11-12-2024
Lamrim 2023
Download MP3

Thầy và học viên cùng phát khởi động cơ thanh tịnh trước buổi học pháp. Bắt đầu tụng kệ Quy y Tam Bảo và phát tâm Bồ Đề và kết thúc hồi hướng thì việc học pháp thành tựu viên mãn.

Chánh văn Bảy Điểm Luyện Tâm gồm có bảy điểm:

Điểm Thứ Nhất: Pháp hành Sơ Khởi

Điểm Thứ Hai: Pháp hành chính yếu: Luyện tâm Bồ Đề

Điểm Thứ Ba: Chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ

“Khi thế giới tràn đầy tội lỗi,

Chuyển nghịch cảnh thành đường giác ngộ”

Khi nghịch cảnh, khó khăn, bất như ý xảy đến, hãy nghĩ rằng chúng ta có thể chuyển hóa nghịch cảnh thành thuận duyên, thành đường tu giác ngộ. Cõi thế gian này, không chỉ riêng ta mà còn những chúng sanh khác cũng đầy khổ đau, nghịch cảnh. Đây là bản tánh tự nhiên của cõi luân hồi. Cho nên, bất cứ lúc nào gặp khó khăn, hãy nghĩ rằng ta phải đương đầu với nó, nhận lấy khó khăn đó thay cho chúng sinh và mong nguyện chúng sinh cũng xa lìa những đau khổ, chướng ngại như thế. Hãy nghĩ rằng những ác nghiệp kiếp trước đã chín muồi, rằng có thể ta đã tạo nhiều ác nghiệp kiếp trước khiến trong tương lai ta phải tái sinh vào các cõi ác; thật may mắn những ác nghiệp kiếp trước đã chín muồi ngay lúc này được tịnh hóa.

Thầy trích dẫn Nhập Bồ Tát Hạnh: Không ai mong muốn khổ đau. Khi khổ đau xảy đến sẽ có nhiều cơ hội giúp ta thấu hiểu sự thống khổ của người khác, phát triển tâm bi đến với chúng sinh và tâm ta mạnh mẽ đương đầu với khó khăn.

Lấy ví dụ về Đức Dalai Lama. Khi đến Ấn Độ, Đức Dalai Lama đã đối mặt vô số khó khăn, xử lý vô số công việc và Ngài vẫn giảng dạy giáo pháp đến mọi người, nhờ vậy các chư Tăng Ni có cơ hội học và giảng dạy giáo pháp, cư sĩ được nghe pháp. Cho nên, nhân xấu nghịch cảnh xảy đến tạo nên kết quả tốt. Cách nghĩ như vậy sẽ giúp cho tâm chúng ta có nhiều động lực mạnh mẽ vượt qua khó khăn, thử thách của bản thân hơn. Đó chính là chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ.

Có 2 cách để thực hành việc chuyển hóa là chuyển hóa qua hành động và chuyển hóa qua ý nghĩ.

Chuyển hóa qua ý nghĩ có 2 phần nhỏ là chuyển hóa tương đối (chuyển hóa nhờ phân tích) và chuyển hóa tuyệt đối (chuyển hóa bằng tri kiến).

Chuyển hóa tương đối (chuyển hóa nhờ phân tích)

“Hãy trách cứ một điều duy nhất”

Khi gặp chướng ngại, khó khăn, ta thường hay đổ lỗi cho người khác. Đây là lối suy nghĩ không đúng. Ta hãy chỉ đổ lỗi cho một điều duy nhất là lỗi lầm của tâm ái ngã. Đại hành giả Dharmaraksita Pháp Hộ soạn tác tác phẩm Bánh Xe Vũ Khí Luyện Tâm hướng dẫn các phương pháp chuyển hóa tâm phiền não, phân tích nhiều lỗi lầm của tâm ái ngã, tám pháp thế gian.

Thầy kể chuyện Đại hành giả Baen Gung-gyael một hôm nghe thí chủ sắp viếng thăm, đã cố bày biện đồ cúng Tam Bảo thật đẹp. Khi xét lại động lực thúc đẩy mình làm việc ấy, thầy thấy mình chỉ cốt gây ấn tượng tốt nơi thí chủ. Thầy bèn vùng dậy khỏi bồ đoàn, tung tro lên đồ cúng và tự nhủ “Tỷ kheo, đừng có ngu ngốc”.

“Thiền quán tri ân đến tất cả”

Đây là điểm thiền quan trọng, nghĩa là giữ tâm tử tế và biết ơn đến tất cả chúng sinh.

Vì tất cả chúng sinh hữu tình từng là cha, mẹ của mình trong những đời quá khứ nên nhớ lại sự tử tế và đền đáp họ. Chúng ta tri ân Đức Phật là nơi quy y cứu giúp tất cả chúng sinh. Tri ân các bậc thầy, tri ân đến các chúng sinh như người ăn xin, vì nhờ họ mà chúng ta có cơ hội cho họ thực phẩm, tích lũy phước thiện. Nếu không có chúng sinh thì không có cơ hội phát triển tâm từ bi. Nhờ có chúng sinh mà ta có cơ hội tích lũy phước thiện.

