Tóm tắt bài giảng - Ngày 15 - Phiền não căn bản
Chủ đề: Nỗi khổ trong cõi luân hồi - Phạm vi trung bình
- Thầy và học viên cùng phát khởi động cơ thanh tịnh trước buổi học pháp. Bắt đầu tụng kệ Quy y Tam Bảo và Phát tâm Bồ Đề (3 lần). Chúng ta đang thực hành pháp Đại thừa, không chỉ nghĩ lợi ích bản thân mà còn phải nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sanh. Khởi động cơ đúng đắn trước buổi học và hồi hướng sau khi kết thúc buổi học thì việc học pháp mới trọn vẹn, thành tựu viên mãn.
- Giới thiệu tóm lược 4 học phần của sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Trong 4 học phần thì Phạm vi nhỏ, Phạm vi trung bình, Phạm vi lớn là quan trọng.
+ Phạm vi nhỏ nói đến mong muốn có được an lạc ở đời này và đời sau, muốn thoát khổ ở 3 cõi thấp (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), tái sanh lên 3 cõi lành (cõi người, cõi phi thiên và cõi thiên), nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ chịu khổ ở cõi luân hồi. Do đó, cần hiểu về Quy Y Tam Bảo và cách tịnh hóa ác nghiệp.
+ Tương tự Phạm vi nhỏ thì Phạm vi trung bình cũng nói về những nỗi khổ ở cõi người, cõi phi thiên, cõi thiên và tâm mong cầu thoát khổ đau trong 6 cõi luân hồi. Do đó, Phạm vi trung bình đề cập chủ yếu đến tâm mong muốn thoát hết khổ trong cõi luân hồi có liên quan đến bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật là Tứ Thánh Đế (Bốn Sự Thật Cao Quý).
1) Sự thật về khổ (Khổ Đế): là những gì ta cần phải biết về khổ.
2) Sự thật về nguồn gốc của khổ (Tập Đế): là nguyên nhân của khổ, là những gì ta cần phải loại bỏ.
3) Sự thật về việc chấm dứt khổ (Diệt Đế): là những gì ta phải chứng đắc.
4) Sự thật về phương pháp chấm dứt khổ (Đạo Đế): là những gì ta phải tu tập, phải thiền, phải thực hành để diệt khổ.
Thầy sẽ hướng dẫn tiếp “Nghĩ về nguồn gốc của đau khổ - các giai đoạn buộc chúng ta vào sinh tử” là Sự thật về nguồn gốc của khổ (Tập Đế).
- Nhận ra vọng tưởng (phiền não) gồm 6 phiển não căn bản và 20 phiền não phụ thuộc.
1/ Phiền não thứ nhất: Tham (Bám chấp)
2/ Phiền não thứ 2: Giận dữ
3/ Phiền não thứ 3: Tâm kiêu mạn
+ Tâm kiêu mạn thường phát sinh khi thấy mình có được những điều hơn người khác về học vấn, kiến thức, sức khỏe, tài sản... Dù có được những thành công nhỏ thôi ta cũng dễ phát sinh tâm kiêu ngạo, nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác. Thỉnh thoảng ta mang tâm kiêu mạn quá lớn nói lời chỉ trích, phê bình cho dù rất nhỏ cũng dễ dàng làm tổn thương bản thân và những người xung quanh.
+ Ví dụ, tại một tu viện có 2 vị Tiến sĩ Phật học, một vị là giáo thọ, học giỏi, vị thầy còn lại học lực trung bình. Cả 2 vị cùng đến chánh điện dự lễ vô tình bị xô ngã. Khi về đến phòng, vị thầy học lực trung bình nghĩ rằng ta thật may mắn không là giáo thọ, cũng học không giỏi nên bị ngã không cần phải nổi tâm sân giận làm gì. Vị thầy còn lại nổi tâm sân, ta là thầy giáo thọ, học giỏi lại bị chen đến té ngã như thế.
+ Như vậy, lỗi lầm của tâm kiêu mạn là so sánh bản thân với người khác, nghĩ rằng ta có năng lực, đức tính, trí tuệ cao hơn người khác, có nhiều tài sản hơn người khác nên không muốn lắng nghe lời khuyên, thu nhận kiến thức, kinh nghiệm từ ai khác… nên sinh ra tâm kiêu mạn.
+ Cách đối trị với tâm kiêu mạn: Ta hãy nghĩ tất cả mọi chúng sinh đã từng có công ơn với mình trong quá khứ, hoặc đã từng là cha mẹ của mình, nên nhiệm vụ của ta là mang đến lợi lạc cho tất cả mọi chúng sinh, phụng sự cho tất cả mọi chúng sinh.
+ Chúng ta thường lễ lạy Tam Bảo, các Bậc Thầy ngồi trên pháp tòa, tỏ lòng tôn kính, khiêm cung và tri ân đã giảng dạy hướng dẫn giáo pháp cho mình.
4/ Phiền não thứ 4: Vô minh
+ Thuộc trong 12 chi phần nhân duyên: Vô minh - Hành - Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu - Sinh - Lão tử.
+ Vô minh thô và vi tế. Vô minh si mê và vô minh tà kiến. Vô minh si mê nhân quả và vô minh si mê chân như.
+ Vô minh chấp ngã là gốc rễ của tất cả các phiền não khác. Để chặt đứt vô minh, ta cần phải phát sinh trí tuệ hiểu biết về tánh không. Trí tuệ hiểu biết rõ về thực tại có được nhờ phân tích, nhận định, phán đoán những điều xung quanh có hợp lý hay không. Nhưng do chúng ta không dùng tâm mình để nhận định, phán đoán và phân tích nên dễ sinh ra phiền não.
+ Ta thường đổ lỗi cho người khác, rằng tại họ nên ta mới gặp hoàn cảnh xấu, không đạt như ý. Từ đó, ta buông lời oán trách, sân giận mà không tìm hiểu, truy tìm hoàn cảnh của họ như thế nào. Ví dụ, Nepal là một đất nước theo truyền thống Phật giáo, nhưng vẫn còn nghi lễ giết dê, trâu để tế thần thì đều do gốc rễ vô minh. Do đó, chúng ta là Phật tử thì cần phải Văn, Tư, Tu, cần phải tìm hiểu phân tích thiền quán ý nghĩa trong kinh văn.
+ Vô minh si mê chân như là vô minh không biết vô ngã, nên từ đó chấp ngã, chấp thực thúc đẩy tạo nghiệp (Học chi tiết ở bài học sau).
5/ Phiền não thứ 5: Tâm nghi
+ Tâm nghi sẽ mang đến phiền não cho mình, như nghĩ rằng không có nghiệp quả, không có Tam Bảo... Không phải tâm nghi nào cũng mang đến phiền não. Ví dụ, một vấn đề đang sai trái ta nghi ngờ nó đúng hay sai thì tâm đó giúp ta phân tích, nhận rõ vấn đề. Còn nếu ta nghĩ không biết nghiệp quả có hay không rồi cho rằng nghiệp quả chắc là không có, hay cho rằng chắc Tam Bảo không có, tâm nghi đó khiến ta phiền não. Tâm nghi được nói ở đây là tâm nghi mang phiền não.
- Kết thúc buổi học: Hồi hướng.