14-05-2025
Lamrim 2023
Download MP3

TUẦN 86 - NGÀY 14/05/2025

CHỦ ĐỀ: BẢY ĐIỂM LUYỆN TÂM (tiếp theo)

(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)

Đối với văn bản Bảy Điểm Luyện Tâm, tốt nhất chúng ta hãy chọn vài câu kệ để học thuộc lòng. Bởi vì chỉ có học thuộc lòng kinh kệ, chúng ta mới nhớ cần thực hành những gì và việc thực hành cũng sẽ dễ dàng hơn. Bất cứ câu kệ nào mà mình hiểu được ý nghĩa và cảm thấy có tác động mạnh mẽ đến tâm thức của mình thì hãy học thuộc lòng câu kệ đó để áp dụng thực hành.

VII. LỜI KHUYÊN LUYỆN TÂM (tiếp theo)

Lời khuyên thứ 3: Ở đầu và cuối, làm hai việc

“Ở đầu cuối, làm hai việc” nghĩa là cho dù có làm gì đi nữa, điều đầu tiên, ngay đầu thời khóa là khởi động cơ thanh tịnh và cuối thời khóa là phải hồi hướng công đức. Hai việc này ở đầu và cuối là hai việc quan trọng.

Lời khuyên thứ 4: Gặp một trong hai, hãy nhẫn nhục

Câu kệ nói rằng khi gặp một trong hai điều này xảy ra, ta hãy thực hành nhẫn nhục. Điều thứ nhất là mỗi khi đau khổ hay khó khăn thử thách ập đến, ta phải thực hành nhẫn nhục. Điều thứ hai là mỗi khi có điều gì quá phấn khích, quá hạnh phúc thì cũng phải nhẫn nhục với niềm hạnh phúc đó.

Thông thường, những khi quá đau khổ, buồn bã, hoặc khi quá vui sướng, quá phấn khích, chúng ta đều không thể ngủ được. Ta hãy thử nhìn lại, hầu hết các quyết định sai lầm của mình đều đưa ra trong lúc quá vui, hoặc quá buồn. Khi quá buồn, ta hay quyết định thiếu sáng suốt. Khi quá vui, ta hay muốn làm cái này, cái kia, rồi đưa ra quyết định vội vàng. Vì thế, đừng nên hứa hẹn với ai bất cứ điều gì khi quá vui.

Câu kệ này khuyên chúng ta hãy áp dụng nhẫn nhục trong cả hai trường hợp: khi quá đau khổ và khi quá vui. Ở đây, nhẫn nhục với cảm xúc quá vui nghĩa là ta phải tìm cách khiến tâm mình điềm tĩnh trở lại, như bằng cách ngồi yên không hành động gì hết, không để bất cứ suy nghĩ nào nảy sinh trong tâm, để tâm mình từ từ bình tĩnh trở lại.

Đối với những người không thực hành luyện tâm, khi quá đau khổ, hay quá hạnh phúc, họ thường có những suy nghĩ, hành động không đúng đắn. Những người thực hành luyện tâm thì phải biết kiểm soát tâm ngay cả lúc đau khổ lẫn khi hạnh phúc. Câu kệ này là một pháp tu rất cao trong pháp tu luyện tâm.

Thầy thắc mắc, theo truyền thống của người Việt, khi một người đàn ông cầu hôn, anh ta sẽ tặng cho vị hôn thê của mình chiếc nhẫn kim cương đúng không? Bởi vì cô gái ngay thời điểm nhìn thấy một chiếc nhẫn kim cương rất giá trị như thế có lẽ sẽ quá phấn khích mà quyết định chấp nhận lời cầu hôn đó. Đó có thể là một quyết định sai lầm (Rinpoche cười).

Câu kệ “Gặp một trong hai, hãy nhẫn nhục” khuyên chúng ta phải thực hành nhẫn nhục đối với cả đau khổ lẫn hạnh phúc.

Lời khuyên thứ 5: Giữ hai điều như giữ sinh mạng

Hai điều nào cần giữ như giữ sinh mạng? Điều thứ nhất là những lời khuyên của pháp tu luyện tâm. Điều thứ hai là những lời nguyện của pháp tu luyện tâm.

