NGÀY THỨ 4 - CÁC NGHI LỄ CHUẨN BỊ
Lớp đã học nghi lễ chuẩn bị thứ 3, đó là ngồi theo 8 sắc thái của Phật Tì-lô-giá-na và sau đó đọc lời quy y phát tâm bồ đề trong một tâm trạng đặt biệt thành khẩn. Tâm trạng đặc biệt thành khẩn là suy nghĩ tích cực - điều này rất cần thiết, vì vậy mỗi buổi sáng thức dậy nên khởi đầu ngày mới bằng trạng thái tâm tốt và tích cực.
Ở những buổi học trước, Thầy có giảng: do tâm có nhiều điều tiêu cực nên sẽ có xu hướng tin và suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn, ngược lại nếu như tâm có nhiều điều tích cực thì có xu hướng suy nghĩ và tin vào điều tích cực.
Để bắt đầu một ngày mới, muốn ngày mới thật là tốt và tích cực thì cần có một trạng thái tâm tích cực. Để có tâm tích cực, có những cách: 1) suy nghĩ và quy y Tam bảo; 2)suy nghĩ đến tâm bồ đề.
- Quy y tam bảo: là chỉ cần nghĩ đến Tam bảo, và đọc các bài Quy y: Con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng.
-Con xin quy y Phật: nghĩa là noi theo tấm gương của Đức Phật. Khi muốn noi theo tấm gương, làm theo các pháp hành của Đức Phật có nghĩa là muốn thành Phật; và phải xác định mục tiêu là muốn thành Phật. Khi đặt niềm tin và sự nương tựa vào Đức Phật, và mong là Đức Phật sẽ quán sát, theo dõi và giúp xử lý các vấn đề khó khăn. Thay cho việc bắt đầu một ngày với những việc rối trí, lo lắng nhiều việc khó khăn chưa giải quyết xong, nhiều bộn bề trong cuộc sống; bằng việc đặt niềm tin vào Đức Phật và mong rằng Ngài quan tâm giúp giải quyết tất cả các vấn đề khó khăn.
Noi theo tấm gương của Đức Phật, người có những cách tu tập để đạt được giác ngộ, không còn phiền não. Và mong muốn được thành Phật để không còn phiền não nữa.
Mỗi buổi sáng khi cầu nguyện với Đức Phật, hoặc quy y để nương tựa vào Đức Phật thì hãy cầu nguyện với tâm chí thành, với tất cả niềm tin của mình. Một khi có niềm tin rất lớn với Đức Phật thì chắc chắn Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của mình.
Khi nói quy y Phật có nghĩa là quy y đến bất kỳ vị Phật nào, đến Đức phật Thích ca, Đức Phật Quan âm, bất kỳ Đức Phật nào cũng được.
Khi trong gia đình có ai bị bệnh, chắc chắn mình sẽ rất lo lắng, nhưng những lo lắng căng thẳng trong tâm mình không thể giúp người thân hết bệnh được. Thay vì như vậy, vào mỗi lúc lo lắng hãy nghĩ tới Đức Phật, và nghĩ rằng ánh sáng hào quang của Đức Phật sẽ ban gia trì, chiếu vào người thân của mình đang bị bệnh, giúp người ấy phục hồi và khỏi bệnh nhanh chóng hơn. Hãy tận dụng thời gian cầu nguyện với Đức Phật thật thành khẩn, và mong Đức Phật giúp cho người thân mau hết bệnh.
Bằng cách này, có thể đạt được 2 mục đích cùng một lúc. Thứ nhất, giúp bản thân mình bớt lo lắng, căng thẳng; Thứ hai có thể giúp và cầu nguyện cho người thân của mình nhờ sự gia trì của Đức Phật mau chóng thoát khỏi bệnh tật.
-Con xin quy y pháp: nghĩ rằng sẽ luôn làm theo hướng dẫn của Đức Phật về việc thực hành pháp của mình.
