
TUẦN 94 – NGÀY 9/7/2025
CHỦ ĐỀ: THIỀN CHỈ (SAMATHA)
(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)
Khi bắt đầu học thiền chỉ (Samatha), chúng ta phải chú ý một số điểm như thế này. Thiền định, tức tập thiền để tăng trưởng định lực, như một bài tập, một quá trình luyện tập cho tâm để phát triển được khả năng tập trung, hay còn gọi là định lực. Chữ Samatha có ý nghĩa là nói đến tất cả các giai đoạn mà người thực hành thiền phải đạt được, ví dụ như có bao nhiêu bước và phải làm gì để đạt đến bước nào. Khi đã đạt đến giai đoạn cuối cùng, tức thành tựu được đích đến của thiền chỉ, ta sẽ có khả năng tập trung vào đối tượng mà không hề có cảm giác mệt mỏi, không bị phân tâm. Kèm theo khả năng tập trung đó là một cảm giác rất hỷ lạc.
Hãy luôn ghi nhớ một điều này: khi thực hành thiền định, chúng ta nhất định phải cải thiện được trạng thái tâm. Nếu tu thiền từ năm này qua năm khác mà vẫn không thấy được tiến bộ, không thấy được sự thay đổi nào trong trạng thái tâm của mình thì chúng ta đã đi sai đường. Bây giờ chúng ta sẽ học bằng cách nào từng bước một để đạt đến đích đến cuối cùng trong quá trình tu thiền định, đó là Samatha.
Chúng ta hãy mở sách ở trang 264, quyển 2 Giải Thoát Trong Lòng Tay, bắt đầu vào phần thiền chỉ. Chúng ta đã xong phần 5 cạm bẫy, bây giờ sang tiến trình thực thụ để đạt 9 trạng thái tâm của thiền chỉ. Trong toàn bộ giáo trình Giải Thoát Trong Lòng Tay, 2 ba la mật sau cùng (thiền định ba la mật và trí tuệ ba la mật) là 2 phần cực kỳ quan trọng.
Ở đây chúng ta phải lưu ý một điều cực kỳ quan trọng nữa: từ thời điểm này trở đi, từ phần thiền định ba la mật (Samatha) về sau, kể cả phần Tánh Không, nếu chúng ta phát hiện lời Thầy hướng dẫn trên lớp có mâu thuẫn với những gì được viết trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay thì nhất định chúng ta phải làm theo những chỉ dẫn trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Đạo tràng luôn phải nhớ đến điểm mà Thầy vừa nhấn mạnh. Vì đôi lúc Thầy có thể nhầm lẫn một chút nhưng những gì được viết trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay thì không hề nhầm lẫn.
Để đạt đến đích sau cùng là đạt được thiền định an chỉ, chúng ta phải trải qua 9 bước. 9 giai đoạn này ví như chúng ta đi học từ lớp 1 đến lớp 9.
Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn mới bắt đầu vào thiền chỉ. Đây là giai đoạn tập trung có gượng ép. Ở giai đoạn thứ nhất, ta bắt đầu học cách làm sao trói được tâm mình lên đối tượng thiền. Ví dụ, ta chọn đối tượng thiền là hơi thở. Trong giai đoạn thứ nhất, nếu ta có thể tập trung vào hơi thở trong suốt 1 phút mà hoàn toàn không bị mất tập trung vào đối tượng thiền, không bị đối tượng khác xen ngang thì xem như chúng ta đã hoàn tất được giai đoạn 1. Giai đoạn 1 được tính theo thời gian 1 phút đồng hồ.
Bây giờ ta đặt mục tiêu không bị mất tập trung trong suốt 1 phút đồng hồ. Vậy trong 1 phút đồng hồ đó, những chướng ngại nào có thể xảy ra? Thứ nhất là trạo cử, tức bị phân tâm. Đầu tiên, ta phải có khả năng phát hiện lúc nào mình bị phân tâm. Phân tâm ở đây là ta phát hiện ra ban đầu mình chọn hơi thở là đối tượng thiền, nhưng sau một đỗi, ta phát hiện ra tâm mình đang tập trung vào đối tượng khác không phải là hơi thở, ta gọi đó là trạo cử, tức bị phân tâm. Ở thời điểm phát hiện mình đang bị phân tâm thì hãy đếm hơi thở, đếm từ 1 đến 7, đến 10… Đếm cho đến khi nào ta thấy tâm mình quay trở lại được vào hơi thở thì ngừng đếm.
