
TUẦN 85 – NGÀY 07/05/2025
CHỦ ĐỀ: BẢY ĐIỂM LUYỆN TÂM (tiếp theo)
(Tôn sư Khangser Rinpoche hướng dẫn)
VI. LỜI NGUYỆN LUYỆN TÂM
Thầy đã hướng dẫn xong lời nguyện thứ 11 trong 18 lời nguyện luyện tâm - "Đừng điên tiết với lời đùa ác". Bây giờ, chúng ta tiếp tục với lời nguyện thứ 12 và 13.
Lời nguyện thứ 12: Đừng chực chờ mong đợi trả thù
Lấy ví dụ, có một người làm điều xấu với mình và trong tâm mình phát sinh suy nghĩ sẽ đợi dịp trả đũa người đó bằng hành động xấu giống như vậy. Nếu có suy nghĩ như thế, nghĩa là ta đang chực chờ mong đợi trả thù.
Nếu ta để ý kỹ, sẽ thấy tất cả các điểm được đề cập trong văn bản Bảy Điểm Luyện Tâm này đều có trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay.
Lời nguyện thứ 13: Đừng tấn công vào những điểm yếu
Khi phát hiện những điểm yếu của người đang trò chuyện cùng ta, nếu ta cứ ngoáy sâu vào những điểm yếu ở nơi họ thì chính là tấn công vào điểm yếu của họ. Ta không nên làm như vậy.
Tất cả những điểm trong văn bản Bảy Điểm Luyện Tâm này hướng dẫn ta ứng xử với những người xung quanh với tư cách là một người thực hành giáo pháp của Đức Phật (còn gọi là hành giả). Điểm khác biệt giữa hành giả và người không thực hành giáo pháp không chỉ nằm ở việc hành giả có ngồi thiền hay không. Khi đã xác định bản thân là một người thực hành giáo pháp của Đức Phật thì tất cả các cách ứng xử, cách nói chuyện, cách suy nghĩ về người khác… đều phải rất khác biệt so với những người không thực hành giáo pháp.
Trong phạm vi nhỏ và phạm vi trung bình của Lamrim, chúng ta được học các phương pháp thiền định để thay đổi tâm tính của bản thân nhưng lại chưa học cách thay đổi hành xử đối với những người xung quanh. Khi bước vào Phạm vi lớn, phần Bảy Điểm Luyện Tâm, ta bắt đầu học cách thay đổi hành vi đối với người xung quanh.
Thầy kể một câu chuyện: Vài năm trước, tại một thánh tích ở Ấn Độ, khi thấy người đẩy xe hàng bán những gói đậu, Thầy hỏi anh ta: "Bây giờ tôi không có tiền, anh có thể tặng tôi một vài gói đậu được không?" Anh ta trả lời rằng: ‘Nếu Thầy không có tiền thì tôi không thể tặng được”. Sau đó, anh ta phải đẩy chiếc xe hàng lên một đoạn dốc. Lúc này, anh ta quay sang hỏi Thầy có thể giúp anh ta đẩy chiếc xe lên dốc không? Thầy đáp: "Cho dù anh không tặng tôi một gói đậu nào, tôi vẫn sẽ giúp anh đẩy xe hàng lên dốc".
Lời nguyện thứ 12 “Đừng chực chờ mong đợi trả thù” có nghĩa là khi một người nào đó làm hành động xấu với mình thì ta không nên mong chờ một dịp nào đó để trả thù người đó bằng hành động tương tự. Người luyện tâm không nên có tâm tính như thế. Thậm chí trong tương lai, khi cơ hội trả đũa đến, ta cũng không được làm. Nếu lấy oán trả oán thì ta sẽ không bao giờ thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn trả đũa lẫn nhau. Để cắt đứt vòng luẩn quẩn đó, ta phải thực hành lời nguyện thứ 12.
Trước đây, khi học Lamrim những phần đầu, ta chỉ thiền quán về những điểm liên hệ đến bản thân như thiền quán về thân người quý báu, về Ruộng Phước. Nhưng khi học Bảy Điểm Luyện Tâm, ta bắt đầu thiền quán về những điều thực tế và khó thực hành hơn. Nếu thực hành thành công những điểm này, giáo pháp sẽ giúp ta chuyển hóa tâm tính, trở thành người tốt hơn.
