
TUẦN 90 – NGÀY 11/06/2023
CHỦ ĐỀ: SÁU BA LA MẬT (tiếp theo)
Hôm nay là một ngày rất đặc biệt, ngày Tam Hợp, cùng một lúc kỷ niệm ngày Phật Đản sinh, Phật Thành đạo, Phật nhập Niết bàn. Chúng ta vô cùng may mắn có một buổi học nói về giáo pháp ngay hôm nay.
Dù Đức Phật đã nhập diệt hơn 2.500 năm trước nhưng tất cả thông điệp từ lời dạy của Ngài vẫn còn vô cùng sống động. Hôm nay không chỉ là ngày kỷ niệm Phật Thành đạo mà còn là ngày Phật Đản sinh. Đức Phật có nhiều ngày sinh nhật. Một tháng trước chúng ta đã kỷ niệm ngày Phật Đản sanh một lần rồi, bây giờ kỷ niệm thêm một lần nữa. Nhân ngày cát tường này, chúng ta cần phải thực hành là hãy lập một điều nguyện. Đó là chọn một tháng mà trong tương lai mình sẽ giác ngộ trong tháng đó.
Nếu suy nghĩ một cách hời hợt, chúng ta nghĩ rằng giác ngộ là một giấc mộng viễn vông. Hôm nay chúng ta phải đặt quyết tâm nghĩ đến giác ngộ như một giấc mơ sẽ trở thành hiện thực. Hãy nghĩ rằng ta sẽ thực sự đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh và ta sẽ chọn tháng giác ngộ cho riêng mình. Ở bên Mỹ, Thầy lúc nào cũng nói với học trò rằng Thầy sẽ đạt giác ngộ trong một chiếc ô tô màu trắng. Học trò nào có ô tô màu trắng lại nói rằng “Đó là xe ô tô của con đó Thầy”. Với thầy, lời nói đó là nửa đùa nửa thật.
Hôm nay chúng ta hãy chọn cho mình một tháng mà mình quyết tâm sẽ đạt giác ngộ trong tháng đó. Khi đã nghĩ đến chuyện chọn tháng giác ngộ cho mình thì mục tiêu giác ngộ sẽ trở nên thực tế hơn. Muốn làm điều gì, đầu tiên ta phải có một ước mơ lớn. Bước thứ hai là lên kế hoạch thực hiện ước mơ đó. Bước thứ ba là thực sự áp dụng kế hoạch đó. Cho nên ta phải làm cho giấc mơ đạt giác ngộ của mình trở nên thực tế. Việc chúng ta đang học Lamrim chính là lên kế hoạch biến ước mơ đó thành hiện thực. Bước hành động chính là phần thực hành của mình về sau.
Thầy hiểu rằng trong cuộc sống chúng ta cần thu xếp nhiều mục tiêu, kế hoạch khác, nhưng Thầy tin rằng các mục tiêu đó đều có thể làm được sau khi chúng ta đạt giác ngộ. Nãy giờ đạo tràng đã chọn được tháng nào mình sẽ giác ngộ chưa? Nếu chúng ta không thể chọn ra tháng thành đạo của chính mình trong 2 phút thì Thầy nghĩ rằng có cho 2 tháng thì chúng ta cũng không chọn được. Cho nên hãy đặt quyết tâm chọn tháng thành đạo cho chính mình, nhưng hãy né tháng 2 và tháng 3 vì thời gian này rất dễ trùng với dịp Thầy về Việt Nam.
SÁU BA LA MẬT (tiếp theo)
Thực hành 6 ba la mật được ví như thay đổi thói quen sống của mình. Nếu muốn trở thành con người mới thì phải có thói quen mới. Nếu không có thói quen mới, ta sẽ không bao giờ thay đổi được tâm tính của mình.
I/ Bố thí ba la mật
2/ Trì giới ba la mật
Trì giới ba la mật nghĩa là pháp thực hành giữ giới. Có 3 loại trì giới ba la mật:
Giới thứ nhất là giới chế ngự các hành vi bất thiện. Khi thực hành trì giới ba la mật, điểm đầu tiên là ta cần phải từ bỏ tất cả các điều ác. Để thực hành trì giới, đâu là điều quan trọng nhất? Ví dụ như phát nguyện thực hành giới không uống rượu, điều cần làm là phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng “tôi không được phạm giới uống rượu”. Một khi đã phát nguyện giữ giới không uống rượu nghĩa là lúc nào cũng không uống rượu, chứ không thể lúc uống, lúc không.
