Tóm tắt bài giảng - Tính vĩ đại của Lamrim
Ngày thứ 2: Tiểu sử Ngài Atisha
Tổ Atisha vĩ đại đã hệ thống hóa các nội dung giảng dạy của Đức Phật thành văn bản Lamrim về các thứ tự thực hành này. Lamrim hướng dẫn chúng ta các trình tự thực hành, thiền ở trong đạo Phật. Mục đích đi theo trình tự này là để chúng ta thực hành tốt lời dạy của Phật. Điều quan trọng đầu tiên là phải hiểu đúng về Phật pháp. Điều quan trọng thứ hai là khi thực hành Phật pháp, phải thấy được lợi ích của việc thực hành đó. Thầy vẫn thường hay giảng và khuyên các học trò rằng khi đọc sách, tụng kinh mà cảm thấy mệt mỏi, thì điều cần làm là xếp sách lại nghỉ. Khi thực hành Phật pháp, cần được giải phóng bởi 2 điều: sợ hãi và kỳ vọng. Sự sợ hãi nếu không làm điều này, điều kia thì sẽ bị lỗi lầm, rất đau khổ, hoặc sẽ bị mắc tội gì đó...cần phải giải phóng khỏi nỗi sợ này. Thứ hai, giải phóng khỏi kỳ vọng: kỳ vọng làm thế này, thế kia thì sẽ có được kết quả tốt; nếu làm mà không được kết quả tốt như thế thì không làm, cần giải phóng khỏi điều kỳ vọng đó. Chỉ khi nào thực hành bằng niềm tin và thấy được lợi lạc từ việc này, thì sẽ nhận được rất nhiều lợi lạc từ Phật pháp. Nếu thực hành pháp một thời gian mà vẫn chưa thấy lợi lạc hay kết quả tốt thì hãy nên suy nghĩ lại: mình đã thực hành đúng hay chưa, có phạm phải sai lầm trong lúc thực hành hay không?
Hiểu biết về đạo Phật quan trọng hơn là có niềm tin ở đạo Phật. Đương nhiên khi thực hành đạo Phật thì cần có niềm tin, tuy nhiên niềm tin đó nên xuất phát từ sự am hiểu. Hãy thấu hiểu trước, từ đó có được niềm tin thì niềm tin đó sẽ vững chắc và tốt hơn. Do đó, trong các buổi học Lamrim thầy sẽ giúp lớp học của chúng ta hiểu biết sâu sắc về đạo Phật trước; từ sự hiểu biết đúng đó mình phát sinh được niềm tin vào đạo Phật để thực hành cho tốt. Nếu mình hiểu rồi và sau đó không tin nữa thì đó cũng là một điều hay. Nếu mình đã hiểu đúng rồi, sau đó tin hay không tin thì nó cũng đều tốt; còn chưa tìm hiểu gì hết mà đã vội tin hoặc chưa tìm hiểu, chưa biết gì đã vội không tin - cả 2 cái này đều không tốt.
Trong sách Giải thoát trong lòng tay ngày thứ 3 (trang 129, quyển 1) nói về 4 tính vĩ đại của Lamrim:
- Giúp nhận ra rằng mọi giáo lý đều nhất quán:
Có câu hỏi: học xong Lamrim rồi mình có được gì? Đầu tiên mình có được hiểu biết sâu sắc về đạo Phật và đức Phật. Nói chung, cần phải hiểu cả 2, cả đức Phật và đạo Phật. Do đó cần học Lamrim để hiểu cả 2 vấn đề trên. Thực tế, để hiểu được đạo Phật thì dễ còn hiểu được đức Phật thì khó. Ai mà hiểu rõ về đức Phật thì sẽ cảm thấy đạo Phật rắc rối; ngược lại ai mà hiểu rõ vè đức Phật thì sẽ thấy đạo Phật rất là rắc rối. Ở thời của đức Phật, đôi lúc 1 người hỏi 1 câu hỏi như thế đức Phật trả lời 1 kiểu, 1 người khác cũng hỏi 1 câu như thế thì đức Phật lại trả lời 1 kiểu khác. Ví dụ: có người hỏi đức Phật rằng có ngã hay không, đức Phật trả lời là có ngã (là nhân ngã); có lúc có người khác hỏi y như thế thì đức Phật lại trả lời là không có ngã (nhân vô ngã); có lúc 1 người khác hỏi y như thế đức Phật lại im lặng không trả lời gì cả. Cho nên để hiểu rõ về tâm ý đức Phật không phải là một chuyện dễ dàng. Thực ra, bởi vì tâm chúng ta rắc rối, lung tung, nên ta không thể nào hiểu được đức Phật (một người có tâm ý cực kỳ đơn giản). Để hiểu được 1 điều đơn giản thì mình chỉ cần suy nghĩ 1 cách đơn giản mà thôi, không cần suy nghĩ phức tạp.
