Ngày thứ 16 - Tâm Bồ đề (tiếp theo)
Trong buổi học trước Thầy đang hướng dẫn phương pháp thứ nhất để phát Tâm bồ đề đó là luyện tâm theo chỉ giáo Bảy lớp nhân quả và Thầy đã hướng dẫn xong ba điểm đầu tiên đó là:
- Xem tất cả hữu tình đã từng là mẹ;
- Nhớ lại sự tử tế của họ
- Và phát tâm mong muốn đền đáp sự tử tế của họ.
Tiếp theo:
- Điểm thứ tư: thiền định về tâm từ, năng lực lôi cuốn ta đến với họ.
- Điểm thứ năm : tâm bi
Việc thực hành tâm từ và tâm bi là điều không dễ dàng, hành giả cần có lòng tin xác tín rằng tất cả chúng sinh hữu tình đã từng là mẹ của mình một kiếp nào đó trong quá khứ.
Cần phân biệt 2 loại tâm này, tâm bi là tâm mong muốn chúng sinh thoát khổ khỏi tất cả các nỗi khổ của luân hồi.
- Bước đầu, để cho dễ thực hành nên chọn các đối tượng là cha, là mẹ, người thân bị bệnh .. rồi quán tưởng người đó ngồi ở trước mặt, khi hít vào thì nghĩ rằng đón nhận mọi đau khổ của người này và khi thở ra thì nghĩ rằng mình trao tặng mọi hạnh phúc của mình cho người đó. Nổ lực phát tâm nhận lấy đau khổ và cho đi hạnh phúc qua việc quán tưởng cùng với hơi thở, hít vào và thở ra.
- Khi đã quen cách phát tâm Bồ đề với những người thân thuộc thì hãy đổi đối tượng thực hành sang những người không phải họ hàng, như bạn bè, hàng xóm .. v.v
Vậy, có phải ta không được yêu thương chính mình? Yêu thương chính bản thân mình không có gì sai trái, nhưng thực tế chúng ta đang mang đến cho chính mình niềm hạnh phúc hay chỉ toàn tạo ra những căng thẳng, phiền muộn và lo lắng trong tâm? Bởi vì không ai khác, mà chỉ chính ta mới có thể tự hủy hoại sự an lạc trong tâm của mình.
- Bước sau, khi đã quen thuộc với các đối tượng trên, hãy thực hành phát tâm bồ đề trên các đối tượng mà gây cho mình những cảm giác khó chịu hoặc nổi giận khi nghĩ đến. Vào những lúc gặp sự khó chịu hay nổi giận với đối tượng đó hãy quán tưởng: hít vào nhận hết về mình những thói hư tật xấu và nhưng tư tưởng không đúng đắn của họ; và khi thở ra thì trao tặng tất cả mọi an lạc, hạnh phúc kể cả trí tuệ mà mình nghĩ đang có được cho người này.
Đây là các bước thực hành để phát sinh tâm từ và tâm bi – thầy hướng dẫn là phương pháp thực hành cho và nhận. Tại sao cần thực hành phương pháp này? Bởi vì bất cứ khi nào nghĩ về những người không thích hay ai mà mình có một chút tâm ganh tỵ thì sự an lạc, hạnh phúc trong tâm sẽ ngay lập tức bị hủy hoại. Thực hành như vậy để vượt qua khó khăn trong tâm mình mỗi khi mình chợt nhớ đến họ. Thực hành cho và nhận trên đối tượng này từ 1 đến 2 tháng.
Những lúc nào tâm ta cảm thấy an nhiên, tự tại thì nghĩ rằng nguyện cho tất cả chúng sinh cũng đạt được trạng thái an lạc, an nhiên như mình lúc đó. Những lúc tâm mình an lạc, không phiền não như thế, ta nhắc nhở bản thân rằng ta vô cùng may mắn khi trong tâm có được sự an lạc như thế và nguyện cho tất cả chúng sinh đạt được an lạc giống như mình.
Nếu thực hành liên tục, khi bị rơi vào hoàn cảnh tâm không có an lạc, suy nghĩ về sự may mắn của bản thân vẫn đến với mình, từ đó sẽ cảm nhận rất khác so với lúc không có thực hành mà rơi vào hoàn cảnh tâm không an lạc này. Tất cả các bước thiền quán này có thể được tiến hành bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Thời điểm thích hợp nhất là lúc có động lực muốn thực hành. Để phát sinh được tâm mong muốn thực hành thiền định thì trước hết phải học để thấy được lợi ích của việc thực hành thiền định và thấy được tâm thực sự cần những điều lợi lạc đó, bởi vì nhận thấy rằng hiện trạng tâm mình rất hỗn độn và cần có được những lợi lạc đến từ thiền định. Khi thấy được lợi lạc của thiền định và nhu cầu để thực hành thiền, thì sẽ phát sinh được tâm mong muốn thực hành. Nếu thực hành một thời gian thấy và trải nghiệm được lợi lạc, nên chia sẻ với những người xung quanh về các phương pháp thực hành thiền. Trong lúc chia sẻ với người khác thông điệp của thầy, đừng thêm ý tưởng riêng của mình vào. Việc chia sẻ các pháp thực hành và giáo pháp với người khác, có hai điều lợi: người nhận được chia sẻ đó sẽ có lợi nếu thực hành theo; thường xuyên chia sẻ giáo pháp với người khác sẽ giúp hiểu và nhớ pháp lâu hơn.
Cần nghe lại hoặc đọc lại thật kỹ, làm chính xác theo những chỉ giáo về thực hành thiền mà Thầy hướng dẫn. Đừng pha trộn những chỉ giáo của Thầy và những điều học được ở nơi khác, như thế giống như trộn hai liều thuốc với nhau thì không có thuốc nào tác dụng cả, không cẩn thận thì cũng có thể trở thành thuốc độc. Khi tu hành giáo pháp, nếu chỉ thực hành pháp mình thích, đó là một sai lầm. Khi thực hành pháp không chỉ thực hành những cái mình thích mà cần phải thực hành pháp nào mang lại lợi lạc cho tâm, đem đến hạnh phúc cho tâm của mình. Không giống như đi xem phim, nghe nhạc …, chỉ xem hoặc nghe cái mình thích, nếu làm như thế thì năm này qua năm khác tâm sẽ không thay đổi gì cả, chỉ là con người cũ trước khi thực hành. Điểm rất quan trọng khi thực hành pháp cần quán sát tâm xem có những thay đổi nào diễn ra trong tâm, có giảm bớt ganh tị, sân hận? Pháp thực hành đó có giúp tâm mình cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng, thoải mái hay không? Dù là thực hành pháp nào đi nữa, việc theo dõi tác động của pháp đó trên tâm của mình, cũng rất cần thiết.