TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 47 – NGÀY 01/07/2023
CHỦ ĐỀ: 18 LỜI NGUYỆN LUYỆN TÂM (tiếp theo)
- Cốt tủy của pháp luyện tâm xuất phát từ lời dạy của đức Phật:
“Một điều ác nhỏ cũng không được làm
Phụng hành viên mãn tất cả điều lành
Điều phục toàn diện tâm ý chính mình
Đây chính là lời dạy của Phật Đà”
+ Đây là một bài kệ trong kinh Pháp Cú.
+ 2 câu cuối “Điều phục toàn diện tâm ý chính mình/ Đây chính là lời dạy của Phật Đà” nói lên cốt tủy của thực hành Phật pháp: Thực hành Phật pháp phải mang lại kết quả là giúp chúng ta điều phục được tâm mình. Nếu phiền não không còn quấy nhiễu được mình nữa nghĩa là chúng ta đã thành công trong việc thực hành Phật pháp.
VI/ 18 lời nguyện luyện tâm (ngày thứ 19, sách Giải thoát trong lòng tay)
1/ Luyện tâm trong trái với lời nguyện
2/ Đừng xem luyện tâm là khác biệt
3/ Đừng thiên lệch trong pháp luyện tâm
4/ Chuyển tâm nguyện, vẫn giữ tự nhiên
5/ Đừng nói đến các phần khiếm khuyết
6/ Đừng nghĩ đến các việc của người
7/ Phiền não nào lớn, đối trị trước
8/ Bỏ hết kỳ vọng vào kết quả
9/ Bỏ hết mọi thức ăn có độc
10/ Không nương tay với các vọng tưởng
11/ Đừng điên tiết vì lời đùa ác
12/ Đừng chực chờ mong đợi trả thù
13/ Đừng tấn công vào những điểm yếu
14/ Đừng bắt bò theo sức trâu dzo
+ Trâu dzo là con trâu rất lớn ở Tây Tạng, lớn hơn con bò rất nhiều. Con trâu dzo thường được dùng để khuân vác đồ đạc lên các đường núi ở Tây Tạng. Nếu bắt con bò khuân vác theo sức của con trâu dzo thì chắc chắn con bò không làm được vì quá sức của nó. Cho nên nếu thực hành các pháp luyện tâm không phù hợp, không theo sức mình thì sẽ trở thành phản tác dụng, không chỉ không giúp ta hoàn thành các mục tiêu luyện tâm mà khiến tâm có thêm phiền não.
15/ Đừng nên ngắm chạy theo tốc độ
+ Tâm ta có rất nhiều phiền não từ đời quá khứ cho đến bây giờ. Cho nên, chỉ mới luyện tâm trong một vài phút thì không làm sao có thể diệt hết phiền não. Do đó, đừng kỳ vọng rằng luyện tâm sẽ có kết quả ngay lập tức. Luyện tâm cần có thời gian, dần dần tâm mới trở nên thuần thục.
16/ Đừng nên để bùa chú mất linh
+ Phương pháp luyện tâm chủ yếu là để giúp ta diệt trừ phiền não. Nếu luyện tâm mà ta có thêm phiền não thì pháp luyện tâm bị mất tác dụng, cũng giống như bùa chú bị mất linh, nên đừng để pháp luyện tâm của mình trở nên hoang phí.
17/ Đừng khiến thiên thần thành ác quỷ
+ Trong lúc thực hành các phương pháp luyện tâm, điều quan trọng là động cơ phải xuất phát từ tâm bồ đề, tức chính yếu là nghĩ đến làm lợi lạc cho người khác. Nếu động cơ là làm lợi lạc cho cá nhân hoặc làm tổn hại người khác thì đó không phải là luyện tâm.
18/ Đừng tìm hạnh phúc trong bất hạnh
+ Một việc xảy ra có thể tốt cho người này, lại xấu cho người khác. Nếu một việc xảy ra mang đến bất hạnh cho người khác thì chúng ta đừng có lấy đó làm vui. Thấy người khác gặp khó mà ta vui nghĩa là ta tìm hạnh phúc trong bất hạnh của người khác. Đó là trái với pháp luyện tâm.