Thầy hỏi: đức Phật thích ăn món gì? Câu trả lời rất đơn giản: mình thích ăn món gì thì Phật thích ăn món đó. Nên khi cúng dường đức Phật, mình cúng món mình thích cho Đức Phật thì Phật sẽ rất hoan hỉ với món cúng dường đó. Bởi vì đức Phật đã giác ngộ và ngài đã đến trạng thái tinh hoan hỉ với tất cả những gì ở thế gian này, không có chút khó chịu nào cả. Nên hễ mình có thích món gì dâng lên đức Phật thì Phật cũng sẽ đều hoan hỉ.
Cho nên khi học Lamrim xong, ta sẽ thấy rằng trong tất cả lời giảng của đức Phật không có lời giảng nào mâu thuẫn với nhau cả. Khi mà đã am hiểu những điều đức Phật dạy rồi, sau đó ta có thể tự quyết định có muốn tin hay là không..
- Giúp giảm thiểu được các phiền não. Khiến cho mọi kinh điển đối với bạn đều trở thành lời chỉ giáo
Khi học Phật pháp để thực hành, đó là đang đầu tư thời gian của mình. Nếu đầu tư như thế mà lại không giúp được gì để giảm thiểu được phiền não, xem như đầu tư của thất bại (mất thời gian). Lúc trước, có người thưa với thầy muốn xuất gia vì thấy ở đâu cũng khổ. Thầy cho rằng đó là điều dại dột. Nếu mang tư tưởng vì chỗ này khổ, chỗ kia khổ nên xuất gia, thì có thể thấy ở chùa 1 thời gian cũng khổ. Như vậy lại phải đi tìm một nơi khác; khó có thể tìm thấy một nơi nào bình yên không còn khổ đau nữa. Với tâm lý như thế thì xuất gia sẽ là chạy trốn hết từ nơi nay đến nơi khác, không tìm được con đường nào thật sự bình yên.
Khi học và thật sự hiểu về Phật pháp, sẽ thấy nếu trên đời này có hàng trăm khó khăn thì cũng sẽ có hàng ngàn phương pháp để giải quyết triệt để những khó khăn đó. Ví dụ nếu thấy được trong cuộc đời có 10 nguyên nhân khiến mình bất hạnh, thì sau khi học và hiểu được Phật pháp sẽ thấy bên cạnh 10 nguyên nhân bất hạnh đó mình cũng có hàng trăm phương cách để mình có được hạnh phúc, cảm thấy được bình yên. Đó là lợi ích của việc học và hiểu Phật pháp, bên cạnh việc nhận diện được những khổ đau trong cuộc đời, mình cũng có trong tay nhiều phương pháp - nhiều hơn số lượng khổ đau- để giúp mình có thể vượt qua những khổ đau đó. Sẽ nhận ra có nhiều nguyên nhân để hạnh phúc hơn là những nguyên nhân để cảm thấy bất hạnh.
- Giúp dễ dàng khám phá ý thật của Phật:
Sau khi học Lamrim mình sẽ hiểu được Phật dạy như thế là có ngụ ý gi. Khi đã hiểu đúng ý của Phật thì mới hiểu Phật. Khi đó sẽ dễ trở thành Phật hơn. Do đó, đức Phật đã dạy rằng: Tất cả mọi chúng sinh đều có thể trở thành Phật. Nghĩa là chúng ta và tất cả mọi người, ai cũng có khả năng diệt trừ hết mọi phiền não của mình và đạt được sự giác ngộ, có được tâm bình yên. Khi trong tinh thần của mình không còn phiền não, chỉ có an lạc, lúc đó sẽ thành Phật.
Thầy vẫn thường hay nói, Từ bi là thông điệp của thầy, tìm hiểu - phân tích là chân lý của thầy và ăn mừng là tôn giáo của thầy. Thầy muốn học trò của thầy thực hành Phật pháp với gương mặt hoan hỉ, thật sự cảm thấy niềm vui trong mọi pháp hành của mình. Khi mình học Phật pháp, chỉ khi nào mình áp dụng được giáo pháp đó và giúp mình có được niềm vui, đẩy lùi được phiền não thì Phật pháp đó mới ở trong tâm trí của mình lâu. Nên khi mình học được gì và chia sẻ những điều tốt, điều hay, có giá trị với mọi người xung quanh kèm theo những chia sẻ đó mình cười, tạo không khí vui vẻ, đó cũng là một điều rất hay. Có 1 điều cần nhớ: khi ăn mừng và chia sẻ với mọi người đó, thì không uống bia, rượu.