Lời khuyên thứ 6: Hãy luyện tâm làm 3 điều khó

Câu kệ “Hãy luyện tâm làm 3 điều khó” rất quan trọng, chúng ta hãy học thuộc lòng. Điều khó này được giải thích rất rõ trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay.

Điều khó thứ nhất là phải nhận diện được phiền não trong tâm.

Điều khó thứ hai là khi đã nhận diện phiền não rồi thì áp dụng pháp đối trị lên phiền não đó.

Điều khó thứ 3 là duy trì sự liên tục, nghĩa là trong tương lai phiền não đó có nảy sinh trở lại thì ta vẫn liên tục áp dụng pháp đối trị. Chúng ta phải liên tục giữ pháp đối trị, không để pháp đối trị đó biến mất.

Chúng ta hãy thử tìm 3 điều khó này trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay.

Giả sử ta nổi giận thì sau bao lâu mới phát hiện ra mình đang nổi giận? Đó là điều khó thứ nhất. Điều khó thứ hai là khi đã phát hiện trong tâm đang có cảm xúc sân giận thì mất bao lâu ta mới áp dụng biện pháp đối trị tâm sân đó? Điều khó thứ 3 là ta có thể duy trì pháp đối trị tâm sân của mình trong thời gian bao lâu? Nếu có thể thành công với 3 điều khó này thì xem như chúng ta đã tốt nghiệp khóa học Lamrim rồi.

Không chỉ đối với sân giận, mà bất cứ phiền não, cảm xúc tiêu cực nào phát sinh trong tâm, ta phải xem mình mất bao lâu mới phát hiện ra tâm đang phát sinh phiền não, mất bao lâu để áp dụng pháp đối trị lên phiền não đó và ta có thể giữ được tính liên tục của pháp đối trị đó trong bao lâu?

Thầy đặt câu hỏi: Giữa con mèo và con chó thì con nào bị con rắn tấn công nhiều nhất? Con chó thường bị con rắn tấn công nhiều hơn là con mèo. Con rắn rất hiếm khi tấn công được con mèo vì phản xạ tự nhiên của con mèo quá nhanh, có thể né được đòn tấn công của con rắn. Cho nên, ở đây điều vô cùng quan trọng là ta mất bao lâu để phát hiện tâm mình đã phát sinh phiền não.

Những người không thực hành giáo pháp thì chẳng bao giờ nỗ lực để thử quan sát xem tâm mình có nổi giận hay không. Còn những người tu tập giáo pháp thì không những cố gắng phát hiện phiền não trong tâm mà phải phát hiện phiền não nhanh nhất có thể và thậm chí ngay khi phiền não phát sinh, phải phát hiện ra liền và áp dụng pháp đối trị ngay lập tức.

Câu kệ “Hãy luyện tâm làm 3 điều khó” là bài tập về nhà trong tuần này. Trong thời gian làm việc suốt một ngày, chúng ta hãy nỗ lực hết mức để nhận diện thật nhanh những phiền não phát sinh trong tâm và áp dụng pháp đối trị ngay lập tức sau khi nhận diện được phiền não đó. Cuối ngày, trước khi đi ngủ, ta nhìn lại xem cả ngày nay ta đã nhận diện được thành công bao nhiêu lần, áp dụng pháp đối trị được bao nhiêu lần và có bao nhiêu lần không thể nào nhận diện được phiền não và bao nhiêu lần không áp dụng pháp đối trị kịp thời.

Khi ta có thể nhận diện được tất cả các phiền não ngay khi nó phát sinh trong tâm và áp dụng pháp đối trị kịp thời thì quả giác ngộ của mình sẽ không còn xa nữa. Khi giác ngộ, đừng quên Dipkar. Đó là lời nói nửa đùa nửa thật của Thầy.