Thầy muốn chia sẻ một chuyện vui thế này: chuyến hành hương sang tu viện của Thầy ở Nepal lần này khá ngắn. Rất nhiều học trò chia sẻ với Thầy là họ rất tận hưởng chuyến đi. Khóa nhập thất ngắn hơn mọi năm, nhưng Thầy nghe nói là để chuẩn bị cho 4-5 ngày nhập thất đó, các thầy trong tu viện phải làm tất cả mọi việc không nghỉ suốt 1 tuần trước đó như lau dọn, sửa bóng đèn… Bản thân Thầy cũng rất thích những ngày nhập thất vừa qua ở tu viện Nepal, bây giờ Thầy đã trở về tu viện Gyuto ở Ấn Độ.
Chướng ngại trong giai đoạn thứ nhất chủ yếu là trạo cử, tức là phân tâm. Ta phải có khả năng phát hiện mình đang bị phân tâm, tức phải phát hiện được lúc này tâm mình đã hoàn toàn suy nghĩ đến chuyện khác, không còn chú tâm vào hơi thở nữa. Khi phát hiện như thế, ta phải nỗ lực quay lại tập trung vào hơi thở. Nếu nỗ lực lần đầu quay trở lại theo dõi hơi thở mà vẫn thấy tiếp tục bị phân tâm thì ta tiến hành đếm hơi thở. Đếm đến khi nào ta nhận thấy đã quay trở lại tập trung được vào hơi thở khá vững chắc thì ngừng đếm và tiếp tục thời thiền.
Nếu không luyện tâm, chúng ta sẽ rất khó có khả năng tập trung vào duy nhất một đối tượng tại một thời điểm. Tất cả mọi suy nghĩ phát sinh trong tâm giống như là ngoại lực ép lên tâm mình. Cho nên, người nào có quá nhiều suy nghĩ cùng một lúc phát sinh trong tâm thì sẽ dễ bị căng thẳng, lo âu, nổi giận vì có quá nhiều thứ diễn ra trong tâm, khiến họ không có khả năng giữ tâm cố định ở một chỗ. Nếu có thể tập trung vào một đối tượng thiền trong suốt 1 phút thì ta nhận ra rằng tâm ta trở nên rất thư giãn, thoải mái, dễ chịu.
Thầy cho đạo tràng vài phút tập trung vào hơi thở. Trong thời gian đó, Thầy sẽ đọc kinh Bát nhã. Nếu trong tay có tràng hạt, chúng ta có thể dùng tràng hạt để đếm xem trong vài phút đồng hồ đó, chúng ta bị phân tâm bao nhiêu lần. Mỗi một lần phát hiện tâm đã chạy sang đối tượng khác, ta đếm lên một hạt, sau đó tập trung trở lại vào hơi thở. Cứ như thế đếm tổng số lần bị phân tâm trong vài phút đó. Lưu ý, chúng ta dùng tràng hạt không phải để đếm hơi thở mà đếm xem mình bị phân tâm bao nhiêu lần trong suốt thời thiền.
Đếm số lần bị phân tâm trong một khoảng thời gian cố định như thế thực ra là chỉ số cho thấy tâm mình có đang khỏe mạnh hay không. Ví dụ, trong 1 phút đồng hồ ngắn ngủi, ta bị phân tâm rất nhiều thì điều đó nói lên rằng tâm ta đang trong trạng thái không khỏe mạnh, giống như đo đường huyết vậy.
Thầy cho đạo tràng 7 phút để thiền. Trong lúc đó Thầy sẽ tụng kinh Bát Nhã. Trong 7 phút đó, ta thử xem tâm mình đã phân tâm tệ đến mức nào. Trong 7 phút này hãy tận dụng thời gian để thiền, chứ đừng lướt qua video trong lớp xem mọi người đang làm gì. Chúng ta là thiền giả, không phải là đi xem phim (Rinpoche cười).
Lưu ý, khi tập trung vào hơi thở là ta quan sát luồng khí đi ra, đi vào cửa mũi của mình, tâm lúc đó hãy tập trung vào cửa mũi, quan sát luồng khí đi ra, đi vào.
