Tóm tắt bài giảng - Ngày 15 - Nguyên nhân của vọng tưởng
Sau khi nhận diện phiền não, ta cần biết nguyên nhân phát sinh phiền não.
Có 6 nguyên nhân làm phát sinh và tăng trưởng vọng tưởng/ phiền não.
Nguyên nhân thứ nhất: Tập khí.
Đó là những khuynh hướng có sẵn trong tâm, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát. Khi được sinh ra, ta đã mang theo nhiều tập khí có sẵn từ trước. Chẳng hạn như tập khí sân giận, khi gặp đủ điều kiện sẽ phát triển thành tâm sân.
Đôi khi ta nhận thấy tâm đang nổi giận mà không hiểu vì sao, đó là vì tập khí sân giận trong tâm quá mạnh, có thể nổi lên mà không cần lí do cụ thể.
Khi tâm phát sinh thiện niệm, dù không tồn tại lâu nhưng sẽ phát sinh tập khí thiện lành trong tâm. Tương tự, nếu phát sinh tư tưởng tiêu cực thì dù ác niệm đó có mất đi vẫn sẽ để lại tập khí ác trong tâm.
Tập khí chính là nền tảng của những vọng tưởng/ phiền não.
Nguyên nhân thứ 2: Đối tượng.
Khi giác quan tiếp xúc đối tượng nào đó liền phát sinh phiền não.
Ví dụ: Có người nói với ta những lời lẽ thô thiển, nặng nề, khó nghe. Những lời này lập tức kích hoạt cơn giận trong tâm ta.
Nguyên nhân thứ 3: Yếu tố xã hội - Bạn bè, những người đồng hành thân cận
Ở đây không nói đến toàn bộ người trong xã hội mà là bạn bè của ta. Nếu chơi với bạn xấu, sẽ bị lây những thói xấu. Chơi với bạn hiền thì sẽ học theo những điều thiện.
Ví dụ: người nghiện rượu chơi với người không uống rượu thì dần học được những điều tốt và bỏ rượu. Còn người ban đầu không uống rượu, chơi cùng với những người thích uống rượu thì dần trở thành nghiện rượu.
Vì vậy những người thân cận đi cùng ta trong cuộc đời rất quan trọng. Nếu có bạn tốt cùng nhau hướng thiện, công phu tu hành sẽ phát triển. Nếu chơi với bạn xấu, ta sẽ gặp chướng ngại trên đường tu. Đức Phật đã từng nói Tăng bảo và Tăng đoàn là yếu tố quan trọng trong quá trình tu tập. Chính vì thế, Dipkar luôn nỗ lực nhằm xây dựng 1 cộng đồng hỗ trợ tu tập cho từng thành viên. Giới luật rất quan trọng để xây dựng 1 cộng đồng tăng chúng tu tập hiệu quả. Những điều luật này cần phải phù hợp và được tuân thủ 1 cách nghiêm chỉnh. Đặc biệt thời nay, con người dành nhiều thời gian cho mạng xã hội. có đến 70% những thông tin trên mạng xã hội có tác động tiêu cực, làm phát sinh và thúc đẩy sự tăng trưởng các ác niệm trong tâm. Nếu ta có các đạo hữu thiện lành, cùng sinh hoạt trong cộng đồng hướng thiện thì thiện niệm trong ta sẽ tăng trưởng.
Nguyên nhân thứ 4: Trò truyện về những điều tiêu cực
Nếu gặp gỡ, trò chuyện với nhau về những điều tích cực sẽ rất tốt; nếu chỉ nói về những điều tiêu cực hay nói xấu sau lưng người khác sẽ làm phát sinh và tăng trưởng nhiều phiền não trong tâm.
Nguyên nhân thứ 5: Tập quán/ Thói quen.
Nếu quen làm điều ác thì sẽ làm hoài và việc này gây phiền não trong tâm.
Nguyên nhân thứ 6: Những suy nghĩ thiếu thực tế.
Ví dụ: Khi suy nghĩ về đối tượng nào đó và phóng đại những điểm tốt nơi đối tượng, khiến tâm tham, bám chấp vào đối tượng phát triển rất mạnh. Tương tự, khi nghĩ đến kẻ thù, người ta ghét thì những điều xấu được phóng đại làm tâm sân giận hơn. Quá trình phóng đại này là những suy nghĩ không thực tế, đưa đến phiền não.
Từ nguyên nhân thứ 2 đến 6, hãy xem ta hay phạm cái nào nhất. Khi trong tâm vẫn còn hiện diện 1 trong 6 nguyên nhân thì không thể diệt trừ tham, sân, si. Chỉ khi tu tập để giảm bớt các nguyên nhân gây phiền não thì mới từ từ giảm bớt được phiền não.
Bài tập thiền quán tuần này: Học thuộc 6 nguyên nhân gây vọng tưởng. Quán sát xem nguyên nhân nào xuất hiện trong tâm nhiều nhất và tập trung tìm cách khắc phục, giảm bớt. (Bỏ qua nguyên nhân thứ nhất chúng sinh nào cũng có thì thường nguyên nhân 3 & 4 ta sẽ thường mắc phải)
Khi trong tâm hoàn toàn tận diệt được 6 nguyên nhân phiền não, ta sẽ được giải thoát và đạt giác ngộ.
Nguyên nhân thứ 4 (thảo luận) không chỉ đề cập việc gặp gỡ trao đổi trực tiếp, mà còn bao gồm việc trao đổi, tiếp nhận thông tin khi dùng mạng xã hội. Gây ra rất nhiều phiền não trong tâm.
Tâm sân thường quấy rối tâm ta nhiều nhất. Do chấp ngã, ta không thấy sự tai hại của tâm sân. Tâm sân phát sinh phá huỷ tâm an lạc.
Tác hại của phiền não hay còn gọi là lỗi lầm của vọng tưởng: Phiền não trong tâm chính là kẻ thù nguy hiểm nhất đối với người tu hành. Đối với kẻ thù bên ngoài, ta có thể trốn chạy thoát khỏi mối nguy. Nhưng đối với phiền não trong tâm, một khi đã phát sinh sẽ theo ta như hình với bóng, là kẻ thù nguy hiểm nhất. Phải giảm bớt và vượt qua phiền não trong tâm bằng mọi giá.
Học thuộc lòng câu nói của Geshe Ban Gun-gyael: “ Tôi luôn luôn canh giữ cổng vào thành trì tâm tôi với khí giới là những pháp đối trị. Khi vọng tưởng sắp nổi lên, tôi sẵn sàng để dứt nó. Khi vọng tưởng dứt thì tôi mới an nghỉ”.
Mọi pháp tu đang thực hành đều phải hướng đến mục tiêu diệt trừ phiền não trong tâm. Cần xem phiền não là kẻ thù nguy hiểm nhất.
Khi tâm sân phát sinh và tăng trưởng, cần nghĩ rằng kẻ thù nguy hiểm nhất đã xuất hiện, ta cần suy nghĩ cách kiềm hãm lại.
Nếu thực hành luyện tâm đúng như thầy hướng dẫn, theo các pháp luyện tâm trong Lamrim chắc chắn sẽ giảm thiểu được phiền não. Nếu học triết học nhưng không thể giảm thiểu phiền não thì đó là do ác nghiệp của mình.