Lời nguyện thứ 14: Đừng bắt bò theo sức của trâu dzo
Câu kệ này rất quan trọng, ta nên học thuộc lòng. Câu kệ này có chút lấn cấn về tên chính xác của các con vật trong tiếng Việt, nhưng có thể hiểu là không nên đem sức tải của con trâu dzo đặt lên lưng con bò. Theo nghĩa đen, những phiền não, phiền muộn với ông vua thì ta không nên đem xả hết lên người thân của mình. Theo thói quen, ta thường mang phiền não ở công ty trút hết lên người thân ở nhà, hoặc khi có chuyện không vui ở nhà, ta lại than thở, trút hết lên bạn bè. Tuyệt đối tránh thói quen tức giận một người rồi xả giận lên một người khác. Cũng giống như việc đem sức tải của con trâu dzo đặt lên lưng con bò, điều này không hợp lý.
Có một lần Thầy đến văn phòng hộ chiếu ở Nepal để gia hạn hộ chiếu. Thầy hỏi cô nhân viên khi nào xong hộ chiếu của Thầy thì bất ngờ cô ấy lớn tiếng với Thầy mà không rõ nguyên nhân. Thầy có hỏi tại sao cô lớn tiếng và ngay lúc đó Thầy nhớ đến câu kệ này. Thầy nghĩ rằng có lẽ buổi sáng trước khi đi làm, cô có phiền não trong gia đình nên đến nơi làm việc cô trút cơn giận lên những người xung quanh. Lúc đó, Thầy xin lỗi cô ấy. Trong vài phút sau hộ chiếu của Thầy được cô ấy xử lý nhanh chóng, sớm hơn những người đến trước Thầy.
Khi người khác nổi giận với mình, trong rất nhiều trường hợp, không hẳn là ta đã làm gì sai khiến họ nổi giận mà có những lúc cơn giận xuất phát từ những chuyện riêng của họ, đến lúc gặp mình, họ xả cơn giận đó lên mình. Đây là pháp thực hành luyện tâm vô cùng quan trọng. Ta cần hiểu ý nghĩa sâu sắc của câu kệ và học thuộc lòng để thực hành. Vì có nhiều lần ta có phạm lỗi này và cũng có nhiều lần người khác phạm lỗi này đối với mình.
Lời nguyện thứ 15: Đừng nên ngắm chạy theo tốc độ
Theo thói quen, ta hay khoe khoang với mọi người về những điều tốt mình đã làm được. Thói quen này xuất phát từ tâm chấp ngã, muốn nuông chiều cái tôi của mình. Lời nguyện thứ 15 nhắc nhở chúng ta không nên vì chấp ngã mà khoe khoang những việc làm tốt của mình.
Thầy kể rằng: Có những lúc nhân viên nhà hàng phục vụ thức ăn cho Thầy. Sau khi phục vụ, nhân viên nhà hàng thường hỏi Thầy xem thức ăn có ngon không. Nếu cảm thấy ngon miệng, Thầy sẽ khen thức ăn ngon. Ngược lại, Thấy cảm thấy rất khó trả lời bởi vì nếu nói ngon thì lời nói đó chỉ để xoa dịu cái tôi của người làm ra món ăn đó.
Câu kệ này nhắc nhở mình không nên vì tâm chấp ngã mà khoe khoang điều tốt mình làm, bởi nếu quá quan tâm đến cái tôi của mình, đến những gì mình đã làm được thì sẽ không nhận ra điều tốt đẹp mà người khác cũng đã làm được.
Tuy nhiên, có những tình huống cần thiết phải giải thích với người khác về công việc mình đã thực hiện vì đó là điều quan trọng. Giải thích mà không có tâm khoe khoang chấp ngã là một điều cần thiết. Vì thế, phải phân biệt rõ ràng tình huống để có cách ứng xử phù hợp. Ví dụ, nếu sếp hỏi về công việc của mình trong công ty, trong tình huống đó, nhất định ta phải giải thích đầy đủ, rõ ràng về những đóng góp của mình. Nếu không giải thích rõ ràng, mình có thể bị mất việc.
