02-07-2025
Lamrim 2023
Download MP3

TUẦN 93 – NGÀY 02/07/2025

CHỦ ĐỀ: CHÍN GIAI ĐOẠN CỦA TỊNH CHỈ

(Geshe Lharampa Thabkhe Lodroe hướng dẫn)

Thầy và học viên cùng phát khởi động cơ thanh tịnh trước buổi học pháp. Bắt đầu tụng kệ Quy Y Tam Bảo và Phát tâm Bồ Đề (3 lần). Chúng ta đang thực hành pháp Đại thừa, không những nghĩ đến lợi lạc cho bản thân mà còn phải nghĩ đến lợi lạc cho tất cả mọi chúng sanh. Với động cơ đúng đắn và kết thúc hồi hướng thì việc học pháp mới trọn vẹn và thành tựu viên mãn.

Thực hành thiền đếm hơi thở:

Bước 1: Tìm nơi ngồi thiền yên tĩnh, thoải mái, cần chuẩn bị tư thế ngồi thẳng lưng theo thế ngồi Tỳ-lô-giá-na hay nếu có đau lưng thì ngồi theo tư thế thoải mái nhất, phù hợp với sức khỏe.

Bước 2: Hít hơi thở thật sâu vào bằng mũi và thở ra bằng miệng (3 lần). Ta cảm thấy thân thể như thế nào và cảm nhận về nó.

Bước 3: Tập trung vào hơi thở sẽ giúp ta có kinh nghiệm thực hành thiền đơn giản, không quan trọng là chúng ta biết thực hành thiền hay không. Đếm hơi thở hít vào thở ra 10 lần.

Bước 4: Thở một hơi thật dài ra ngoài và thả lỏng toàn thân - tâm.

SÁU BA LA MẬT (tiếp theo)

5/ THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT:

Cách thực thụ để đạt tâm tịnh chỉ (xem trang 271, quyển 2 Giải Thoát Trong Lòng Tay): cần phải từ bỏ 5 hố sâu, tức 5 cạm bẫy khiến ta không thành tựu được tịnh chỉ.

Chướng ngại thứ nhất: Lười biếng/giải đãi

Lười biếng/giải đãi có 2 lỗi lớn:

- Trì hoãn: nghĩ rằng chuyện này hôm nay không làm, để ngày mai làm cũng được.

- Lười biếng bám chấp vào các việc xấu (tà hạnh): không chịu từ bỏ những tà hạnh, không chịu sửa đổi bằng cách làm các việc tốt.

Tâm lười biếng, giải đãi, trì hoãn chính là cạm bẫy, chướng ngại thứ nhất đối với sự phát triển định lực.

Khi thiền về đối tượng, ví dụ như thiền về hình ảnh, thỉnh thoảng ta thấy bị lu mờ, mất nét, buồn ngủ, chán nản, hình ảnh trở nên tối lại, thì lúc đó ta đang bị trạng thái mơ hồ.

Chúng ta có thể áp dụng pháp đối trị nào để diệt trừ tâm lười biếng khi nó phát sinh?

Pháp đối trị 1: Phát khởi tín tâm nhờ thấy rõ lợi lạc của tịnh chỉ.

Pháp đối trị 2: Khởi tâm mong mỏi thành tựu tịnh chỉ.

Pháp đối trị 3: Tinh tấn trong thực hành nhằm đạt được tịnh chỉ.

Pháp đối trị 4: Nghĩ về thành quả khi đạt được tịnh chỉ: khinh an.

Chúng ta đã học xong phạm vi nhỏ, về sự thuận duyên có được thân người, vô thường, khổ đau trong cõi luân hồi, quy y Tam Bảo... Chúng ta có thể áp dụng thực hành thiền các chủ đề đã học này. Nếu như ta nghĩ rằng sau này sẽ thực hành thiền thì đó là lỗi lầm lớn.

Chướng ngại thứ hai: Thất niệm

Thất niệm có nghĩa là không nhớ lời chỉ giáo hoặc quên đối tượng thiền. Để thành tựu tịnh chỉ, cần làm theo những hướng dẫn, nếu hướng dẫn mà cũng quên thì không thể thiền được.

Khi thiền về hình ảnh tượng Phật Thích Ca, đôi lúc ta mất đi hình ảnh Phật, đó chính là thất niệm.

Chướng ngại thứ ba: Hôn trầm và trạo cử

Hôn trầm nghĩa là tâm đang thiền tập trung vào đối tượng thiền, nhưng hình ảnh đối tượng thiền không còn rõ ràng, dần dần tối đen, mờ mịt, cuối cùng không thấy được đối tượng thiền nữa.

