
Tóm tắt bài giảng - Ngày 15 - Phiền não căn bản
6 Phiền não căn bản : tham, sân, ngã mạn, vô minh, tâm nghi, kiến chấp.
Để chữa được bệnh, trước hết cần biết căn bệnh mắc phải. Sau đó, biết nguyên nhân mắc bệnh. Tiếp theo cần tìm thuốc chữa bệnh. Tương tự vậy, để chữa được tâm bệnh cần biết hết các phiền não mình có thể gặp phải.
- Tâm nghi: bắt đầu đặt câu hỏi không biết có kiếp trước, kiếp sau không? Không biết có nhân quả tồn tại hay không?…
- Ngã mạn: ai cũng có tâm kiêu mạn. Con người rất dễ dàng phát sinh tâm ngã mạn. Khi đã có tâm ngã mạn rồi thì sẽ kéo theo các phiền não khác. Để biết được tâm ngã mạn của mình thế nào thì chỉ cần quán sát xem mỗi ngày khi nói chuyện đã dùng chữ tôi ám chỉ về bản thân mình bao nhiêu lần. Càng dùng nhiều chữ tôi (danh xưng ngôi thứ nhất - từ chỉ bản thân mình: tôi, con, em…) bao nhiêu thì cho thấy tâm chấp ngã của mình to bấy nhiêu.
Có câu chuyện về 3 tên tù nhân. Tên tù nhân thứ nhất nói khi anh đến nhà tù thì chẳng có đường xá, xe cộ gì cả, phải phi ngựa vào nhà tù. Tên tù nhân thứ 2 nói rằng khi anh ta đến nhà tù thì thậm chí ngựa cũng không đi được, phải đi bộ vô nhà tù. Tên tù nhân thứ 3 bắt đầu hỏi: ngựa là gì? Xe là gì? Anh ta cho rằng anh là người từng trải nhất trong 3 người. Ở lâu nhất, từ thời chưa có ngựa, chưa có xe.
Trong chùa đôi lúc cũng có chuyện đó. Đôi lúc các tu sĩ lớn tuổi lâu lâu có người nghĩ rằng tuổi càng cao thì tự xem mình là bậc trưởng lão. Đây cũng cho thấy tâm ngã mạn.
- Vô minh: phiền não tai hại nhất trong các loại phiền não. Vô minh tức là không hiểu rõ bản chất của thực tại.
- Kiến chấp sai lầm nói chung. Có 5 loại kiến chấp sai lầm khác nhau:
Thứ nhất là thân kiến: chấp vào nhận thức của mình về cái tôi, cái của tôi (ngã và ngã sở). Khi đó, sẽ phát sinh tâm tham và sân. Vì khi nghĩ rằng có người nào đó làm tổn hại đến cái tôi hay xâm hại đến tài sản của mình - cái của tôi.
Pháp đối trị tốt nhất để diệt trừ thân kiến đó là bắt đầu nghĩ đến người khác, nghĩ đến lòng từ bi và đối tượng của lòng từ bi. Hệ quả của tâm chấp ngã lúc nào cũng nghĩ đến tôi, cái của tôi. Như là suy nghĩ: cái gì sẽ xảy ra với tôi, cái gì sẽ xảy ra với tài sản của tôi? Thì hệ quả trực tiếp sẽ là căng thẳng, sợ hãi. Tuy nhiên, pháp đối trị này chỉ là cách tạm thời để giảm bớt thân kiến. Để hoàn toàn diệt trừ thân kiến thì cần hiểu được vô ngã - bản chất “không” của ngã. Ngay tại thời điểm hiểu được vô ngã, mình sẽ nhận ra rằng cái tôi không thật hữu, không thật sự tồn tại. Khi đó, mọi khái niệm, suy nghĩ liên quan đến cái tôi, ngay lập tức không còn nữa. Và suy nghĩ về cái của tôi cũng không còn nữa. Để hiểu được Tánh Không và Vô ngã thì có 2 điều quan trọng: Thứ nhất, đi học đều. Vì phần nói về Tánh không sẽ nói ở phần cuối của sách; điều quan trọng thứ 2 là cần có Zoom. Phần còn lại thầy sẽ hướng dẫn cho đến lúc mình hiểu được Tánh không. Trước khi hiểu được Tánh Không thì sẽ không thể nào hoàn toàn diệt trừ được thân kiến. Do đó, pháp đối trị tạm thời là thực hành tâm từ bi. Chuyển đối tượng của tâm sang những người khác để làm giảm bớt đau khổ của người khác. Đó là cách giảm bớt bám chấp vào thân kiến tạm thời. Một trong những hệ quả của chấp ngã là bắt đầu so sánh bản thân với người khác một cách không cần thiết. Để rồi sẽ đau khổ vì những so sánh, toan tính đó. Cách thực hành lòng từ bi đơn giản nhất là nỗ lực nghĩ đến người khác, nghĩ đến tất cả những nỗi đau, đau khổ mà họ đang phải trải qua. Khi mình thấy được, nhớ được nỗi khổ của những chúng sinh khác thì mình cầu nguyện đức Phật sẽ ban gia trì để những chúng sinh đó vượt qua những chướng ngại, đau khổ của họ.