(Đạo tràng đang thiền)
Bây giờ chúng ta nhìn lại tràng hạt xem mình đã bị phân tâm bao nhiêu lần trong suốt thời thiền. Thầy chia làm 3 mức gồm bị phân tâm dưới 15 lần, bị phân tâm từ 15-25 lần và bị phân tâm trên 25 lần. Trong 7 phút, nếu ta bị phân tâm trên 25 lần thì thật sự rất tệ, vì bị phân tâm quá nhiều. 2 mức còn lại là bị phân tâm khoảng 15-25 lần và mức tốt nhất là dưới 15 lần, nhưng trong thời thiền hôm nay, Thầy nghĩ mức tốt nhất là bị phân tâm từ 15-25 lần.
Lý do mức giữa, từ 15-25 lần, là mức tốt nhất là bởi vì nếu ta đếm ra con số quá ít, nhiều khả năng tâm tỉnh giác đang không làm việc tốt. Ví dụ, ta đã bị phân tâm rồi mà đến 10-20 giây sau mới phát hiện ra nãy giờ tâm chạy sang đối tượng khác. Lúc đó, trải qua 7 phút đồng hồ thì số lần phát hiện bị phân tâm rất ít. Còn nếu tâm tỉnh giác đã phát triển đến mức tốt rồi, thì ngay lập tức 1 giây sau khi bị mất tâp trung là ta phát hiện ra ngay mình đã bị phân tâm. Lúc đó, ta sẽ đếm được rất nhiều lần phân tâm. Cho nên, Thầy nói rằng 15-25 lần phân tâm là tốt hơn mức dưới 15 lần phân tâm.
Trong giai đoạn thứ nhất, chúng ta sẽ không quá chú trọng vào việc mình có tập trung vào đối tượng thiền tốt hay không. Mục tiêu tối quan trọng ở giai đoạn thứ nhất là phải phát triển được tâm tỉnh giác, tức khả năng phát hiện được khi nào mình đang bị phân tâm và khi nào đang tập trung tốt. Đây là công cụ mà chúng ta phải phát triển được ngay từ giai đoạn đầu tiên. Tâm tỉnh giác là phần cực kỳ quan trọng trong quá trình tu thiền. Nhưng còn một thứ quan trọng hơn cả tâm tỉnh giác, đó là Zoom.
Tâm tỉnh giác tốt nhất ở đây là ngay thời điểm tâm nhảy sang đối tượng khác không phải là hơi thở thì ta phát hiện được ngay và đếm được 1 lần mất tập trung. Còn nếu như đang thiền về hơi thở thì ta lại nghĩ sang ngôi nhà, rồi nghĩ qua món ăn rồi mới chợt phát hiện mình đã quên tập trung vào hơi thở, lúc đó ta mới đếm là 1 lần mất tập trung. Thực ra, về bản chất, ta đã mất tập trung 2 lần rồi, tâm đã nhảy đối tượng đến 2 lần. Lúc đó tâm tỉnh giác của mình rất yếu, vì không phát hiện kịp thời mình đã mất tập trung.
Tâm tỉnh giác rất quan trọng, không chỉ trong bối cảnh thực hành thiền định, mà đối với tất cả mọi tình huống vì tâm tỉnh giác là khả năng nhận thức rõ ràng cái gì đang diễn ra xung quanh mình. Ví dụ, lúc ta đang ăn, nếu tâm không tỉnh giác, cứ bị mất tập trung thì làm sao có thể tận hưởng được vị ngon của món ăn. Hay lúc quây quần bên gia đình, nếu tâm không tỉnh giác, không ý thức được sự hiện diện của người thân ở bên cạnh mình thì ta cũng không tận hưởng được không khí gia đình. Nếu không phát triển được tâm tỉnh giác thì chúng ta sẽ không có được an lạc, hạnh phúc.
Thầy dành cho đạo tràng 5 phút thiền và trong 5 phút này hãy nỗ lực phát triển tâm tỉnh giác, cố gắng nhận biết rõ tâm có đang tập trung vào hơi thở hay không. Trong lúc chúng ta thiền, Thầy sẽ tụng kinh Bát Nhã. Quan trọng là chúng ta phải đếm xem mình bị trạo cử, bị mất tập trung bao nhiêu lần.
