18-08-2024
Lamrim 2024
Download MP3

Ngày thứ 8 (Tiếp theo)

NƯƠNG TỰA MỘT VỊ THẦY

Mối quan hệ Thầy - trò giống như bác sĩ - bệnh nhân, có 1 số điểm quan trọng:

- Bệnh nhân: phải tin tưởng bác sĩ. Nếu không tin thì sẽ không nghe lời uống thuốc do bác sĩ kê toa.

- Bác sĩ: phải có lòng từ bi, yêu thương bệnh nhân. Nếu không từ bi sẽ không hết lòng chữa bệnh, đưa ra phương thuốc tốt cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân từ chối uống bất kì loại thuốc nào bác sĩ kê toa cho thì bác sĩ cần có những phương pháp khéo léo để có thể chữa bệnh cho bệnh nhân.

Cách xây dựng mối quan hệ thầy trò

Học trò cần hiểu được tính cách và phẩm hạnh của vị Thầy để có thể dễ dàng xây dựng mối liên hệ với Thầy. Thầy là người dạy pháp còn trò nương theo Thầy để học pháp. Trò phải tin tưởng nơi Thầy và Thầy phải từ bi với trò.

Trò cần tìm cách hiểu Thầy để tin tưởng Thầy hơn, biết được Thầy có đủ điều kiện và phẩm chất đức hạnh để giảng pháp không và bản thân có thể nương theo lời giảng đó mà thực hành đúng không. Sau khi phân tích các phẩm hạnh và hiểu được Thầy sẽ phát triển niềm tin vào Thầy. Từ đó, có 2 cách nương tựa Thầy:

- Nương tựa bằng ý nghĩ: nghĩ về Thầy

- Nương tựa bằng hành động: cung kính, phụng sự

Nếu hiểu được cách nương tựa và giữ mối liên hệ với Thầy thì việc nương tựa Thầy rất dễ dàng. Nếu không hiểu được, mối quan hệ với Thầy sẽ trở nên phức tạp.

Về thái độ: phải xem Thầy như Phật (Thầy đại diện Đức Phật giảng pháp và hướng dẫn ta thực hành phật pháp), xem những điều Thầy giảng có phù hợp với giáo pháp không, xem Thầy có lỗi không (lỗi ở đây là những gì đi ngược lại giáo pháp).

Có nhiều loại lỗi, có lỗi đi ngược lại giáo pháp, có lỗi lại phạm giới luật. Ví dụ: lái xe vượt đèn đỏ là có lỗi, phạm pháp luật nhưng xét trên phương diện là người thực hành giáo pháp thì không có lỗi, không phạm giới. Nếu đi vào quán uống rượu thì phạm giới trên phương diện là người thực hành giáo pháp nhưng về mặt luật pháp thì không phạm pháp.

Xem Thầy là Phật tức Thầy phải làm việc phù hợp giáo pháp, không làm sai lời dạy của Đức Phật. Nếu vị Thầy tuân thủ theo lời dạy Đức Phật, dù phạm lỗi ngoài xã hội thì vẫn được xem là vị đạo sư tâm linh. Nếu phạm lỗi trái với lời dạy thực hành pháp thì không thể đại diện cho Đức Phật.

Ở 1 sở thú nọ quảng cáo có nhiều loài động vật quý hiếm mang về từ Châu Phi như hổ, sư tử, v.v… và bán vé vào cổng là $20 nhưng không có khách đến tham quan. Sở thú đành hạ giá vé xuống còn $10, cũng không có khách tham quan, $5 vẫn không có khách. Cuối cùng Sở thú miễn phí cho khách vào tham quan thì đông nghịt người đến. Lúc này vị Giám đốc Sở thú cho đóng hết các cổng ra và mở cửa chuồng sư tử, cọp cho chúng ra ngoài. Bây giờ khách muốn ra phải mua vé giá $20.

Niềm tin giữa Thầy và học trò rất quan trọng. Học trò cần có niềm tin nơi Thầy. Niềm tin này không giống như câu chuyện trên; phải dựa trên sự hiểu biết vị Thầy: tri thức, trí tuệ (Thầy đã học những gì, ở đâu…), cách Thầy ứng xử như thế nào trong những hoàn cảnh cụ thể (có phù hợp với giáo pháp không), quan sát các phẩm tính của Thầy (không phải tính cách thế gian). Nếu Thầy không làm điều gì trái lời Phật dạy thì Thầy mới có đủ giới hạnh để giảng dạy. Nếu vị Thầy chỉ cần làm việc nhỏ nào đó trái với giới luật thì khi đó cần xem lại niềm tin của ta vì vị Thầy đó có khả năng làm nhiều điều khác trái với lời Phật dạy.

Khi có được sự hiểu biết đúng đắn về Thầy mới có thể phát sinh niềm tin đúng đắn và xác lập được mối quan hệ Thầy trò.

Học trò cần phải tận tụy với Thầy:

- Nghĩ đến Thầy, xem Thầy như Phật, dựa trên niềm tin với Thầy

- Phụng sự, tận tuỵ với Thầy bằng việc làm, trang 443. Cố gắng làm theo lời Thầy dạy. Nếu không làm được nên giải thích với Thầy. Nếu việc gì Thầy dặn cũng không làm theo thì Thầy sẽ không còn động cơ để dạy nữa.

Học trò không nên kì vọng, mong muốn ở Thầy. Ví dụ: mong muốn Thầy phải dùng những thực phẩm ta đã cúng dường lên Thầy thì khi đó mới thấy vui. Nếu Thầy không ăn ta lại không vui. Nếu thức ăn đó nhiều đường, không tốt cho sức khoẻ thì Thầy không thể ăn nhưng trò cứ nài nỉ thì khi đó lại tạo khó khăn cho Thầy. Khi cúng dường cho Thầy, ta đã xong bổn phận, thể hiện sự cung kính với Thầy rồi. Thầy có dùng hay không, thì đó là quyết định của Thầy, không nên kì vọng hay phán xét. Những món ăn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ nên Thầy rất cẩn trọng vì nếu sức khoẻ không tốt có thể sẽ ảnh hưởng đến việc giảng pháp cho thính chúng.

Thầy cần phải để tâm xem học trò có làm đúng giáo pháp không để nhắc nhở.

Trong các mối quan hệ, đôi khi kì vọng của ta ở đối phương quá nhiều và thiếu thực tế, điều này có thể phá hỏng mối quan hệ. Nên cần kiểm soát và hạ thấp kì vọng của ta nơi đối phương. Mối quan hệ Thầy trò cũng tương tự như vậy,

Tóm lại:

- Trong mối quan hệ Thầy trò cũng như các mối quan hệ khác, ta không nên kì vọng quá nhiều ở đối phương, chỉ cần làm tốt vai trò, bốn phận của mình.

- Cần có niềm tin ở vị Thầy.

Trong bất kì mối quan hệ nào cũng cần có niềm tin lẫn nhau. Yêu thương không phải là yếu tố quan trọng nhất mà chính là niềm tin. Yêu thương có thể thay đổi thành thù ghét và rồi yêu thương trở lại nhưng niềm tin thì không như vậy. Một khi đã mất thì rất khó có thể có được niềm tin trở lại. Vì thế, niềm tin chính là nền tảng cho tất cả các mối quan hệ.