
Những lợi lạc của Quy y:
- Khi đã phát tâm quy y chân thật vào Tam Bảo thì trở thành một phật tử chân chính. Sau khi quy y không chỉ trở thành phật tử chân chính mà còn có thể thực hành Phật pháp như thế nào để tích góp được nhiều công đức.
- Giới quy y Tam Bảo là nền tảng để nhận các giới sau.
- Tránh khỏi đau khổ và sợ hãi bị sinh vào cõi ác. Khi phát tâm quy y Tam Bảo chân thật sẽ tịnh hóa được nhiều ác nghiệp, giúp không bị sinh vào cõi ác. Đối với những ai có người thân qua đời nên khuyên răn và làm lễ quy y giúp họ lúc chết, tránh sinh vào cõi ác.
- Khi phát tâm quy y Tam Bảo giúp tiến gần hơn đến Phật quả, giúp dễ thành Phật hơn.
- Giác ngộ là loại trừ hết mọi phiền não, hoàn toàn tỉnh thức và không bị bất kì một phiền não nào quấy nhiễu trong tâm. Để có thể giác ngộ như thế cần hai yếu tố quan trọng sau:
- Tự lực: nỗ lực của bản thân
- Tha lực: nhờ lực hỗ trợ từ người khác, đó chính là đức Phật. Đức Phật hướng dẫn mình tu để trở thành Phật, muốn được Đức Phật giúp thì cần có sự kết nối với Ngài, kết nối đó là quy y Tam Bảo, nương tựa vào Phật, điều quan trọng của Tam Bảo là có được sự gia trì từ đức Phật từ đó dễ dàng thành Phật hơn.
- Nghi lễ quy y thường hay đọc bài kệ quy y đó là:
Con xin quy y Phật
Con xin quy y Pháp
Con xin quy y Tăng
Trong tâm phát niềm tin, tín tâm hoàn toàn vào đức Phật, nương tựa vào đức Phật.
Lời khuyên sau quy y:
- Sau khi quy y Phật, không quy y thần thế gian, nếu đã hoàn toàn tin tưởng vào vị Phật rồi thì không tin vị thần thế gian giống như tin Phật. Đối với các vị thần thế gian có thể bày tỏ tín ngưỡng, cúng dường, … nhưng không phải để nương tựa, mong được gia trì để thoát khỏi sinh tử luân hồi, để thoát khỏi đau khổ như niềm tin vào đức Phật.
- Sau khi quy y Pháp không làm hại chúng sinh khác, hãy cố gắng không sát sinh, không làm tổn hại chúng sinh khác. Sát sinh là một thói quen xấu, ăn thịt không phải là sát sinh, nhưng nếu ăn chay hoàn toàn thì rất là tốt. Về thức ăn, đức Phật không hề đặt bất kỳ điều luật nào cho ăn cái này không cho ăn cái kia, tuy nhiên đức Phật hướng dẫn các đệ tử đã quy y không nên hãm hại chúng sinh khác, không nên sát sinh.
- Sau khi quy y Tăng không tin và không nghe theo những người mang tà kiến. Tà kiến là những suy nghĩ sai lầm, suy nghĩ lệch lạc. Tà kiến tồi tệ nhất, sai trái nhất là cho rằng không có nhân quả; không có Phật, không có Pháp, không có Tăng, không có Tam Bảo. Cho rằng không có nhân quả khiến không tin rằng làm tốt được quả lành, làm xấu thì bị quả ác, nên cứ hành động tự do theo ý thích, tạo ác nghiệp và không hề sợ hãi đối với ác nghiệp, từ đó khiến chịu rất nhiều đau khổ về sau. Nếu người này là bạn, người thân hãy cố gắng khuyên nhủ khiến cho người này phát sinh chánh kiến, tin tưởng những điều đúng đắn.
Đức Phật đã giảng về nghiệp quả, nghĩa là hành động như thế nào thì kết quả cũng tương ứng. Việc nói nghiệp quả tương ứng hay nhân quả tương ứng không chỉ đạo Phật nói mà khoa học cũng nhắc đến điều tương tự như vậy. Một người không tin có nghiệp quả thì dẫn đến hệ quả không tin có kiếp trước kiếp sau, cho rằng chỉ sống đời duy nhất. Từ đó mặc sức làm điều không đúng đắn, không phù hợp. Trên thế giới đã có vài nghiên cứu khoa học chứng minh một số tình huống có sự sống sau cái chết, có đời sau, chết chưa phải là hết. Có một số sách, tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học đã thể hiện điều đó, có thể tìm hiểu và đọc quyển sách “Những đứa trẻ nhớ kiếp trước của chúng”.
Làm sao có thể thực hành thiền về quy y?
- Nghĩ về đức Phật
- Nghĩ đức Phật trước mặt mình
- Đọc bài quy y
- Nghĩ từ thân của đức Phật phía trước mặt có ánh sáng hào quang màu trắng hoặc là màu vàng phát ra, chiếu đến và tan hết vào thân mình, tiêu trừ mọi tiêu cực, mọi điều xấu, khiến mình trở nên tích cực và trong sáng. Cũng có thể nghĩ ánh sáng hào quang đó tan vào thân bố mẹ, người thân trong gia đình, bạn bè,... và ánh sáng hào quang này giúp họ tiêu trừ mọi chướng ngại, mọi điều xấu và giúp họ thành tựu mọi điều tốt. Có thể thử thí nghiệm với hoa, đặt hai bông hoa giống nhau ở hai chậu khác nhau, môi trường ánh sáng giống nhau, mỗi ngày đối với một bông hoa thì nghĩ ánh sáng hào quang từ Phật chiếu vào, một bông hoa còn lại không làm gì cả, sau nhiều ngày bông hoa sinh trưởng khác nhau như thế nào?