Tại sao chúng ta phạm giới? Bởi vì chúng ta không có thực hành giữ giới theo cách phù hợp nên thất bại trong việc giữ giới. Kỷ luật, giới luật là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Cho nên giới thứ nhất cần giữ ở đây là từ bỏ tất cả mọi ác hạnh.
Thầy cho chúng ta 1 phút và chúng ta hãy nhắm mắt lại để trả lời câu hỏi của Thầy: Đối với một người thực hành giáo pháp, điều gì chúng ta không được làm? Khi được hỏi chúng ta không được làm điều gì, ngay lập tức chúng ta phải nghĩ ngay đến 10 điều bất thiện. Bên cạnh 10 bất thiện nghiệp, khi nhận giới quy y, chúng ta hứa trước Đức Phật, trước Đạo sư sẽ giữ những giới nào trong ngũ giới thì đó là tất cả những gì chúng ta không được làm.
Khi nói đến giới chế ngự tất cả các điều ác, nếu được hỏi chúng ta không được làm những điều nào thì ngay lập tức phải biết rằng chúng ta không được phạm 10 điều bất thiện.
Giới thứ hai là giới thực hiện tất cả các điều lành.
Giới thứ ba là giới làm lợi lạc cho chúng sinh. Những hành động nào chúng ta làm có lợi cho chúng sinh khác thì thuộc vào giới thứ ba này.
Khi nói đến trì giới ba la mật, toàn bộ thực hành trì giới ba la mật quy về 2 điểm: chúng ta không được làm gì và chúng ta phải làm gì. Đó là không được làm 10 bất thiện nghiệp và phải làm lợi lạc cho chúng sinh. Khi thực hành làm lợi lạc cho chúng sinh thì cho dù là những điều nhỏ nhặt nhất, chúng ta cũng thấy cuộc sống của mình thuận lợi hơn rất nhiều.
Có những người trải qua bi kịch trong cuộc sống của họ. Nhiều người trong số đó khi đối mặt với bi kịch thì lại bị kẹt vào trong những cảm xúc tiêu cực đó, cứ luôn nghĩ đến những gì đã mất đi, những điều tồi tệ đã xảy ra và không thể nào thoát khỏi bi kịch đó để sống tiếp. Đó là vì họ không có mục đích sống rõ ràng và không có động lực thoát ra khỏi những chuyện không vui đã xảy ra. Nếu chúng ta có mục đích sống là làm lợi lạc cho chúng sinh thì cho dù có gặp biến cố trong cuộc sống, chúng ta vẫn có động lực để thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực đó và sống tiếp theo mục đích của mình.
Tóm lại, phần thực hành trì giới 3 ba la mật quy về 2 điểm: những gì phải bỏ và những gì phải làm. Đó là phải bỏ 10 bất thiện nghiệp và phải làm lợi lạc cho chúng sinh. Cho nên trong tuần này, chúng ta hãy ghi nhớ trong tâm những gì phải bỏ và những gì phải làm. Những gì phải từ bỏ là từ bỏ 10 điều bất thiện và những gì phải làm là phải làm lợi lạc cho chúng sinh.
3/ Nhẫn nhục ba la mật
Nhẫn nhục ba la mật là thực hành ba la mật quan trọng nhất trong 6 ba la mật.
Khi nói đến nhẫn nhục ba la mật, có 3 loại nhẫn nhục:
Thứ nhất là phải giữ được bình tĩnh trước những người làm tổn thương mình. Có những người làm tổn thương mình trực tiếp và có những người làm tổn thương mình gián tiếp. Dù làm tổn thương mình như thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải thực hành nhẫn nhục đối với những người này.
Loại nhẫn nhục thứ 2 khó thực hành hơn, đó là phải thực hành nhẫn nhục trước những khổ đau trong cuộc sống. Tại sao có những lúc ta nổi giận? Đó là vì ta không thể thực hành nhẫn nhục đối với khổ đau của bản thân. Tại sao chúng ta buồn bã? Đó là vì chúng ta không thể thực hành nhẫn nhục đối với nỗi đau của mình. Vì ta chưa thể nào chấp nhận sự hiện diện của đau khổ trong cuộc đời, không thể nào nhẫn nại được trước những khó khăn, chướng ngại nên chúng ta trở nên buồn bã, tức giận, thậm chí tuyệt vọng.