Điều quan trọng khi tu tập là cần liên tục quan sát xem pháp tu đó có hiệu quả hay không. Nếu có lợi thì tốt. Nếu không có lợi thì cần biết rằng pháp tu đó không phù hợp với bản thân mình. Khi đó, cần tìm cách thay đổi cách mình tu tập để có được hiệu quả trên tâm thức của mình.
Kiến chấp - sai lầm thứ hai là cực đoan - biên kiến. Ví dụ nhìn vào thân mình, cho rằng thân đó là thường hằng. Xem mọi thứ là thường hằng, đặc biệt là thấy ngã mình là thường hằng, vĩnh viễn là vậy, không thay đổi… Nếu mình chấp vào cái thấy đó một cách sai lầm như vậy thì phí phạm thời gian của mình. Không tập trung vào những thứ cần làm, mà bị phân tâm bởi những thứ không cần thiết. Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất không phải là kiếm tiền, mà là phải quản lý được thời gian của mình. Vì thời gian là thứ có giới hạn trong cuộc đời này.
Kiến chấp sai lầm thứ ba là kiến thủ - chấp vào cái thấy sai lầm của mình, cho rằng cái thấy của mình là chính xác. Ở đây, cần xem lại quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề nào đó có thật sự đúng hay không, có dựa trên lý lẽ, bằng chứng hay không. Khi có suy nghĩ là mình biết mọi thứ, hiểu rõ mọi thứ thì cần xem xét lại. Khi có khuynh hướng tìm tòi mọi thứ thì tốt hơn.
Kiến chấp sai lầm thứ tư là giới cấm thủ - xem một pháp tu sai lầm nào đó là cách tu tối thượng. Tức là chấp pháp tu sai lầm. Ví dụ, nghe lời những người ngoại đạo cho rằng nếu nhảy xuống sông thì sẽ đạt giải thoát… Nếu tin vào những cách tu đó thì có kiến chấp sai lầm là giới cấm thủ. Vậy đâu là pháp tu tối thượng? Chính là Sống mạnh mẽ và hạnh phúc. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Kiến chấp sai lầm cuối cùng chính là tà kiến - những ý nghĩ cho rằng không có Tam Bảo, không có đời trước, đời sau và không có nhân quả.
Khi nói đến 6 phiền não này, nếu ai đã diệt trừ được hết thì coi như người đó đã tu xong rồi, đã giải thoát và giác ngộ rồi. Nếu diệt trừ được 50% thì xem như đã đi được nửa đường đến giải thoát, giác ngộ.
Thầy hỏi mình có đang thực hành kiểm soát sân giận qua 3 bước thầy hướng dẫn không? Nếu thấy khó là vì chưa quen với nó. Khi đã quen với pháp tu rồi thì sẽ thấy dễ hơn. Cần phải kiên nhẫn, không nản chí khi gặp khó khăn. Một lựa chọn khác, nếu quá khó, không cách nào có thể tiến bộ được thì hãy tận hưởng tâm sân của mình, đừng làm gì cả. Cho nên có nhiều sự lựa chọn trong cách mình tu tập.