TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 65 – NGÀY 27/-1/2024
CHỦ ĐỀ: TRÍ TUỆ BA LA MẬT
- 4 điểm then chốt về tánh không:
(1) Xác định đối tượng cần bác bỏ
(2) Xác định toàn bộ các khả tính
(3) Ngã và Uẩn không phải là một
(4) Ngã và Uẩn không thực sự là khác
- Tánh không chính là bản chất thực tại của tất cả các pháp. Chúng ta cần phát triển được trí tuệ để chứng được tánh không.
- Theo trình tự của sách Giải Thoát Trong Lòng Tay, đầu tiên học về tịnh chỉ, sau đó học về tánh không, phân thành 2 loại là nhân vô ngã và pháp vô ngã. Trong nhân vô ngã và pháp vô ngã, có 2 phần: làm sao nhập định như không gian và sau khi xuất định, làm sao xem tất cả các pháp đều như huyễn. Đó là phần nhập định và xuất định, tức tâm trong định và tâm không ở trong định. Cuối cùng là làm sao phát triển được thắng quán, tức các phương pháp để xây dựng từ tịnh chỉ lên đến thiền quán, rồi phát triển được trí tuệ chứng tánh không. Đó là thứ tự thực hành nếu muốn chứng được tánh không.
- Thiền quán về nhân vô ngã: Sau một quá trình phân tách tất cả các bộ phận trên cơ thể thì cái tôi mình vẫn thường hay gọi không có ở đâu cả. Cái tôi chỉ là tâm thức của mình tự tạo ra mà thôi, chứ trên thực tế không có. Ví dụ, khi ta nhìn vào một bông hoa đẹp, nếu phân tích thì cái gì của bông hoa đẹp khiến mình nghĩ nó đẹp? Cái nào tạo ra vẻ đẹp của bông hoa? Cái đẹp mà ta gán cho bông hoa ấy chẳng nằm ở đâu hết, nó có hay không có chỉ là do tâm thức của mình gán đặt mà thôi. Tương tự, các bộ phận ghép lại với nhau tạo thành thân này. Thân này xem như một tài sản như đầy tớ, cái tôi như ông chủ. Bây giờ tách tim, phổi ra một bên thì cái tôi là cái gì? Có cái gì chỉ vào đó gọi là cái tôi? Phân tích cái tôi đó đứng riêng lẻ đó thì không có. Có vẻ tâm mình sai lầm, tâm mình tự đặt ra cái tôi mà thôi.
- Lấy một ví dụ khác, mắt nhìn vào tay của mình, nếu tay mà có thì tay phải là một với toàn thân hoặc khác với toàn thân. Nhưng ta thấy tay của mình không phải là toàn thân của mình. Một cái gì nếu có thật thì hoặc nó chính là thân của mình hoặc là khác với thân của mình, ngoài ra không có khả năng thứ 3 xảy ra. Ở đây, ta thấy cái tôi đó không phải là thân của mình, cũng không phải khác với thân của mình. Cái gì không phải là thân cũng không phải khác với thân thì cái đó không có. Bởi vì nếu nó có thì nó phải là thân hoặc khác với thân. Đằng này nó không phải là thân, cũng không khác với thân. Ta có thể dùng các lập luận để phân tích cái tôi đó thì thấy cái tôi đó dường như không có. Trong Bát Nhã Tâm Kinh nói rằng tất cả các pháp không có tự tánh, tất cả đều là không thì ý là như vậy.
- Khi ta nhập vào định và thấy rằng tất cả các pháp đều không có tự tánh, nghĩa là quan sát bản chất thực sự của tất cả các pháp thì thấy rằng không có một bản chất cố hữu nào hiện ra trước tâm thức của mình để xác định đó là pháp như thế này, như thế kia. Bởi vì không thấy bất kỳ một pháp nào hiện ra trong cái định đang chứng tánh không nên cái định chứng tánh không đó mới gọi là định như không gian. Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay nói nhập định như không gian với ý nghĩa như vậy.
