LUYỆN TÂM BỒ ĐỀ
Phần pháp hành chính yếu luyện tâm Bồ đề:
Thứ nhất
: nghĩ đến các pháp như giấc mộng, quán bản chất sáng suốt bất sinh, pháp đối trị cũng tự giải thoát, hòa vào bản chất của tàng thức.
Thứ hai
:Luyện tâm Bồ đề. Có hai loại tâm Bồ đề:
- Tâm Bồ đề tuyệt đối là tính Không
- Tâm Bồ đề tương đối: là ước muốn thành Phật để giải thoát chúng sinh.
Đoạn bốn câu đầu tiên là giải thích sơ lược về tính Không, sau đó là thực hành tâm Bồ đề tương đối. Phần thực hành tâm Bồ đề và chi tiết thực hành sẽ được nêu ở phần sau của phạm vi lớn trong sách GTTLT.
Nghĩ đến các pháp như giấc mộng
Khi tóm lược về tâm Bồ đề, trước hết nghĩ đến các pháp như giấc mộng. Tất cả những thứ được ta nhìn thấy như là một giấc mộng, vì các sự vật hoặc hiện tượng bên ngoài, chúng không có tự tính. Có nghĩa là chúng không thể tồn tại độc lập, mà phải phụ thuộc vào các duyên khác. Tất cả những gì hiển hiện trước những ai chưa giác ngộ, sẽ được tri nhận có phần là do tâm ta gắn đặt các khái niệm lên những thứ bên ngoài đó. Vì thế nói rằng bản chất các thứ bên ngoài như giấc mộng. Ở bước này, khi thực hành Tánh không, để thấy được rõ ràng bản chất các pháp như giấc mộng. Điều này không thể thực hành một cách vội vàng mà phải thực hành từng bước một.
Đặc điểm của giấc mộng là gì? Đặc điểm của giấc mộng là chúng không có thật và chúng không tồn tại mãi mãi. Ngay thời điểm người nằm mộng, và người đã thức giấc thì giấc mộng trở thành vô nghĩa. Trong cuộc đời cũng vậy, có rất nhiều điều không mong muốn xảy đến với mình. Những điều không mong muốn đó, về bản chất cũng như giấc mộng, nó đến rồi nó đi, bản chất nó không có thật. Khi hiểu rõ như vậy thì có thể tiếp cận mọi việc không mong muốn một cách dễ dàng hơn. Cho dù có biến cố không mong muốn bên ngoài, thì những biến cố đó không ảnh hưởng đến tâm của mình.
Sang câu kệ tiếp theo:
Quán bản chất sáng suốt bất sinh.
Quan sát tất cả những suy nghĩ hay cảm xúc, cảm thọ trong tâm của mình. Khi mà có bất cứ một suy nghĩ, cảm thọ nào xuất hiện ở bên trong, thì mình hãy tìm xem những suy nghĩ, những cảm thọ đó, những cảm giác đó nó xuất phát từ đâu và nó hiện ở chỗ nào trong cơ thể mình. Cách chúng ta hành xử hiện tại là khi có một vấn đề hay biến cố nào đó xảy ra, nó khiến ta rơi vào một nỗi buồn hay đau khổ, thì tâm sẽ liên tục bị cuốn theo biến cố bên ngoài đó. Và khi mà tâm càng bị cuốn theo biến cố bên ngoài, thì tất cả những suy nghĩ về biến cố đó ngày càng cường điệu hóa cảm xúc tiêu cực và khổ đau bên trong của cơ thể mình. Ta không bao giờ nhìn ngược ở bên trong để phân tích xem nỗi khổ đó nó bắt đầu từ đâu, nó có thật hay không? Học được điều này rồi thì mỗi khi gặp một biến cố bên ngoài thay vì bị cuốn theo, quá mức tập trung vào biến cố đó thì hãy nhìn vào bên trong và phân tích cảm thọ đau khổ này nó xuất phát từ đâu và nó có thật hay không. Nếu nó có thật thì nó đang hiện diện chính xác ở nơi đâu trong cơ thể mình. Khi bắt đầu đặt ra những câu hỏi đó, bắt đầu phân tích chính cái cảm thọ đó bên trong, thì cái cảm thọ bản chất tự nhiên nó sẽ phai mờ dần và nó biến mất. Ví dụ như khi có người nói xấu mình, dùng những lời lẽ rất khó nghe lăng mạ mình thì ngay lập tức mình sẽ nổi giận. Đó là phản ứng rất bình thường. Tuy nhiên nếu như tiếp theo đó, ta cứ bị ám ảnh bởi cái lời lăng mạ của người kia, quá mức tập trung vào lời nói của người kia thì chỉ càng khiến cho cái tâm giận của ta ngày càng trở nên mạnh hơn mà không giúp được gì cho bản thân mình hết. Thay vì như vậy, hãy phân tích chính cái cơn giận của mình, hãy tự hỏi cơn giận này nó xuất phát từ đâu và nó có thật hay không? Khi đặt ra câu hỏi đó, cố gắng đi tìm tận cùng nguồn gốc của bất cứ cơn giận nào hay bất cứ cảm thọ nào bên trong người mình thì quá trình phân tích đó sẽ giúp cho chính cảm thọ đó dần dần tan biến. Pháp thực hành này khá là khó, nên hãy nỗ lực. Nếu cứ bị ám ảnh và suy nghĩ mãi về cái nguyên nhân gây ra nỗi khổ, là sự việc bên ngoài, thì nỗi khổ đó nó sẽ ở trong tâm ta rất lâu, nên hãy xoay ngược vào trong phân tích chính nỗi khổ đó.
