THIỀN QUÁN VỀ VÔ THƯỜNG, VỀ CÁI CHẾT
NGÀY THỨ 10
Trong ngày thứ 10 này, thầy sẽ hướng dẫn thiền quán về Vô thường, về cái chết.
Nói về cái chết ở đây là để hiểu được bản chất của vô thường, vô thường là thay đổi. Bản chất lớn nhất của sự thay đổi chính là cái chết, nên thầy sẽ hướng dẫn thiền về vô thường và cái chết. Chúng ta đã được sinh ra làm người, nhưng không thể giữ được cái thân người này mãi mãi, đến lúc nào đó rồi cũng bước đến cái chết, đó là lý do chúng ta cần phải hiểu và thiền về cái chết.
Hiểu về cái chết là hiểu rằng cuộc sống con người có hạn định, không phải mãi mãi. Ta chỉ có được một khoảng thời gian giới hạn để làm những việc có ý nghĩa mà mình mong muốn, nên cần phải xác định được rằng là mình cần phải làm gì và hãy làm thật tốt ở trong thời gian mà mình có được. Khi còn bé, việc chơi đùa là tất cả mọi thứ tốt đẹp mà đứa trẻ mong muốn; đến tuổi thành niên thì các mối quan hệ về lứa đôi thường được nghĩ đến; rồi khi trưởng thành có gia đình thì quan tâm đến sự nghiệp, kiếm tiền và chăm sóc gia đình; khi về già thì sức khỏe là tất cả. Trong quãng thời gian đó, việc tập trung của chúng ta bao giờ cũng thiên lệch về một phía. Vào những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, ta thường chỉ tập trung ở một cái khía cạnh nào đó của cuộc sống mà quên mất rằng cần phải giữ được một sự cân bằng giữa tiền tài và quan hệ với gia đình; giữa sự nghiệp và sức khỏe. Cần phải có được một sự cân bằng phù hợp cho từng thời điểm của cuộc sống, trong khuôn khổ của khoảng thời gian có giới hạn của đời người. Nếu giữ được sự cân bằng phù hợp, điều đó có nghĩa là phần nào ta đã hiểu về cái chết là như thế nào, đã dần dần tiếp cận và hiểu biết về Phật Pháp, biết được ý nghĩa, giá trị của vô thường và cái chết trong cuộc sống là như thế nào.
Có 1 quyển sách đề cập đến 5 điều hối hận nhất của một người lúc chết, nhưng trong các điều này thì không hề có sự hối hận rằng: không kiếm nhiều tiền hơn là đã kiếm được. Thông thường sự hối hận đó là đã không sống một cuộc sống như mong muốn. Cho nên, hiểu được rằng cuộc sống mình có hạn định, có thời gian hữu hạn thì nên giữ một sự cân bằng phù hợp trong từng thời điểm của cuộc sống.
Khi một người thân qua đời, đó là một sự đau đớn, một sự mất mát lớn. Tuy nhiên, ta phải hiểu rằng đó là sự thật, cuộc đời là như thế, không ai có thể sống mãi mãi. Bản thân mình cũng sẽ đến lúc phải chết đi, chuyện mất mát của người thân, người xung quanh là chuyện hiển nhiên, nó sẽ đến và xảy ra với chúng ta, với bất kỳ ai, nên điều cần làm là giữ sự cân bằng.
Thiền về cái chết thì sẽ có 2 điểm quan trọng: cái chết của bản thân mình và cái chết của người khác
Thứ nhất
:Thiền về cái chết của bản thân mình để biết rằng cần phải giữ được một cái sự cân bằng phù hợp trong từng thời điểm của cuộc sống, sự cân bằng giữa sự nghiệp, tiền bạc với sức khỏe, với gia đình, đó là điều đầu tiên.
Thứ hai
khi nghĩ về cái chết của người thân hoặc những người xung quanh, thì hãy chấp nhận những thực tế đó. Khi chấp nhận thực tế đó, hãy bớt đau buồn và nghĩ rằng ta có thể làm điều gì đó cho họ. Có thể đọc kinh, đọc câu chú để cầu nguyện lợi lạc hơn cho người đã khuất. Thực hành Phật Pháp, cốt lõi là làm sao mình có được phương pháp để định hướng, nhằm làm cho cuộc sống của mình được tốt hơn, được an lạc hơn. Đó là tiêu chí, là điều quan trọng nhất của việc thực hành Phật Pháp.
Xem thêm trong sách GTTLT hướng dẫn cách thiền chết – trang 505 có 3 điểm chính yếu: Nghĩ đến cái chết không thể tránh khỏi, sự sống đầy bất trắc và khi chết chỉ có Phật pháp mới giúp được.
a. Nghĩ đến cái chết không thể tránh có nghĩa là: cái chết là chắc chắn, ai cũng sẽ phải chết, có nghĩa là thời gian sống của ta có giới hạn trên cuộc đời này .
b. Cuộc sống đầy bất trắc, không biết được sẽ chết lúc nào, nên mỗi giây phút ở cuộc đời này đều rất quý giá, hãy tận dụng những cái giây phút quý giá đó để làm những điều thật sự hữu ích và có giá trị trong cuộc đời mình. Không biết lúc nào chết sẽ giúp mình trân trọng từng phút giây đang sống.
c. Nghĩ đến khi chết chỉ có Phật Pháp mới giúp được. Vậy pháp Phật nào mà có thể giúp mình? Phật pháp đó là gì? Đức Phật dạy rằng:
Không làm các việc ác, làm tất cả việc lành
Điều phục tâm chính mình
Lời Phật dạy và cốt lõi của việc thực hành Phật Pháp đó là: từ bỏ tất cả mọi việc xấu ác; cố gắng làm hết tất cả mọi thiện lành, và luyện tâm, điều phục những tâm phiền não của bản thân, đó chính là lời dạy của Phật Đà, đó chính là cái cốt yếu, cái tinh túy trong lời dạy của Đức Phật.