- Tất cả các pháp đều không có tự tánh, vậy những cảm giác đau khổ, hoặc cảm giác hạnh phúc trên thân chẳng lẽ không có ý nghĩa gì sao? Ví dụ, mình làm việc ác thì có kết quả đau khổ, còn làm việc thiện thì có kết quả hạnh phúc. Chẳng lẽ chuyện trải nghiệm cảm giác hạnh phúc và đau khổ là không có gì khác nhau? Nghĩ như thế là không đúng. Nó có khác nhau chỉ vì cách mình hiểu nó, mình hiểu cảm giác đau khổ có đặc tính cố định gọi là đau khổ, hoặc hạnh phúc có đặc tính cố định gọi là hạnh phúc. Cách hiểu như thế là sai. Ta vẫn có trải nghiệm đau khổ và hạnh phúc nhưng những trải nghiệm đó đều không có tự tánh nên sách Giải Thoát Trong Lòng Tay nói rằng sau định, phát triển thái độ xem tất cả các pháp đều như ảo ảnh là ý như vậy.
- Trong Bát Nhã Tâm Kinh, có câu “sắc tức là không, không tức là sắc…”. Phần đó giải thích là lúc nhập định, ta hiểu sắc tức là không, vì lúc đó ta nhập định và chứng được tánh không của sắc nên lúc đó sắc tức là không. Sau khi xuất định, ta thấy rằng tánh không cũng chính là sắc. Sắc lúc này là ta không còn nghĩ đến một đặc tính cố hữu của sắc để xác định pháp đó là sắc mà thấy rằng bản chất của sắc cũng chính là không.
- Muốn hiểu được tánh không, cần có thời gian lâu dài và phải trải qua trình tự học hỏi kinh điển. Đó cũng chính là lý do Đức Phật lúc mới vừa giác ngộ, Ngài thấy rằng trí trải nghiệm tánh không của Ngài rất thâm sâu, nếu nói ngay thì sẽ không ai hiểu nên Ngài dành khoảng thời gian đầu dạy và dẫn dắt đệ tử, đến thời gian sau mới giảng dạy tánh không. Vì tánh không rất thâm sâu, nên để học và hiểu liền thì rất khó. Lúc Đức Phật giảng pháp lần đầu tiên ở Varanasi (Vườn Nai), Đức Phật cũng không giảng về tánh không. Đức Phật biết lúc đó nếu có giảng về tánh không, đệ tử cũng không hiểu được.
- Để có thể hiểu về tánh không, cần có trình tự học, ví dụ, đầu tiên phải hiểu về vô thường, sau đó hiểu về đau khổ. Nhờ hiểu về vô thường và hiểu về đau khổ thì mới phát tâm buông xả, lúc đó mới học về vô ngã. Học đến vô ngã thì cần hiểu được ý nghĩa của tất cả các pháp mà mình đang biết về nó như thế này thế kia, tất cả ý nghĩa đó đều do tâm mình gán đặt mà ra, dần dần mình đi phân tích các đặc tính đó thì mới hiểu được về tánh không.
- Để phát triển được trí tuệ chứng tánh không cực kỳ khó, quá trình phân tích của mình phải dày công và dựa trên định lực vững vàng. Nếu không có định lực vững vàng thì quá trình phân tích đó sẽ có rất nhiều chướng ngại và ta sẽ không phân tích được tận cùng, rốt ráo bản chất thực tại của tất cả các pháp, như vậy sẽ khó có thể nào chứng được tánh không đúng nghĩa. Đó là lý do ta cần phát triển định lực, cần thực hành tịnh chỉ, có định lực trước thì sau đó khi thực hành thiền quán đến tánh không, mới có được hiệu quả như mong muốn.
- Lúc tổ Tông Khách Ba (Tsongkhapa) có được linh kiến với Ngài Văn Thù thì tổ Tông Khách Ba chưa chứng được tánh không. Bồ-tát Văn Thù đã dạy cho tổ Tông Khách Ba rằng để chứng tánh không, cần 3 điều kiện:
+ Một là phải tịnh hóa ác nghiệp và tích lũy công đức.
+ Hai là phải thỉnh cầu các vị Bổn tôn trí tuệ như Bổn tôn Văn Thù, Ngài Tara để có được sự gia trì, có thêm công đức mới có thể dễ dàng chứng được tánh không.
+ Ba là học tập các kinh điển, các bộ luận của Ngài Long Thọ vì Ngài Long Thọ đã nói đúng ý tánh không từ đức Phật.
- Tổng hợp 3 điều kiện đó mới có hy vọng chứng được tánh không. Bên cạnh đó, Ngài Thánh Thiên, một vị hành giả nổi tiếng ở Ấn Độ, nói rằng cho dù hiện tại mình chưa hiểu được tánh không nhưng nhờ văn và tư, tức chăm chỉ, kiên nhẫn nghe các thầy giảng về tánh không và suy nghĩ về tánh không thì dần đần sẽ tích góp được công đức, sau này sẽ có cơ hội chứng được tánh không.