18-12-2024
Lamrim 2023
Download MP3

Các pháp tu tâm:

Tập trung vào việc tu tập luyệm tâm, với mục tiêu chính là giảm bớt tâm ái ngã và ích kỷ. Điểm cốt lõi trong tất cả các pháp tu tâm đó là phải tỉnh thức quán sát bản thân mình để xem ở thời điểm nào thì tâm ái ngã hoặc là tâm ích kỷ trỗi dậy và đối trị lại tâm ái ngã tâm ích kỉ của bản thân. Khi đã bước vào Pháp tu luyện tâm Bồ Đề thì pháp tu cần phải nghiêm túc hơn, nỗ lực nhìn và quán sát bản thân và theo dõi khi tâm ái ngã trỗi dậy.

Xem sách Bảy điểm luyện tâm, trong đó thầy đã chú giải từ đầu tới cuối các điểm này. Điểm thứ tư trong bảy điểm: “ một pháp hành để áp dụng suốt đời” yếu nói đến năm năng lực nên áp dụng. Đó là:

⁃ Năng lực của hạt giống: Cần gieo trồng những hạt giống tích cực vào tâm thức mình.

⁃ Năng lực huân tập (năng lực của thói quen): Cần tạo dựng các thói quen tốt thông qua luyện tập liên tục.

⁃ Năng lực xuất phát từ động lực của bản thân mình: Cần phát triển động lực mạnh mẽ, đặc biệt là động lực vì lợi ích của tất cả chúng sinh.

⁃ Năng lực đối trị: Cần biết cách đối trị các tâm niệm tiêu cực như giận dữ, buồn bã.

⁃ Năng lực cầu nguyện: Cần biết cách cầu nguyện với Phật, Bồ tát để được hướng dẫn và gia hộ

Thứ nhất là năng lực của hạt giống

: mỗi khi làm một việc tốt hay nghĩ đến một thiện niệm nào đó thì không chỉ ngay thời điểm đó là thiện đức, mà mỗi hành động hay ý nghĩ tốt đều để lại một hạt giống trong tâm. Hạt giống này có thể hiểu như một tập khí, hoặc tạo ra một khuynh hướng khiến cho những thiện niệm và những hành động tốt trong tương lai dễ dàng phát sinh hơn. Cho nên để cho tâm trở nên tích cực hơn, thì mỗi ngày phải chủ động gieo vào tâm những hạt giống tích cực, nỗ lực, suy nghĩ về ít nhất năm điều tích cực mỗi ngày nhằm để lại một tập khí giống như mình đang chủ động gieo thêm vào trong tâm thức mình những hạt giống tích cực để đối trị lại những hạt giống tiêu cực sẵn có. Thế nào là thiện niệm hay suy nghĩ tích cực? Làm thế nào để đạt được an lạc nội tâm, đó là hạt giống thiện tốt nhất. Nếu muốn có những suy nghĩ thiện trong lòng thì nhất định phải gieo hạt giống thiện. Hạt giống thiện đó được gieo vào trong tâm mình là hệ quả của suy nghĩ thiện trước đó.

Năng lực thứ hai đó là năng lực huân tập hay là năng lực của thói quen

. Để có thể duy trì thiện hạnh, những hành động thiện, ý niệm thiện ở trên thân và trong tâm thì nhất định phải biến những hành động, những suy nghĩ đó thành thói quen. Và người ta đã chỉ ra rằng là để tạo một thói quen mới thì mình phải thực hành điều đó lặp đi lặp lại trong vòng 21 ngày liên tục. Hãy nhìn lại xem ta đã có những thói quen tốt nào và nếu như muốn có, hãy nỗ lực xây dựng những thói quen mới đó bằng cách thực hành tới nhiều lần trong vòng 21 ngày, hoặc ít nhất là 21 ngày, có thể kéo dài tới một tháng.