Thầy có dịp gặp lại một người học trò đã lâu không gặp. Thầy nói với cô học trò này rằng: “Thầy biết thời gian vừa qua, con sống rất hạnh phúc”. Người học trò này mới hỏi Thầy vì sao Thầy biết. Thầy trả lời: “Thời gian vừa rồi con không có gọi cho Thầy nên Thầy biết con rất hạnh phúc, an ổn”. Cho nên, Thầy mới nói nửa đừa nửa thật rằng khi cuộc sống trôi chảy, suôn sẻ, tâm lý chung là ít khi nào nhớ đến Dipkar nên khi giác ngộ, đừng có quên Dipkar.

Hãy thuộc lòng câu kệ “Hãy luyện tâm làm 3 điều khó” và phải nhớ kỹ 3 điều khó ấy. Khi tâm sân và tâm chấp ngã nổi lên, ta phải áp dụng pháp đối trị nào? Hãy tìm trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay pháp đối trị cho từng loại phiền não.

Đối với việc tu tập Phật pháp, vị thầy sẽ hướng dẫn chúng ta ở giai đoạn đầu, dần dần chúng ta phải tự tìm ra phương pháp thiền quán phù hợp với bản thân mình. Chúng ta học Phật pháp là để biết phương pháp tu tập. Học phương pháp tu tập không phải là học một cách rập khuôn, chỉ nghe theo lời vị thầy mà quan trọng hơn, học Phật pháp là phải tự tìm tòi phương pháp phù hợp nhất cho bản thân. Nếu chỉ chờ thầy hướng dẫn thì cả cuộc đời sẽ mãi phụ thuộc vào người thầy. Như vậy, ta sẽ không bao giờ tìm được đường giác ngộ cho bản thân mình.

Ngay thời điểm phát hiện tâm mình đang phát sinh ngạo mạn, ta phải áp dụng pháp đối trị nào? Làm thế nào để đối trị tâm chấp ngã, tâm ngạo mạn? Cách đối trị tâm sân có thể dễ tìm hơn một chút, nhưng tìm pháp đối trị tâm chấp ngã, tâm ngạo mạn sẽ khó hơn. Chúng ta hãy đọc sách Giải Thoát Trong Lòng Tay và tìm pháp đối trị phù hợp.

Lời nguyện thứ 7: Hãy nên tạo ra 3 nhân chính

Để tu tập giáo pháp, cần 3 nhân chính:

Một là tìm cho mình một vị minh sư, một vị thầy phù hợp.

Hai là một tâm thức có thể thực hành giáo pháp. Những tâm thức nào không thể thực hành giáo pháp? Ví dụ, người có tâm điên loạn sẽ không thể thực hành giáo pháp. Nếu tâm có thể suy nghĩ rõ ràng, đúng đắn thì có thể thực hành giáo pháp.

Ba là cần có những nhu yếu phẩm như quần áo, thực phẩm và nơi trú ẩn.

3 nhân chính này là 3 điều các vị thầy thời xưa nói rằng các hành giả cần phải có. Tuy nhiên, ở thời hiện đại, 3 nhân chính này thu lại chỉ còn một nhân chính thôi. Đó là Zoom. Chỉ cần lên lớp học Zoom thì hiển nhiên 3 nhân chính đã có rồi. Thầy lúc nào cũng nhắc nhở các học trò phải nỗ lực lên lớp học Zoom hằng tuần. Đây là điều quan trọng duy nhất chúng ta cần phải đảm bảo để có thể tu học.

Lời khuyên thứ 8: Thiền đến 3 điều không giảm sút

Câu kệ này đã được giải thích trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay.

Điều thứ nhất không được làm giảm sút là lòng tôn kính đối với vị thầy.

Điều thứ hai là tâm hoan hỷ trong việc thực hành giáo pháp.

Điều thứ 3 là tinh tấn thực hành các lời khuyên luyện tâm.

Lời khuyên thứ 9: Hãy giữ 3 việc không tách rời

Trên hành trang của mình, ta phải giữ chặt lấy 3 tài sản. Đó là không được để cho thân, khẩu, ý của mình rãnh rỗi mà lúc nào cũng phải làm cho thân, khẩu, ý bận rộn với những thiện niệm và thiện hạnh.