19/ Đừng để bị lăn theo bánh xe
+ Bánh xe từ bi: Cần tránh từ bi không đúng chỗ. Ví dụ, thấy một người làm việc xấu, ta phát tâm từ bi đối với người đó, cảm thấy tội nghiệp họ vì biết rằng làm việc xấu sẽ cho ra kết quả đau khổ mà người đó phải gánh chịu ở tương lai. Tuy nhiên, thấy người khác cực khổ khi làm việc tốt thì đừng nghĩ tội nghiệp, đó là từ bi không đúng chỗ. Bởi vì việc tốt đó sẽ mang lại kết quả an lạc ở tương lai. Lúc đó ta nên phát tâm hoan hỷ khi người khác làm việc tốt, chứ đừng nghĩ tội nghiệp cho người đó.
- Bánh xe kiên nhẫn: Ví dụ, ngồi thiền lâu, ta cảm thấy đau lưng nhức mỏi thì bỏ thiền, nhưng khi làm những việc vô nghĩa như ngồi hàng giờ xem tivi hoặc tán gẫu với bạn bè thì ta lại rất kiên nhẫn. Đó là việc không nên. Chúng ta cần kiên nhẫn đúng chỗ, đúng lúc và đúng pháp.
- Bánh xe hoan hỷ: Khi ta hoan hỷ với một việc làm của người khác thì cho dù việc đó là tốt hay xấu thì ta cũng bị ảnh hưởng giống y như vậy. Ví dụ, một người khác làm việc tốt và có được công đức mà nếu ta hoan hỷ với việc tốt đó thì ta cũng có phần công đức giống hệt như vậy. Nếu một người làm việc xấu mà ta thấy vui vì chuyện xấu của người đó làm thì trong tâm mình cũng mang theo việc xấu giống như việc xấu mà người đó làm. Do đó, chúng ta chỉ nên hoan hỷ với việc tốt, đừng vui theo việc xấu của người khác làm.
VII/ LỜI KHUYÊN LUYỆN TÂM
1/ Tất cả pháp hành, làm bằng một
+ Nghĩa là tất cả pháp thực hành chủ yếu là để điều phục được chấp ngã của chính mình. Hãy điều phục bằng cách luyện tâm bồ đề theo phương pháp hoán đổi ngã tha. Điều phục chấp ngã bằng phương pháp hoán đổi ngã tha là cốt yếu cho tất cả mọi pháp hành.
2/ Dẹp các xấu xa, làm bằng một
+ Lúc nào chúng ta cũng phải quán sát tâm của mình, nghĩ xem tất cả việc làm, hành động của mình có phù hợp với pháp luyện tâm hay không.
3/ Ở đầu và cuối, làm hai việc
4/ Gặp một trong hai, hãy nhẫn nhục
5/ Giữ hai điều như giữ sinh mạng
6/ Hãy luyện tâm làm ba điều khó
7/ Hãy nên tạo ra ba nhân chính
8/ Thiền đến ba điều không giảm sút
9/ Hãy giữ ba việc không tách rời
10/ Luyện thanh tịnh, không lệch đối tượng
11/ Luyện sâu rộng, xem trọng tất cả
12/ Luôn thiền đến những điều bỏ mặc
+ Khi thực hành luyện tâm bồ đề, không chỉ thực hành luyện tâm bồ đề đối với những người mình yêu thương mà còn cả những người mình không thích.
13/ Đừng nên lệ thuộc vào hoàn cảnh
+ Nếu không có lễ vật thì không làm được chuyện cúng dường, nếu không có chỗ yên tĩnh thì không thiền được. Nghĩ như thế là rất phụ thuộc vào hoàn cảnh. Thực hành các pháp luyện tâm không nên phụ thuộc vào hoàn cảnh mà tự mình điều phục tâm của chính mình.
14/ Từ nay hãy thực hành pháp chính
15/ Đừng nên hiểu lệch lạc sai lầm
+ Khi đã luyện tâm thì hãy hiểu đúng ý nghĩa và cách thực hành của pháp luyện tâm.
