Tóm tắt Bài giảng Lamrim 23 Tuần 43 24/01/2024
3 ác nghiệp trên thân: sát sinh, trộm cắp, tà dâm
- Trộm cắp có thể dẫn đến những nghiệp ác rất nặng nề. Do đó, cần từ bỏ, không trộm cắp. Thậm chí, khi chưa thể hoàn toàn từ bỏ trộm cắp thì ít nhất cũng phải lên lịch thực hành từ bỏ trộm cắp vào ngày thứ 2, thứ 3...và chỉ phạm vào nghiệp trộm cắp vào thứ 4.
Câu chuyện: vào thời Đức Phật, có 1 tên trộm đã trộm quen tay nên không thể ngừng việc trộm cắp được. Đức Phật mới khuyên tên trộm này: nếu không từ bỏ được hoàn toàn thì hãy chỉ ăn trộm vào ban đêm thôi. Tên trộm này cũng rất nỗ lực để làm theo được như vậy - chỉ ăn trộm vào ban đêm, không ăn trộm vào ban ngày. Với nghiệp như vậy, tên trộm sinh ra vào cõi mà ban ngày thì anh ta rất hạnh phúc còn ban đêm thì bị đau khổ.
Nếu so sánh giữa trộm cắp và nói dối thì giới nói dối rất khó giữ. Nên sau này khi thực hành giới nói dối,chúng ta có thể lên lịch ở trong tuần để từ từ làm quen vì không nói dối hoàn toàn là một điều khó. Cho nên trong 10 bất thiện nghiệp thì ngừng hẳn nói dối là một trong những thực hành khó nhất. Vì mình đã quen với việc dùng lời nói dối để khiến người khác vui lòng (lời nói dối vô hại).
Khi đã bị mất lòng tin thì rất khó có lại. Chính vì tác hại đó của việc nói dối nên Đức Phật đã dạy nói dối là 1 trong những bất thiện nghiệp.
- Tà dâm tức là có quan hệ bất chính với vợ hoặc chồng của người khác, người đã có gia đình...
Khi học 10 ác nghiệp này thì mình sẽ biết đâu là thiện hạnh, đâu là ác hạnh. Từ đó cần phải tránh xa ác hạnh và nỗ lực làm thiện.
Định nghĩa của đạo Phật về ác nghiệp: là những hành vi, suy nghĩ mang đến hệ quả xấu - khiến cho chúng sinh (cả mình lẫn người khác) đau khổ.
4 ác nghiệp của lời nói: nói dối, nói lời thô lỗ, nói lời phù phiếm (tán gẫu), nói lời chia rẽ
- Định nghĩa của nói dối: ác nghiệp nói dối chỉ được hình thành khi có người nào đó đã bị lừa bởi hành động hoặc lời nói đó (không có nói dối trong suy nghĩ). Trong cuộc sống, có những tình huống chúng ta không thể nói ra sự thật thì hãy giữ im lặng.
- Lời nói ra đi cùng với động lực làm cho người khác đau khổ thì đó được xem là lời nói có ác ý, lời nói thô lỗ.
- Tán gẫu trở thành ác nghiệp khi có thời gian rỗi, tụ lại nói về khuyết điểm của người khác sau lưng họ. Khi biết được họ sẽ rất đau khổ nên nói về khuyết điểm của người khác trong lúc tán gẫu là ác nghiệp rất nặng bởi nó có 2 tác hại:
+ Phát sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực trong tâm của chính mình.
+ Những lời nói đó có thể vô tình, gián tiếp làm đau khổ cho người mà mình đang nói đến.
Hình thức thứ 2 của ác nghiệp tán gẫu là khi nói chuyện về những chuyện hoàn toàn không cần thiết phải nói ra. Vì khi đó trong tâm mình sẽ phát sinh ra vô số suy nghĩ không cần thiết; thổi phồng mọi thứ lên.
Nền tảng của các pháp thực hành trong đạo Phật phải được bắt đầu bằng việc trì giới (giữ giới), tránh xa làm điều ác. Bước đầu tiên để thiết lập nền tảng thực hành của mình phải là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu (các chất gây nghiện)...