Khi thân rãnh rỗi, ta có khuynh hướng không ngồi nghiêm chỉnh. Thân rãnh rỗi như thế thì tâm cũng bắt đầu rãnh rỗi theo. Để thân không rãnh rỗi, ta có thể dùng thân để đảnh lễ chư Phật hoặc nếu không có điều kiện dùng thân đảnh lễ thì đơn giản giữ cho lưng thẳng theo tư thế thiền. Bản thân giữ cho thân nghiêm trang như thế cũng là một thiện hạnh. Điều này rất quan trọng.

Ở bên Mỹ, lúc di chuyển bằng ô tô, Thầy luôn chỉnh ghế cho lưng tựa thẳng đứng để giữ tư thế ngồi của Thầy được thẳng. Nhưng ở Nepal, do điều kiện giao thông không tốt, xe chạy cứ 2-3 phút lại ngừng nên giữ lưng thẳng khá là khó.

Khi phát hiện thân đang rãnh rỗi, hãy nỗ lực ngồi ngay ngắn theo tư thế thiền hoặc có thể đi lại ở nơi nào đó và tưởng tượng rằng mình đang đi nhiễu quanh một bảo tháp hay tượng Phật. Vì không có việc gì để làm, ta có khuynh hướng nằm xuống, nửa nằm nửa ngồi, những tư thế như thế khiến ta có cảm giác lười biếng và cũng không tốt cho cơ thể của mình.

Điều thứ hai là không để cho lời nói của mình rãnh rỗi, nghĩa là hãy kiểm tra xem lúc mình rãnh rỗi, không nói chuyện quan trọng, ví dụ như khi nói chuyện phiếm thì chủ đề của mình là gì?

Điều thứ 3 là không để cho tâm rãnh rỗi. Ta quan sát xem những lúc không có gì để suy nghĩ thì đa phần ta hay suy nghĩ những điều không cần thiết.

Bài tập về nhà trong tuần này là hãy tìm pháp đối trị gồm 3 bước thiền đối với 2 loại phiền não là tâm sân và tâm chấp ngã. Chúng ta hãy đọc sách Giải Thoát Trong Lòng Tay để tìm pháp đối trị phù hợp. Tuy nhiên, Thầy nói rằng một điều không nên làm là hỏi ChatGPT để tìm pháp đối trị đối với 2 loại phiền não này. Giữa việc tự mình đọc từng trang sách để khám phá ra pháp đối trị so với việc lên mạng hỏi ChatGPT là 2 điều hoàn toàn khác nhau. Tự đọc sách là tự khám phá điều gì phù hợp với quá trình tu tập của mình, còn lên mạng hỏi ChatGPT chỉ là thu thập thông tin mà thôi.

Có một lần, Ban tổ chức cần soạn tiểu sử của Thầy để chuẩn bị cho các buổi giảng pháp. Một học trò đã gửi bản nháp tiểu sử của Thầy để Thầy xem qua có chính xác hay chưa. Thầy hỏi người học trò đó lấy tiểu sử của Thầy ở đâu vì Thầy đọc thấy quá lạ lẫm, bản thân Thầy cũng không biết đó là viết về tiểu sử của Thầy. Người học trò nói rằng lên ChatGPT hỏi tiểu sử của Thầy. Thầy khuyến cáo, nếu ta phụ thuộc vào ChatGPT, đi hỏi ChatGPT về các bước tu tập thì giác ngộ mình đạt đến có thể là một loại giác ngộ nào đó, chứ không phải là giác ngộ mà đức Phật khám phá ra. Do đó, ta phải tìm pháp đối trị, phương pháp tu tập trong kinh điển, cho dù tìm không ra, nhưng việc mình nỗ lực học hỏi kinh điển là một bước tiến lớn trong quá trình tu tập. Chúng ta hãy nỗ lực tự tìm các biện pháp đối trị phù hợp với phiền não của mình. Khi đã tìm ra, hãy tự áp dụng pháp đối trị đó. Nếu nhận thấy các pháp đối trị đó thực sự có hiệu quả đối với phiền não của mình thì việc bản thân thành công tìm ra pháp đối trị là một giác ngộ nho nhỏ trên đường tu của mình.

