23-10-2024
Lamrim 2023
Download MP3

7 điểm luyện tâm

Là 7 bước thực hành thiền quán để điều phục tâm

Bước đầu tiên: Pháp hành sơ khởi

3 điểm thực hành sơ khởi (những pháp đối trị cần khơi gợi trong tâm khi cảm thấy bất an, không hạnh phúc)

- Thiền quán về thân người khó được

- Thiền quán về chết và vô thường

- Nghĩ về nhược điểm của luân hồi

Tại sao phải thực hành sơ khởi?

Gọi là pháp hành sơ khởi vì bất kì khi nào phiền não phát sinh trong tâm thì áp dụng ngay bước thực hành đầu tiên này để đối trị, tiêu trừ phiền não.

Hãy nỗ lực kiểm tra xem vào những lúc tâm phát sinh phiền não, ta có khả năng áp dụng những phép thiền quán đã học như thế nào, có hiệu quả không. Có thể bước đầu thực hành, năng lực của phép đối trị chưa thực sự đẩy lùi được phiền não nhưng đó là những trải nghiệm quý báu để biết ta có tiến bộ trên đường tu không.

Ta đã được học nhiều bài thuốc quý để chữa tâm bệnh, bây giờ hãy xem khả năng dùng thuốc chữa tâm bệnh đến đâu. Ta có khả năng dùng đúng thuốc vào đúng thời điểm khi tâm phát sinh phiền não hay không.

Giả sử có 1 người nói xấu ta, ta thấy buồn. Ngay lúc phát sinh phiền não đó, ta áp dụng pháp thiền quán nào. Chúng ta không thể tự nghĩ ra 1 phương pháp thiền ngẫu nhiên nào đó mà cho rằng điều đó có thể giúp ta thoát khỏi phiền não. Nhất định ta phải nhớ hết những pháp thiền đã được học trong Lamrim rồi xác định xem áp dụng phương pháp thiền nào vào thời điểm nào cho phù hợp. Không thể tự áp dụng theo cách riêng mà phải theo kinh sách.

Trên con đường tu tập của mình, ta nhất thiết phải thực hành theo kinh điển, chính xác theo những gì được học, không thể tự chế ra một pháp tu và cho rằng pháp tu đó có thể giúp mình thoát khỏi phiền não.

Bất cứ khi nào có phiền não, hãy nghĩ xem cần phải thiền quán về điểm nào đã được học từ Lamrim để vượt qua.

Nếu đã chọn ra một pháp thiền quán đã được học trong kinh điển và thiền quán 2-3 lần vẫn không có hiệu quả, không vượt qua được phiền não thì cần biết rằng pháp đối trị đó không phù hợp với hoàn cảnh, cần lập tức đổi pháp đối trị, chuyển sang một pháp đối trị khác trong kinh sách.

Bước 2: Pháp hành chính yếu chính là thực hành tâm Bồ đề

Tu tâm Bồ đề theo bản văn 7 điểm luyện tâm gồm 5 bước:

a) Thực hành tâm xả (tâm bình đẳng): xem mình và người đều bình đẳng. Nghĩ rằng tất cả chúng sinh khác đều hệt như ta, đó là mong muốn có hạnh phúc và không mong muốn có khổ đau. Ý nghĩ về chúng sinh bình đẳng này vô cùng quan trọng, ta phải luôn ghi nhớ khi tu tập. Ví dụ: có những lúc do phiền não ta muốn hãm hại người khác, chuẩn bị có hành động xấu với người khác thì cần nhớ rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng, họ cũng y hệt như ta mong muốn hạnh phúc không muốn khổ đau.

Cách thực hành: từ bây giờ về sau khi gặp bất kì ai ta hãy nghĩ rằng người này đều y hệt như ta, về bản chất không muốn có đau khổ và muốn có hạnh phúc.

Suy nghĩ này một khi đã phát sinh trong tâm sẽ giúp ta tha thứ cho người khác dễ dàng. Thực hành từ bi phải kèm trí tuệ. Nếu ta quá từ bi mà hoàn toàn không có trí tuệ thì người khác sẽ lợi dụng ta. Còn nếu ta chỉ thực hành trí tuệ mà không có chút từ bi nào, ta sẽ đi lợi dụng người khác. Đạo Phật dạy ta cả từ bi và trí tuệ và cách kết hợp bộ não với trái tim một cách cân bằng.

Nếu ta có vấn đề với ai đó, phải suy nghĩ xem nên tha thứ như thế nào để có được sự cân bằng giữa thực hành pháp và trí tuệ của ta. Không thể nói tha thứ là làm đủ mọi điều với người kia, cũng không thể vì người kia đã từng gây sự cố với ta nên bây giờ ta phải làm hành động nào đó gây hại với người đó. Trong lúc thực hành tâm tha thứ hay thực hành bất cứ pháp tu nào cũng cần phải có sự cân bằng.

b) Nhìn ra tất cả lỗi lầm, khuyết điểm của bản thân

Liên lục nhìn lại bản thân xem có khuyết điểm nào. Phân biệt giữa thương yêu, chăm sóc bản thân và tâm ích kỷ. Tâm ích kỷ là đặt bản thân lên trước tiên, lúc nào cũng ưu tiên nghĩ đến bản thân trước nhất rồi mới nghĩ đến người khác. Là người tu tập, ta nên đặt ưu tiên gia đình và người thân lên trên bản thân. Nếu sự quan tâm, chăm sóc bản thân không đúng cách sẽ trở thành tâm ích kỷ. Nếu ta quá ích kỷ sẽ huỷ hoại hết tất cả các mối quan hệ tốt đẹp giữa ta và người thân, bạn bè…

Đã dành thời gian tu hành rồi, ít nhất ta phải ngày càng có khả năng xử lý những phiền não trong tâm 1 cách phù hợp nếu như chưa thể hoàn toàn đẩy lùi, thoát khỏi những phiền não đó. Ít nhất thấy được khả năng xử lý của ta đối với những phiền não đó ngày càng thiện xảo và mạnh mẽ hơn.

Phiền não xuất hiện trong tâm hệt như những chứng bệnh của tâm. Cho nên ta nhất định phải chữa được những chứng bệnh đó, phải tìm cách giảm thiểu những phiền não đó.