Đại hành giả luyện tâm Langri Tangpa nói rằng: “Tất cả mọi lỗi lầm đến từ tâm ái ngã. Tất cả phẩm hạnh phát sinh đều nhờ vào chúng sinh”. Khi kẻ thù hại mình, ta nên tri ân họ vì họ giúp mình thực hành nhẫn nhục.

Hai điểm trên hướng dẫn chúng ta nhìn nhận đúng đắn: mỗi khi nghịch cảnh xảy đến trong cuộc sống, nên nghĩ rằng là ác nghiệp của chính mình, chính vì tâm ái ngã chứ không đổ lỗi cho ai khác.

Chuyển hóa tuyệt đối (chuyển hóa bằng tri kiến)

“Mọi ảo hiện quán thành bốn thân

Giữ vững tánh không, không gì hơn”

Hãy nghĩ rằng mọi nghịch cảnh, danh xưng dù tốt hay xấu và giấc mơ dù tốt hay xấu khi thức dậy đều là hư ảo. Khi nghịch cảnh xảy đến hay ai khác hãm hại, nói nặng lời với mình thì hãy nghĩ rằng tất cả đều là hư ảo, vô thường. Nghĩ như vậy sẽ giúp tâm mình được chữa lành, không thất vọng, không buồn phiền. Ngày nay, chúng ta thường có nhiều buồn phiền do suy nghĩ vọng tưởng quá mức. Ví dụ, khi ai đó nói lời không hay, chúng ta suy nghĩ nhớ lại lời nói và liên tiếp suy diễn vọng tưởng về lời nói ấy khiến tâm ta nổi sân, buồn phiền. Hãy nghĩ rằng lời nói ấy cũng sẽ thay đổi biến mất như huyễn ảo. Tất cả những gì chúng ta nghe và thấy đều hiện ra như ảo ảnh sẽ giúp chúng ta luyện tâm an lạc.

Chuyển hóa qua hành động

“Cách tốt nhất với bốn pháp hành

Gặp việc thế nào cũng thiền quán”

Mỗi khi cảm thấy khó khăn hãy ngay lập tức áp dụng bốn pháp hành vào bất cứ hoàn cảnh gặp phải.

Bốn pháp hành là:

Hành vi thứ nhất: Tích lũy công đức và trí tuệ

Nếu nghịch cảnh, đau bệnh không xảy đến thì ta sẽ không nhớ đến thực hành pháp. Do đó, khi gặp nghịch cảnh, hãy nghĩ tri ân đến Tam Bảo đã gia trì cho con gặp khó khăn giúp con nhớ thực hành pháp, giúp con có cơ hội tích lũy công đức và trí tuệ, có động lực thực hành pháp lễ lạy, cúng dường, quy y…

Hành vi thứ hai: Thanh lọc chướng ngại

Khi nghịch cảnh xảy đến, hãy nghĩ đó chính là nhân của ác nghiệp đã chín muồi. Ta cần áp dụng bốn pháp đối trị là từ bỏ, áp dụng mọi thuốc chữa, chừa bỏ tà hạnh, năng lực căn bản để thanh tịnh hóa nghiệp bất thiện.

Hành vi thứ ba: Cúng bánh lễ torma lên chư thiên, phi nhân

Khi cúng bánh lễ torma lên chư thiên, phi nhân, hãy nghĩ rằng mọi ác nghiệp, oan trái đều được tịnh hóa, không còn sân giận và phát sinh tâm bi với tất cả chúng sinh.

Hành vi thứ tư: Cầu nguyện Ruộng Phước, chư thiên, hộ pháp

Xin hãy gia trì cho con thành tựu thực hành pháp, tâm Bồ Đề, công việc, tiêu trừ chướng ngại, đạt được mọi điều thuận duyên như ý, chuyển hóa nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ.

Gặp việc thế nào cũng thiền quán”

Khi gặp hoàn cảnh khiến tâm tán loạn thì hãy thiền quán vận dụng phương pháp luyện tâm chuyển hóa nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ. Hãy thực hành pháp CHO - NHẬN. Hãy nghĩ khi ta có niềm an vui thì chúng sinh cũng có như vậy. Khi ta gặp đau khổ xảy đến thì chúng sinh cũng xa lìa những đau khổ.

Điểm Thứ Tư: Một pháp thực hành suốt đời

Chủ yếu về phương pháp thực hành luyện tâm Năm lực khi còn sống như thế nào và thực hành luyện tâm Năm lực khi cận tử như thế nào? Năm lực gồm: Năng lực hạt giống trắng, năng lực của tập quán, năng lực quyết định, năng lực của sự từ bỏ, năng lực của cầu nguyện.