Cần để ý đến những tình huống bị thúc đẩy bởi tâm chấp ngã. Trong một cuộc trò chuyện, ta để ý sẽ thấy rằng càng nói nhiều thì càng có khả năng những lời mình nói ra bị thúc đẩy bởi tâm chấp ngã, cái tôi của mình.
Thầy kể một câu chuyện: có ba cô gái cùng di chuyển trên một đoàn tàu lửa. Cô gái thứ nhất bắt đầu thể hiện bản thân bằng cách tháo sợi dây chuyền bạc trên cổ, rồi nói lớn: "Da tôi bị dị ứng với bạc, tôi không thể đeo bạc trên người được”. Thế là cô ấy ném dây chuyền bạc ra khỏi cửa sổ con tàu. Cô gái thứ hai thấy vậy, liền tháo dây chuyền vàng trên cổ và nói: "Tôi bị dị ứng với vàng, đeo vàng lên người một lúc, tôi sẽ bị ngất". Sau đó, cô ta cũng ném dây chuyền vàng ra khỏi tàu lửa. Đến lượt cô thứ ba, cô ta chạm vào sợi dây chuyền đính kim cương trên cổ, định nói rằng mình bị dị ứng với kim cương. Nhưng cô chưa kịp nói dứt lời thì người đàn ông ngồi cạnh 3 cô gái bỗng ngất xỉu và té xuống sàn tàu. Ba cô gái hoảng hốt hỏi: "Anh bị sao vậy?". Anh ta trả lời rằng: "Tôi bị dị ứng với những người nói chuyện mà nổ cho nên tôi ngất”.
Từ câu chuyện 3 cô gái này, ta cần quan sát tâm khi nói chuyện với người khác để xem những lời mình nói ra có bị thúc đẩy bởi tâm chấp ngã hay không. Điểm then chốt đối với người thực hành giáo pháp là theo dõi cẩn thận để không phát ngôn với tâm ngạo mạn. Có những người tự nhận mình là người thực hành giáo pháp, nhưng lời nói của họ hoàn toàn bị thúc đẩy bởi tâm ngạo mạn. Thậm chí, có người đi dạy giáo pháp nhưng lại khẳng định rằng "Tôi thực hành giáo pháp tốt hơn những vị thầy khác". Lời khẳng định như thế rõ ràng xuất phát từ tâm ngạo mạn.
Tất cả các câu kệ hướng dẫn luyện tâm trong bản văn này rất sắc bén và cực kỳ hiệu quả, chúng ta cần áp dụng thực hành.
Lời nguyện thứ 16: Đừng để bùa chú mất linh
Câu kệ này mang ý nghĩa rằng không bao giờ làm điều xấu với những người đã đối xử tốt với mình.
Thầy đặt câu hỏi: Thông thường, chúng ta có khuynh hướng lừa dối ai bằng những lời nói dối? Những ai mình có thể lừa dối một cách dễ dàng mà không bị phát hiện? Những người dễ bị ta lừa dối là những người rất tin tưởng ta. Họ không phát hiện lời nói dối không phải vì họ kém thông minh, mà vì họ tin tưởng mình. Họ tin tưởng mình mà mình lại làm điều xấu với họ, đừng bao giờ làm như vậy.
Câu kệ này nhắc nhở: Những ai làm điều tốt với mình, thì mình không được làm điều xấu đối với họ.
Lời nguyện thứ 17: Đừng khiến thiên thần thành ác quỷ
Đây là một điểm vô cùng quan trọng. Có những lúc ta làm điều thiện chỉ để làm điều xấu đối với người khác. Ví dụ, ta muốn câu con cá nên nhử con cá bằng một con sâu, để con cá đến ăn rồi mình câu cá đó. Hành động dùng một điều tốt để đạt được điều xấu chính là biến thiên thần thành ác quỷ.
