30-10-2024
Lamrim 2023
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG

- Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, tôn giả Tịch Thiên giảng giải lợi ích của tâm Bồ Đề và hướng dẫn tinh túy làm thế nào thực hành phương pháp luyện tâm Bồ Đề. Chúng ta nên hiểu rằng không có pháp nào tốt hơn phương pháp luyện tâm Bồ Đề nên cần thực hành sinh khởi luyện tâm Bồ Đề.

- Ví dụ, cha mẹ và gia đình của Thầy có niềm tin vào Phật pháp. Họ thường đi chùa cầu nguyện, lễ lạy, cúng dường đèn, trà bơ nhưng lại không tìm hiểu học giáo pháp, điều này thật sự rất nguy hiểm. Truyền thống văn hóa Tây Tạng thường cúng dường đèn bơ và treo cờ, họ nghĩ đó là thực hành pháp. Tương tự, theo truyền thống văn hóa Việt Nam và một số quốc gia khác, người ta thường đi chùa cầu nguyện, cúng nhang hay đốt giấy vàng mã. Tổng quan là có niềm tin tốt nhưng không phải là tinh túy thực hành pháp.

- Đức Phật giảng dạy tinh túy giáo pháp như sau:

“Ác hạnh thế nào cũng không làm

Thiện hạnh tròn đầy hành viên mãn

Hoàn toàn điều phục tâm chính mình

Đây là giáo pháp của Phật Đà”.

- Chúng ta cần phải luyện tâm vững chắc, tâm thiện lành. Trong Lamrim hướng dẫn phương pháp luyện tâm Bồ Đề, làm thế nào giảm thiểu nghĩ về tâm ái ngã và tăng trưởng nghĩ đến lợi lạc của tâm lợi tha.

- Trước đây, cha mẹ chăm lo nuôi nấng cung cấp tài chính cho con cái, bạn bè hỗ trợ thức ăn, tiền bạc, chăm sóc quan tâm lẫn nhau, trò chuyện với nhau một cách vui vẻ và thân thiết. Nhưng ngày nay có nhiều căn bệnh tâm lý thì không xem những việc làm hỗ trợ thức ăn, tiền bạc là quan trọng nữa, mà cần thiết là động viên tinh thần cho nhau mỗi khi căng thẳng, buồn bã. Chúng ta cần thấu hiểu tâm trạng cho nhau, nên trò chuyện gần gũi với cha mẹ, gia đình, bạn bè, hàng xóm. Chúng ta cần nỗ lực thực hành phương pháp luyện tâm Bồ Đề. Ví dụ, hôm nay, chúng ta khởi tâm bao dung yêu thương, quan tâm, nghĩ đến việc làm lợi lạc cho cha mẹ, gia đình, bạn bè, hàng xóm.

- Trước khi bắt đầu học pháp, chúng ta cần phát khởi động cơ thanh tịnh thiện lành. Đầu tiên tụng kệ Quy y Tam Bảo và phát tâm Bồ Đề (3 lần) và suy ngẫm về ý nghĩa đoạn kệ Quy y và phát tâm Bồ Đề mong muốn đạt được Giác ngộ vì lợi lạc tất cả chúng sinh. Trong đoạn kệ này, chúng ta thay thế cụm từ “thực hành bố thí” thành “thực hành nghe pháp” và suy ngẫm về ý nghĩa từng câu chữ khi tụng đoạn kệ.

“Con xin Quy Y Phật Pháp Tăng

Cho đến khi đạt được Bồ Đề

Với công đức tích góp do thực hành nghe pháp v.v…

Nguyện thành Phật để lợi lạc tất cả chúng sinh”.

- Thầy hướng dẫn tiếp Bảy Điểm Luyện Tâm. Pháp hành chính yếu: phương pháp luyện tâm Bồ Đề ở phạm vi lớn. Cụ thể là luyện 2 loại tâm Bồ Đề:

+ Tâm Bồ Đề thắng nghĩa (tâm hiểu biết về Tánh Không)

+ Tâm Bồ Đề tương đối (tâm mong muốn thành Phật để làm lợi lạc cho chúng sinh), chủ yếu áp dụng phương pháp hoán đổi ngã tha.

- Tâm Bồ Đề tương đối có 5 tiêu đề phụ:

1) Thiền về tâm bình đẳng: nghĩ tất cả các chúng sinh đều từng là mẹ của mình ở một đời nào đó và tất cả mọi chúng sinh dù giàu hay nghèo, tốt hay xấu đều bình đẳng vì ai cũng đều muốn được hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Cho nên cần từ bỏ tâm hãm hại chúng sinh khác.

2/ Nghĩ đến lỗi lầm của tâm ái ngã: tâm ái ngã là tâm chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mà bỏ mặc lợi ích của người khác. Chúng ta chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân là do trong tâm còn phiền não, còn bám chấp, còn nhiều sân hận. Ví dụ, người câu cá muốn no bụng đã giết hàng ngàn con cá vì muốn thỏa mãn cơn đói của bản thân mà không nghĩ đến sinh mạng của hàng ngàn con cá. Trên thế giới, có một số người vì muốn thỏa mãn tâm tham cá nhân đi gây chiến tranh với nước khác mà làm lơ nỗi đau khổ của những người khác. Tâm ái ngã đó có nhiều khuyết điểm, mang đến cho chúng ta nhiều khó khăn và đau khổ. Cho nên chúng ta phải nghĩ đến lỗi lầm của tâm ái ngã.