Bản chất của nhẫn nhục có nghĩa là sự chấp nhận. Nhẫn nhục trước đau khổ nghĩa là chấp nhận rằng đau khổ là một phần vốn có trong cuộc đời này, đau khổ là chuyện rất bình thường. Ví dụ, khi ta có một cơn đau trên thân hay nỗi khổ trong tâm, hãy tự nhắn nhủ bản thân rằng khổ đau là chuyện bình thường, không có gì to tát cả. Khi ta phát sinh được tâm chấp nhận như thế thì sẽ vượt qua được các nỗi khổ trên thân và trong tâm một cách dễ dàng. Ta càng cố gắng cưỡng chế lại những đau khổ đó, càng cố gắng đẩy lùi những đau khổ đó, không chấp nhận sự hiện diện của nó thì ta càng đau khổ hơn và càng có nguy cơ nổi giận.
Trong tuần này, khi thực hành nhẫn nhục ba la mật, chúng ta hãy thực hành nhẫn nhục đối với những trở ngại xảy ra trong cuộc sống của mình bằng cách hãy nói với bản thân rằng những trở ngại là điều bình thường, không có gì đáng bận tâm cả. Khi suy nghĩ được như thế sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn.
Thông thường thực hành nhẫn nhục đối với những người tổn thương mình đã là khó, nhưng thực hành nhẫn nhục đối với người tổn thương mình không khó bằng việc thực hành nhẫn nhục để chấp nhận đau khổ trong cuộc sống. Cuộc sống không có gì hoàn hảo, sẽ có nhiều điều không mong muốn xảy ra với mình. Điều quan trọng là ta phải thực hành nhẫn nhục đối với những đau khổ trong cuộc sống, bằng cách tự nhắc nhở rằng những đau khổ như thế là chuyện bình thường.
Thầy nói rằng trong vài năm tới có lẽ Thầy sẽ không giảng dạy nữa vì Thầy sẽ bị mất việc do mô hình AI (trí tuệ nhân tạo) quá tiến bộ, sẽ có thể giảng pháp cho mọi người. Nếu tình huống đó có thực sự xảy ra, Thầy sẽ thực hành nhẫn nhục, nói với bản thân rằng điều đó có xảy ra cũng không sao cả.
Khi đau khổ, chúng ta hay tìm một đối tượng nào đó để đổ lỗi cho nỗi đau khổ trong tâm mình. Thậm chí có những lúc ta đổ thừa cho một người mà người đó không dính dáng gì đến đau khổ của ta cả. Những tình huống như vậy xảy ra là do ta không có thực hành nhẫn nhục được trên nỗi khổ của bản thân. Việc nổi giận với người khác là một hình thức để giải tỏa khổ đau trên thân và trong tâm mình, nhưng giải tỏa khổ đau bằng cách nổi giận với người khác là một cách làm rất sai lầm.
Nhiều lúc chúng ta cho rằng mình nổi giận với người làm mình tổn thương sẽ giúp giải tỏa nỗi khổ trong tâm, nhưng thực tế không phải như vậy. Ngay từ ban đầu chúng ta chọn cách nổi giận với suy nghĩ mình đang giải tỏa nỗi đau trong tâm, nhưng thực tế một khi ta đã nổi giận rồi thì cơn giận sẽ ngày càng tăng trưởng trong tâm. Đến lúc nào đó ta không kiểm soát được cơn giận trong tâm thì chính bản thân ta sẽ là người bị thiệt.
Vì hôm nay là ngày vô cùng đặc biệt nên Thầy dành ít phút cuối buổi học để tụng kinh Bát Nhã. Trong lúc Thầy tụng kinh Bát nhã, chúng ta hãy tập trung tâm trí vào lời tụng kinh của Thầy bởi vì đây là lời dạy của Đức Phật. Việc tập trung vào lời tụng kinh của Thầy sẽ giúp chúng ta tích tập được nhiều công đức.