Trong thực tế, có khi ta nghĩ rằng mình đang làm điều thiện để giúp đỡ mọi người, nhưng từ sâu thẳm trong tâm, ta không nhận ra rằng những điều thiện đó thực ra xuất phát từ tâm chấp ngã của mình. Nếu điều thiện ta làm chỉ mang hình thức giúp đỡ, nhưng thực chất chỉ để thỏa mãn cái tôi, thì hành động đó chính là biến thiên thần thành ác quỷ.
Lời nguyện thứ 18: Đừng tìm hạnh phúc trong bất hạnh
Ở đây nhấn mạnh đến cách chúng ta tìm cầu hạnh phúc. Có nhiều tình huống mình đạt được hạnh phúc trong sự đau khổ của người khác. Ví dụ, cha mẹ gây áp lực học hành lên con là phải đạt điểm cao trong lớp chỉ để thỏa mãn bản ngã của người cha, người mẹ, muốn chứng tỏ con mình giỏi hơn người khác. Đó là đi tìm hạnh phúc trong bất hạnh.
Khoảng 25 năm trước, khi anh trai của Thầy mới vào đại học, cha mẹ dặn dò anh nhiều điều, yêu cầu phải học cho giỏi. Nhưng Thầy có nói chuyện riêng với anh trai mình: "Nếu đi học mà không cảm thấy hạnh phúc, thì nghỉ học” (Thầy cười).
Có nhiều lúc, trong quá trình đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, ta đẩy người khác vào tình huống đau khổ. Ví dụ, lúc xả cơn giận lên người khác, rõ ràng ta đặt người khác vào tình huống đau khổ. Chỉ vì muốn trải qua sự thỏa mãn nhất thời, muốn xoa dịu cảm xúc của mình, ta vô tình đặt người khác vào tình huống thống khổ. Đó là điều không nên làm.
Ta phải học thuộc lòng câu kệ này để kiểm tra xem trong lúc mưu cầu hạnh phúc, ta có đẩy người khác vào tình huống đau khổ hay không. Với người không thực hành giáo pháp, do mãi mê mưu cầu hạnh phúc cá nhân nên dần dần quên rằng người khác cũng có nhu cầu hạnh phúc nên họ sẽ dễ mắc phải lỗi này.
Chúng ta có biết điều luật rằng các vị tỳ kheo không được bơi hay không? Vào thời của Đức Phật, Đức Phật ban hành luật cấm các tỳ kheo bơi theo lời đề nghị của hoàng hậu, một học trò thân cận của Đức Phật. Hoàng hậu không bị ảnh hưởng từ luật này nhưng các tỳ kheo là người chịu ảnh hưởng vì họ không được phép bơi nữa (Thầy cười).
Đôi khi ta rơi vào hoàn cảnh đau khổ, nhưng nếu ta chịu đau khổ đó mà người khác lại có được hạnh phúc thì ta nên chấp nhận vì lợi lạc của họ. Ví dụ, ta chăm sóc người bệnh trong nhà. Vì phải chịu nhiều nỗi đau trên thân, nên người bệnh giải phóng cảm xúc của họ bằng cách nổi giận với người chăm sóc họ. Nếu ta là người chăm sóc người bệnh như thế, ta phải chấp nhận cơn giận của họ với suy nghĩ ta gánh chịu cơn giận này để người đó có được khoảnh khắc hạnh phúc. Ta phải suy nghĩ như thế, giống như các vị tỳ kheo bị cấm bơi, vị hoàng hậu có lẽ rất vui vì nghĩ rằng “ồ, tôi tạo ra luật cho các tỳ kheo”.
Trong tu viện của Thầy ở Nepal, các vị tu sĩ được chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền… Một hôm nọ, một vị thầy xin dẫn các tu sĩ trong tu viện được đi học bơi nhưng Thầy không chấp thuận vì luật của Đức Phật không cho phép điều đó. Tình huống này khá khó khăn, vì mùa hè rất nóng nực nên ai cũng muốn đi bơi cả. Có người nói Thầy rằng nếu không cho phép các tu sĩ trẻ học bơi, lỡ gặp tình huống rơi xuống nước thì khó có cơ hội sóng sốt. Khi đó, Thầy trả lời rằng câu hỏi này phải được đặt ra cho Đức Phật, vì chính Đức Phật đã đặt ra luật là tỳ kheo không được phép bơi.