16/ Đừng làm việc ngắt quãng, rời rạc
+ Khi đã áp dụng pháp luyện tâm thì phải áp dụng liên tục. Đừng có vui mới làm, không vui thì không làm, hoặc khi có hoàn cảnh tốt mới luyện tâm, còn lúc gặp khó khăn, chướng ngại lại không thực hành. Đừng áp dụng các pháp luyện tâm một cách rời rạc, ngắt quãng, vì như vậy sẽ không mang đến kết quả liên tục và sẽ không có đủ năng lực để diệt trừ phiền não.
+ Trong tâm phải luôn nghĩ rằng ta sẽ giữ vững những lời nguyện luyện tâm. Bây giờ có thể chúng ta cảm thấy khó giữ được những lời nguyện này nhưng hãy cố gắng nỗ lực, ban đầu sẽ thấy khó nhưng dần dần sẽ trở thành quen.
+ Phải luôn có chánh niệm và tỉnh giác để giữ vững các pháp luyện tâm, để khi bất cứ phiền não nào phát sinh, ta đều có thể điều phục được.
17/ Hãy cố gắng chuyên nhất luyện tâm
18/ Giải thoát bằng nhận thức, suy xét
+ Lúc nào cũng phải quán sát tất cả mọi suy nghĩ trong tâm, nếu đó là chuyện xấu, tiêu cực, đi ngược với pháp luyện tâm thì phải tìm cách loại bỏ.
19/ Đừng chăm chú vào việc phóng chiếu
+ Ví dụ, có người vô tình nói không tốt về mình, chỉ một điều rất nhỏ thôi nhưng ta cứ nghĩ đi nghĩ lại về câu nói đó rồi suy diễn sâu hơn. Đó là phóng chiếu của tâm khiến tâm phiền não nhiều thêm.
20/ Đừng tự chuốc bực tức vào mình
+ Đối với việc nho nhỏ không đáng thì hãy cho qua, đừng bỏ hết vào trong tâm mình vì để càng lâu thì sẽ càng sinh ra rất nhiều phiền não.
21/ Đừng tu theo những cơn chốc lát
+ Ví dụ, hôm nay cảm thấy hứng thì thực hành rất nhiều, hôm sau lại chán, không thực hành gì hết. Tu tùy hứng như thế sẽ không hiệu quả. Hãy giữ một tiến độ đều đặn, mỗi ngày làm một ít, cần giữ được sự liên tục trong thực hành pháp.
22/ Đừng mong chờ để được cảm ơn
- Tóm lại, chúng ta hãy luyện tâm với thái độ như sau:
+ Hãy nhìn với tầm nhìn lâu dài, xa rộng hơn, nghĩa là phải áp dụng các pháp luyện tâm trong một thời gian rất dài thì tâm có thể thấm nhuần và thuần phục.
+ Khi luyện tâm, không nên đặt kỳ vọng vào kết quả tức thời.
+ Hãy nỗ lực hết sức trong việc áp dụng pháp luyện tâm để diệt trừ phiền não.
+ Đặc biệt phải giữ được tính liên tục bền bỉ, để pháp luyện tâm ổn định, mỗi ngày làm một ít, đều đặn, để trở thành thói quen thì nó sẽ có tác dụng nhiều hơn, chứ đừng tu tùy hứng.
+ Cốt yếu của thực hành Phật pháp là làm sao tâm không bị phiền não, có được an lạc, hạnh phúc.
- 3 câu cuối của văn bản 7 điểm luyện tâm:
“Mặc cho những gian khó dèm pha
Thỉnh lời dạy phá tan chấp ngã
Giờ đây chết cũng không ân hận”
+ 3 câu này cho thấy tầm quan trọng và sự quý báu của các pháp luyện tâm vì sẽ giúp chúng ta có được an lạc, hạnh phúc và diệt trừ được rất nhiều phiền não trong tâm mình.
- Hãy thường xuyên đọc đi đọc lại văn bản 7 điểm luyện tâm và ghi nhớ trong tâm, để áp dụng ngay khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Đến một lúc ta thấy pháp luyện tâm đó đem lại lợi ích lớn lao, thì khi đó ta dần dần cảm thấy sự thấm nhuần của pháp luyện tâm trong cuộc sống của mình.