18-09-2024
Lamrim 2023
Download MP3

Ngày thứ 16 - Tâm Bồ đề

Trong buổi học trước Thầy đã hướng dẫn thực hành phát Tâm Bồ Đề bằng cách nghĩ đến làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Ngay thời điểm đã phát Tâm Bồ Đề rồi tức là trong tâm có suy nghĩ sẽ nỗ lực thành Phật để làm lợi lạc cho chúng sinh, lúc đó được xem là một vị Bồ Tát.

Bằng cách nào để cho Tâm Bồ Đề đó thực thụ phát sinh phát sinh trong tâm, có hai phương pháp:

1. Phương pháp thứ nhất: Phương pháp Bảy lớp nhân quả - sách GT TTL trang 153 quyển số 2 (bộ sách 02 quyển):

- Phương pháp bảy lớp nhân quả có bảy bước trong đó có sáu bước đầu tiên là nhân và đưa đến bước thứ bảy là quả, quả ở bước thứ bảy là kết quả phát được Tâm Bồ Đề. Cần phải hiểu rõ tuần tự các bước cần thực hành như thế nào để có thể thực thụ phát sinh Tâm Bồ Đề trong tâm.

+ Bước thứ nhất: nghĩ rằng tất cả loài hữu tình đã từng là mẹ của mình: suy nghĩ như thế này không dễ dàng chút nào. Ở bước thực hành này cần phải thực hành đó là khi gặp gỡ bất cứ một chúng sinh nào ngay lập tức phải nghĩ rằng chúng sinh này trong quá khứ đã từng là mẹ của mình. Có thể đời này họ không phải sinh ra mình nhưng trong quá khứ đã từng là mẹ của mình, khi gặp bất cứ ai, bất cứ chúng sinh nào cần phải suy nghĩ như thế, đó là cách thực hành phát Tâm Bồ Đề ở bước thứ nhất. Ở bước thứ nhất khi thực hành Tâm Bồ Đề này khi tiếp xúc với bất kỳ ai, với chúng sinh nào cần nghĩ rằng người đó, con vật đó trong quá khứ có một đời nào đó đã từng là mẹ của mình, thậm chí là con chó trong nhà minh nuôi cần nghĩ rằng con chó này trong quá khứ đã từng là mẹ của mình, cách thực hành như thế thực tế không dễ làm.

Khi đã học qua bước này rồi thì khi nỗi giận với một ai đó, tiếp xúc với một người nào đó mình ghét thì bắt đầu suy nghĩ rằng người này trong quá khứ một đời nào đó cũng đã từng là mẹ của mình, tự suy nghĩ được như thế thì thấy rằng việc mình tiếp xúc với một người mình ghét, lỡ nỗi giận với một ai đó thì sau đó việc gặp lại họ không quá khó khăn.

Khi sống trong cuộc đời nếu con mắt chúng ta chỉ nhìn thấy toàn tính xấu của người khác thì kết quả là trong tâm sẽ phát sinh ghét bỏ và thù hận mà thôi.

Bước thứ nhất nghĩ rằng tất cả hữu tình trong quá khứ đều là mẹ của mình.

+ Bước thứ hai trong bảy bước chúng ta hồi tưởng lại sự tử tế của các loài hữu tình đó khi những người đó là mẹ của mình. Bắt đầu bước thứ hai bằng cách nhìn vào cha mẹ đời này của mình thấy rằng cha mẹ vô cùng tử tế với mình từ đó suy ra rằng tất cả chúng sinh trong quá khứ đã từng là mẹ của mình thì họ đã từng tử tế hệt như cha mẹ đời này tử tế với mình. Khi mình quán sát cha mẹ đời này của mình nhận ra rằng cha mẹ đời này rất tử tế, thương yêu mình thì mình bắc cầu nghĩ rằng tất cả chúng sinh hữu tình trong quá khứ khi họ là cha, là mẹ mình họ cũng đã từng tử tế y hệt với mình như vậy, nếu suy nghĩ được như vậy thì tất cả những thù hận, ghét bỏ, giận giữ phát sinh với họ trước kia sẽ được xoa dịu.

Ở bước thứ hai: nhớ lại lòng từ của chúng sinh có hai bước nhỏ:

++ Bước nhỏ thứ nhất: nhìn lại cha mẹ đời này và hồi tưởng lại tất cả những sự tử tế mà cha mẹ đời này đã đối xử với mình.

++ Bước nhỏ thứ hai: nghĩ rằng đối với tất cả chúng sinh khác trong quá khứ khi họ là cha mẹ mình họ cũng đã từng đối xử mình tử tế y hệt như vậy.

