TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 63 – NGÀY 30/12/2023
CHỦ ĐỀ: TRÍ TUỆ BA LA MẬT (NGÀY 21-22)
- Hôm nay chúng ta học về lập luận để hiểu và thiền quán về tánh không. Quan điểm về tánh không là quan điểm cao nhất trong đạo Phật.
- Khi đức Phật vừa thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, đức Phật đã ngồi im lặng trong 49 ngày. Vì lúc đó đức Phật thấy rằng trải nghiệm tánh không Ngài vừa thực chứng khi nói cho người thế gian thì người thế gian sẽ rất khó hiểu. Cho nên Ngài đã giữ im lặng trong suốt 49 ngày ở Bồ Đề Đạo Tràng.
- Khi đức Phật thuyết giảng quan điểm về vô ngã và tánh không, thì Ngài đã thuyết giảng dựa trên lập luận là chủ yếu chứ không dựa trên niềm tin mù quáng nào cả.
- Nói đến các quan điểm đức Phật giảng dạy theo thứ tự, đầu tiên đức Phật giảng tất cả các hành đều vô thường. Nghĩa là tất cả những gì được tạo ra thì đều thay đổi. Ví dụ, mình được sinh ra thì chắc chắn sẽ chết. Kế tiếp, đức Phật giảng về vô ngã. Ngã chính là tôi, vô ngã là cách hiện tại chúng ta nghĩ về cái tôi như thế nào thì cách nghĩ đó không đúng và cái tôi hiện tại mà ta đang suy nghĩ là không thực hữu.
- Chúng ta hiện tại đang suy nghĩ về cái tôi như thế nào? Ví dụ, bàn tay của mình có phải là cái tôi của mình không, cái đầu/chân… của mình có phải là cái tôi của mình không? Ta đi tìm khắp cơ thể cũng không chỉ ra được bất kỳ bộ phận nào để xác định đó là cái tôi của mình. Cuối cùng chúng ta cảm nhận cái tôi đang ở đâu? Có một số người đang cảm nhận cái tôi đang nằm đâu đó ở ngay trung tâm cơ thể, nhưng khi suy nghĩ và phân tích sâu sắc hơn nữa, ta đi tìm khắp cơ thể cũng không thấy chỗ nào có thể chỉ ra đó là cái tôi. Trong lúc ta đang đi tìm khắp cơ thể mình để xem cái gì là cái tôi thì chỉ tìm ra những thứ không phải là tôi mà thôi. Cho nên khi tìm cái tôi (xem thêm trang 314, quyển 2), thì phải xác định đối tượng cần bác bỏ. Tìm cái tôi thì không phải tìm ở bên ngoài mà phải tìm ở phía trong của mình, xem mình đang bám chấp vào cái tôi như thế nào.
- Xác định đối tượng cần bác bỏ: xác định cái tôi cần bác bỏ và xác định ta đang bám chấp vào cái tôi như thế nào. Giờ chúng ta đi tìm cái tôi để xem cái tôi đang nằm ở đâu, ở bụng, tay, chân…? Quét hết cơ thể của mình xem thử cái tôi đang ở đâu, đang làm gì? Tim, tay, bụng, dạ dày… có phải là cái tôi không. Não có phải là cái tôi không? Quét hết cơ thể xem cái tôi đang ở đâu. Khi tìm khắp cơ thể không thấy bộ phận nào là cái tôi, lúc đó ta có thể suy nghĩ rằng cái thân này không phải là cái tôi mà có thể tâm mới chính là cái tôi. Ta có thể suy nghĩ như vậy. Khi nghĩ tâm là cái tôi, thì trong dòng tâm thức có nhiều loại tâm (tâm thấy hình ảnh bằng mắt, tâm nghe được âm thanh, tâm nhớ về quá khứ, tâm nghĩ về tương lai, tâm đang nghĩ về cái tôi…), ta tìm hoài và thấy rằng những tâm đó cũng không phải là cái tôi. Nếu nói tâm chính là tôi thì phải có cái tâm cố định làm cái tôi, không thể nhảy từ tâm này sang tâm khác làm cái tôi.
- Nếu thân này, cơ thể này của mình thực sự là cái tôi thì ta không thể nào bỏ nó được, không thể nào vứt được vì vứt thân này là vứt luôn cái tôi. Có lúc ta nghĩ thân này là tôi, cũng có lúc ta nghĩ thân này là tài sản của tôi. Giống như khi mình nghĩ phải chi mình có hình tướng đẹp giống người ta, nghĩ vậy là mình muốn vứt thân này để có được một thân khác. Như vậy, ta đang suy nghĩ thân này là tài sản của cái tôi. Điều đó chứng minh cái thân này không thể nào là cái tôi được.
