24-06-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 46 – NGÀY 24/06/2023

CHỦ ĐỀ: BẢY ĐIỂM LUYỆN TÂM (tiếp theo)

(Theo lời giảng của Thầy Khangser Rinpoche)

Có 7 điểm chính yếu trong văn bản “Bảy điểm luyện tâm”:

I/ Pháp hành sơ khởi: đầu tiên thực hành các pháp sơ khởi

II/ Pháp hành chính yếu: luyện tâm bồ đề

III/ Chuyển nghịch cảnh thành đường giác ngộ

IV/ Một pháp thực hành suốt đời

V/ Chuẩn mực tâm đã luyện (Tâm thuần)

VI/ Lời nguyện luyện tâm:

1/ Luyện tâm không trái với lời nguyện

- Khi luyện tâm, chúng ta không nên làm trái với những lời nguyện luyện tâm. Ví dụ, đức Phật đã dạy ta luyện tâm như thế nào, ta không làm trái với những lời nguyện như thế.

2/ Đừng xem luyện tâm là khác biệt

- Luyện tâm là thay đổi từ bên trong, tôi luyện nội tâm của mình. Còn tất cả các hành vi, ứng xử bên ngoài của mình không được làm khác biệt so với cách ứng xử thông thường ở thế gian. Đừng nghĩ là vì chúng ta luyện tâm nên được quyền đối xử thế này, thế kia với người khác.

- Hãy nghĩ lại xưa giờ chúng ta đã từng hành xử tệ với người khác? Điều này hay xảy ra với người thân trong gia đình. Càng thân với người trong gia đình thì ta càng có xu hướng không kiêng dè trong cách hành xử như khi đối xử với người ngoài.

- Do đó, tuần này, chúng ta hãy điểm lại những mối quan hệ của mình và chiêm nghiệm lại xem ta đã từng đối xử tệ với người khác hay chưa và nếu có, hãy nhớ lại cách ứng xử đó, lỡ sau này có tái phạm thì hãy nói lời xin lỗi với họ. Đặc biệt trong gia đình, nếu phát hiện ta có đối xử tệ với ai đó trong gia đình thì lập tức nói xin lỗi và điều chỉnh lại hành vi chưa đúng của mình.

3/ Đừng thiên lệch trong pháp luyện tâm

- Khi chúng ta luyện tâm thì nên bình đẳng với tất cả mọi người. Chẳng hạn, khi luyện tâm từ bi thì phải đối xử tử tế với tất cả mọi người. Trong số những người đó, có những người mà ta cảm thấy thân thuộc, gần gũi, có những người mà ta cảm thấy xa lạ. Đó là chuyện mối quan hệ của mình, nhưng khi thực hành luyện tâm, ta phải thực hành đối xử bình đẳng như nhau với tất cả mọi người. Trong cuộc sống, sẽ có những người chúng ta thích, có những người chúng ta không thích, nhưng khi đã luyện tâm, như luyện tâm từ bi thì tâm từ bi đó của ta phải bình đẳng với tất cả mọi người. Đây là điều khó để thực hành.

- Để thực hành điểm quan trọng này, trong tuần này, hãy thực hành bài tập nghĩ đến con vật mình yêu thích và con vật mình không thích và thực hành phát tâm từ bi bình đẳng đối với cả 2 con vật này. Ví dụ, khi ta có một chút thức ăn muốn chia cho chúng thì ta phải chia phần thức ăn đều nhau cho các con vật đó. Tiếp đến, ta thực hành nghĩ đến một người mình yêu thương nhất và người mình ghét nhất và thực hành phát tâm từ bi bình đẳng với cả 2 người đó, nghĩa là mong muốn cả 2 người đều có được những điều vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời họ. Nếu thực hành điểm này được thuần phục, thoải mái, không gặp trở ngại gì thì chúng ta đã rất gần với phát tâm bồ đề.

4/ Chuyển tâm nguyện, vẫn giữ tự nhiên

- Điều chính yếu chúng ta cần phải thay đổi là nội tâm, cách suy nghĩ của mình, bằng cách thực hành vô thường, thực hành buông xả, và thực hành tâm bồ đề, còn các hoạt động, hành vi bên ngoài thì vẫn giữ tự nhiên.

5/ Đừng nói đến các phần khiếm khuyết

- Có nghĩa là không nên nói đến các lỗi lầm, khiếm khuyết của người khác.

- Tuần này chúng ta cố gắng không nói xấu, không nói các khiếm khuyết của người khác. Nếu đứng ở vị trí phải có trách nhiệm phải nói lên lỗi lầm của người khác để thay đổi thì chỉ nói trong tình huống đó thôi. Còn trong những lúc tán ngẫu với bạn bè thì đừng nói xấu người khác. Khi đã thực hành luyện tâm, chúng ta đừng nói như vậy vì sẽ trái với lời nguyện luyện tâm.