-Con xin quy y tăng: là Tăng đoàn. Tăng đoàn thật sự chính là những người thực hành theo đúng lời Phật dạy, thực hành đúng Phật pháp. Nếu ai thực hành đúng Phật pháp thì người đó sẽ thuộc một phần của tăng đoàn, không nhất thiết phải là tu sĩ, quý thầy, quý sư cô; miễn sao là có thực hành Phật pháp đúng lời Phật dạy. Nếu như xuất gia mà không thực hành Phật pháp theo đúng lời Phật dạy thì cũng không thuộc vào tăng đoàn.
2.Phát tâm bồ đề:
Tâm bồ đề là một thực hành quan trọng trong đạo Phật. Nghĩ về việc thực hành Tâm bồ đề có nghĩa là sẽ làm những việc tốt mang lại lợi lạc cho người khác. Cụ thể là mỗi buổi sáng hãy phát động cơ là: tôi sẽ làm điều tốt cho người thân, đặc biệt là người thân trong gia đình của mình. Làm việc tốt, điều lợi lạc cho người thân trong gia đình là không làm tổn thương đến họ. Đó là cách suy nghĩ làm lợi lạc cho người khác. Thầy nói, chúng ta hãy lấy mục đích làm lợi lạc cho người thân trong gia đình, cho người khác làm mục đích sống cho cuộc đời của mình.
Khi chỉ nghĩ cho bản thân mình, tập trung quá nhiều vào bản thân mình, sẽ chỉ thấy những điều mình không có hơn là thấy được những may mắn mà mình có được. Cách suy nghĩ này khiến cho bản thân thấy căng thẳng, lo âu nhiều hơn. Thay vào đó, hãy suy nghĩ làm lợi lạc cho người khác bằng cách mong muốn làm điều này điều kia cho người khác, gần nhất là những người thân trong gia đình của mình; làm như thế sẽ giúp có nhiều động lực trong cuộc sống và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Mọi thứ đều bắt đầu với niềm tin, nếu bắt đầu tin tưởng bản thân có thể làm lợi lạc cho người khác, có thể giúp được người khác thì khi đó sẽ thật sự làm lợi lạc và giúp đỡ cho người khác. Đức Phật lúc từ bỏ cung điện và tin rằng Ngài sẽ đạt được giác ngộ để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, thì sau đó Ngài đã đạt được giác ngộ.
Ta cũng giống như vậy, tin rằng mình có thể mang lợi lạc và giúp đỡ được cho người khác, đặc biệt là người thân trong gia đình thì chắc chắn mình sẽ làm được chuyện đó.
Với những cách thực hành, tập luyện cho suy nghĩ của mình như thế thì sẽ mang đến những suy nghĩ tích cực trong suốt một ngày, khởi đầu bằng suy nghĩ tích cực thì suốt một ngày sẽ có tràn ngập những điều tích cực.
Thầy hỏi: vấn đề trong cuộc sống của mình là gì? Vấn đề là mỗi ngày mình đều tự tạo ra cho mình rất nhiều chuyện khó khăn khác nhau, những vấn đề của mình đa số đều là do mình tự tạo ra mà thôi. Tại sao như vậy? bởi vì trong tâm mình đã quen với nhiều suy nghĩ tiêu cực. Để gạt bỏ bớt những suy nghĩ tiêu cực đó đi, thì cần phải có cách để luyện tập và gieo trồng những hạt giống tốt, tích cực vào tâm thức, dần dần mình sẽ trở nên tích cực hơn;
Bắt đầu, không cần phải suy nghĩ đến những chuyện thay đổi lớn lao, hãy cố gắng từng chút nhỏ. Ví dụ cố gắng thay đổi cho 1 ngày. Nếu đã thay đổi được 1 ngày từ xấu chuyển sang tốt , thì có thể thay đổi được 1 tháng, tiếp đến có thể thay đổi được 1 năm và tiếp đến là thay đổi được nhiều năm. Khi có thể thay đổi được nhiều năm, thì cuộc sống chắc chắn đã thay đổi theo hướng tích cực.