(Đạo tràng đang thiền)
Trong khoảng 5 phút vừa rồi, chúng ta có thực thụ cảm nhận được tâm mình bị trạo cử tệ đến thế nào? Ở giai đoạn thứ nhất, ta không chú trọng vào việc làm phát sinh định lực mà chú trọng vào việc phát sinh tâm tỉnh giác. Tâm tỉnh giác là khả năng phát hiện ra khi nào tâm đã rời khỏi đối tượng thiền. Khả năng ngay lập tức phát hiện tâm rời khỏi đối tượng thiền là kỹ năng cực kỳ quan trọng để có thể thành tựu được thiền chỉ.
Lấy ví dụ, ta chọn hơi thở làm đối tượng thiền và trong 1 phút đó, ta hoàn toàn không bị phân tâm, tức tâm không bị nhảy sang đối tượng khác, nghĩa là ta đã thành tựu được giai đoạn thứ nhất.
Thêm một yếu tố quan trọng nữa ta cần chú ý trong giai đoạn thứ nhất. Đó là có 2 loại trạo cử: trạo cử một phần và trạo cử hoàn toàn. Trạo cử một phần là phân tâm một phần thôi, tức một phần tâm vẫn có thể tập trung vào hơi thở nhưng phần còn lại của tâm bắt đầu nghĩ sang chuyện khác như nghĩ về thức ăn. Nghĩa là đối tượng hơi thở vẫn chưa hoàn toàn biến mất khỏi tâm mình. Ví dụ, ta đang thiền về hơi thở nhưng tai vẫn nghe âm thanh ai đó đang nói chuyện. Trong giai đoạn thứ nhất, ta sẽ không tính phân tâm một phần. Loại phân tâm thứ 2 là hoàn toàn phân tâm, tức hoàn toàn quên mất hơi thở, tâm lúc đó đã hoàn toàn nghĩ sang đối tượng khác. Khi đó tâm tỉnh giác phải đếm là 1 lần phân tâm trong 1 phút thực hành. Chúng ta hãy tiến hành như thế. Trong giai đoạn thứ nhất, ta không quan tâm đến phân tâm một phần, mà chỉ đếm phân tâm hoàn toàn thôi.
Điều tiếp theo cũng rất quan trọng: khi ta đang thiền tập trung vào hơi thở, bất thình lình tai nghe âm thanh thì đó có gọi là phân tâm không? Thầy nói rằng ngay thời điểm đó chưa gọi là phân tâm. Khi nghe âm thanh, ngay lập tức tâm bắt đầu phân tích tiếp điều gì đang xảy ra... thì đó mới tính là phân tâm.
Nếu đạo tràng không có gì bất tiện, hãy bật webcam lên. Trong lúc tụng kinh, Thầy thấy mặt học trò, Thầy cảm nhận thời tụng kinh của Thầy sẽ tốt hơn. Thầy vẫn hay nói với học trò rằng nhiều học trò lên lớp Zoom nhưng không bật video lên nên ô của các học trò đó bị tối đen, làm cho Thầy có cảm giác như đang xem Netfilx mà bị hết hạn thuê bao nên màn hình bị tối đen. Nếu Thầy thấy quá nhiều ô tối đen trên Zoom vì nhiều học trò không bật video lên, Thầy cảm giác như là Thầy phải đóng tiền gia hạn thuê bao thì mới xem được video. Nhiều học trò chỉ để ảnh của bản thân, ban đầu Thầy tưởng là video, sau đó thấy video đó hoàn toàn không chuyển động, Thầy mới nhận ra đó chỉ là bức hình thôi, không phải video của học trò.
Bài tập về nhà trong tuần này là thực hành thiền và tập trung vào phát triển tâm tỉnh giác. Chúng ta đừng thiền quá 5 phút, mà chia nhỏ ra, chỉ thiền từ 2-5 phút. Trong vài phút này, hãy nỗ lực phát triển tâm tỉnh giác, quan sát xem tâm có đang tập trung vào đối tượng thiền hay đã nhảy sang đối tượng khác. Tâm tỉnh giác quan trọng không chỉ ở bước này, mà ta còn cần đến tâm tỉnh giác trong tất cả mọi giai đoạn thiền từ nay cho đến lúc đạt đến tâm tịnh chỉ. Không những thế, trong cuộc sống, nếu duy trì tâm tỉnh giác trong tất cả mọi hoạt động của mình, như từ ăn uống, đi đứng, nằm ngồi cho đến làm việc thì chúng ta sẽ giảm được 50% khả năng phát sinh phiền não.