6/ Đừng nghĩ đến các việc của người

Không chỉ không nói xấu người khác mà thậm chí ngay cả việc nghĩ đến những lỗi lầm của người khác, chúng ta cũng không nghĩ luôn.

7/ Phiền não nào lớn, đối trị trước

- Khi thấy trong tâm mình loại phiền não nào khiến mình khó chịu, hoành hành mình nhiều nhất thì đối trị nó trước. Có 6 loại phiền não căn bản: tham (bám chấp), sân, si, nghi ngờ, kiêu mạn, tà kiến nhưng hãy tập trung vào đối trị 3 loại phiền não là bám chấp, sân hận, kiêu mạn.

- Tuần này, chúng ta hãy quan sát tâm mình và xác định phiền não nào là lớn nhất và đề ra giải pháp khắc phục. Chúng ta cần tự tìm ra giải pháp đối trị với chính phiền não của bản thân thì mới có trải nghiệm thực hành. Phần thực hành tự tìm giải pháp cho bản thân gọi là thực hành thiền quán. Chúng ta tìm phương pháp để giải quyết vấn đề của mình bằng cách dùng trí tuệ để thực hành thiền quán thì sẽ có trải nghiệm của riêng mình.

- Chỉ nghe lời thầy thôi sẽ không bao giờ thành Phật được. Đức Phật thời xưa nghe theo lời thầy của Ngài, nhưng đến một lúc nào đó bản thân Ngài cũng tự dùng trí tuệ xét soi để thực hành thiền quán, sau đó mới có được những trải nghiệm giác ngộ, giải thoát. Nếu không tự phân tích, không tự tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình, chúng ta sẽ không bao giờ thành Phật được.

8/ Bỏ hết kỳ vọng vào kết quả

- Nghĩa là không nên kỳ vọng quá nhiều vào kết quả công việc của mình. Trong công việc hằng ngày, ta bớt kỳ vọng vào kết quả công việc, như vậy mới trải nghiệm được niềm vui trong công việc. Nếu kỳ vọng nhiều mà kết quả không như ý thì sẽ khiến ta đau khổ và khó khăn.

- Trong các lời nguyện luyện tâm, Thầy thích nhất câu “Bỏ hết kỳ vọng vào kết quả”. Chúng ta hãy học thuộc lòng câu này và thực hành theo đúng như vậy, dần dần ta sẽ thấy có nhiều lợi ích cho mình. Cho nên, trong tất cả mọi việc, chúng ta hãy cố gắng làm hết sức có thể, làm tròn bổn phận, không kỳ vọng vào kết quả.

- Trong việc thực hành Phật pháp, đừng kỳ vọng thực hành thế này sẽ có kết quả thế này thế kia, quan trọng là trải nghiệm niềm vui từ quá trình thực hành.

9/ Bỏ hết mọi thức ăn có độc

- Mang danh là làm lợi cho người khác nhưng thực sự không làm lợi gì cho người khác mà chỉ làm lợi cho mình. Những hành vi như thế chính là thức ăn có độc. Gọi là thức ăn có độc là vì nó làm đánh mất tâm bồ đề của mình. Trong khi đó, thực hành tâm bồ đề thì phải có tâm mang lại lợi lạc cho người khác.

- Tránh các hành vi như thế là cực kỳ khó, nhưng ít nhất chúng ta hãy cố gắng từ bỏ, tránh những hành vi “có độc” như vậy.

- Tóm lại, đối với các pháp thực hành luyện tâm, nói đến thay đổi thì tất cả phải thay đổi từ nội tâm, từ bên trong của mình. Thầy nói rằng thực hành Phật pháp cần phải có kết quả tức thì. Nếu đời này thực hành Phật pháp không giúp được mình thì còn trông mong gì đời sau sẽ giúp được mình. Đời này kết quả không có thì đời sau làm sao có được kết quả. Nếu thực hành Phật pháp mà giúp được mình ngay lúc đó, tức chúng ta đang thực hành đúng, thì cứ kiên nhẫn thực hành theo như thế. Còn nếu thực hành điều gì không có kết quả thì có thể ta đã thực hành sai ở đâu đó, cần phải xem lại.

- Khi ta gặp khó khăn, phiền não, thì cố gắng tự tìm giải pháp đối trị với chúng. Nếu áp dụng đối trị trong một thời gian mà không có kết quả thì cách đối trị này không phù hợp, lúc đo ta cần tìm giải pháp khác khả thi hơn. Bài tập chính yếu là chúng ta phải cố gắng tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó khăn, phiền não của mình, hãy tập tự đứng bằng đôi chân của mình trong việc thực hành Phật pháp. Việc chúng ta có tìm được cách tốt nhất để giải quyết phiền não của mình hay không thì không quan trọng bằng việc mình có cố gắng để làm chuyện đó hay không.