Thực ra có những câu hỏi lớn trong hôm nay là theo lịch sử, hôm nay có thực sự là ngày Đức Phật Đản sanh, Phật Thành đạo hay không. Nếu hỏi Thầy thì căn cứ theo lịch sử, Thầy sẽ trả lời là không. Nhưng Thầy vẫn tin hôm nay là ngày Phật Đản sinh, ngày Phật Thành đạo vì đạo sư của Thầy tin như vậy.
Ngày Đản sinh thật của Đức Phật là ngày mà chúng ta đã kỷ niệm từ 1 tháng trước. Còn hôm nay kỷ niệm Phật Đản sanh là theo lịch Tây Tạng. Có những lúc ta cần phải có niềm tin ngay cả khi điều đó không đúng với thực tế. Và có những lúc tuy là thực tế nhưng ta không nhất thiết phải tin theo. Ta nên đặt niềm tin vào những gì có lợi ích cho mình. Giả sử có điều thực sự có lợi ích cho mình mà ta không tin vào điều đó thì cũng đâu có nhận được lợi lạc gì.
Bây giờ Thầy sẽ tụng kinh Bát Nhã, là kinh do Phật dạy. Chúng ta hãy tập trung vào lời tụng kinh của Thầy, đồng thời cầu nguyện cho tất cả chúng sinh. Khi tập trung vào lời tụng kinh của Thầy, đó là một hình thức thiền quán trên đối tượng là âm thanh phát ra trong lúc Thầy tụng kinh. Đức Phật dạy rằng những người nào nghe hoặc trì tụng Kinh Bát Nhã sẽ tích tập rất nhiều công đức. Thầy đang đọc bản Kinh Bát nhã gồm 8.000 bài kệ. Chúng ta hãy tiếp tục thiền quán vào lời tụng kinh của Thầy.
Sau buổi học hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Trong ngày hôm nay, hãy chọn một tháng trong năm và phát nguyện rằng ta sẽ giác ngộ trong tháng đó. Khi đã phát sinh động lực như thế rồi, ta hãy tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Tụng Bát nhã Tâm Kinh để cầu nguyện rằng bản thân mình sẽ đạt được giác ngộ trong tháng đó. Ngày mai chúng ta cũng phải làm một điều thế này. Đó là hãy nghỉ ngơi thư giãn vì hôm nay chúng ta đã thực hành nhiều rồi.
Hôm nay là ngày rằm tháng Tư theo lịch Tây Tạng, chúng ta hãy tụng Bát Nhã Tâm Kinh để cầu nguyện bản thân sẽ đạt giác ngộ trong tháng mà mình đã chọn, đồng thời xem lại những nội dung đã học trong Lamrim và chọn ra pháp thực hành để áp dụng. Bởi vì hôm nay là ngày cát tường nên khả năng hiểu kinh điển và khả năng đạt được chứng ngộ trong lúc thực hành sẽ tăng trưởng rất mạnh.
Tối hôm nay chúng ta có thể có một tiệc trà nho nhỏ để hân hoan chào đón ngày Phật Đản sanh, Phật Thành đạo. Thầy nói rằng lòng từ bi luôn là thông điệp của Thầy, phân tích là chân lý của Thầy và pháp của Thầy là ăn mừng. Bày tiệc ăn mừng như thế, ta cũng có được niềm vui. Chúng ta hãy ăn mừng và phát tâm hoan hỷ trong ngày cát tường hôm nay. Nếu chúng ta đã ăn tối rồi thì uống trà để ăn mừng. Trước khi lên lớp, Thầy đã ăn mừng bằng lon Coca-cola, nhưng đừng hiểu lầm là Thầy nhận hoa hồng để quảng cáo cho công ty này.
Một lần nọ, ở bên Mỹ, Thầy có ăn tối với gia đình của một học trò. Lúc đó Thầy muốn uống một lon Coca-cola. Nhưng khi Thầy hỏi thì mới biết không có đứa trẻ nào trong gia đình uống Coca cả. Những đứa trẻ đó đã tập thói quen không uống Coca nên Thầy không muốn uống Coca nữa, vì Thầy không muốn gieo vào tâm trí những đứa trẻ đó thói quen không tốt. Nếu chúng ta chọn uống Coca để ăn mừng thì đừng uống Coca có đường, mà hãy uống Coca không đường.