11-06-2022
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 7 – NGÀY 11/06/2022

CHỦ ĐỀ: Nền tảng của đạo lộ - Cách nương tựa vào vị thầy (Thầy Khangser Rinpoche hướng dẫn)

- Có 2 phần quan trọng là phẩm tính đúng mực của một học trò và phẩm tính đúng mực của một vị thầy.

- Những phẩm tính đúng của một vị thầy:

(1) Một vị thầy đúng nghĩa phải giữ gìn các nguyên tắc đạo đức, giới luật cho đúng mực.

(2) Vị thầy phải tin tường về Phật pháp và hiểu rõ các pháp thực hành trong Phật pháp.

(3) Vị thầy không chỉ phải hiểu rõ các pháp thực hành trong Phật pháp, mà còn phải có những trải nghiệm thật sâu sắc về các pháp thực hành đó.

- Ba phẩm tính mà Thầy Khangser Rinpoche vừa hướng dẫn là 3 phẩm tính quan trọng nhất trong số 10 phẩm tính được nhắc đến trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay (xem Quyển 1, trang 405).

- Những phẩm tính đúng của một người đệ tử:

(1) Người đệ tử phải có trí tuệ biết phân biệt đúng sai

(2) Người đệ tử phải thật thà, trung lập, không có tính bè phái.

(3) Người đệ tử phải có tâm cầu pháp.

- Chúng ta cần phải xem một vị thầy là người hướng dẫn chúng ta đi đúng con đường thực hành Phật pháp.

- Điều đầu tiên đối với một người học trò là phải quan sát và phân tích để thấy rõ những phẩm tính đầy đủ và đúng đắn của một vị thầy. Việc quan sát một vị thầy là rất quan trọng. Chỉ sau khi quan sát, phân tích rõ ràng, cẩn thận và nhận thấy vị thầy sở hữu đầy đủ các phẩm hạnh cần có thì chúng ta mới nhận một người làm thầy.

- Trong 3 phẩm tính đúng của một vị thầy được đề cập ở trên, có một phẩm tính là những lời nói và pháp hành của vị thầy đó phải đồng nhất với nhau, tức là bản thân vị thầy đó phải thực hành được những gì mình đã giảng cho học trò. Đó là phần quan trọng nhất chúng ta cần chú ý.

- Về phía người đệ tử, không chỉ phải có trí tuệ để phân biệt đúng sai, người đệ tử cũng phải hiểu được vị thầy của mình. Đây là việc rất quan trọng. Để hiểu rõ vị thầy của mình, điều đầu tiên là đệ tử phải nghe thầy giảng, sau đó dần dần mới có thể hiểu được vị thầy. Về phía người thầy, vị thầy phải có tâm từ bi đối với đệ tử. Như vậy, cần phải có những đức tính phù hợp từ cả hai phía thì mới có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò.

- Có 2 nguyên nhân khiến mối quan hệ thầy - trò bị phá vỡ: Thứ nhất là thầy thiếu lòng từ bi với học trò. Thứ 2 là học trò không hiểu được thầy. Nếu thầy có lòng từ bi với học trò và học trò hiểu được thầy thì mối quan hệ thầy - trò sẽ rất tốt đẹp.

- Khi mới bắt đầu học Phật pháp, chúng ta cần có một người hướng dẫn ta thực hành thế nào cho đúng. Cho nên nhiệm vụ của một vị thầy là hướng dẫn đúng những gì Phật dạy, làm sao để chuyển tải đến học trò những ý nghĩa của lời Phật dạy một cách đúng nhất và không bị sai sót. Còn nhiệm vụ của học trò là lắng nghe lời chỉ dạy từ vị thầy và thực hành theo đúng lời chỉ dạy đó.