27-11-2024
Lamrim 2023
Download MP3

- Thầy và học viên cùng phát khởi động cơ thanh tịnh trước buổi học pháp. Bắt đầu tụng kệ Quy y Tam Bảo và phát tâm Bồ Đề và kết thúc hồi hướng thì việc học pháp thành tựu viên mãn.

- Chánh văn Bảy Điểm Luyện Tâm gồm có bảy điểm:

1/ Pháp hành Sơ Khởi

+ Nghĩ về thân người khó được.

+ Nghĩ về chết và vô thường.

+ Nghĩ về những nhược điểm của luân hồi.

2/ Pháp hành chính yếu: Luyện tâm Bồ Đề

3/ Chuyển nghịch cảnh thành đường Giác Ngộ

4/ Một pháp thực hành suốt đời

+ Chủ yếu về phương pháp thực hành luyện tâm như thế nào? Và Năm lực gồm: Năng lực hạt giống trắng, năng lực của tập quán, năng lực quyết định, năng lực của sự từ bỏ, năng lực của cầu nguyện.

5/ Chuẩn mực tâm đã luyện

+ Hoàn thiện thực hành tâm đã luyện thế nào? Tại sao thực hành luyện tâm? Tại sao việc luyện tâm đã diễn ra kết quả?

6/ Lời nguyện luyện tâm

7/ Lời khuyên luyện tâm

- Thầy hướng dẫn Điểm thứ hai - Pháp hành chính yếu: Luyện tâm Bồ Đề.

+ Luyện tâm Bồ Đề gồm có luyện tâm Bồ Đề tuyệt đối và luyện tâm Bồ Đề tương đối. Thầy giới thiệu tóm lược về luyện tâm Bồ Đề tuyệt đối. Luyện tâm Bồ Đề tuyệt đối chủ yếu thiền về Tánh Không. Sau này học về phân tích Thắng Quán, thầy sẽ nói sâu hơn về luyện tâm Bồ Đề tuyệt đối.

+ Tổng quát, thiền có hai loại là thiền chỉ chuyên nhất và thiền quán phân tích. Hành giả phương Tây phân tích thiền là trạng thái tâm chuyên chú vào một đối tượng. Theo Phật giáo gọi là thiền chỉ chuyên nhất. Khi quán sát, tư duy phân tích đi sâu vào đối tượng là thiền quán phân tích. Bảy Điểm Luyện Tâm có đề cập đầu tiên về thiền quán phân tích và tiếp đến là thiền chỉ chuyên nhất.

“Hòa vào bản chất của tàng thức”

+ “Hòa vào bản chất của tàng thức” liên quan đến thiền chỉ chuyên nhất.

+ Sau phân tích xong chi tiết và hiểu về Tánh Không thì tiếp đến đặt trạng thái tâm chuyên chú vào Tánh Không. Đó chính là thiền chỉ chuyên nhất.

+ Thầy sẽ giới thiệu tóm lược về thiền chỉ chuyên nhất là chấm dứt vọng tưởng. Nếu suy nghĩ nhiều về tương lai thì sẽ phát sinh vọng tưởng khiến tâm trở nên lo lắng. Nếu suy nghĩ nhiều về quá khứ thì sẽ phát sinh vọng tưởng khiến tâm trở nên buồn phiền. Chúng ta không nên suy nghĩ về hiện tại những điều tốt/xấu, vui/buồn, mà hãy thiền tập trung vào chính trạng thái tâm. Trong tâm có vô số phát sinh vọng tưởng xấu/tốt. Khi đặt trạng thái tâm chuyên chú vào vọng tưởng thì lúc đó nó sẽ biến mất. Đây là ý nghĩa đơn giản của câu “Hòa vào bản chất của tàng thức”.

+ Đôi khi, chúng ta thiền về hơi thở, hít vào thở ra thì thỉnh thoảng vọng tưởng cũng sẽ biến mất. Phương pháp này phù hợp với hành giả bắt đầu thiền.

“Giữa thời, làm chúng sinh huyễn ảo”

+ Khi thiền, ta đặt trạng thái tâm chuyên chú vào Tánh Không tại các thời khóa và kết thúc thời thiền, ta có thể nghỉ giải lao đi ra ngoài trò chuyện với người thân hay làm những công việc hằng ngày thì khoảng thời gian này là “Giữa thời”, nhưng cần nên giảm thiểu bám chấp, sân giận.