Khi ta đang thực hành thiền vào buổi sáng, bất ngờ có điện thoại gọi đến, ta nhấc máy nghe và nói chuyện, hay nghĩ đến thức ăn sáng là món nào, tâm tán loạn không tập trung được vào đối tượng thiền mà cứ nghĩ đến đối tượng khác. Đó chính là trạo cử.

Thỉnh thoảng trong lúc thiền, ta cảm thấy chán, đó là hôn trầm. Hay tâm quá phân tích chi tiết, nghe âm thanh lớn làm ta phân tâm, khó chịu, đó là trạo cử. Ta sẽ không nhận biết được tâm tán loạn, vọng tưởng trong lúc thiền. Để nhận biết có tâm vọng tưởng tán loạn hay không thì phải biết phân tích, kiểm soát phát hiện có lỗi hay không trong lúc thiền, đó chính là chánh tri (tỉnh giác). Nhờ tỉnh giác sẽ giúp ta hiểu áp dụng phương pháp đối trị với những lỗi trong lúc thiền.

Ví dụ, khi ta cảm thấy tâm tán loạn ra các đối tượng bên ngoài thì áp dụng thiền trong không gian tối. Khi ta cảm thấy nóng thì bật quạt.

Khi có hôn trầm và trạo cử, cần nhận biết chúng và áp dụng pháp đối trị chánh tri cắt đứt nguyên nhân.

Khi đang thiền thì bất ngờ có điện thoại đến, ta cần phải áp dụng pháp đối trị là tắt điện thoại. Hay nghe âm thanh lớn chói tai làm tâm ta tán loạn khó chịu thì chuyển sang nơi yên tĩnh.

SƠ ĐỒ 9 GIAI ĐOẠN CỦA TỊNH CHỈ

Link hình 9 giai đoạn của tịnh chỉ: https://vn.dipkar.com/download/material/hinh-anh/ThienChi.jpg

(Xem thêm trang 292, quyển 2 Giải Thoát Trong Lòng Tay)

9 giai đoạn của tịnh chỉ gồm nội trụ, đẳng trụ, tái trụ tâm, cận trụ, điều phục, an tĩnh, cực tĩnh, nhất tâm, định chỉ.

Diễn giải bức hình mô phỏng các tiến trình thiền tịnh chỉ và tâm thức phát triển như thế nào. Bức hình tương ứng với 9 trạng thái tâm là 9 quá trình tâm thức phát triển thông qua phương pháp rèn luyện tịnh chỉ để cuối cùng có được sự tập trung chuyên nhất.

Vị tu sĩ trong bức hình này là thiền giả. Tay trái vị tu sĩ cầm sợi dây thừng tượng trưng cho chánh niệm, tay phải cầm rìu tượng trưng cho chánh tri (tỉnh giác). Tỉnh giác nghĩa là tâm canh chừng mình đang còn tập trung hay đã nghĩ sang đối tượng khác mất rồi. Một khi nhận biết đã lạc mất đối tượng thì phải quay trở lại tập trung vào đối tượng thiền.

Trong bức hình, con voi đi phía trước người tu sĩ. Con voi màu đen tượng trưng cho hôn trầm, mơ hồ. Con khỉ ở phía trước đang dẫn con voi theo, con khỉ tượng trưng cho trạo cử. Trạo cử nghĩa là tâm bị tán loạn nhảy hết chỗ này sang chỗ khác giống như một con khỉ nhảy từ chỗ này sang chỗ khác, vì tán loạn chi phối khiến tâm mình chạy theo những tán loạn đó.

Trạng thái tâm 1 (hình 1): gọi là tập trung gượng ép, còn gọi là nội trụ. Nghĩa là tâm đang không tập trung vào đối tượng thiền được, cứ nhảy ra bên ngoài nên cần kéo tâm tập trung vào đối tượng thiền. Trong bức hình, màu của con voi hoàn toàn đen, nghĩa là hoàn toàn điên dại và chưa được thuần phục.

Phương pháp để làm được chuyện đó là cần có tỉnh giác, nghĩa là quan sát xem tâm đang tập trung vào đối tượng thiền, hay đang tập trung vào đối tượng bên ngoài. Nếu đang tập trung vào đối tượng bên ngoài thì cần kéo tâm tập trung trở lại vào đối tượng thiền.

Trạng thái tâm 2 (hình 2): ta đã có thể phát hiện tâm có những lỗi gì và tinh tấn nỗ lực khắc phục lỗi của tâm để tâm có thể tập trung vào đối tượng thiền thì đến trạng thái tâm 2, ta có điều phục được tâm một chút xíu, tuy không hoàn toàn nhưng vẫn có được sự kiểm soát tâm nhiều hơn so với trạng thái tâm thứ nhất. Cho nên, trong bức hình trạng thái tâm 2, con voi có chút xíu trắng trên đầu, nghĩa là con voi có một phần được thuần phục, giảm hôn trầm một chút.

