08-01-2025
Lamrim 2023
Download MP3

CHỦ ĐỀ: BẢY ĐIỂM LUYỆN TÂM (tiếp theo)

Điểm Thứ Năm: Chuẩn mực tâm đã luyện (tâm thuần)

Thực hành luyện tâm có kết quả tốt chính là chuẩn mực tâm đã luyện (tâm thuần). Ví dụ, người mới cưỡi ngựa chưa đủ kinh nghiệm cần phải học chú tâm vào việc cưỡi ngựa, hay người mới tập lái xe đạp cần phải chú tâm vào việc giữ thăng bằng cho đến lúc thuần thục không cần chú tâm vẫn chạy xe thành thạo. Tương tự, điều quan trọng trong luyện tâm là khi gặp chướng ngại, hay sân giận, thất vọng, mất niềm tin… thì nhớ áp dụng thực hành pháp theo quán tính tự nhiên mà không cần phải suy nghĩ pháp đối trị một cách gượng ép. Đó chính là chuẩn mực tâm đã luyện.

“Mục tiêu các pháp thâu vào một”

Luyện tâm có nhiều phương pháp và luyện tâm ở mức độ cao là “Mục tiêu các pháp thâu vào một”, chủ yếu nói đến giảm thiểu tâm ái ngã và phát triển tâm từ bi đối với chúng sinh khác.

Đức Phật đã giảng rất nhiều giáo pháp nhưng tất cả chủ yếu đều là giảm thiểu cái tôi, tâm chấp ngã. Khi nghĩ nhiều cho bản thân thì sẽ phát sinh tâm ái ngã, tâm ích kỷ, không nghĩ đến người khác. Khi thực hành giảm thiểu tâm ái ngã, chính là thực hành chuẩn mực tâm đã luyện. Vì giảm thiểu được tâm ái ngã thì sẽ phát triển được tâm từ bi đối với chúng sinh khác. Đây mới chính yếu là thực hành pháp ở mức độ cao.

Việc đi chùa hay không, cúng dường nhiều hay không, tụng kinh cầu nguyện nhiều hay không, đó chỉ là khía cạnh nghi lễ. Điều quan trọng của việc thực hành pháp là sự chuyển hóa nội tâm, giảm thiểu tam độc phiền não tham, sân, si và suy nghĩ vì lợi ích cho người khác. Khi cuộc sống gặp vô vàn biến cố mà chúng ta áp dụng ngay được pháp đối trị luyện tâm thì mới thật sự thực hành pháp thuần thục.

Truyền thống luyện tâm Kadampa dạy rằng chúng ta luôn luôn phải quán sát tư tưởng của mình, quán sát xem ta đang làm gì, đang nghĩ gì, kiểm soát giảm thiểu tâm chấp ngã. Đây mới thực sự là thực hành pháp chân thật.

“Giữa hai chứng nhân, giữ bên chính”

Khi thực hành pháp, chúng ta cần biết ai là chứng nhân cho sự tu tập của mình. Chứng nhân là những người nhắc nhở chúng ta rằng luôn có người theo dõi khi ta thực hành pháp.

Khi nhìn người khác thực hành pháp tốt, có đạo đức phẩm hạnh tốt thì đó chỉ là sự hoàn thiện thực hành của người khác, không phải là chứng nhân chân thật cho việc thực hành pháp của mình. Chúng ta cần phải noi gương tinh tấn hoàn thiện thực hành pháp như họ. Chính ta phải là người dấn thân thực hành pháp, đừng để dính mắc vào tám mối bận tâm thế gian (trở nên vui sướng khi ai đó khen ngợi, buồn phiền khi ai đó lăng mạ hoặc khinh bỉ, cảm thấy hạnh phúc khi bạn trải nghiệm sự thành công, chán nản khi gặp thất bại, vui vẻ khi bạn có của cải, cảm thấy thất vọng khi bạn trở nên nghèo khó, thỏa mãn hài lòng khi có tiếng tăm, buồn chán khi bị ghét bỏ).

Chúng ta lúc nào cũng nên theo dõi, kiểm soát tâm, không nên tự đánh lừa bản thân rằng hôm nay tôi thực hành pháp tốt rồi, tôi có đủ tâm thiện và luôn nhắc nhở không ganh tị, lừa gạt, hãm hại người khác. Bản thân mình cần phải là nhân chứng chân thật cho chính mình.

Hai chứng nhân ở đây là người khác và bản thân. Cụ thể, 2 chứng nhân quan trọng theo dõi hành động, việc làm của mình là Đức Phật và chính bản thân bạn.

“Luôn chỉ góp an lạc nội tâm”

Thông thường, hành giả thực hành pháp thường thiền về khổ đế, cái chết, vô thường. Điều này không thiết yếu. Quan trọng của việc hoàn thiện thực hành luyện tâm là luôn cảm thấy an lạc, thư giãn, hạnh phúc. Đó chính là “Luôn chỉ góp an lạc nội tâm”.

Khi gặp tình huống như thân bệnh, tâm bất an, lúc ấy, ta hãy nghĩ rằng nghiệp đã trổ quả chín muồi và nhờ điều này có cơ hội giúp mình áp dụng thực hành pháp vượt qua chướng ngại và nghĩ rằng chúng sinh khác cũng sẽ vượt qua chướng ngại. Khi suy nghĩ như vậy thì tâm tự nhiên trỗi dậy mạnh mẽ vượt qua khổ thân và ta sẽ có được an lạc nội tâm.

Cho nên, điều quan trọng trong luyện tâm là dù rơi vào các tình huống như bệnh tật, sợ hãi, gặp trở ngại, thất bại trong công việc, những điều bất như ý xảy đến hay bị người khác hãm hại, thì ta hãy chấp nhận và mạnh mẽ thực hành chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ, đem lại lợi lạc an vui nội tâm.

“Loạn vẫn an được, đã luyện thuần”

Khi tâm xao nhãng mà bạn có khả năng kéo tâm trở lại đối tượng tập trung thì bạn thật sự luyện được tâm mình. Ví dụ, khi người lái xe đã thuần thục thì dù không tập trung nhưng họ vẫn lái xe an toàn. Tương tự, khi gặp trở ngại thì tâm tự nhiên điều chỉnh tập trung vào pháp đối trị ngay lập tức, không phải gượng ép áp dụng pháp đối trị. Đây chính là tâm thực hành thuần thục.

Ngày nay, tâm lý học phương Tây nói về lòng trắc ẩn tự thân là tự thương chính mình. Hay nói đến sự nhẫn nhịn chấp nhận đau khổ trong nội tâm, nghĩ đến khổ đau của người khác và đôi khi gặp những biến cố thường nghĩ tiêu cực tôi không may mắn, tôi không đạt thành công, tôi không đạt được như ý… Chúng ta không nên suy nghĩ quá mức như thế, thay vào đó, nghĩ rằng đã sinh ra trong cõi luân hồi vốn đau khổ, nhiều lỗi lầm thì hãy chấp nhận và luôn an vui, hạnh phúc. Điều quan trọng là phát tâm từ bi đối với chúng sinh và bản thân mình nỗ lực thực hành thì “Loạn vẫn an được, đã luyện thuần”.