+ Đôi khi, chúng ta thích xem múa hát trên ti-vi. Hãy luôn nhắc nhở tâm mình những gì nghe thấy trên ti-vi chỉ là diễn, là giả không có thật. Chúng ta có những tham sân, ưa ghét, vui buồn thì những trạng thái ấy cũng giống như diễn viên múa hát trên ti-vi đều là giả, không có thật. Hãy nghĩ tất cả giống như giấc mơ, huyễn ảo, không có thật, không có tồn tại.

+ Tiếp đến, Luyện tâm Bồ Đề Tương Đối thì luyện tâm hoán đổi ngã tha bằng cách đổi địa vị mình với người.

“Hai pháp CHO – NHẬN, hành xen kẽ”

+ Hành giả bước đầu thực hành luyện tâm về thiền hai pháp CHO – NHẬN sẽ không tức thời có được đổi địa vị mình với người. Tuy thấy trên lời văn đơn giản nhưng thực hành rất khó, rất thâm sâu.

+ “CHO” có ý nghĩa trao tặng niềm vui, an lạc, hạnh phúc của mình đến người khác.

+ “NHẬN” có ý nghĩa đón nhận tất cả đau khổ của người khác vào mình. Đây là giới thiệu về ý nghĩa pháp luyện tâm nhưng pháp này trình độ cao thâm sâu không dễ dàng thực hành.

+ Trong đoạn kệ Bốn tâm vô lượng thìNguyện tất cả chúng sinh an vui và được nhân an vui” chính là tâm từ vô lượng và có liên quan đến thiền thực hành luyện tâm pháp “CHO”. “Nguyện tất cả chúng sinh xa lìa khổ đau và nhân khổ đau” chính là tâm bi vô lượng và có liên quan đến thiền thực hành luyện tâm pháp “NHẬN”.

+ Thông thường, chúng ta thiền về hơi thở “CHO - NHẬN” theo cách đơn giản. Trước khi bắt đầu thiền hơi thở, thường nghĩ rằng những điều không vui và dơ bẩn trong thân tâm sẽ theo hơi thở đi ra ngoài và hít vào những điều bình an, may mắn vào bên trong.

+ Bước tiếp theo chúng ta cầu nguyện Nguyện tất cả chúng sinh an vui và được nhân an vui” và “Nguyện tất cả chúng sinh xa lìa khổ đau và nhân khổ đau”. Hãy nghĩ khi ta có niềm an vui thì chúng sinh cũng có như vậy. Khi ta gặp đau khổ xảy đến thì chúng sinh cũng xa lìa những đau khổ.

+ Bước đầu thực hành pháp CHO - NHẬN, nghĩ rằng sẽ nhận đau khổ của chúng sanh sáu cõi thì không dễ dàng. Đối với cha mẹ, người thân có những vấn đề thì ta thực hành nhận lấy khổ đau của họ dễ dàng hơn. Cho nên, bước đầu thực hành pháp CHO - NHẬN, ta hãy áp dụng thiền tâm từ bi với người thân cận rồi tiếp theo với người khác.

“Hai pháp CHO – NHẬN, hành xen kẽ

Hai pháp này, đặt lên hơi thở”

+ Ta thấy lời văn “Hai pháp CHO - NHẬN”, nhưng lúc thực hành thì bước đầu là pháp “NHẬN” và tiếp đến là pháp “CHO”.

+ Thực hành pháp CHO - NHẬN chính là áp dụng thiền hơi thở cho - nhận. Cụ thể, khi hít vào, ta quán tưởng tâm bi, nghĩ rằng tất cả đau khổ của người khác sẽ theo hơi thở đi vào và mình gánh hết tất cả mọi đau khổ của người khác. Sau đó, khi thở ra thì quán tưởng tâm từ, nghĩ rằng tất cả mọi an vui của mình sẽ theo hơi thở đi ra ngoài và thấm hết vào tất cả chúng sinh. Chúng sinh sẽ có được hạnh phúc của mình và mình sẽ gánh mọi đau khổ của chúng sinh. Đây là pháp thiền hơi thở ở trình độ cao cấp.

“Ba nơi, ba độc, ba thiện căn”

+ Nói về tâm bệnh, ba độc tố là bám chấp, sân giận, vô minh. Ba nơi nào làm phát sinh ra ba độc? Đó chính là do chúng ta thường bám chấp vào đối tượng ưa thích, những điều tốt. Ta sân giận với những điều không hợp ý, những điều xấu. Và với những điều bình thường trung lập thì ta lại vô minh. Chính ba điều này tạm thời khiến tâm ta không hạnh phúc và cuối cùng tích lũy nghiệp xấu, để rồi trổ quả đau khổ. Khi loại trừ ba nơi, ba độc này thì sẽ phát sinh ba thiện căn.

