
Bản chất con đường đưa đến giải thoát
Ngày 15: Sau 12 nhân duyên
Nếu chúng ta đặt mục tiêu giải thoát khỏi luân hồi thì chúng ta phải thực hành con đường như thế nào?
Sau khi học xong 12 nhân duyên thì sách GTTLT nói về con đường ra khỏi luân hồi. Chính vô minh là yếu tố kích hoạt chuỗi 12 nhân duyên. Vô minh chính là chấp ngã, cho cái tôi của mình là có thật. Khi bàn đến con đường đưa đến giải thoát thì phải bàn làm cách nào để diệt trừ được vô minh, chấp ngã. Vô minh tức là không hiểu được Tánh Không, không hiểu được bản chất của thực tại là rỗng không. Để chứng được Tánh Không cần chứng được 2 loại vô ngã: nhân vô ngã và pháp vô ngã.
Tóm lại, để thoát khỏi luân hồi thì phải diệt trừ vô minh, để diệt trừ vô minh thì phải diệt trừ chấp ngã, để diệt trừ chấp ngã thì phải hiểu được Tánh Không , hiểu được Tánh Không qua việc chứng được 2 loại vô ngã.
- Nhân vô ngã là cái ngã của chính bản thân mình nó không có tự tính.
- Pháp vô ngã là không những cái ngã của mình không có tự tính mà ngũ uẩn cũng như tất cả các pháp khác cũng đều không có tự tính.
Để chứng được Tánh Không cần có 2 điều kiện tiên quyết:
+Thứ nhất là phải trì giới thanh tịnh, phải giữ giới vô cùng cẩn trọng.
+ Thứ hai phải có được định lực thông qua tu tập, thiền định.
Gốc rễ của luân hồi suy cho cùng là do chấp ngã - chấp cái ngã của mình có thật. Chấp ngã đó khiến cho tâm trí của mình vô minh, vô minh sinh ra phiền não, phiền não khiến tạo nghiệp, đẩy ta vào khổ đau trong luân hồi. Nên để thoát khỏi luân hồi phải hiểu được nhân vô ngã. Hiểu được nhân vô ngã dần dần sẽ phát hiện ra cái ngã của mình không có thật, từ từ sẽ diệt trừ được chấp ngã.
Khi học sang phạm vi lớn sẽ có hướng dẫn cách thực hành để từ từ chứng được 2 loại vô ngã. Ở đây thầy sẽ giới thiệu sơ lược về tiến trình thực hành Tánh Không. Trước hết, cần nhận dạng chấp ngã. Bắt đầu bằng việc nhận ra rằng chúng ta có cảm giác rất mãnh liệt về cái tôi của chính mình - ai cũng có cảm giác này. Khi có cảm giác về
cái tôi
rất mãnh liệt thì điều gì sẽ đi theo đó? Tiếp theo sẽ có cảm giác rất mạnh về
tài sản của tôi, tất cả những cái của tôi. Khi đã suy nghĩ, bám chấp rất chặt vào cái cảm giác về tôi, về của tôi thì sẽ là đủ mọi thứ để thoả mãn lợi ích của cái ngã đó. Khi thực hành giáo pháp, sẽ dần thấy được cái tôi đó không có ngã - tức là không có thực tính, không tồn tại một cách chân thật - từ đó giảm bớt suy nghĩ về tôi, về của tôi. Rồi từ từ không còn làm ác nghiệp, không còn động lực làm ác nghiệp để phục vụ cho cái tôi đó nữa. Suy nghĩ về cái tôi đó chỉ là do tâm mình tạo ra mà thôi. Có những thứ không thật sự tồn tại, tâm chúng ta phóng chiếu, tạo ra tất cả điều đó. Giả sử khi nhìn vào bàn tay của mình và liên tục nói với bản thân rằng: bàn tay này không phải của tôi. Nếu lặp lại đủ lâu thì mình sẽ cảm thấy mất kiểm soát đối với bàn tay đó. Điều đó cho thấy, tâm của mình có năng lực làm rất nhiều thứ.
Quả giải thoát là một quá trình chuyển hoá nội tâm. Khi đạt đến quả giải thoát, thì là một con người khác từ bên trong. Dáng vóc bên ngoài có thể vẫn như cũ, nhưng khi đạt giải thoát, nội tâm của sẽ thay đổi hoàn toàn, sẽ nhìn thế giới rất khác và có được khả năng ý thức được rất rõ ràng những gì diễn ra bên ngoài thế giới.
Khi muốn đạt được điều gì đó, tâm ta bám chấp vào điều gì đó thì vô vàn những rắc rối khác kéo theo. Ta có thể có ước mơ, khát vọng nhưng điều quan trọng nhất là không không bám chấp vào những đối tượng đó. Để không bám chấp vào những đối tượng thì phải nhận ra được tất cả những đối tượng đó đều không có tự tính - tức là nó không có tồn tại thực sự độc lập, không tồn tại thực sự chân thật, nó chỉ là các pháp do duyên sinh mà thôi. Đó chính là pháp vô ngã, khi tất cả các pháp, các sự vật, hiện tượng đều không thật sự tồn tại. Khi hiểu được Tánh Không của các pháp đó thì sẽ không còn bám chấp. Khi thầy hướng dẫn Lamrim, năm đầu tiên thầy dạy các học trò chủ yếu về Sống mạnh mẽ và hạnh phúc, đó là mức độ cơ bản nhất. Khi đã học lâu rồi, phải học nhiều hơn về giáo pháp. Bước tiếp theo là làm cách nào chặt đứt tâm bám chấp vào tất cả đối tượng bên ngoài. Để không bám chấp vào các đối tượng bên ngoài, tài sản… thì cách duy nhất là phải thấy được bản chất của các đối tượng đó đều không có thật hữu, không chân thật.
Trong quá trình h tìm cầu hạnh phúc, càng bám chấp vô đối tượng hạnh phúc đó thì càng cảm thấy bức bách và đau khổ. Khi điều phục được tâm không còn bám chấp vào đối tượng hạnh phúc đó, thì sẽ thấy rất an lạc, hạnh phúc. Càng chạy theo đối tượng hạnh phúc, càng nỗ lực tìm kiếm đối tượng hạnh phúc thì càng không có hạnh phúc. Ngay thời điểm nhận ra những đối tượng đó không có thật, không có tự tính, ngừng mong cầu hạnh phúc; trong tâm sẽ phát sinh an lạc. Khi chứng được Tánh Không rồi thì không còn bám chấp vào các đối tượng hạnh phúc nữa, dù xảy ra chuyện gì thì tâm luôn bình lặng như thường.
Nỗi khổ nào là quả của tâm bám chấp thì nỗi khổ đó lúc nào cũng trầm trọng và dai dẳng hơn. Để diệt trừ tâm bấm chấp, nhất thiết phải thấy được Tánh Không của các đối tượng gây bám chấp đó. Và luôn nhớ rằng giữa tình thương và tâm bám chấp là 2 điều hoàn toàn khác nhau. Một người yêu hoa thì anh ta chỉ tìm cách tưới tẩm cho cây hoa đó, còn bám chấp vào đoá hoa thì anh ta cắt đoá hoa đó đem về giữ riêng cho mình. Cần phải thấy được điểm khác biệt căn bản giữa thương yêu và bám chấp. Con người có tâm bám chấp vào 2 điều: cái tôi - chấp ngã, và bám chấp vào các đối tượng gây hạnh phúc. Quả giải thoát hướng đến là trạng thái hoàn toàn không bám chấp vào đối tượng nào. Khi không còn bám chấp thì không còn buồn khổ, phiền não.