Ví dụ, khi ở trong chợ hay đi mua sắm, ta thường bị bám chấp vào thức ăn, cây kem ngon, đồ vật, quần áo đẹp thì ngay lúc ấy cần phải tỉnh giác nhận biết thức ăn nào tốt cho sức khỏe và thức ăn nào có hại cho sức khỏe. Tương tự như trạo cử khiến tâm ta tán loạn chạy theo những đối tượng đó.

Trạng thái tâm 3 (hình 3): vị tu sĩ đang cầm sợi dây và đang trói được vào con voi và con khỉ, trên con voi có con thỏ màu đen. Ở trạng thái tâm 2, vị tu sĩ không thể trói được con voi và đang chạy theo con voi, nghĩa là ở trạng thái tâm 2, tuy có thể tập trung được vào đối tượng, nhưng hễ tập trung được một chút thì tâm lại nhảy sang đối tượng khác, ta cứ mãi chạy theo kéo tâm mình trở lại. Đến trạng thái tâm 3, năng lực tập trung của mình đã tốt hơn một chút xíu. Khi nào tâm vừa mất đối tượng, vừa nhảy sang đối tượng khác thì lập tức ta kéo tâm về liền, không để tâm chạy xa nữa. Do đó, ở trong hình, vị tu sĩ đã cột được con voi, khiến con voi nghe lời một chút xíu chứ không chạy hoang như ở hình về trạng thái tâm 2.

Trạng thái tâm 4 (hình 4): ta thấy trên lưng con voi có con thỏ hơi trắng, con thỏ tượng trưng cho hôn trầm vi tế, con voi phần đầu và chân trước dần dần trắng hơn, còn con khỉ dần dần trắng hơn và nhỏ dần. Cho nên, ở trạng thái tâm 4, ta đã tập trung được một chút vào đối tượng thiền, không có buồn ngủ nhưng xảy ra trường hợp là tập trung được chút xíu thì đối tượng dần dần mờ, đen rồi mất luôn. Đó là hôn trầm vi tế. Hôn trầm vi tế xuất hiện ở trạng thái tâm 4. Đây không phải là trạng thái thiền đúng.

Khi ta thiền giai đoạn đầu, vì chịu chi phối mãnh liệt bởi hôn trầm và trạo cử (con voi và con khỉ màu đen) nên ta không đủ định lực, rất khó kiểm soát được tâm của mình (tu sĩ đi phía sau con voi, con khỉ). Càng thực hành thiền thì ta có được định lực chánh niệm và tỉnh giác nhiều hơn, biểu hiện qua việc tu sĩ đi trước con voi và con khỉ.

Trạng thái tâm 5 (hình 5) lên trạng trái tâm 6, 7, 8: nhờ tinh tấn nỗ lực khắc phục các trở ngại nên khoảng cách giữa vị tu sĩ và con voi thu gần hơn. Con voi dần dần trắng hơn, con khỉ và con thỏ cũng dần dần trắng hơn, nhỏ dần và biến mất (bên trái bức hình có cây lớn nhiều hoa quả). Màu trắng tượng trưng cho mức độ thuần phục tâm của mình và thuần phục các chướng ngại hôn trầm, mơ hồ, trạo cử nhiều hơn. Lúc này vị tu sĩ đã có thể kiểm soát được tâm mình, không bị lôi kéo bởi phiền não và các chướng ngại như hôn trầm, trạo cử tuy có nhưng dần dần được thuần phục. Trong bức hình, ta thấy tu sĩ không còn cầm sợi dây và cây rìu, nghĩa là không cần đến chánh niệm và tỉnh giác nữa. Lúc này tâm không còn hôn trầm, trạo cử nữa, con voi trắng nhẹ nhàng khoan thai đi theo vị tu sĩ, nghĩa là vị tu sĩ hoàn toàn điều phục được tâm của mình.

Đến trạng thái tâm 9 chính là kết quả của tịnh chỉ. Lúc này ta đã có được thân và tâm thức rất nhẹ nhàng, khinh an.

Trước khi thực hành thiền, ta không đủ định lực thường bị vô số phiền não, bám chấp, sân giận, hôn trầm, trạo cử chi phối. Đức Phật từng nói: “Tâm ta cần được thuần hóa hoàn toàn”. Nếu tâm của mỗi người chưa đủ định lực thì không thể thực hành đúng pháp. Nếu tâm của mỗi người đủ định lực thì có thể thực hành đúng pháp, nhận biết được thiện hạnh và ác hạnh.