Nếu tuần này không có buồn, không có phiền não, thì không cần phải thực hành phương pháp này. Khi cảm thấy căng thẳng, lo âu và đau khổ trong tâm nên bắt đầu áp dụng phương pháp thực hành này.
Câu kệ tiếp theo là:
Pháp đối trị cũng tự giải thoát
.Thí dụ dùng cái pháp đối trị, ở đây là hướng thiền quán vào bản chất cảm thọ, hướng tâm vào bên trong, nhìn vào những cảm xúc bên trong ta như thầy hướng dẫn ở phần trên. Khi phân tích cảm xúc một lúc thì sẽ phát hiện rằng cảm xúc đó, nó biến mất. Nó biến mất, nó không còn hiện diện trong tâm ta nữa và ta thoát ra được khỏi cái cảm giác đó. Ngay thời điểm đó, ta ngừng lập tức không phân tích nữa. Không cần phải tự hỏi rằng cái cảm xúc đó nó biến mất, rồi nó đi đâu? Và ta tận hưởng một cái tâm không còn cảm xúc tiêu cực đó. Và đó là một điểm quan trọng cần nhớ. Hầu hết chúng ta đều mắc hai sai lầm khi thực hành Phật Pháp. Thứ nhất: không tu tập đúng giờ - tức là không tu đúng thời điểm. Thường ta sẽ lên thời khóa tu tập khi có thời gian rảnh rỗi. Nhưng thời gian rỗi và đúng thời điểm là hai thứ khác nhau. Thời điểm đúng để thực hành Phật Pháp và thời gian rảnh rỗi để thực hành Phật Pháp là hai thời điểm khác nhau. Nhiều lúc khi bận rộn với chuyện khác lại chính lại là cái thời điểm đúng đắn để tu tập. Ngay vào những thời điểm có lo âu, căng thẳng hoặc sân giận hay phiền não chính là thời điểm tốt nhất để tu hành, để áp dụng các phương pháp tu tập; Sai lầm thứ hai: không biết chọn pháp tu tập hiệu quả nhất với tâm mình. Để tránh lỗi lầm này, thì cần chọn ra được một phương pháp tu tập, một pháp hành hiệu quả nhất cảm nhận được trên tâm của mình. Để biết được pháp tu nào hiệu quả nhất với mình, cần phải thử nghiệm.
Trước giờ, chúng ta đã học rất nhiều pháp đối trị, bởi vì ta đã được học nhiều chủ đề, và mỗi chủ đề là một pháp đối trị đối với phiền não. Giả sử những lúc buồn thì pháp đối trị nào, pháp tu nào giúp vượt qua nỗi buồn nhanh nhất; những lúc lo sợ thì pháp thực hành nào giúp vượt qua nỗi sợ nhanh nhất. Nên, cần phải theo dõi quá trình áp dụng nhiều pháp đối trị khác nhau trên từng loại phiền não khác nhau. Từ đó, rút ra kinh nghiệm pháp đối trị nào hiệu quả nhất đối với loại phiền não nào của chính mình. Nếu muốn tránh được hai lỗi lầm này, thì phải bằng cách nào? Bằng cách là chọn đúng thời điểm để triển khai pháp tu của mình và khi thời điểm đã đúng rồi thì chọn ngay pháp hiệu quả nhất đối với hoàn cảnh đó, nếu thuần thục được hai điểm này thì sẽ tu tập rất nhanh.
Lớp đã được học rất nhiều đề mục ở trong Lamrim, việc bây giờ là cứ mỗi lần phiền não phát sinh thì phải thử nghiệm xem phương pháp thiền nào, chủ đề thiền nào giúp ta vượt qua được phiền não đó nhanh nhất.
Phần trả lời câu hỏi
Q: Con tu để giải thoát khỏi sinh tử thì làm thế nào? A:Thầy nói rằng nếu đặt quyết tâm giải thoát khỏi sinh tử thì nhất định phải chứng được tánh Không. Bởi vì để thoát khỏi sinh tử, thì trước tiên phải thoát khỏi khái niệm về tôi và của tôi. Và để làm được chuyện đó thì phải chứng được tánh Không hoặc chi tiết hơn thì phải chứng được nhân vô ngã và pháp vô ngã. Cho nên không chứng được tánh Không thì không thể nào ra khỏi sinh tử. Để chứng được tính Không và để có thể thực hành thiền quán về tính Không thì mình phải hiểu được tính Không ở trên văn tự, ở trên kinh văn trước. Phải hiểu về tính Không ở trên câu chữ trước.
Q: làm thế nào để đối trị với hoại khổ? A:Thầy nói rằng mình học được rất nhiều phương pháp thiền rồi, bây giờ hãy tự khám phá xem. Phần này đã học và trong sách cũng có nói đến hoại khổ, hãy tự khám phá và thử nghiệm xem pháp nào giúp mình vượt qua được hoại khổ.