TÓM TẮT BÀI GIẢNG
NGÀY THỨ 15
CHỦ ĐỀ: CÁCH THÀNH TỰU THÂN TRUNG ẤM
- Theo y học phân tích, một người được xem là đã chết khi não chết và tim ngưng hoạt động. Còn theo quan điểm của đạo Phật, não chết và tim ngưng hoạt động chưa phải là các dấu hiệu để đi đến kết luận một người đã chết. Trong cơ thể con người có kinh mạch, khí, luân xa. Chỉ khi một giọt từ trên đi xuống nơi luân xa trung tâm và giọt còn lại từ dưới đi lên gặp nhau ngay luân xa trung tâm thì ngay lúc đó thần thức thoát ra khỏi luân xa trung tâm, lúc này mới kết luận rằng người này đã chết.
- Thân trung ấm được giảng dạy ghi chép chi tiết theo Đại Thừa, Mật Thừa và đã có nhiều tác phẩm phiên dịch từ tiếng Tạng qua tiếng Anh. Nghiệp và phiền não sẽ kích hoạt chúng sanh vừa mất, sinh vào thân trung ấm và sau đó sinh ở một cõi kế tiếp.
- Một đời trung ấm có 7 ngày, vì có 7 thân trung ấm nên có tối đa 49 ngày. Cụ thể, một người vừa mới mất sẽ sinh ở trạng thái trung gian là thân trung ấm. Thân trung ấm này sống được 7 ngày. Trong thời gian 7 ngày đó, thân trung ấm này sẽ đi tìm đời tái sinh kế. Nếu tìm được đời tái sinh kế thì đi tái sinh. Nếu không tìm được tái sinh thì hết 7 ngày đó, chúng sinh đó sẽ chết và sinh lại một đời trung ấm kế tiếp. Cứ lặp đi lặp lại như thế suốt 7 lần, tức 49 ngày.
- Trong vòng tối đa 49 ngày phải đi tái sinh, không có trường hợp ngoại lệ. Cho nên cứ cách 1 tuần, nếu không tìm được tái sinh thì sẽ chết và sinh lại thân trung ấm kế nữa. Đó là lý do vì sao chúng ta hay cúng thất cho người mới chết, tức cứ 7 ngày cúng 1 lần. Đúng thời gian thân trung ấm này nếu không tìm được đời tái sinh thì sẽ sinh lại thân trung ấm kế tiếp, ta cầu nguyện ngay lúc đó để hồi hướng cho người chết có được thuận duyên tìm được đời tái sinh tiếp theo.
- Thầy kể câu chuyện thời xưa: Ở Tây Tạng, Ngài Milarepa nhập thất ẩn tu ở vùng núi cao phủ đầy tuyết. Một hôm, một số thí chủ dự định lên núi dâng cúng phẩm vật lên Ngài nhưng thấy tuyết dày đặc và nghĩ rằng với thời tiết khắc nghiệt này chắc Ngài không thể nào tìm thấy thức ăn, nước uống và họ cho rằng Ngài đã mất. Theo truyền thống Tây Tạng, khi người vừa mất thì phải cúng đèn bơ, thức ăn, nước uống, tụng kinh cầu nguyện. Họ nghĩ rằng, khi cúng lễ cầu nguyện, cho thức ăn vào lửa lúc khói tỏa lên thì hương linh của người mất sẽ ngửi được mùi hương, họ sẽ no ấm, hạnh phúc. Vì vậy, theo thường lệ ngày 8, 15, họ sẽ dâng cúng thực phẩm lên Ngài. Nhưng khi họ thấy Ngài Milarepa đi ra bên ngoài thì rất ngạc nhiên vì không ngờ Ngài vẫn còn sống. Những khu làng gần đó có người đồn rằng thấy Ngài Milarepa, cho rằng cái thấy của họ về hình dáng giống Ngài Milarepa chính là Ngài Milarepa. Điều này thật không đúng.