Tóm lại, trong quá trình đi tìm hạnh phúc cho bản thân, tuyệt đối không được đẩy người khác vào tình huống đau khổ, khó khăn. Thay vào đó, hãy chịu đau khổ để người khác có được hạnh phúc, đặc biệt là những người thân của mình. Khi mới bắt đầu thực hành, ta không nhất thiết phải chịu đau khổ để người lạ có được hạnh phúc, nhưng khi tiến bộ hơn, trở thành hành giả có nhiều kinh nghiệm, ta bắt đầu chấp nhận khổ đau để tất cả chúng sinh đều có được hạnh phúc.
VII. LỜI KHUYÊN LUYỆN TÂM
Lời khuyên thứ nhất: Tất cả pháp hành, làm bằng một
Lời khuyên thứ nhất rất quan trọng: Ta phải gom tất cả pháp tu thành một pháp duy nhất, phải quan sát khía cạnh duy nhất của tất cả các pháp tu. Đó là pháp tu có giúp cho mình giảm được tham sân si, tức giảm bám chấp, sân giận và vô minh hay không? Nếu pháp tu giúp ta làm được như thế thì hãy thực hành. Ta phải quán sát tất cả pháp hành của mình để chắc chắn rằng tất cả các pháp hành đó phải có một đặc điểm là giúp ta giảm được tham sân si.
Lời khuyên này nhấn mạnh rằng tất cả các pháp thực hành suy cho cùng đều có mục đích giúp giảm bớt 6 phiền não căn bản trong tâm. Pháp nào không làm suy giảm 6 phiền não căn bản trong tâm thì không phải là pháp hành tốt.
Lời khuyên thứ hai: Dẹp các xấu xa, làm bằng một
Lời khuyên này có ý nghĩa là tất cả những lỗi lầm, những hành vi xấu ác của mình đều có chung nguồn gốc, đó là tâm ích kỷ, tâm vị kỷ hay tâm chấp ngã. Biện pháp để dẹp tất cả điều xấu ác là phải diệt trừ tâm vị kỷ, tâm ích kỷ của mình.
Thầy kể một hôm nọ giảng pháp bên Hàn Quốc, ở khoảng nghỉ giữa thời pháp, ban tổ chức có phục vụ cà phê và bánh quy. Thầy thấy một cô bé khoảng 14-15 tuổi, là học trò của Dipkar và cũng là tình nguyện viên phục vụ trong buổi thuyết giảng. Sau thời pháp, Thầy hỏi cô bé: "Con đã học được điều gì qua buổi thuyết giảng này?". Cô học trò chia sẻ rằng cô nhận ra rằng con người thật sự rất ích kỷ vì khi buổi giảng kết thúc, nhiều người đã gom hết cà phê và bánh đem về nhà, dù có thể họ không thực sự dùng hết.
Cho nên, một người thực hành giáo pháp phải luôn hướng tới mục tiêu duy nhất, đó là giảm bớt tâm vị kỷ, tâm ái ngã (tức tâm chỉ biết yêu thương chính mình). Khi tâm ái ngã giảm xuống, thì tâm từ bi chân thật mới có thể phát sinh. Nếu không thực hành để giảm bớt tâm ái ngã, thì tâm từ bi chân thật sẽ không bao giờ phát sinh.
Bài tập về nhà trong tuần này là hãy chọn những câu kệ yêu thích nhất trong văn bản Bảy Điểm Luyện Tâm và học thuộc lòng. Việc học thuộc lòng kinh kệ có 2 điểm lợi. Thứ nhất là thuộc lòng kinh kệ giúp mình kịp thời đưa giáo pháp vào áp dụng thực hành. Thứ hai là học thuộc lòng kinh kệ giúp tăng cường trí nhớ, bởi vì thường ngày ta hay lo lắng nhiều về tương lai, làm tổn hại đến trí nhớ.