- Dùng lập luận xem xét thấy thân này không thể là cái tôi, lúc đó ta có thể suy nghĩ rằng tâm có thể là cái tôi. Vậy tâm có phải là tôi hay không? Ví dụ, ta thấy một người thông minh rồi ao ước phải chi mình thông minh giống như người đó. Suy nghĩ đó nghĩa là mình muốn thay đổi trí tuệ của mình, muốn bỏ trí tuệ của mình để có trí tuệ giống người kia. Như vậy, ta đang nghĩ tâm thức này là một tài sản thuộc sở hữu của tôi nên muốn thay đổi để có trí tuệ mới.
- Một ví dụ khác, đôi lúc mình buồn, đôi lúc mình vui. Lúc đang buồn, mình muốn vứt bỏ nỗi buồn để có niềm vui. Buồn, vui chính là tâm thức. Lúc đó ta đang nghĩ cái tôi như thế nào? Ta đang nghĩ cái tôi như ông chủ, còn tâm buồn, tâm vui như tài sản, như vật được sở hữu của cái tôi. Cái tôi đang sở hữu tâm buồn, cái tôi đang sở hữu tâm vui. Cái tôi đó muốn vứt bỏ tâm buồn, để có được tâm vui. Như vậy, theo cách suy nghĩ đó, tâm thức và cái tôi là 2 thứ khác nhau, suy ra tâm thức và cái tôi không phải là một.
- Ở đây xác định đối tượng cần bác bỏ tức là xác định xem cái tôi mà mình đang bám chấp như thế nào. Đôi lúc ta nghĩ cái tôi là thân thể của mình, đôi lúc ta nghĩ cái tôi là tâm thức hoặc đôi lúc ta nghĩ cái tôi là cái gì đó đang nằm ở chính giữa trung tâm cơ thể mình. Theo cách bám chấp đó, cái tôi đó đang hiện ra như thế nào, cái tôi đó có hay không có thì ta cần phải quan sát và phân tích.
- Sau khi phân tích, ta thấy mình đang bám chấp vào cái tôi không đúng, là cái tôi sai lầm. Sau khi xác định cái tôi mình đang bám chấp đó là sai lầm, ta thấy một cái tôi như thế là không có. Vì nếu có thì cái tôi phải là thân hoặc là tâm, đằng này không phải là thân cũng không phải tâm cho nên cái tôi đó không có. Trí tuệ biết rằng một cái tôi sai lầm như thế là không có, đó là trí tuệ chứng vô ngã. Cho nên khi giảng về vô ngã, đức Phật nói không có cái tôi chính là không có cái tôi sai lầm. Những điều về tánh không và vô ngã rất thâm sâu, cần có thời gian suy tư nhiều lần thì dần dần mới hiểu đúng quan điểm về tánh không. Theo quan điểm của đạo Phật, cái tôi sai lầm là không có nhưng mặt khác, cũng có một cái tôi tương đối tồn tại theo tên gọi và danh hiệu trong mối quan hệ giao tiếp với nhau.
- Vì sao phải học về vô ngã, về tánh không? Tất cả mọi tôn giáo trên thế giới đều nói về tâm từ bi, tâm yêu thương người khác, giúp đỡ người khác, nhưng quan điểm về tánh không thì chỉ có mỗi đạo Phật nói về quan điểm tánh không mà thôi. Nói đến quan điểm về tánh không, về vô ngã, Ngài Long Thọ đã giải thích rất nhiều ý của Phật trong các bộ luận của Ngài. Tư tưởng của Ngài Long Thọ giải thích rất thâm sâu. Quan điểm vô ngã là một trí tuệ rất cần thiết để diệt hết tất cả phiền não và chấp ngã. Nếu chỉ thiền về tâm từ, tâm bi mà thôi thì dù có phát triển tâm từ, tâm bi rộng lớn đến mức nào đi chăng nữa thì tâm từ, tâm bi cũng không thể đối kháng, diệt hết được tất cả phiền não của mình. Để diệt hết tất cả phiền não thì cần có trí tuệ hiểu biết về vô ngã, cho nên cần hiểu về vô ngã và thực hành về vô ngã.