Thầy nói rằng có lẽ trên đường tu, chúng ta phát hiện ra là bản thân đã có thể tự tìm pháp đối trị với phiền não thì dần đần có lẽ sẽ có suy nghĩ rằng không cần Dipkar nữa, không cần phải học gì nữa. Đừng có suy nghĩ như vậy. Thầy hay nói nửa đừa nửa thật nhắc nhở học trò đừng quên Dipkar là vì có một câu chuyện có thật như thế này.

Cách đây rất lâu, có một vị tăng sĩ trẻ và vô cùng thông minh. Vị tu sĩ trẻ nói với Thầy - lúc đó Thầy đang ở Nam Ấn - rằng, những vị thầy đã dạy cho vị ấy tất cả phương pháp thiền định và vị tu sĩ trẻ ấy sẽ chia sẻ với Thầy làm thế nào để có thể đạt đến giác ngộ chỉ trong 3 năm. Vị tu sĩ ở cách tu viện của Thầy khoảng 12 giờ đi đường, cứ mỗi tuần vị ấy đến học pháp và thực hành pháp vô cùng miên mật. Thầy phát hiện vị tu sĩ này đã đạt các thành tựu trên đường tu rất nhanh và Thầy chưa thấy ai nhanh như thế. Vị tu sĩ này khi phát hiện ra bản thân mình đã có những chứng ngộ, những thành tựu trên đường tu thì bắt đầu không xem trọng lời khuyên của thầy. Đặc biệt là khi Thầy đưa ra các lời khuyên trong việc thực hành giáo pháp thì vị ấy không nghe và tự làm theo ý mình. Dần dần giữa thầy và trò xuất hiện một khoảng cách. Rồi vị ấy tự tu theo cách riêng của mình và bắt đầu xa rời kinh điển.

Thầy nhấn mạnh, cho dù chúng ta có tu hành đến đâu đi nữa thì nhất định cũng phải bám sát kinh điển, nhất là sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Hãy kiên nhẫn đợi đến khi thực sự đạt được giác ngộ, lúc đó chúng ta muốn làm gì cũng được. Chính Đức Phật cũng nói rằng người nào đã thành đạo rồi thì hãy vứt hết giáo lý của Như Lai. Đức Phật đã dạy rằng: Giáo lý của Như Lai như một chiếc bè đưa người qua sông, khi qua bờ kia rồi thì không mang theo chiếc bè nữa mà bỏ lại đằng sau.

Trong quá trình tự tìm hiểu một phương pháp đối trị phù hợp nhất với bản thân mình, chúng ta hãy bám sát sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Đó là điều quan trọng. Pháp đối trị mà ta tìm ra được không nhất thiết phải chính xác như lời Thầy giảng trên lớp nhưng tuyệt đối không được mâu thuẫn với sách Giải Thoát Trong Lòng Tay.

Thầy nhắc lại trong tuần này, chúng ta hãy tìm pháp đối trị gồm 3 bước thiền đối với tâm sân và tâm chấp ngã.

Vài hôm trước cả đạo tràng chúng ta đã ăn mừng ngày Đản Sanh của đức Phật. Chúng ta đợi thêm 3 tuần nữa sẽ có một ngày Đản Sanh của đức Phật theo lịch của Tây Tạng. Ngay sau đó là ngày Đản Sanh của đức Quán Thế Âm. Theo lịch sử, ngày Đản Sanh thực thụ của đức Phật là đúng theo ngày đạo tràng chúng ta vừa kỷ niệm vài hôm trước. Nhưng Thầy có niềm tin mãnh liệt rằng đức Phật đản sanh theo lịch Tây Tạng. Thầy tin như thế là vì Đạo sư của Thầy cũng tin như vậy. Có nhiều bộ lịch cùng kỷ niệm ngày Phật Đản Sanh cũng là điều tốt vì chúng ta có nhiều cơ hội hơn để thực hành giáo pháp, cùng tưởng nhớ đến Bổn sư và tích tập công đức.