3/ Nghĩ đến lợi lạc của tâm lợi tha: tức là tâm mong muốn làm lợi ích cho người khác. Khi làm nhiều việc lợi ích cho người khác thì họ sẽ quý mến tri ân mình. Ví dụ, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài Martin Luther King Jr, Ngài Nelson Mandela đã mang lợi lạc đến cho rất nhiều người trên thế giới. Tuy Ngài Martin Luther King Jr và Nelson Mandela đã mất nhưng nhiều người trên thế giới đến nay vẫn tri ân, tưởng nhớ những việc thiện lành, tấm lòng cao cả của họ. Chúng ta cần phải nghĩ đến việc làm lợi lạc cho người khác trong khả năng của mình và cũng đem lại lợi lạc hạnh phúc cho bản thân. Ví dụ, chúng ta đi trên đường thấy người bị ngã thì giúp họ đứng dậy, thấy người ăn xin thì tặng thức ăn cho họ. Vào buổi tối trước khi ngủ, tâm ta sẽ an vui khi nhớ lại việc tốt đã làm sáng nay.

- Thầy kể câu chuyện ở Nepal, tiền thân Đức Phật hy sinh thân mình để cứu mẹ con đàn hổ bị đói. Lúc ấy, thấy hổ mẹ đói lã do vừa sinh con nên không thể tìm kiếm thức ăn, đàn hổ con vừa sinh có nguy cơ chết vì không có sữa uống hoặc có thể bị hổ mẹ ăn thịt. Đau xót trước hoàn cảnh trên, Thái tử đã hy sinh tính mạng để cứu mẹ con đàn hổ đói. Nhờ vào thiện hạnh hy sinh thân mình để cứu mẹ con đàn hổ đói nên sau này đã chứng Phật quả. Hạnh nguyện của vị Bồ Tát luôn thực hành nghĩ đến lợi lạc cho chúng sinh. Không có thiện hành to lớn nào khác bằng việc thực hành nghĩ đến lợi lạc cho chúng sinh.

4/ Thiền quán về hoán đổi địa vị của mình với người khác: mong muốn thay thế người khác để chịu đau khổ và mong muốn người khác đứng ở vị trí của mình để được hưởng niềm an vui. Mục đích hoán đổi địa vị là giảm thiểu tâm ái ngã và làm tăng trưởng tâm lợi tha.

5/ Đặt phương pháp này vào hơi thở: phương pháp thiền hơi thở cho - nhận sẽ không hề dễ dàng đối với người thực hành bước đầu. Nhưng nếu hiểu rõ kinh nghiệm thực hành phương pháp thiền hơi thở cho - nhận thì sẽ tích lũy nhiều công đức và lợi lạc.

+ Trước khi bắt đầu thiền hơi thở, ta thường nghĩ rằng những điều không vui và dơ bẩn trong thân tâm sẽ được đưa ra ngoài qua hơi thở ra và những điều bình an, may mắn sẽ đi vào bên trong theo hơi thở hít vào.

+ Nhưng khi thực hành thiền quán về hoán đổi địa vị của mình với người khác thì áp dụng phương pháp này vào hơi thở cho - nhận. Cụ thể, khi hít vào hơi thở thì quán tưởng tâm bi, nghĩ rằng tất cả đau khổ của người khác sẽ theo hơi thở đi vào và ta gánh hết tất cả mọi đau khổ của người khác. Sau đó khi thở ra thì quán tưởng tâm từ, nghĩ rằng tất cả mọi an vui của mình sẽ theo hơi thở đi ra và thấm hết vào tất cả chúng sinh. Chúng sinh sẽ có được hạnh phúc của mình và mình sẽ gánh mọi đau khổ của chúng sinh. Đối với những hành giả thực hành bước đầu sẽ khó quán tưởng nên cần cầu nguyện và nỗ lực thực hành phương pháp thiền về hơi thở cho -nhận. Ví dụ, trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, tôn giả Tịch Thiên thực hành phương pháp thiền hơi thở cho - nhận và cầu nguyện con có thể thực hiện tất cả mong cầu của chúng sinh đều đạt được như ý.

Chúng ta cầu nguyện 2 câu kệ phát tâm Bồ Đề như sau:

“Với công đức tích góp do thực hành thiền hơi thở cho - nhận v.v…

Nguyện thành Phật để lợi lạc tất cả chúng sinh”.

- Khi có chướng ngại đến thì nghĩ rằng vì chúng ta đã từng gây hại vô số chúng sinh khác trong quá khứ. Thật may mắn khi chướng ngại ác hạnh đã trổ quả ngay lúc này giúp ta có được lợi ích thực hành chuyển hóa con đường đạo Bồ Đề.

- Chúng ta nghĩ rằng thật may mắn khi có được thân người, hoan hỷ đã tích lũy nhiều công đức được nghe pháp, thực hành phương pháp luyện tâm Bồ Đề và mong nguyện sau này con đều được nghe pháp thực hành luyện tâm Bồ Đề.