TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 57 – NGÀY 07/10/2023
CHỦ ĐỀ: CHÍN TRẠNG THÁI TÂM (TIẾP THEO)
- Trạng thái tâm 1: Tập trung gượng ép, còn gọi là nội trụ (xem thêm trang 293, quyển 2).
- Nếu ta có thể thiền tập trung trong vòng 1 phút mà không hề bị phân tâm là đã thành công trạng thái tâm 1. Lấy ví dụ chọn đối tượng là hình ảnh pho tượng Phật. Nếu ta có thể tập trung được vào hình ảnh Phật trong suốt 1 phút mà không hề đánh mất đối tượng và cũng không mất tập trung là đã thành công trạng thái tâm 1. Nếu trong quá trình đó, ta đánh mất đối tượng và nghĩ sang một đối tượng khác thì lúc đó chưa có thành công. Nếu ta có thể thiền tập trung suốt 2 phút là đã thành công trạng thái tâm 2. Nếu tập trung suốt 3 phút là đã thành công trạng thái tâm 3.
- Nếu ta đang tập trung vào hình ảnh Phật mà nửa phần tâm đang tập trung hình ảnh Phật và nửa phần tâm đang suy nghĩ chuyện khác, tình trạng này gọi đó là mất tập trung một phần. Mất tập trung một phần vẫn được xem là tập trung ở lúc này. Chỉ được xem là mất tập trung khi ta mất tập trung hoàn toàn.
- Lấy ví dụ, ta đang tập trung vào hình ảnh Phật Thích Ca, bất chợt mình phân tâm, suy nghĩ lung tung thì cần phải làm gì? Ở đây có một số phương pháp có thể đối trị với những phân tâm như thế:
+ Cách đầu tiên là lúc đó ta không suy nghĩ về hình ảnh Phật nữa mà nhắm mắt lại, tập trung vào hơi thở, hít thở vài hơi, khi nào định tâm trở lại thì lúc đó bắt đầu tập trung tiếp tục vào hình ảnh Phật. Cách này sẽ giúp ta tập trung vào hình ảnh Phật tốt hơn.
+ Một cách khác là khi chúng ta đang tập trung vào hình ảnh Phật mà thấy tâm suy nghĩ lung tung quá nhiều, không tập trung được vào đối tượng thiền thì ta có thể mở mắt, giữ nguyên đầu, nhìn thẳng về phía trước, mắt ngước nhìn lên không gian phía trên trong một lúc. Lưu ý là trong động tác này, không có ngửa đầu nhìn lên, đầu hướng thẳng, chỉ có đảo mắt nhìn lên không gian phía trên. Cách làm này có thể ngưng những suy nghĩ lung tung trong tâm trí mình trong một lúc.
+ Cách thứ 3 là thời xưa người Tây Tạng đặt một ngọn đèn bơ ở phía trên đầu, để lúc đó mình phải ngồi yên, cố gắng tập trung để không làm rơi đèn. Khi để đèn bơ trên đầu thì tất cả mọi giác quan của mình sẽ kéo về tập trung vào đỉnh đầu, sẽ không còn nghĩ lung tung nữa.
+ Phương pháp nói chung ở đây là trong lúc đang cố tập trung vào đối tượng mà bị sao lãng, bị mất tập trung quá nhiều thì hãy ngừng việc thiền đó và làm việc khác như đọc chú, hít thở hoặc đi tới đi lui trong vài phút để tỉnh táo, sau đó mới ngồi thiền trở lại.
- Trong tuần này, chúng ta thiền tập trung vào đối tượng trong 1 phút để đạt được trạng thái tâm 1.
- Đôi lúc tâm trí nhảy lung tung rất nhiều nên ta nghĩ hết chuyện này hết chuyện kia, khiến mình bị phiền não nhiều. Một cách giúp ta bớt phiền nào là cố gắng khiến tâm mình điềm tĩnh trở lại, tập trung trở lại, không nghĩ lung tung nữa. Một trong những phương pháp đó là thiền tịnh chỉ.
- Bây giờ hãy nhìn bức ảnh Phật và tập trung vào bức ảnh trong 3 phút, khi nào bị phân tâm thì đếm số lần bị phân tâm.
- Thứ Bảy 14/10/2023 không có lớp học. Chúng ta tự thực hành trong thời gian lớp học thường lệ tối thiểu 30 phút, tối đa 60 phút. Nếu không ngồi thiền liên tục 1 tiếng được thì hãy ngồi thiền 5 phút rồi nghỉ, đọc chú khoảng 5 phút, rồi tiếp tục thiền 5 phút, cứ như vậy, chúng ta thiền tối thiểu trong 30 phút, tối đa là 1 tiếng. Nỗ lực thiền tập trung vào hình ảnh Phật liên tục trong 1 phút mà không bị phân tâm là đạt trạng thái tâm 1, trong 2 phút là đạt trạng thái tâm 2, trong 3 phút là đạt trạng thái tâm 3.