Năng lực thứ ba, đó là năng lực của động cơ hay là động lực

. Cảm hứng trong một tình huống nào đó có thể phát sinh ra động lực. Muốn có động lực tu tập thì h hãy đọc sách Giải thoát trong lòng tay, đặc biệt là những mẫu chuyện kể về các đại hành giả. Trong quá khứ họ đã tu tập như thế nào? Năng lực của động cơ rất quan trọng, có động lực thì mới thúc đẩy tiến hành công việc và động lực mạnh mẽ nhất trong quá trình tu tập là nghĩ đến làm lợi lạc cho người khác.

Năng lực thứ tư là năng lực đối trị.

chủ yếu khi phát hiện ra trong tâm xuất hiện những ác niệm, những suy nghĩ tiêu cực hoặc nhận ra mình đang có những hành động sai quấy. Khi phát hiện ra trên thân hoặc trong tâm mình, có những điều đi ngược lại với với giáo pháp thì phải lập tức áp dụng pháp đối trị những hành động ác, những suy nghĩ tiêu cực đó.

Thầy hỏi lớp: Thứ nhất nếu phát hiện ra mình đang nổi giận thì pháp đối trị để cải thiện cơn giận đó là gì? Câu hỏi thứ hai, nếu cảm thấy buồn bã bởi vì sự nghiệp bị tắc nghẽn, không có thăng tiến, công việc không có, không có cải thiện … thì sẽ dùng pháp đối trị nào để đối trị lại cảm xúc buồn bã đó?

Thầy sẽ không đưa ra một gợi ý nào cả. Mình sẽ phải tự tìm pháp đó trị đối với những cảm xúc nóng giận hay là buồn khổ như thế trong cuộc sống của mình. Bởi vì khi đã học nhiều pháp thực hành, thực hành pháp nhiều hơn thì sẽ có cảm giác là càng dễ dàng làm chủ cảm xúc và làm chủ cuộc sống của mình. Đã học nhiều pháp thực hành thì phải áp dụng các phương pháp đó vào tình huống không mong muốn trong cuộc sống của mình.

Nếu pháp mình đã chọn, không giúp được gì, tâm trạng không cải thiện thì mình phải tìm một pháp đối trị khác trong tất cả những pháp tu tập mình đã được học. Quá trình tìm một pháp đối trị có thể chữa lành được phiền não trong tâm là một quá trình quan trọng và đó chính là quá trình đi tìm một giải pháp để làm chủ cảm xúc, tâm trạng của bản thân. Lớp đã học Lamrim đến phạm vi lớn rồi thì đã học nhiều phương pháp tu tập rồi, cho nên phải quan sát tâm và xem ở thời điểm nào mình cần công cụ nào, pháp đối trị nào. Tụng kinh, trì chú là những cách dễ dàng. Cho nên bây giờ hãy tìm những cách thực thụ hơn, thử thách hơn trong việc đối trị với những cảm xúc.

Năng lực cuối cùng, đó là năng lực cầu nguyện

. Đôi lúc trong cuộc sống ta cảm thấy bế tắc, mất phương hướng, không biết làm gì thì có thể cầu nguyện với đức Phật xin Ngài đưa đường chỉ lối cho mình. Những lúc mình vui vẻ, thuận lợi thì không cầu nguyện gì cho bản thân mình, có thể xin với Đức Phật hãy làm cho tất cả những người khác cũng thuận lợi như là hoàn cảnh mình đang có. Mỗi khi thầy cầu nguyện với ngài Quán Thế Âm, thầy luôn xin ngài là hãy làm cho tất cả những người khác đều có hạnh phúc, an lạc, đặc biệt là với những người làm cha, làm mẹ thì thầy hiểu một tâm lý rằng cha mẹ lúc nào cũng lo lắng cho con. Nhiều khi những nỗi lo đó không có cần thiết, cho nên một phiền não căn bản phải đối trị, phải vượt qua đối với những người làm cha, làm mẹ là phiền não lo lắng cho con. Thay vì lo lắng thì hãy cầu nguyện với Đức Phật để che chở, bảo vệ cho con được mọi thứ đều thuận lợi, an toàn.