muốn đạt được giác ngộ. Sau 6 năm đó, Ngài mới biết mình đã sai những gì và loại trừ tất cả mọi sai lầm đó thì cuối cùng Ngài mới thành công, mới đạt được giác ngộ.

Cho nên trong những ngày này, từ hôm nay đến thứ Tư tuần sau, chúng ta cứ thiền, đừng quan tâm là thiền đúng hay sai mà hãy dấn thân vào việc thực hành thiền. Nhưng chúng ta phải chọn tháng nào muốn thành Phật như Thầy đã nói. Đó là điều quan trọng. Chúng ta hãy đọc sách Giải Thoát Trong Lòng Tay và thiền về các nội dung quan trọng trong sách. Nếu cảm thấy mệt, chúng ta có thể ngưng lại, chuyển sang đọc Bát Nhã Tâm Kinh hay Kinh Kim cương. Sang ngày thứ Năm, chúng ta chỉ thư giãn thôi, không làm gì cả.

Thầy thực sự tin rằng Đức Phật Đản sanh vào ngày thứ Tư tuần sau, cũng là ngày kỷ niệm Phật Thành đạo, Phật nhập Niết bàn. Vì Sư phụ của Thầy tin ngày đó là ngày Phật Đản sinh nên Thầy cũng tin như vậy. Thầy nói rằng thỉnh thoảng có những điều mình biết không phải là thật nhưng mình vẫn tin. Quan trọng là chuyện mà chúng ta công nhận hay tin tưởng có thật sự mang đến lợi ích tốt đẹp cho mình hay không. Nếu chúng ta công nhận hay tin tưởng một điều gì đó mà nó lại không mang đến những lợi ích tốt đẹp cho mình thì ta cũng không cần phải công nhận hay tin tưởng điều đó.

Chắc rất nhiều lần chúng ta nghe những người khác nói rằng phải yêu thương bản thân, phải quan tâm chăm sóc cho bản thân, đúng không? Một lần ở Việt Nam có một người đặt câu hỏi cho Thầy là phải yêu thương bản thân như thế nào. Không phải chỉ có mỗi Việt Nam mà ở những nước khác người ta cứ hỏi như vậy. Nhưng nếu yêu thương bản thân nhiều quá thì chúng ta có phạm sai lầm gì hay không? Chúng ta luôn nghĩ, luôn muốn bản thân tốt đẹp hơn nên không chấp nhận được mặt tối, con người thật sự của mình. Nếu không chấp nhận được mặt tối, con người thực sự của mình thì làm sao chúng ta có thể yêu thương bản thân mình? Cho nên, muốn yêu thương bản thân đúng cách thì đầu tiên, chúng ta phải chấp nhận được con người thật của mình. Một khi chúng ta chấp nhận được bản thân còn có những khiếm khuyết, cần sửa đổi thì lúc đó chúng ta mới thực sự yêu thương bản thân mình.

Tại sao chúng ta thích những hình mẫu nhân vật trong phim? Tại vì những hình mẫu nhân vật đó có những đặc tính rất hoàn hảo, là con người mơ ước của mình. Nhưng trên thực tế, con người mình có hoàn hảo hay chưa không phải là một vấn đề quan trọng. Quan trọng là ta phải chấp nhận được con người thật của mình. Khi đã chấp nhận rồi, lúc đó chúng ta mới có thể yêu thương được bản thân mình. Do đó, thứ Tư tuần sau có phải là ngày Đức Phật Đản sanh hay không thực ra không quan trọng. Nhưng bản thân Thầy tin vào việc đó.

Trong những ngày này, chúng ta hãy đọc sách Giải Thoát Trong Lòng Tay, tự đúc kết những điểm quan trọng và thiền về nội dung đó. Chúng ta đừng hỏi ChatGPT phải thiền thế nào về nội dung trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Chúng ta hãy tự đọc sách và thiền thì mới có được trải nghiệm thực sự.

Trong thời gian sắp tới, có một hội thảo về khoa học và Phật giáo được tổ chức tại nơi ở của Đức Dalai Lama. Các thầy có mời Thầy đến để nói về chủ đề “sự khác biệt giữa tâm thức con người với trí tuệ nhân tạo (AI)”. Trong một buổi giảng ở bên Mỹ, Thầy từng nói rằng nhiều khi vài năm nữa AI phát triển thì AI sẽ giảng cả Phật pháp. Lúc đó, Thầy sẽ bị thất nghiệp, không còn việc để làm nữa. Cho nên, Thầy nghĩ rằng theo tiến độ phát triển của công nghệ AI bây giờ, bản thân Thầy cũng phải thay đổi, phải có những trải nghiệm rất sâu sắc, rất thực tế về đạo Phật mà không thể tìm được ở AI thì lúc đó thầy mới còn việc để làm, chứ không sẽ bị thất nghiệp.

Trong buổi học hôm nay, chúng ta hãy dành ra 30 phút cùng nhau đọc Kinh Kim Cương. Trước khi đọc kinh, Thầy sẽ tụng bài cầu nguyện Đức Văn Thù cho chúng ta. Sáng nay Thầy đã truyền quán đảnh Đức Văn Thù ở tu viện, cho nên Thầy hy vọng vẫn còn sự gia trì của Ngài n Thù. Bây giờ Thầy sẽ đọc bài cầu nguyện.