+ Khi nghe những lời chỉ trích, ta liền nổi lên sân giận, thấy những đối tượng ưa thích, ta liền nổi lên bám chấp, v.v… Do đó, ta cần phải thận trọng với ba độc này. Khi ba độc phát sinh, ta cần phải nhận biết ngay nó đang hoạt động và tìm cách đối trị để loại trừ thì mới tích lũy thiện căn, từ đó có nhiều lợi ích cho cuộc sống.

+ Chuyển hóa tâm nghĩa là chuyển hóa tâm bất an thành tâm an, tâm mất kiểm soát thành tâm kiểm soát, tâm đau khổ thành tâm hạnh phúc, tâm xấu thành tâm tốt. Ví dụ: Trong tâm ta luôn tồn tại ba độc và khi kiểm soát được nó thì ta có được lợi ích trong cuộc sống hằng ngày, trong gia đình, trong mối quan hệ vợ chồng, nơi làm việc, v.v…

+ Thực hành chuyển hóa tâm sẽ giúp phát triển trí tuệ cảm xúc. Khi thường suy nghĩ thực hành chuyển hóa tâm sẽ giúp chúng ta tái sinh cõi lành ở kiếp sau và mang lại nhiều lợi ích hạnh phúc, an vui, thuận lợi thành công ngay trong kiếp này.

+ Ví dụ: Khi phát sinh vấn đề với gia đình, ta giận dỗi, hoặc thể hiện thái độ im lặng, bỏ ra ngoài đi dạo hay đi tập thể dục. Đây là phương pháp đối trị thông thường. Phương pháp đối trị thứ hai là áp dụng pháp luyện tâm, nhận biết phân tích kiểm soát cơn sân có từ đâu và tìm pháp đối trị giảm thiểu phiền não này.

“Tất cả việc, luyện qua lời nói”

+ “Tất cả việc, luyện qua lời nói” là hành động qua thân, khẩu, ý. Tuy thực hành pháp CHO - NHẬN không dễ dàng nhưng ta có thể tự nhắc nhở bằng cách đọc, học thuộc ghi nhớ câu kệ này, sẽ giúp ta tiến bộ và có lợi ích trong thực hành.

+ Ví dụ: Một số người cảm thấy tự ti, run sợ khi diễn thuyết trước đám đông, họ thường suy nghĩ rằng “tôi không làm được, tôi không nói được trước nhiều người”. Ta hãy mạnh dạn tự tin suy nghĩ “tôi có thể làm được, tôi có thể diễn thuyết trước đám đông”. Tương tự, ta tự tin “tôi có thể thực hành pháp CHO - NHẬN, tôi có thể giảm thiểu được phiền não”. Ta thường có thói quen khi nổi nóng sẽ la hét hay tụng câu chú, đọc kinh thật to tiếng. Hãy tập chuyển hóa bằng cách: khi phiền não nổi lên, ta hãy nghĩ nó sẽ ổn thôi, sẽ qua thôi. Cho nên, việc học thuộc lòng câu kệ này bạn có thể luôn nhớ và thực hành một cách đúng đắn.

“Trình tự tu, bắt đầu từ mình”

+ Trước tiên, ta phải tích lũy kinh nghiệm. Đầu tiên, ta nhận ra lỗi lầm của mình. Khi ta nổi giận, ganh tị thì phải biết tìm cách đối trị. Ta cần thực hành giảm thiểu những phiền não cho bản thân.

- Thầy hướng dẫn Điểm thứ ba: Chuyển nghịch cảnh thành đường Giác Ngộ.

+ Thỉnh thoảng, chúng ta thường gặp những điều không mong muốn xảy đến trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực hành chuyển hóa tâm sẽ giúp chuyển hóa nghịch cảnh thành thuận duyên, thành đường tu Giác Ngộ.

+ Thông thường, khi làm bất cứ việc gì mà gặp nghịch cảnh, ta thường có ý định từ bỏ. Thay vào đó, ta cần suy nghĩ tích cực, phân tích áp dụng thực hành chuyển hóa tâm thì ta sẽ có thể chuyển hóa nghịch cảnh thành thuận duyên.