Trong bức hình, ta thấy có gương, con ốc… Đó là tượng trưng cho sắc, thanh, hương, vị, xúc. Ví dụ, trước khi biết thực hành thiền, ta thường thích nhìn những đồ vật, quần áo đẹp, nghe âm thanh nhẹ nhàng, ăn uống những thức ăn có vị ngon, ngửi hương thơm và thích cảm giác dịu dàng tiếp xúc với thân thể. Đó chính là phát sinh bám chấp. Đối tượng thực hành thiền tạm thời chủ yếu hướng đến tâm chưa được thuần hóa, tâm xấu, bởi vì ta chưa đủ khả năng kiểm soát tâm của mình. Cho nên, thực hành thiền chủ yếu hướng đến kiểm soát, điều phục được tâm của mình.

Chúng ta thường bị chi phối nhiều bởi nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức nên gặp nhiều phiền não, bất trắc, còn về ý thức thì ta chưa nghĩ đến. Trong công ty, ta gặp nhiều đối tượng, tình huống nên thường hay bám chấp vào những điều ưa nhìn, thích nghe lời ngọt ngào và dẫn đến ta cũng muốn có được giống như họ. Chúng ta cần phải phân tích, nhận biết khi mắt nhìn, tai nghe là đúng hay sai, nên bắt chước họ hay không. Quan trọng là phải phân tích, suy nghĩ trong thực hành thiền.

Trong Lamrim có hướng dẫn nhận biết hôn trầm, trạo cử, vọng tưởng, bám chấp, sân giận, từ đó áp dụng những phương pháp đối trị phù hợp.

Chướng ngại thứ tư: Không nhiếp tâm

Không nhiếp tâm có nghĩa là không áp dụng pháp đối trị khi có hôn trầm và trạo cử. Khi gặp hôn trầm và trạo cử, ta cần áp dụng phương pháp đối trị để loại bỏ 2 chướng ngại này. Nếu gặp hôn trầm, trạo cử mà không chịu đối trị thì sẽ không thể nào thiền đúng được.

Pháp đối trị không nhiếp tâm là nhiếp tâm.

Chướng ngại thứ năm: Nhiếp tâm

Nhiếp tâm là sự tái điều chỉnh. Nghĩa là ta đang không có hôn trầm, trạo cử mà lại liên tục áp dụng pháp đối trị một cách không cần thiết, đó cũng là lỗi.

Pháp đối trị nhiếp tâm là không nhiếp tâm.

Trích Giải Thoát Trong Lòng Tay, quyển 2, trang 285, Đức Phật dạy: “Nếu dây đàn quá căng, hãy nới dây; hãy siết hay nới dây đàn theo nhu cầu nhưng phải bảo đảm nó đừng quá chùng, thì cuối cùng âm thanh tiếng đàn sẽ thánh thót”.

Ta nên nới lỏng một chút khi cảm thấy mình sắp bị trạo cử và siết lại một chút khi cảm thấy sẽ hôn trầm nếu nới thêm nữa. Nếu chúng ta không tinh tấn để phân tích một cách thông minh thì sẽ vô cùng khó khăn.

Ta không nên thực hành thời thiền quá dài hơn 10 phút hoặc 20 phút sẽ khiến thời thiền tiếp theo phát sinh tâm chán nản. Hãy thực hành thời thiền ngắn và chia ra thành nhiều thời thiền và liên tục thì sẽ tốt hơn. Nếu ta nghĩ ngày mai, ngày mốt hay sau này hãy thực hành thiền nhiều hơn thì sẽ phát sinh tâm quên thực hành thiền. Để nhớ thực hành thiền, ta phải tiến hành bằng cách để các vật dụng hành thiền như nệm ngồi, chuỗi… ở những nơi dễ nhìn thấy trong phòng nhằm nhắc mình phải ngồi thiền. Ta cũng có thể tổ chức nhóm thực hành thiền có nhiều bạn đạo để nhắc nhở mình thời gian thực hành thiền và có được nhiều lợi ích cùng nhau.

Chúng ta cùng nhau thiền 1 phút về chủ đề: nhớ lại hôm nay đã tích lũy thiện hành nào hay đã phạm ác hạnh nào chưa? Chúng ta tiếp tục thiền về những thiện hành đã làm và hoan hỷ việc tốt đó. Nếu đã làm ác hạnh cũng không nên buồn hay ám ảnh mà hãy nghĩ rằng ngày mai tôi sẽ không tái phạm ác hạnh đó nữa, sẽ làm những điều tốt hơn.