- Thầy kể câu chuyện trên có liên quan đến trích dẫn trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay: “Có người bảo rằng người chết lúc ở cõi trung gian (giữa chết và tái sinh) mang hình dạng và y phục mặc lúc sống và ta có thể liên lạc với họ. Điều này thật sai lầm. Có thể có vài trường hợp một chúng sanh nào giả dạng người vừa chết để lừa dối những kẻ phàm phu”.
- Chúng sanh trong thân trung ấm sẽ mang hình dạng của chúng sinh đời tái sinh kế tiếp. Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay ghi rằng: “Trong cõi trung ấm, chúng sinh nào sắp tái sinh vào địa ngục thì có màu khúc gỗ cháy; chúng sinh nào sắp tái sinh làm quỷ đói thì có màu nước; chúng sinh sắp làm súc sinh có màu xám tro; chúng sinh sắp sinh làm người hay chư thiên cõi dục có màu vàng ròng. Những chúng sinh sắp thành chư thiên sắc giới thì có màu trắng. Không có cõi trung ấm cho những chúng sinh tái sinh vào cõi vô sắc”. Chúng ta là người phàm phu sẽ không nhìn thấy và biết được tái sanh của thân trung ấm. Các vị thầy tu chứng hay chính họ mới nhận biết được giai đoạn tái sinh nơi nào trong thân trung ấm.
- Trải nghiệm của người vào thân trung ấm tùy thuộc vào nghiệp và phiền não, xuất hiện như một đêm tối đen với những người bất thiện; đối với những người hiền thiện như một đêm tối được thắp sáng dưới ánh trăng.
- Chúng ta nên thường xuyên quán về thân người khó được. Nhờ vào thân người này mới có thuận duyên nghe Phật pháp, tích lũy phước thiện. Nhưng thân người này cũng đầy bất ổn khi tuổi già sức yếu ập tới, rất hiếm có người có thể sống đến 100 tuổi. Chúng ta cần tinh tấn thực hành pháp có được thân người, như các loại động vật không thể hiểu được Phật pháp.
* MƯỜI HAI CHI DUYÊN SINH:
- Xem lại bài giảng tóm tắt Bánh Xe Luân Hồi ngày 1/5/2024. Sự chết đi và tái sinh ở cõi luân hồi như thế nào thì được diễn tả qua vành ngoài có 12 ô nhỏ tượng trưng cho 12 chi phần nhân duyên là Vô minh - Hành - Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu - Sinh - Lão tử.
1/ Vô minh: Sự mê mờ của tâm thức không hiểu biết rõ gốc rễ mọi điều, hay nói cách khác là sự không hiểu biết như thật về hiện hữu là duyên sinh, vô thường, chấp là có ngã, lại còn cho rằng ngã là thường hằng, là một, là độc lập. Từ vô minh sinh ra các phiền não khác, có hành động và suy nghĩ bất thiện.
+ Vô minh thô và vi tế. Vô minh si mê và vô minh tà kiến. Vô minh si mê nhân quả và vô minh si mê chân như.
+ Vô minh chấp ngã là gốc rễ của tất cả các phiền não khác. Để chặt đứt vô minh, ta cần phải phát sinh trí tuệ hiểu biết về tánh không. Trí tuệ hiểu biết rõ về thực tại có được nhờ phân tích, nhận định, phán đoán những điều xung quanh có hợp lý hay không. Nhưng do chúng ta không dùng tâm mình để nhận định, phán đoán và phân tích nên dễ sinh ra phiền não.
2/ Hành (Nghiệp): Động lực hành động tạo bất thiện qua thân, khẩu, ý, sinh diệt chuyển biến không ngừng ấy, nó làm cho chúng sanh nhận lầm có cái tâm riêng, có cái ta riêng của mình, từ đó chủ trương gây ra các nghiệp, rồi về sau phải chịu quả báo.