Trong quá trình học cách thực hành Tâm Bồ Đề đó là quá trình học cách suy nghĩ hệt như các Bồ Tát họ suy nghĩ, điều quan trọng nhất khi học về Tâm Bồ Đề là phải suy nghĩ giống hệt như các vị Bồ Tát, nếu suy nghĩ giống Bồ Tát thì chuyện gì sẽ xảy ra, thật ra không có gì xảy ra cả. Khi tìm cách thay đổi suy nghĩ bên trong hướng đến suy nghĩ giống các vị Bồ Tát đừng có mong cầu cái gì to tát xảy ra với mình bên ngoài, nếu như không có gì thay đổi xảy ra với mình thì mình sẽ tự hỏi tại sao mình phải suy nghĩ giống như các vị Bồ Tát. Ở đây chúng ta cần phải thay đổi cách suy nghĩ hướng đến suy nghĩ như một vị Bồ Tát vì nếu không thực hành như thế mà vẫn giữ theo cách suy nghĩ cũ thì trạng thái tâm của mình ngày càng chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Phiền não, cách suy nghĩ đa phần là tiêu cực của mình hay nói cách khác tất cả những phiền não đang chất chứa trong tâm mình nó giống như một chứng bệnh, hễ một người có bệnh không bắt đầu chữa bệnh thì căn bệnh đó chỉ có thể trầm trọng hơn mà thôi chứ không thể nào tiến triển tốt hơn. Nhìn lại xem lại thấy tâm sân giận, tâm ích kỷ, tâm ganh đua nếu không có một biện pháp đối trị nào khác thì sân giận, ích kỷ, ganh đua,... chúng chỉ có thể ngày càng phát sinh dữ dội hơn trong tâm chứ không thể nào tự động xoa dịu được, giống như các chứng bệnh nếu như trong người mình mọc ra u nhọt không kiểm soát được thì đó là chứng bệnh tồi tệ nhất hay gọi là ung thư. Cũng như thế nếu mình không đổi cách suy nghĩ theo đường hướng của một vị Bồ Tát mà vẫn giữ cách suy nghĩ hiện tại của mình thì tình trạng của mình sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Một chứng bệnh phát triển trong con người mình không có nguyên nhân rõ ràng, một chứng bệnh mà các tế bào luôn phát triển trong con người mình không kiểm soát đó là bệnh ung thư, khối u mọc không kiểm soát được và cũng không rõ nguyên nhân vì sao gây bệnh ung thư. Tương tự như vậy, tất cả những phiền não đang chất chứa trong tâm như những u nhọt mình không bắt đầu chữa trị, không có biện pháp đối trị ngay tức thì thì tình trạng đó, những u nhọt phiền não đó chỉ ngày càng tồi tệ hơn mà thôi. Sẽ không thấy phương pháp phát Tâm Bồ Đề này mang lại bất cứ sự thay đổi nào bên ngoài nhưng đây thật sự là phương pháp chữa trị để chấm dứt sự phát triển tồi tệ của bệnh phiền não, thấy rằng tất cả những phiền não phát sinh trong tâm đều phát sinh từ quá trình tiếp xúc với người khác, khi thấy một người đạt được nhiều thành quả hơn mình thì sinh tâm ganh tị, nhìn xuống thấy một người kém hơn thì sinh tâm khinh bỉ, trong vòng vây bè bạn gặp người này, người kia lại hay thường phát sinh tâm sân giận cho nên tất cả những phiền não đó xuất phát từ việc tiếp xúc với người khác cho nên phương pháp xem tất cả chúng sinh mình tiếp xúc trong quá khứ họ đã từng là mẹ của mình, phương pháp này sẽ giúp chúng ta xoa dịu hết tất cả những phiền não.

Từ hôm nay cần thực hành như thế này, mỗi khi gặp một người nào đó bắt đầu sinh tâm ganh tị với họ thì ngay lập tức suy nghĩ rằng người này trong một đời quá khứ đã từng là mẹ của mình, khi họ là mẹ của mình họ đã vô cùng tử tế với mình hệt như người mẹ đời này tử tế với mình. Tương tự khi gặp một người thấp kém hơn mình và phát hiện ra mình sinh tâm khinh bỉ thì cũng nghĩ rằng người này trong một đời quá khứ đã từng là mẹ của mình và khi là mẹ của mình họ cũng đã tử tế với mình hệt như mẹ đời này tử tế đối với mình. Thực hành thiền quán như thế trong tuần này.

Một số người thực hành cảm thấy rất khó khăn thực hành bước này đặc biệt khi áp dụng thiền quán này đối với một người mà mình đã chất chứa tâm thù hận, ghét bỏ 20 năm, 30 năm. Phải biết rằng tâm sân giận đối với một người nào đó đôi lúc chỉ do hiểu lầm với nhau mà thôi bởi vì sự hiểu lầm lần thứ nhất nếu không bị gỡ bỏ thì phát sinh hiểu lầm lần thứ hai, từ hai cái hiểu lầm phát sinh lên ba, bốn cái hiểu lầm theo thời gian nếu không giải quyết được thì thành hàng trăm sự hiểu lầm. Nếu một người nào đó, một chúng sinh khác không làm điều vừa ý với mình thì đừng phí thời gian để nổi giận với họ, họ có thể làm những điều trái ý mình nhưng mình không nên phí phạm thời gian để phát tâm sân giận với họ. Thầy thấy rằng mình có một thời gian giới hạn trong cuộc đời này cho nên Thầy không muốn các học trò phí phạm thời gian để phát sinh những phiền não vô ích như thế, mình có thời gian hạn hẹp nên thời gian hạn hẹp đó phải được dùng để sống có hạnh phúc.

Trong lúc thực hành phát Tâm Bồ Đề, Đức Phật đã hướng dẫn chúng ta xem tất cả các loài hữu tình trong quá khứ đã từng là mẹ của mình.

Chúng ta vừa học xong những bước cụ thể trong những bước nhỏ cụ thể để thực hành hai trong bảy bước đầu tiên phát Tâm Bồ Đề theo phương pháp thứ nhất đó là phương pháp Bảy lớp nhân quả. Tâm Bồ Đề là cách suy nghĩ mong muốn làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, nếu mình có thể nghĩ rằng tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình thì mình dễ dàng phát sinh suy nghĩ mong muốn làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.